Đánh giá chi tiết Toshiba Portégé T210?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước

Toshiba Portégé T210 là phiên bản nâng cấp, cải tiến từ model Portégé T110 đã từng được giới thiệu vào cuối năm 2009. Portégé T210 vẫn giữ nguyên phong cách thiết kế dành cho T-Seri với kiểu dáng mỏng, gọn, nhẹ và được cải tiến thêm bằng các chi tiết được dập khuôn và sơn theo công nghê Fusion Chrome Finish độc đáo đem đến những nét tương phản ấn tượng. Toshiba trang bị cho Portégé các bộ xử lý tiết kiệm điện năng thế hệ mới Intel Pentium U5400 hoặc các bộ xử lý AMD Athlon II Neo có hiệu năng cao hơn so với các bộ xử lý Atom trên netbook nhưng vẫn đảm bảo tối ưu thời gian sử dụng pin và nhiệt độ hoạt động của cả chiếc máy tính.

Cấu hình

  • Vi xử lý: Intel Pentium U5400 (1.2GHz, 2 nhân, 3MB cache L3)
  • Bộ nhớ: 2GB DDR3 Bus 1066MHz.
  • Ổ đĩa quang: DVD Super Multi.
  • Ổ cứng: 320 GB SATA 2 (5400 rpm).
  • Chip đồ họa: Intel HD Graphic (bộ nhớ chia sẻ tối đa 729MB)
  • Màn hình: 11.6-inch gương HD (1366×768) LED backlit.
  • Pin: Li-ion 6 cell 48Wh.
  • Hệ điều hành: Windows 7 Home Premium 64 bit
  • Giá tham khảo (Digiworld): 14.200.000 đồng (đã bao gồm VAT).

Định vị thị trường

Các laptop được xếp vào dòng T-seri của Toshiba có “vóc dáng” nhỏ gọn với thiết kế thẩm mỹ bên ngoài được trau chuốt đầy tính thời trang hướng đến đối tượng người dùng phổ thông và cao cấp ưa chuộng các mẫu laptop mỏng-nhẹ, có hiệu năng đáp ứng vừa đủ nhu cầu sử dụng thường ngày.

sản phẩm dòng T-seri sẽ là vũ khí chủ lực để chinh phục nhóm người dùng thường xuyên phải di chuyển liên tục, cần 1 chiếc laptop có thời gian sử dụng pin ‘dài hơi’ và không yêu cầu cao về tốc độ tính toán.

Tuy nhiên, các laptop T-seri hoàn toàn khác hẳn với netbook. Tại thời điểm hiện tại, các bộ xử lý Atom tỏ ra đuối sức ngay cả trong một số tác vụ giải trí thường nhật (như xem phim HD chẳng hạn) và yêu cầu phải có trợ lực từ GPU thì CPU Intel Pentium U5400 (hoặc Atom Athlon II Neo) hoàn toàn có thể đáp ứng được những nhu cầu trên. Bản thân chiếc laptop T210 hoàn toàn có thể trở thành chiếc laptop làm việc và giải trí chính yếu của bạn chứ không đóng vai trò một chiếc máy tính thứ 2 cho nhu cầu di chuyển của netbook.

Xét về đối thủ cạnh tranh với Portégé T210 tại thời điểm hiện tại, Sony Vaio TT gần như là đối thủ duy nhất có đủ “phẩm chất” để so kè với Portégé T210 nhưng bạn cũng biết rồi đấy, giá của Vaio TT không hề rẻ (chủ yếu là do cấu hình cao và cái tên Vaio). Xa hơn, Portégé T210 có thể sẽ phải dè chừng với Macbook Air 11 inch mà ‘giang hồ’ đang đồn đại ầm ĩ liên tục trong vài ngày gần đây. Các hãng sản xuất khác dường như không chú ý nhiều đến dòng sản phẩm 11 inch trung-cao cấp, họ chủ yếu tập trung vào dòng 12-13 inch hoặc đưa hẳn netbook ra nghênh chiến

Kiểu dáng bên ngoài và chất lượng thiết kế

Ngay từ phiên bản đầu tiên của dòng sản phẩm T-seri, T110/T130, các model này đã gây nhiều ấn tượng cho tôi khi xuất hiện với một kiểu dáng hiện đại, bắt mắt nhưng trông vẫn rất chắc chắn. Portégé T210 thừa hưởng nhiều ưu điểm từ mẫu thiết kế trước.

