Toshiba Satellite C640-1001U (mã số PSC02L-001001) là 1 sản phẩm laptop giá rẻ nhằm mục đích phục vụ cho tân sinh viên trong mùa tựu trường sắp tới. Không hào nhoáng, không cao cấp, nhưng những gì C640 mang lại tương đối đủ đáp ứng nhu cầu thường dùng trong học tập và (đôi chút) giải trí. Toshiba C640 có giá tại Việt Nam khoảng 10.500.000 đồng, là 1 mức giá tương đối hợp lý và dễ chấp nhận đối với 1 laptop mang thương hiệu tên tuổi như Toshiba.
Cảm giác đầu tiên cầm máy tương đối chắc chắn, cân nặng tương đối với 2.03Kg. Lớp vỏ ngoài của C640 được thiết kế với vân nổi nhằm tránh việc bám dấu vân tay của người dùng. Vỏ máy không còn bóng bẩy nữa, thay vào đó là 1 màu đen bóng mờ trải đều trên khắp vỏ máy và bên trong máy. Dòng chữ thương hiệu Toshiba có màu bạc mờ và có nét gì đó hơi “cổ điển” một chút.
Nắp máy với 2 cạnh dài được vát xéo, tạo cảm giác mỏng và mềm mại hơn. Sau 1 khoảng thời gian dùng thử, dù lớp vỏ có vân nổi nhưng tôi vẫn thấy có 1 chút bám dấu nay nếu tay người dùng có nhiều mồ hôi; nhưng an tâm, việc lau chùi như thường thấy, khá dễ dàng. Kết cấu thân máy tương đối chắc chắn, tác dụng lực vào thân máy không nhận thấy có sự cong vênh hay lún đáng kể.
Phần nắp máy (cũng là lưng màn hình LCD bên trong) tỏ ra khá yếu. Phần ngay tâm nắp máy chỉ cần 1 lực tác động nhẹ cũng đủ làm lún vỏ máy và ảnh hưởng đến panel LCD bên trong. Cạnh viên màn hình hai bên tương đối cứng chắc nhưng cạnh trên và cạnh dưới khá yếu. Phần nắp máy nơi đặt màn hình thường chịu nhiều lực tác động khi bị cấn hoặc bị các vật nặng đặt lên nhưng thường là nơi có kết cấu kém chắc chắn nhất trên các máy laptop dành cho thị trường phổ thông.
Toshiba C640 không có các cổng kết nối cao cấp nhưng các giao tiếp phổ biến khác vẫn được bố trí đầy đủ. Tôi chú ý thấy các model gần đây của Toshiba có sự thay đổi thói quen về vị trí của ổ quang và khe thoát nhiệt. Hiện tại, khe thoát nhiệt được Toshiba dời sang bên tay phải và ổ quang đẩy sang bên trái, đồng thời lỗ cắm adapter cũng di chuyển sang bên trái (trước đây ngược lại). Điều này có thể không quan trọng lắm với bạn, thế nhưng đối với 1 người trước giờ quen dùng máy Toshiba với cách cắm dây và các thiết bị khác theo 1 thói quen nhất định, việc thay đổi này có thể mất thời gian làm quen lại và hơi bất tiện tí (nếu tôi có ý định đổi laptop Toshiba mới).
Cạnh phải máy gồm các cổng headphone, microphone, 2 cổng USB 2.0, đầu đọc thẻ, jack LAN RJ-45 (không có đèn báo tín hiệu như các model khác), ngõ ra D-Sub, khe thoát nhiệt và lỗ khóa an toàn Kensington.
Cạnh trái chỉ gồm ổ ghi DVD và lỗ cắm adapter. Cạnh trước máy không có gì khác ngoài 2 (chỉ 2 mà thôi) đèn tín hiệu: đèn báo adapter và dùng pin kiêm power; không có đèn ổ cứng, không đèn thẻ nhớ. Các model laptop Toshiba thường có khoảng 5 đèn tín hiệu (chưa kể đèn WiFi) tách biệt nhau về chức năng và khá trực quan. Tuy nhiên, trên C640, số lượng đèn được cắt giảm tối đa, có thể đây là một cách để cắt giảm chi phí sản xuất. Nhưng dù sao thì cũng còn hơn các máy Macbook chỉ có duy nhất 1 đèn (…)
Máy không có cổng eSATA dành cho các ổ cứng ngoài, số cống USB tương đối ít so với mặt bằng chung (thường là 3 cổng); các cổng giao tiếp trên model C640 này tập trung với mật độ dày đặc bên phải, trong khi đó bên trái quá ít và hầu như không có, tạo 1 cảm giác thiếu cân đối trên Toshiba C640. Đặc biệt là khi bạn dùng nhiều kết nối khác nhau, số lượng dây cộng với thiết bị sẽ nằm chi chít ở bên phải và có thể gây khó khăn nối bạn dùng chuột gắn ngoài.
