Dòng laptop Satellite của TOSHIBA đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam trong 1 khoảng thời gian khá lâu, chinh phục được nhiều khách hàng do cấu hình máy khá tốt nhưng giá thành hợp lý, trong đó nổi bật lên cả là độ bền của máy. Tuy chỉ là dòng máy phổ thông, nhưng các laptop Satellite được trang bị khá nhiều công nghệ cũng như các linh kiện chất lượng cao gần như các dòng cao cấp. Mới đây, TOSHIBA tiếp tục giới thiệu tại thị trường Việt Nam chiếc laptop A665 mới thuộc phân khúc cao cấp của dòng Satellite, có cấu hình dựa trên nền tảng Sandy Bridge mới nhất
từ Intel.
TOSHIBA Satellite A665 được thử nghiệm lần này có cấu hình, thiết kế cũng như giá thành (theo tôi suy đoán) thuộc phân khúc cao cấp của dòng máy phổ thông này. Ngoài việc trang bị cấu hình mạnh mẽ, những tính năng được trang bị bên trong cũng thuộc hàng ‘xịn’. Máy hướng đến đối tượng người dùng thiên về giải trí, cộng thêm vào là độ dày của ví cũng phải thuộc hạng tầm tầm, không mỏng quá cũng không dày quá (nếu dư dả thì đã lên hẳn Qosmio rồi).
Hầu như những gì mới mẻ và hiện đại nhất trong khoảng thời gian gần đây đều được tích hợp lên A665 khiến cho người sở hữu nó có cảm giác như đang cầm trong tay 1 món hàng cực kỳ đắt tiền. Có thể kể sơ ra vài món “đồ chơi” như màn hình lớn, loa Harman/Kardon, USB 3.0, công nghệ Sleep, bàn phím chiclet có đèn nền, card đồ hoạ rời… Tất cả những thứ đấy nằm trong 1 bộ giáp sang trọng, đẹp mắt nhưng không kém phần chắc chắn.
Thùng hộp đựng máy và những phụ kiện đi kèm Satellite A665 như thế nào thì tôi không rõ, lý do là lúc nhận hàng thì hoàn toàn chỉ có máy mà thôi (cả lúc hands-on lẫn lúc review). Tuy nhiên, theo tôi nghĩ với truyền thống TOSHIBA, thùng đựng máy chắc sẽ có thiết kế đơn giản, phụ kiện không có gì hơn ngoài adapter và vài cuốn sách hướng dẫn sử dụng bằng nhiều thứ tiếng. Đơn giản nhưng tiết kiệm được kha khá chi phí so với việc phải bỏ thêm tiền cho những thứ mà ít (hoặc không) khi nào dùng đến.
TOSHIBA Satellite A665 xuất hiện khá sang trọng và bắt mắt. Vỏ ngoài A665 có màu xám lông chuột với các hoa văn nổi dạng đốt tre (hay dây xích) nối tiếp nhau, viền ngoài cùng được sơn bóng cùng màu. Liệu bạn có thấy quen thuộc? Vâng, kiểu thiết kế vỏ máy NCVM IRM Finish như thế này từng được xuất hiện trên model M645, sau khi TOSHIBA thay đổi cách thiết kế từ lúc tiếp nhận phản hồi của người dùng về việc vỏ máy bóng hay bám dấu vân tay. Thật sự với kiểu thiết kế này, tôi cảm thấy khá thoải mái lúc cầm máy cũng như khi sử dụng, không còn lo lắng trầy xước, bám bụi hay dấu vân tay nữa.
Satellite A665 cân nặng 2.68Kg (cả con mèo), 1 trọng lượng vừa phải cho 1 laptop có kích thước đến 16-inch. Bạn liệu sẽ nghĩ rằng 1 chiếc laptop kích thước 16-inch sẽ lớn hơn chiếc laptop kích thước 15.6-inch trước nay của TOSHIBA? Sự thật là A665 khi đem so sánh với L500 của tôi, kích thước hoàn toàn tương đương, thậm chí A665 còn có phần mỏng hơn kha khá. Điểm cộng cho TOSHIBA Satellite A665.