Toshiba Portégé T210 có kích thước 284×202.8×26.2 mm (dàixrộngxcao) và khối lượng lượng 1.48Kg, bằng với mức trung bình của hầu hết các laptop khác có cùng kích thước. Toshiba Portégé T210 có 3 màu sắc cơ bản đỏ, đen và trắng (phiên bản phổ biến tại Việt Nam là đen). Lớp vỏ được sơn theo công nghệ Fusion Finish độc quyền của Toshiba đem lại vẻ ngoài bóng bẩy, sang trọng với các hoa văn độc đáo tạo thành hình gợn sóng trên khắp về mặt của máy, nổi bật ở giữa là logo Toshiba trắng sáng in chìm trên vỏ máy.

Một đặc điểm thú vị khác khi đề cập đến phần vỏ máy chính là các gân nổi bên trong. Mặc dù họa tiết không có gì khác biệt so với phần vỏ ngoài nhưng tất cả đều được dập nổi, công nghệ này mang tên NCVM IRM Finish. Đặc điểm của công nghệ này chính là phần gân thép nổi được đúc hoàn toàn trong môi trường chân không để loại bỏ các bọt khí cũng như tạp chất, có khả năng chống nhiễu điện từ (EMI) cho các thiết bị bên trong, đồng thời giúp cho bề mặt máy không lưu giữ dấu vân tay.

Góc nhìn này cho các bạn thấy một cái nhìn khác về Portégé T210. Phần màn hình dù sử dụng đèn nền LED nhưng tỏ ra vẫn khá dầy nếu so sánh tỷ lệ tương đương với thân máy, điều này cho phép Toshiba có nhiều không gian hơn để gia cố chịu lực cho màn hình, vốn là thành phần có kết cấu yếu cho chỉ cấu tạo bằng các panel LCD cũng như đèn nền LED. Phần đế ở sát gáy được nâng cao hơn so với phía trước nhằm đảm bảo không khí có thể lưu thông ở mặt dưới và rút bớt sức nóng tỏa ra từ Portégé T210.

Cạnh phải của máy bao gồm 2 giắc 3.5 ly (1 cho tai nghe, 1 cho micro, 2 cổng USB được bố trí khá sát nhau (cách rời ra thêm 1 chút sẽ thuận tiện hơn khi gắn các thiết bị USB to-nạc, 1 cổng xuất tín hiệu D-Sub, 1 cỏng LAN RJ45 và lỗ để gắn khoá chống trộm cho máy.

Cạnh trái bao gồm giắc cắm nguồn, khe tản nhiệt, 1 cổng xuất tín hiệu HDMI, 1 cổng combo eSATA/USB hỗ trợ công nghệ Sleep and Charge, khe cắm thẻ nhớ đa năng.

Cạnh trước hoàn toàn không có cổng giao tiếp nào và được Toshiba bố trí thêm 1 dàn đèn LED tín hiệu nguồn, ổ cứng, WiFi, v.v… khá sáng (đủđể bạn chói mắt khi nhìn trực diện vào buổi tối).Tất cả đèn hiệu được đặt lệch sang một bên chứ không nằm ở ngay giữa như Portégé T110.

Bàn phím

Thay cho bàn phím dạng “chocolate” trên T110, Toshiba chọn kiểu bàn phím chiclet đang trở thành ‘mốt’ của laptop trong thời gian gần đây. Vị trí cũng như kích thước các phím hoàn toàn bằng với phiên bản cũ, các phím chữ full-size cùng với một số phím khác bị thu nhỏ. Nếu như dàn phím Function bị thu nhỏ kích thước không ảnh hưởng nhiều đến người dùng do đây là những phím ít khi dùng đến thì ngược lại, phím TAB, 4 phím điều hướng và các phím khác như ALT, Windows sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian để “thuần phục” được chúng, đặc biệt là trong điều kiện chất lượng phím chưa được tối ưu.

