Thị trường điện thoại xách tay đã có từ rất lâu và hiện vẫn song song tồn tại với máy chính hãng. Vì vẫn có rất nhiều đối tượng khách hàng quan tâm đến nguồn hàng nhập không chính thức này nên các cửa hàng nhỏ vẫn “sống được”, thậm chí “sống” rất tốt. Vậy câu hỏi đặt ra là: dưới góc độ người dùng, có nên mua hàng xách tay?
Không nên
Thứ nhất, về chất lượng sản phẩm, hàng xách tay có nguồn gốc không rõ ràng nên chất lượng không thể lường trước. Ngay cả những người trực tiếp bán hàng cho người dùng cũng không thể biết nguồn hàng xuất phát từ đâu, mặc dù vẫn cam đoan với khách hàng của mình rằng đây là máy từ Phần Lan, Singapore, Hàn Quốc,…Nhưng trên thực tế, đa số nguồn hàng về Việt Nam là do những tay buôn Trung Quốc cung cấp, mà nguồn cung ở đất nước này thì nhiều vô kể nên việc tìm kiếm một đợt máy tốt cũng là điều thực sự khó khăn.
Về Việt Nam, hầu như chỉ có vài đầu mối bán sỉ đến các cửa hàng nên giá cả rất thống nhất. Thế nhưng, đôi khi vì cạnh tranh nhau nên các cửa hàng thường thay đổi phụ kiện đi kèm để bán giá thấp hơn, nhằm lôi kéo khách hàng và hạ uy tín đối thủ.
Bên cạnh đó, việc “biến cũ thành mới” là chuyện thường ngày. Vì cửa hàng tự in phiếu bảo hành, tự dán tem lên máy nên việc mua vào máy cũ rồi tân trang để bán với giá máy mới, kiếm lợi nhiều hơn là chuyện thường xảy ra. Đặc biệt, việc mua máy cũ, hàng xách tay ở các cửa hàng không quen biết thì cực kì rủi ro, người dùng nên tránh xa. Vì dòng máy này hiếm khi pin còn tốt, linh kiện còn nguyên vẹn và người dùng không thể biết được “lịch sử” của nó, nên độ rủi ro rất cao.
Làm mới điện thoại cũ chỉ cần vài thủ thuật không khó.
Thêm nữa, hàng xách tay được cung cấp bởi những đầu mối bán sỉ hầu như không có tư cách pháp nhân, nên khi xảy ra sự cố thì các cơ quan chức năng không biết nguồn hàng xuất phát từ đâu để giải quyết cho người dùng, ngoại trừ cửa hàng đã bán ra sản phẩm đó. Khi đó, người dùng chỉ còn biết trông chờ vào uy tín của nơi đã bán máy cho mình, thế nhưng việc người dùng khi đem máy đi bảo hành ở những nơi này bị lảng tránh trách nhiệm, bị từ chối hay thậm chí nạt nộ, xua đuổi là điều mà người viết đã từng chứng kiến.
Ngoài ra, thị trường đã xuất hiện từ rất lâu các mẫu máy nhái, hoặc làm giả theo các mẫu điện thoại nổi tiếng. Nếu người bán bán với giá rẻ, và thừa nhận đó là hàng nhái thì không sao. Trường hợp người bán bán đúng giá chính hãng hoặc/và không cho người mua biết đó là hàng nhái, hàng giả thì người mua sẽ rất thiệt thòi.
Nên, nhưng hạn chế
Với kinh nghiệm của mình, người viết cho rằng nên mua điện thoại chính hãng để được đảm bảo về nguồn gốc và chế độ hậu mãi của máy. Thế nhưng, có những trường hợp mà người dùng buộc phải mua máy xách tay.
Đó là những thương hiệu, những mẫu máy không được nhập chính thức về Việt Nam. Như các dòng điện thoại Nhật, nhiều mẫu của thương hiệu BlackBerry và nhiều thương hiệu lạ khác. Đối tượng dùng các dòng máy này đều có hiểu biết về điện thoại di động nên sẽ có những lựa chọn đúng đắn. Nhưng cũng không nên quá chủ quan vào kiến thức của mình mà quên đi những điều cơ bản. Đừng vì một, hai trăm ngàn chênh lệch mà mua máy ở những nguồn hàng chưa được kiểm chứng.
Riêng đối với những dòng máy xách tay phổ biến như Nokia, Sony Ericsson, Samsung… thì người dùng nên ưu tiên thứ tự như sau: mua máy mới hoàn toàn với chế độ bảo hành ít nhất 12 tháng, mua máy của người quen đang sử dụng tốt, và mua máy ở những cửa hàng lớn hay có quen biết.
Khi mua điện thoại xách tay là các thương hiệu quen thuộc thì nên chọn các cửa hàng uy tín.
Thêm một nguồn hàng xách tay nữa chính là nguồn hàng thực sự được xách tay về theo đúng nghĩa đen, là một vài máy mang về từ các nước uy tín như châu Âu, Mỹ… thì người mua cũng có thể một phần yên tâm mua.
Đặc biệt, nên bỏ chút thời gian tìm hiểu về mẫu máy mình định mua bằng cách tham khảo những người đã dùng trước và tra cứu thông tin trên internet, nắm chắc mọi thông tin về máy để đề phòng những trường hợp đáng tiếc.