Hoàn cảnh gia đình có "giúp" Nghĩa thoát chết?

Ngày mai (11/11), phiên phúc thẩm xử Nguyễn Đức Nghĩa sẽ chính thức diễn ra. Phiên toà này chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân không chỉ bởi tính chất dã man mà còn bởi những biến cố bất ngờ bên ngoài vụ án trong những ngày gần đây.

Bố Nguyễn Đức Nghĩa qua đời vì tai nạn giao thông, mẹ hung thủ viết đơn xin giảm án cho con trai và mời thêm luật sư bào chữa... Nỗi bất hạnh của gia đình và nỗ lực không biết mệt mỏi của cha mẹ liệu có giúp Nghĩa thoát án tử hình?

Hoàn cảnh có "giúp" Nghĩa?

Ngay khi hay tin ông Nguyễn Đức Hùng (cha của hung thủ Nguyễn Đức Nghĩa) mất do tai nạn giao thông, rất nhiều người đã bày tỏ sự thông cảm, chia sẻ những mất mát, nỗi bất hạnh của gia đình ông Hùng. Họ cho rằng, việc khoan hồng cho Nghĩa từ tử hình xuống chung thân không phải vì Nghĩa mà vì người mẹ bất hạnh của hắn. Chồng qua đời, bà Chuân lại phải đối mặt với nguy cơ mất đứa con trai duy nhất của mình khiến không ít người cảm thấy xót xa. Nếu Nghĩa được giảm án xuống chung thân, có lẽ bà còn có chỗ bám víu để vượt lên nỗi đau tưởng như không thể vượt qua.

Dư luận cho rằng những nỗi đau mà gia đình Nghĩa phải chịu chính là sự trả giá cho tội ác mà hắn đã gây ra cho Linh và gia đình ông Ba. Có lẽ hình phạt lớn nhất với Nghĩa là phải sống tiếp chuỗi ngày với đầy ắp những sự đau khổ, dằn vặt. Do vậy, việc để cho Nghĩa sống lại là sự trừng phạt nặng nề nhất.

Chung thân cho những kẻ giết người chặt xác?

Tên Trần Văn Ban (40 tuổi, trú tại xã Lương Hoà, huyện Vĩnh Long, TP.Nha Trang) đã nhẫn tâm giết chết người vợ đầu gối tay ấp của mình trong một cơn nóng giận. Sau khi vợ chết, Ban đã nhẫn tâm dùng hai con dao chặt xác vợ ra làm nhiều mảnh nhỏ để đút xuống hầm rút qua lỗ thông hơi ( đường kính khoảng 10 cm) để phi tang.

Sáng 20/9, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng đã tuyên sửa một phần án sơ thẩm, Trần Văn Ban từ mức án tử hình về tội giết người xuống chung thân vì xét thấy gia đình của bị cáo có công với cách mạng.

Cũng giống như Ban, tên Nghiêm Viết Thành đã giết chết và dùng dao, chặt xác bố đẻ của mình ra thành nhiều mảnh rồi đem vứt xác phi tang. Làm xong tội ác tày trời ấy, Thành thản nhiên mở két, lấy tiền tiêu xài và vẫn đi học bình thường.  Ở phiên sơ thẩm, Nghiêm Viết Thành bị kết án Tử hình vì tội "giết người" và tội "cướp tài sản."

Trong phiên phúc thẩm, Thành cũng được giảm án xuống chung thân do đại diện người bị hại cũng là mẹ và chị gái của hắn có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.

Như vậy, ít nhất đã có hai vụ án giết người chặt xác phi tang đã được hưởng sự khoan hồng của Pháp luật. Nhiều Người cho rằng, rất có thể Nghĩa cũng sẽ có may mắn như họ.

Liệu Nghĩa có thể "may mắn" như họ?

Nghĩa không nhận được sự tha thứ từ gia đình nạn nhân. Họ vẫn mong tội ác cần phải được pháp luật trừng trị một cách đích đáng. Những bất hạnh mà gia đình Nghĩa phải gánh chịu trong thời gian vừa qua không thể làm căn cứ hay "tình tiết giảm nhẹ" tội cho Nghĩa. Đông đảo dư luận vô cùng thương tiếc người cha hết mực yêu con của Nghĩa, chia sẻ nỗi đau của người mẹ mất con, người vợ mất chồng nhưng họ không tha thứ cho tội ác của Nghĩa.

Theo đó, pháp luật phải được thực thi một cách công bằng và nghiêm minh nhất. Kẻ có tội phải nhận những hình phạt xứng đáng với những tội ác mà hắn đã gây ra.

Phán quyết cuối cùng xin giành cho Hội đồng xét xử tại phiên toà sẽ diễn ra vào ngày 11/11 tới.

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Nghĩ đến bố mẹ Nghĩa thấy họ thật tội nghiệp, nỗi đau mà họ phải gánh chịu thật là quá lớn, nhất là giờ đây mẹ Nghĩa đang rơi vào tình trạng tột cùng đau khổ, thật xót xa... Nhưng tội ác mà Nghĩa gây ra đối với PL và những hậu quả gián tiếp đối với những người có liên quan thật nhức nhối, bao nhiêu người phải chịu đau khổ hệ lụy vì tội ác mà hắn gây ra. Nếu xét về cái tình mà xin tha tội chết cho Nghĩa thì tính nghiêm minh của pháp luật nằm ở chỗ nào? Về phía cha mẹ Nghĩa, họ làm tất cả những gì có thể để mong cứu vãn sự sống cho con mình, dù họ cũng ý thức được hậu quả nghiêm trọng mà con họ đã gây ra, âu đó cũng là lẽ thường tình của những bậc làm cha làm mẹ. Dư luận có thể xót thương và cảm thông với họ nhưng pháp luật cũng cần phải giữ tính nghiêm minh thì mới có thể răn đe và duy trì được trật tự xã hội. Tội ác cần phải được xử lý thích đáng theo đúng quy định của pháp luật, Nghĩa mà thoát án tử hình thì xã hội này có nguy cơ loạn mất.