Thú thật là tôi đã quên những trải nghiệm của mình với bàn phím của Portégé T110, bạn biết đấy, chỉ 15 phút sử dụng thử ngắn ngủi tại buổi họp báo khó mà lưu giữ được những tiểu tiết, trừ khi chúng thật xuất sắc. Do đó tôi cũng không có cơ sở để so sánh bàn phím của Portégé T210 và T110 nhưng nếu bạn tin tôi thì… bàn phím của T210 quả thật gây khó chịu.

Kích thước và khoảng cách giữa các phím thường dùng (phím chữ) đều đạt chuẩn (kích thước 14x14mm, khoảng cách ngang 19m), nhưng khớp phím hơi cứng, hành trình phím ngắn và phím nẩy mạnh vào giai đoạn cuối hành trình cũng như điểm tiếp xúc giữa chân phím cùng phần mạch không thật nhạy khiến cảm giác gõ phím gây nhiều thất vọng. Gần như tôi phải gồng các ngón tay để tạo lực, đảm bảo mọi cú gõ đều “trúng đích” và chữ xuất hiện trên màn hình. Nếu không? Đôi khi bạn sẽ thấy rằng đã nhấn phím xuống nhưng không thấy phản hồi, đặc biệt là khi gõ nhanh và ngón tay lệch về 1 góc của bàn phím.

Sau Portégé R700, đây là chiếc laptop Toshiba thứ 2 có chất lượng bàn phím được chúng tôi đánh giá không cao. Có lẽ Toshiba cần nghiêm túc xem xét lại vấn đề này.

TouchPad

Kích thước touchpad của Portégé T210 là 6.5 x 3.5 cm, bề mặt nhám, thấp hơn thềm nghỉ tay một chút và được in các hoa văn sọc chéo tương tự như phần vỏ và phần gân nổi mạ crôm trên thềm nghỉ tay và xung quanh bàn phím. Hai phím chuột được mạ crôm tiệp màu với viền crôm xung quanh thân máy. Tương tự như hầu hết các mẫu laptop khác của Toshiba, touchpad của T210 cũng có khả năng hỗ trợ các thao tác chạm đa điểm (cụ thể là 2 điểm).

Bề mặt nhám và được gia công lớp phủ tốt giúp thao tác trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn, không bị rít hoặc quá trượt. Ngoài ra, độ nhạy của touchpad cũng khá tốt, chính xác khi di chuyển cũng như tap click (click chuột). Hai phím chuột trái-phải có dạng khớp cứng với hành trính phím cơ ngắn, hỗ trợ tốt các thao tác click đơn hoặc đôi nhưng với thao tác giữ kéo (drag) sẽ hơi khó khăn hơn đôi chút.

Màn hình

Nhờ kích thước màn hình chỉ 11.6 inch cùng với độ phân giải 1366×768 pixel sẽ tạo nên cảm giác hình ảnh nét hơn so với các màn hình cỡ lớn có cùng độ phân giải do kích thước điểm ảnh bé hơn. Chất lượng hình ảnh không quá xuất sắc nhưng cũng đủ để thỏa mãn các nhu cầu thông thường. Góc nhìn màn hình khá tốt, khi nhìn ở góc ngang khoảng 70 độ so với phương vuông góc vẫn cho hình ảnh rõ và màu sắc không bị thay đổi đáng kể. Màn hình gương dù đã được xử lý chống chói khá tốt nhưng vẫn gặp phải khuyết điểm cố hữu của các màn hình gương khác là phản xạ các vật xung quanh khi môi trường đủ sáng.