Mặt sau máy khá thoáng đãng, có khá nhiều lỗ thoát hơi nóng cho các linh kiện bên trong. Phần ống tản nhiệt bằng đồng nguyên chất được TOSHIBA khéo léo “khoe hàng”, thoắt ẩn thoắt hiện dưới các khe hở thoát nhiệt.
Mặt trước khá đơn giản, chỉ có 1 khe cắm thẻ nhớ, 7 đèn LED báo tình trạng hoạt động của máy, từ trái sang phải gồm có: cắm adapter, nguồn, sạc pin, ổ cứng, thẻ nhớ, WiFi và mạng viễn thông (máy có khe cắm sim nằm trong hộc chứa pin). Ngoài ra, phía trước TOSHIBA Satellite A665 còn có 1 đầu nhận (hay phát) hồng ngoại gì đấy, không rõ dành cho mục đích gì.
Bên cạnh phải gồm có: ngõ headphone, mic (đồng thời tích hợp công nghệ Sleep and Music), 2 cổng USB 2.0, ổ ghi DVD dạng slot-load sang trọng, gọn gàng, ngõ adapter và cuối cùng là lỗ khoá Kensington.
Bên cạnh trái máy gồm có: cổng USB 2.0, cổng USB 3.0 (đồng thời kiêm thêm nhiệm vụ Sleep and Charge), HDMI, RJ45, D-Sub và khe thoát nhiệt.
Cạnh sau máy như thường lệ, hoàn toàn không có sự xuất hiện của cổng cắm tại đây. Theo cá nhân người viết, thiết kế này trông tốt hơn, tiện lợi hơn do người dùng không cần phải lui cui đứng lên lúc làm việc chỉ để tìm kiếm và cắm vào 1 giao tiếp nào đấy, khá phiền phức. Dĩ nhiên cũng sẽ có ý kiến khác là để các ngõ giao tiếp đằng sau máy sẽ ít gây vướng víu hơn, tuỳ thói quen người dùng.
TOSHIBA Satellite A665 trang bị bàn phím kiểu chiclet hợp thời trang, bàn phím full-size với đầy đủ các phím, kể cả nhóm phím số bên tay phải, thuận tiện hơn cho người dùng hay tính toán và cả chơi game nữa. Ngay phía trên bàn phím là dãy các phím cảm ứng, nằm chung với phím nguồn bằng cơ.
Bàn phím trên A665 có tích hợp đèn nền LED rất tiện lợi cho người dùng khi cần làm việc vào ban đêm hoặc những nơi có ánh sáng yếu. Điều khiển đèn nền phím này khá đơn giản với 2 cách: hoặc tinh chỉnh trong BIOS, hoặc thông qua nhóm phím chức năng (FN + Z); có 3 chế độ: tắt, mở và tự động tắt nếu không sử dụng đến. Lưu ý phần đèn nền phím cũng có ảnh hưởng đến cả đèn dãy phím cảm ứng cũng như thanh LED ở phần touchpad.
Các phím chiclet trên TOSHIBA Satellite A665 chưa thật sự tốt: phím có độ nảy hơi yếu và khi gõ có cảm giác dính tay, phím hơi mềm. Theo 1 người bạn dùng ThinkPad, anh này cho bàn phím trên A665 số điểm 3/5. Đối với tôi, 1 người fan của TOSHIBA, đang dùng Satellite L500 đời đầu với thiết kế phím dạng chocolate, bàn phím trên A665 chưa có độ nảy đạt mức cần thiết, phím mềm hơn nên gõ không sướng tay bằng. Tuy nhiên, khoảng cách các phím tương đối hợp lý nếu không muốn nói là rộng, bề mặt phím bằng phẳng và được phủ lớp sơn bóng mờ, dễ “ăn” dấu vân tay.
Phần đèn nền LED theo tôi nên có thêm tính năng tinh chỉnh độ sáng tối thì tốt hơn, lý do là phần đèn nền này nếu làm việc trong thời gian dài dễ gây ra chói mắt và mất tập trung vào màn hình. Đối với những người chưa quen gõ phím trên A665 hay chưa nhớ hết phím mới gặp bất lợi này, nếu đã quen phím (tôi quen phím trong khoảng 1 ngày sử dụng) thì đèn nền này có thể được tắt đi ngay cả khi ở khu vực thiếu sáng.
