Có được vay tiền của người đang ở nước ngoài?

Tôi có người thân ở nước ngoài sẵn lòng cho mượn vốn để làm ăn, nhưng không biết thủ tục. Pháp luật quy định về việc này như thế nào để tôi có thể ra ngân hàng chuyển ngoại tệ để trả nợ. Xin các anh chị tư vấn giúp.

Cảm ơn rất nhiều!

Huyentrinh
Huyentrinh
Trả lời 13 năm trước

Trả lời thủ tục chuyển tiền

Gửi bạn!
Nếu bạn có vay tiền của nước ngoài và muốn trả vay lại cho bên nước ngoài thì bạn cần những thủ tục sau:
- Giấy tờ chứng minh bạn có vay của bên nước ngoài gồm: lệnh ghi có đúng số tiền bên nước ngoài cho bạn vay (điện này bạn có thể liên hệ với ngân hàng mà bạn đã nhận số tiền đó để nhận) và hợp đồng nhận nợ do hai bên ký nhận.
- Nếu khoản vay của bạn trên 12 tháng phải có giấy đăng ký khoản vay với ngân hàng nhà nước(giấy này bạn có thể liên hệ với ngân hàng nhà nước để xin phép)
- Khi chuyển tiền thì ngoài những giấy tờ đó còn cần giấy CMND của bạn và có TK VND tại ngân hàng chuyển, mẫu chuyển tiền lấy tại ngân hàng chuyển.
Bạn có thể liên hệ với mình để chuyển giúp bạn với đầy đủ thủ tục trên theo thông tin sau: Thúy (Chuyên viên Thanh Toán Quốc Tế) -Ngân hàng Techcombank
Add: 61A-63 Võ Văn Tần, P.6, Q.3, HCM Tel: 08 3 930 4532

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Tôi có một vài gợi ý giúp bạn:
- Trước hết bạn nên mở một tài khoản ngoại tệ tại Ngân hàng
- Bạn nhận ngoại tệ vay tại tài khoản và chuyển đổi ra VNĐ khi rút ra kinh doanh.
- Đến hạn bạn có thể mua ngoại tệ ở ngân hàng (nếu ngân hàng bán) hoặc bạn gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ vào tài khoản đó trước khi chuyển trả ra nước ngoài. Khi chuyển ngoại tệ ra ngước ngoài trả nợ vay, bạn phải xuất trình hợp đồng vay hay chứng cứ khác theo yêu cầu của ngân hàng
Giao dịch vay nợ với người ở nước ngoài hoàn toàn hợp pháp. Bạn nên làm hợp đồng vay có dịch thuật, công chứng ra tiếng Việt để thuận tin cho giao dịch sau này. Bạn có thể tham khảo Điều 769, 770, 771 Bộ luật dân sự. Nghị định 160/2006/NĐ-CP về quản lý ngoại hối.

gfhfghgg
gfhfghgg
Trả lời 13 năm trước

Trước tiên bạn cần phải làm những việc sau:

1. Bạn đi tới ngân hàng ở nơi bạn cư trú mở tài khoản trùng với loại tiền mà người bạn của bạn muốn gửi về.

2. Bạn cần giữ biên lai xác nhận của ngân hàng số tiền của người bạn ở nước ngoài gửi về, để sau này có cơ sở bạn đã mượn tiền của người cho vay số tiền là bao nhiêu.

3. Bạn ra rút tiền sau 1 hoặc 5 ngày sau khi người bạn của bạn chuyển khoản từ nước ngoài về.

4. Bạn làm ăn có hiệu quả để trả nợ thế là xong.

Chúc bạn thành công trong công việc.

gj
gj
Trả lời 13 năm trước

Theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 thì pháp luật thừa nhận việc vay và trả nợ nước ngoài của tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Điều 17 Pháp lệnh này quy định: “1. Người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng và cá nhân được vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng và cá nhân phải tuân thủ các điều kiện vay, trả nợ nước ngoài, thực hiện đăng ký khoản vay, mở và sử dụng tài khoản, rút vốn và chuyển tiền trả nợ, báo cáo tình hình thực hiện khoản vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký khoản vay trong phạm vi tổng hạn mức vay vốn nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hằng năm.”

Hiện nay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn đối với hoạt động vay và trả nợ nước ngoài, cụ thể: Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005 của Chính phủ ban hành Quy chế vay và trả nợ nước ngoài, Thông tư số 09/2004/TT-NHNN ngày 31/12/2004 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những văn bản đã được ban hành mới chỉ điều chỉnh việc vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ, của các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp (bao gồm cả khu vực công và khu vực tư nhân).

Đối với trường hợp người vay và trả nợ là cá nhân, Điều 22 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Pháp lệnh ngoại hối có quy định: “Người cư trú là cá nhân chỉ được thực hiện vay, trả nợ nước ngoài khi đáp ứng được các điều kiện về vay, trả nợ nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép”.

Như vậy về nguyên tắc, pháp luật cho phép cá nhân cư trú trong nước được vay và trả nợ nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, pháp luật vẫn chưa có quy định hay hướng dẫn cụ thể nào về hình thức này nên trên thực tế, khó có thể thực hiện việc vay và đặc biệt là việc chuyển tiền để trả nợ nước ngoài.

Tuy nhiên, việc cá nhân ở nước ngoài chuyển tiền vào Việt Nam cũng như việc cá nhân ở Việt Nam chuyển tiền ra nước ngoài - trong một số trường hợp nhất định - cũng vẫn được pháp luật cho phép. Cụ thể là:

- Đối với các trường hợp chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam: Khoản 7 Điều 4 Pháp lệnh quản lý ngoại hối, khoản 7 Điều 3 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP quy định: Các giao dịch chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam hay từ Việt Nam ra nước ngoài qua ngân hàng, qua bưu điện mang tính chất tài trợ, viện trợ hoặc giúp đỡ thân nhân gia đình, sử dụng chi tiêu cá nhân không liên quan đến việc thanh toán xuất khẩu, nhập khẩu về hàng hóa và dịch vụ là hoạt động chuyển tiền một chiều và được pháp luật thừa nhận. Như vậy, pháp luật cho phép cá nhân ở nước ngoài có quyền chuyển tiền cho thân nhân tại Việt Nam nhưng chỉ để phục vụ cho các mục đích nêu trên (không có trường hợp vay và trả nợ)..

- Đối với các trường hợp chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài: Việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài phải tuân thủ các điều kiện và thủ tục chặt chẽ hơn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối thì: “Người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài thông qua tổ chức tín dụng được phép cho các mục đích dưới đây:

a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;

b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;

c) Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;

d) Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;

đ) Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;

e) Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài;

g) Các mục đích chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác”.

Tùy thuộc vào mỗi mục đích chuyển tiền thì cá nhân được chuyển tiền với số lượng khác nhau. Mức tiền được chuyển cụ thể đối với các trường hợp nêu trên được quy định chi tiết tại Quyết định số 1437/2001/QĐ-NHNN ngày 19/11/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về ban hành quy định về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam.

Tóm lại, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc vay và trả nợ nước ngoài của cá nhân tại Việt Nam nên bạn cần thận trọng việc vay tiền của người thân ở nước ngoài để làm vốn kinh doanh.

Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Hồng Hà
114 Phan Kế Bính,
Ba Đình, Hà Nội