Toshiba hoàn toàn có thể nới rộng phần màn hình hiển thị, biến chiếc laptop T210 thành một phiên bản mới với màn hình lớn hơn 12 inch. Điều này sẽ rất tuyệt, chắc hẳn chi phí thêm vào không đáng là bao nhưng sở hữu một chiếc máy màn hình lớn, viền mỏng với kiểu dáng của một chiếc laptop 11 inch chắn hẳn sẽ “sướng” hơn nhiều.

Loa ngoài

Vị trí đặt loa ngoài của Portégé T210 nằm ở bên dưới cạnh trước của thân máy, hướng thẳng về phía người dùng, một đặc điểm thiết kế quen thuộc mà chúng ta hay gặp ở các máy Toshiba có kiểu dáng nhỏ gọn. Kiểu bố trí loa ngoài như thế này có điểm lợi là âm thanh sẽ không bị cản ngay cả khi chúng ta gập màn hình lại, rất thiết thực khi đi cùng công nghệ Sleep and Music của Toshiba. Tuy nhiên, nó cũng có nhược điểm là khi bạn đặt máy trên đùi, độ lớn âm thanh có thể bị ảnh hưởng cho các lỗ thoát hơi cho loa đã bị cản.

Ngoài khả năng giải mã và xuất hiệu âm thanh của chipset Intel, Portégé T210 còn được trang bị chip xử lý âm thanh chuyên biệt Realtek ALC269. Về âm lượng, loa của Portégé T210 có độ lớn vừa phải nhưng vẫn khá hơn nhiều so với một số model laptop khác. Xét về chất âm, loa của Portégé T210 không để lại ấn tượng gì nhiều, mức độ chi tiết trung bình, khả năng thể hiện âm sắc trung bình, nhìn chung là không có gì xuất sắc nhưng vẫn đủ để thoả mãn những ngươi dùng có đôi tai dễ dãi.

Webcam

Chất lượng webcam của Toshiba Portégé T210 ở mức trung bình. Như các bạn thấy ở hình trên, điều kiện môi trường ánh sáng rất yếu (đo vật thể bằng D200 ở iso 800, để vừa đủ sáng theo cảm biến phải đặt tốc độ 1/10s và khẩu độ 1/3.8), mặc dù hình ảnh thu được từ Portégé T210 bị nhiễu khá nặng nhưng vẫn đủ để thấy được chủ thể.

Kết nối không dây

Toshiba Portégé T210 sử dụng card Wi-Fi với chip xử lý chính do Broadcom cung cấp. Khả năng kết nối ổn định và thu sóng tốt của Portégé T210 giúp cho quá trình sử dụng của tôi không gặp bất kỳ khó khăn, rắc rối nào.

Thời gian sử dụng máy

Toshiba Portégé T210 được trang bị pin 6 cell có dung lượng 48WHr, hình dáng hơi dầy hơn khung máy đôi chút.

Khi chế độ Eco mode được tắt, kết quả hơn 4 giờ liên tục chạy ở chế độ web 10 tab và nhiều flash của chúng tôi như thế này là rất tốt. Thời gian sạc cũng khá nhanh mặc dù máy chỉ sử dụng sạc có công suất 45W của Toshiba, đây là loại sạc được cải tiến lại từ các mẫu sạc cũ.

Khi tôi đưa máy này cho Tuti để ghi nhận lại một số ý kiến đánh giá của phái nữ dành cho Portégé T210, các số liệu kiểm nghiệm kết quả sử dụng pin cũng được ghi nhận. Trong điều kiện eco mode được bật, máy chỉ dùng để nghe nhạc (trên Zing), lướt web với 5 tab web xuất hiện thường trực hoặc ít hơn cùng 2 file văn bản và Yahoo Messenger, Portégé T210 có thể hoạt động được trong thời gian 5 giờ 32 phút. Khá ổn…!

Nhiệt độ bề mặt

Portégé T210 được đặt trong môi trường có nhiệt độ khoảng 30*C, thoáng gió, đo trong lúc sử dụng thông thường, không cắm sạc và eco mode được tắt.