Lưu ý với các fanboy Toshiba, bạn đang đọc ngay phần chán nhất của toàn bộ bài viết này.
Bàn phím trên C640 được bố trí theo kiểu truyền thống với nền phím nằm hẳn trên thân máy. Khoảng cách giữa các phím nhỏ cộng thêm kiểu dáng phím với 2 đường gờ hẹp khiến các phím không tạo cảm giảm tách biệt rõ ràng, sẽ mất nhiều thời gian để làm quen và không bị gõ nhầm. Khớp phím khi gõ hơi cứng, dính, độ nảy thấp, hành trình phím ngắn cộng với mặt phím không chắn chắn. Điều này gây mất điểm cho Satellite C640 vì thông thường bàn phím của Toshiba được đánh giá khá tốt ngay cả ở các dòng máy dành cho thị trường phổ thông.
Bên trong Toshiba C640 chỉ có duy nhất 1 nút nguồn nằm lệch về bên trái phía trên vùng bàn phím. Chỉ có phím Capslock là có đèn báo nằm ngay dưới phím, khi bật tắt Numlock, Toshiba C640 không có đèn báo nên khá bất tiện; người dùng có thể quên là Numlock đang bật và lúc soạn thảo văn bản hơi phiền phức khi phải xóa đi gõ lại (nếu quên và gõ nhầm).
Trái ngược với bàn phím, touchpad trên C640 thực sự đã kế thừa xuất sắc những gì mà các laptop đàn anh trước đã làm được. Vùng cảm ứng vẫn được sơn họa tiết tương tự như các vân nổi xung quanh theo đúng truyền thống của Toshiba. Phần cảm ứng của touchpad có kích thước vừa phải, đủ cho người dùng tung hoành ngón tay khi thao tác.
Nói về khả năng cảm ứng, điều khiển chuột và độ “sướng” thì vẫn như xưa so với các model laptop khác của Toshiba. Rê chuột nhẹ nhàng, nhạy và không hề ngán khi ngón tay bị ẩm là những điểm thực sự đáng khen. Hai phím trái phải nhẹ nhàng, khi ấn phát ra âm thanh tanh tách đanh gọn, mạnh mẽ. Touchpad không có nút cơ bật tắt như các model cao cấp khác. Có thể xem phần touchpad trên Toshiba C640 là mảng bù trừ dành cho bàn phím của máy.
Toshiba Satellite C640 trang bị màn hình gương kích thước 14-inch, độ phân giải 1366 x 768 và dùng công nghệ đèn nền LED tiết kiệm năng lượng. Màn hình có góc mở tối đa khoảng 120 độ. Hai bản lề có vẻ ngoài trông hơi nhỏ với thiết kế khá giống model M645 nhưng chắc chắn. Cũng giống như M645, bạn dễ dàng dùng 1 tay để mở nắp máy, dĩ nhiên là máy được đặt trên 1 mặt phẳng như mặt bàn chẳng hạn, và không cần phải cố định lại phần thân máy (thân máy sẽ bị nhấc lên đôi chút nhưng vẫn ổn). Nắp máy mở ra khá nhẹ nhàng, trơn tru nhưng chắc chắn lúc hoạt động. Khi đóng lại, nắp màn hình chạm vào thân máy tạo nên 1 tiếng “cách” nghe rất gãy gọn và chắc chắn.
Vẫn như trước đây, màn hình hiển thị trên C640 không có gì phải phàn nàn. Hình ảnh rõ ràng, sắc nét, màn hình có độ sáng cao, góc nhìn hai bên khá tốt. Chữ viết trên văn bản rõ ràng, dễ nhìn, thời gian đáp ứng nhanh cho khả năng xem phim khá tốt dù hình ảnh có hơi nhỏ.