TOSHIBA Satellite A665 đã trở lại là chính mình với phần touchpad. Touchpad di khá sướng và cảm giác tốt, sử dụng công nghệ cảm ứng của Synaptics quen thuộc. Khu vực touchpad tương đối rộng rãi, nhưng nếu tăng cường tận dụng hơn nữa, diện tích “sướng ngón tay” của bạn sẽ được tăng lên khá nhiều.
Touchpad vẫn giữ được “chất TOSHIBA”, bề mặt nhám mịn, hoa văn tương đồng và liên tục với phần lót tay; yên tâm là bạn chỉ dễ dàng nhận ra khu vực touchpad trên các model có kiểu vỏ máy NCVM IRM Finish như thế này thôi, với các kiểu sơn Fusion Finish thông thường trước đây, nếu đứng hơi xa bạn rất khó nhận biết diện tích của touchpad.
Ngay phía trên khu vực cảm ứng là thanh đèn LED trắng dài gần hết chiều dài touchpad, vừa có nhiệm vụ báo hiệu tình trạng hoạt động, vừa có nhiệm vụ phân chia ranh giới cho người dùng nhận biết trong môi trường tối (như đã nói ở trên, hoạt động của đèn LED này cũng liên quan đến phần bàn phím). Hai phím bấm trái phải khá đơn giản, có cùng màu sơn và dạng Fusion Finish như phần viền máy. Phím bấm có cảm giác cứng, nảy tốt, kêu tanh tách và dễ bấm hơn ở phần gần giữa 2 phím.
Touchpad trên A665 có khả năng cảm ứng đa điểm, nhận dạng cử chỉ. Bạn có thể chọn cuộn bằng 2 ngón tay, hoặc cuộn bằng 1 ngón ngay rìa touchpad như thông thường, hoặc cả 2 cùng lúc. Zoom 2 ngón, xoay hình cũng là những tính năng hữu ích. Ngoài ra bạn còn có thể sử dụng đến 3 ngón tay với 2 hành động: nhấn (press) và phẩy (flick); hoặc với tính năng Tap Zones cho phép ra lệnh khác nhau tuỳ chọn cho 4 góc của touchpad khi được chạm (tap).
TOSHIBA Satellite A665 đã trở lại là chính mình với phần touchpad. Touchpad di khá sướng và cảm giác tốt, sử dụng công nghệ cảm ứng của Synaptics quen thuộc. Khu vực touchpad tương đối rộng rãi, nhưng nếu tăng cường tận dụng hơn nữa, diện tích “sướng ngón tay” của bạn sẽ được tăng lên khá nhiều.
Touchpad vẫn giữ được “chất TOSHIBA”, bề mặt nhám mịn, hoa văn tương đồng và liên tục với phần lót tay; yên tâm là bạn chỉ dễ dàng nhận ra khu vực touchpad trên các model có kiểu vỏ máy NCVM IRM Finish như thế này thôi, với các kiểu sơn Fusion Finish thông thường trước đây, nếu đứng hơi xa bạn rất khó nhận biết diện tích của touchpad.
Ngay phía trên khu vực cảm ứng là thanh đèn LED trắng dài gần hết chiều dài touchpad, vừa có nhiệm vụ báo hiệu tình trạng hoạt động, vừa có nhiệm vụ phân chia ranh giới cho người dùng nhận biết trong môi trường tối (như đã nói ở trên, hoạt động của đèn LED này cũng liên quan đến phần bàn phím). Hai phím bấm trái phải khá đơn giản, có cùng màu sơn và dạng Fusion Finish như phần viền máy. Phím bấm có cảm giác cứng, nảy tốt, kêu tanh tách và dễ bấm hơn ở phần gần giữa 2 phím.
Touchpad trên A665 có khả năng cảm ứng đa điểm, nhận dạng cử chỉ. Bạn có thể chọn cuộn bằng 2 ngón tay, hoặc cuộn bằng 1 ngón ngay rìa touchpad như thông thường, hoặc cả 2 cùng lúc. Zoom 2 ngón, xoay hình cũng là những tính năng hữu ích. Ngoài ra bạn còn có thể sử dụng đến 3 ngón tay với 2 hành động: nhấn (press) và phẩy (flick); hoặc với tính năng Tap Zones cho phép ra lệnh khác nhau tuỳ chọn cho 4 góc của touchpad khi được chạm (tap).