Trong điều kiện hoạt động thông thường, luồng gió lưu thông hạn chế, Portégé T210 cũng chỉ hơi ấm ở các khu vực bên trên và bên dưới máy. Khi điều kiện môi trường trở nên mát mẻ hơn với luồng gió đôi lưu điều hòa, chỉ có khu vực bên dưới, xoay quanh touchpad hơi ấm hơn một chút, còn lại các khu vực khác trên máy có thể xem là mát, ngay cả ở khe thoát khí của máy. Nhìn chung là không có gì phàn nàn về nhiệt độ của Portégé T210 và bạn có thể mang nỗi lo về cái hội chứng “da nướng” vớ vẩn quẳng vào thùng rác.

Tốc độ và hiệu năng tính toán

Đầu tiên là phép thử với phần mềm PCMark Vantage, tôi so sánh ở cả 2 chế độ hoạt động Eco On và Eco Off cùng với 2 model laptop khác sử dụng CPU Intel Core i3 330M và Intel Pentium P6000.

Cinebench R10

Cinebench R11

HDTune …

Trải nghiệm thực tế cho thấy khi đặt ở chế độ Eco mode on, Portégé T210 hoạt động tương đối chậm khi phải chạy quá nhiều ứng dụng cùng lúc, đặt biệt là khi chạy các website có flash hoặc nặng về javascript. Khi tắt chế độ Eco mode, mọi việc trở nên dễ thở hơn, vẫn chậm và có hiện tượng gõ nhanh hơn chữ xuất hiện trên màn hình khi nhập liệu trên nền javascript (hoặc Word) nhưng bạn vẫn hoàn toàn khống chế tốt được mọi thao tác của mình.

Kết luận

Bản thân tôi vốn dĩ là người thích các mẫu laptop nhỏ gọn, pin “trâu”, thuận tiện và linh hoạt hơn khi di chuyển nhiều, Portégé là một trong các lựa chọn khá lý tưởng trong tầm giá các máy laptop dưới 15 triệu đồng nếu bạn có gu “chơi” laptop giống tôi. Xét về tốc độ, CPU Intel U5400 có thể vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn được nhu cầu của tôi, đôi khi vẫn cảm thấy máy hơi chậm một chút nhưng sau một thời gian làm quen, mọi việc có vẻ ổn thỏa khi gỡ bớt 1 số phần mềm chạy ngầm của Toshiba ra khỏi máy (dĩ nhiên không phải là các phần mềm vốn rất hay mà tôi đã giới thiệu). Bạn có tham vọng sở hữu một chiếc laptop nhỏ gọn, giá hấp dẫn, tốc độ cao, nhiệt đột hoạt động lý tưởng ư? Vâng, cứ mơ đi.

Tuy nhiên, Portégé T210 sẽ trở nên hoàn hảo hơn nếu như các kỹ sư Toshiba cải tiến bàn phím của chúng trở nên tốt hơn. Tôi từng rất ấn tượng về khả năng nhập liệu bằng bàn phím của netbook Toshiba NB200, tôi muốn chúng xuất hiện trở lại trên Portégé T210 (và có thể là cả T230 nữa). Ngoài ra, việc nới rộng màn hình có thể là một nâng cấp đáng giá khác, không gian làm việc hoàn toàn không thay đổi (do độ phân giải không tăng thêm) nhưng nhìn màn hình rộng, viền mỏng thì khó mà cầm lòng được.

Và cuối cùng, tôi muốn có nhiều màu sắc để lựa chọn hơn, màu đen đúng là dễ dùng, phổ biến nhưng… chán rồi, màu đỏ và màu trắng cũng rất là đẹp đấy chứ.

Ưu điểm
  • Kiểu dáng và thiết kế ấn tượng
  • Nhiệt độ hoạt động lý tưởng
  • Thời gian sử dụng pin tốt
  • Touchpad “ngon”
  • Nhiều phần mềm hữu ích

Nhược điểm

  • Bàn phím không thật sự tốt
  • Sẽ có nhiều người thiếu kiên nhẫn khócóthể làm quen với tốc độ của máy
  • Nhiều phần mềm không hữu ích