Loa tích hợp trên Toshiba C640 mang đúng danh nghĩa và nhiệm vụ của 1 loa laptop tích hợp: chống điếc. Và nhiệm vụ chống điếc này đôi khi còn chưa thực hiện thật tốt do âm lượng quá bé dù đã thiết lập mức cao nhất. Âm thanh nhỏ và thiếu sức sống làm cho đây trở thành 1 khuyết điểm nữa trên model C640. Chip điều khiển âm thanh được dùng là Conexant Cx20585 – một cái tên và mã số chắc là khá lạ đối với nhiều người đã quen với Realtek. Theo tôi, người dùng cần trang bị cho mình 1 tai nghe (hoặc dùng loa ngoài) có chất lượng tương đối nếu muốn thưởng thức âm nhạc hoặc xem phim trên C640.
Toshiba C640 có nhiệt độ hoạt động khá (rất) mát. Trong văn phòng với nhiệt độ phòng khoảng 280C, tôi sử dụng máy để benchmark 3Dmark06 và dùng hỗn hợp, nhiệt độ mặt trên của máy luôn dễ chịu và chỉ hơn nhiệt độ phòng vài độ. Nhiệt độ bên dưới máy có cao hơn nhưng cũng không đến mức gây khó chịu cho người dùng. Một điểm đáng khen cho C640. Đạt được điều này có lẽ 1 phần là do sử dụng vi xử lý P6000 sản xuất trên tiến trình 32nm và sử dụng đồ họa tích hợp đặt ngay bên trong CPU.
Vấn đề lớn nhất trên các laptop chỉ trang bị 1GB RAM DDR3 (Samsung DDR3 1066MHz M471B2873FHS-CF8 CL 7-7-7-20) chính là việc mở và thực thi chương trình khá chậm, người dùng nên tập tính kiên nhẫn hoặc bỏ thêm một ít chi phí để nâng cấp bộ nhớ lên 2GB. Khác với các lần trước, lần này tôi thử nghiệm hiệu năng C640 trên nền hệ điều hành Windows 7 32bit. Một điều khá phiền phức nữa là (như đã nói ở các bài đánh giá laptop Toshiba trước đây) hãng Toshiba dường như (cố tình) quên không trang bị sẵn đĩa driver cho máy; và việc phải tải về cài đặt khá là nhiêu khê (nếu không muốn nói là phiền phức và bực mình). Thiết nghĩ tặng kèm (hoặc thậm chí là tính luôn với tiền bán máy) 1 đĩa driver cho máy cũng không phải là việc phức tạp, Toshiba nên quan tâm chú ý hơn về việc này.
Lần này, do dung lượng RAM chỉ có 1 GB nên chúng tôi thử nghiệm hiệu năng máy trên nền hệ điều hành Windows 7 Ultimate 32bit (Trial). Đầu tiên là phép thử với một vài ứng dụng cho văn phòng cũng như cho nhu cầu giải trí đa phương tiện, gồm có các phép thử với Excel 2007, Winrar 3.9 và Quicktime 7.6.
Tiếp theo là benchmark bằng phần mềm chuyên dụng rất quen thuộc với nhiều người: PCMark Vantage…
Hai phần mềm benchmark (phiên bản 32-bit) khả năng của CPU, đầu tiên là Cinebench R10…
… Cinebench R11.5 mới nhất …
Đo tốc độ ổ cứng bằng HD Tune 2.55
Geekbench 2.1 32bit
Trong lúc chạy thử để đo đạc nhiệt độ của máy, tôi dùng trình benchmark 3DMark 06, và đây cũng là kết quả (mang tính tham khảo)
Không sản phẩm nào là hoàn hảo, đặc biệt là các sản phẩm giá thấp gìanh cho thị trường phổ thông nhưng điều quan trọng nhất, mức giá của chúng lại tiếp cận được với thu nhập của số đông người dùng. Các nhược điểm về phần kết cấu khung màn hình, bàn phím hay loa,… đều có thể chấp nhận được sau một thời gian làm quen với máy. Nhìn chung, nếu Satellite C640 được trang bị tối thiểu 2GB RAM, chúng tôi sẽ xếp máy vào danh sách “khuyên dùng” của vozExpress trong tầm giá dưới 12 triệu đồng. Mức giá khoảng 10,490,000 đồng là phù hợp (với các khuyến mãi đi kèm), nếu bạn cần 1 chiếc laptop phục vụ việc học (nhất là tân sinh viên) thì hãy giành đôi chút thời gian tìm hiểu về Satellite C640.