Những tiếng kêu không bình thường có thể do lỗi nào đó trong xe. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một vài thiết bị vẫn phát ra âm thanh khi hoạt động ổn định. Vì vậy, chẩn đoán đúng nguyên nhân tiếng kêu sẽ giúp chủ nhân của chiếc xe tránh nhiều phiền toái.
Không giống như mùi vị, đoán bệnh xe qua âm thanh khó khăn hơn bởi chúng thường lẫn với tiếng động cơ và âm thanh ngoại cảnh. Thực sự, phải cần kinh nghiệm và kỹ năng mới có thể "bắt" chính xác bệnh của chiếc xe. Phân biệt tiếng bạc lót bánh xe với tiếng lốp, tiếng phanh bình thường với tiếng va chạm giữa kim loại với kim loại không phải dễ. Khi xuất hiện dấu hiệu âm thanh lạ, hỏng hóc có thể đã nặng và những chẩn đoán bước đầu giúp bạn biết nguyên nhân.
Thử nghiệm đầu tiên
Trước tiên, khi có âm thanh lạ xuất hiện, bạn cần xác định nơi xuất phát của chúng, có thể từ nắp ca-pô, dưới khung gầm (bên trái hoặc bên phải, phía trước hoặc sau). Tiếng kêu xuất hiện khi động cơ đang hoạt động hay tắt máy, khi đang chuyển động hay đứng yên, khi có tải hay không tải. Bên cạnh đó, nhiệt độ môi trường, độ ẩm, điều kiện thời tiết cũng đóng vai trò làm phát sinh các âm lạ.
Những âm thanh bình thường
Xe động cơ đặt trước có quạt ở lưới tản nhiệt. Thông thường, khi động cơ khởi động lần đầu tiên trong ngày, bộ phận khởi động lạnh (ga buổi sáng) trong hệ thống kiểm soát xe sẽ hoạt động (giúp máy chạy cầm chừng với vận tốc cao hơn bình thường), bạn sẽ nghe thấy tiếng “ù ù” một cách liên tục (không giống với tiếng quạt điện công suất cao).
Thuật ngữ "ralenti" (ga-lăng-ty) dùng để chỉ vòng tua thấp nhất mà máy vẫn hoạt động bình thường (không tải). Vào buổi sáng, khi khởi động, vòng tua động cơ cao (khoảng 1.000 đến 2.000 vòng/phút) để máy ấm, sau đó vòng tua sẽ về mức bình thường (800 vòng/phút). Âm thanh này sẽ giảm bớt khi ralenti xuống mức chuẩn. Âm thanh kiểu này có thể xuất hiện lại lúc tăng tốc hay sau một thời gian dài không hoạt động. Đó là dấu hiệu cho thấy khớp quạt tản nhiệt hoạt động tốt.
Hệ thống phun nhiên liệu cũng có những tiếng kêu riêng mặc dù nó hoạt động bình thường. Đặc biệt, khi ralenti ở chế độ cao và xe sử dụng phun xăng điện tử đa điểm, tiếng kêu rõ hơn. Đầu phun có những tiếng "lách cách" đặc trưng và thỉnh thoảng ngồi trong ca-bin vẫn nghe thấy. Lý do là đầu phun dựa trên hệ thống cảm ứng điện tử thu nhỏ cực kỳ chính xác. Mỗi đầu cung cấp nhiên liệu cho một xi-lanh (bằng áp suất cao), vì vậy, chúng sinh ra nhiều tiếng kêu hơn.
Có những âm thanh bình thường khác xuất phát từ hệ thống điều hòa. Ngay sau khi tắt máy, nếu điều hòa vẫn đang hoạt động sẽ xuất hiện tiếng huýt gió liên tục phát ra từ đường dẫn A/C đi qua ca-bin. Thỉnh thoảng, tiếng kêu sẽ bắt nguồn từ cụm hóa hơi nằm dưới hộp đựng đồ. Đó là những dấu hiệu cho thấy hệ thống hoạt động ổn định.
Chẩn đoán
Bỏ qua những âm thanh bình thường xung quanh, bạn nên tập trung vào những tiếng kêu lạ và bắt đầu từ nắp ca-pô. Những dây đai truyền động "nhão" thường sinh ra tiếng rít liên tục. Những tiếng kêu khó chịu này chỉ xuất hiện khi xe bắt đầu chịu tải (bật điều hòa, quay tay lái, bật đèn pha). Khi để lâu và trong những ngày lạnh, dây đai cũ thường bị co lại nên trượt khi chuyển động và gây ra tiếng kêu kiểu trên. Vì vậy, hãy kiểm tra các thiết bị đó và kiểm tra dây đai đã "rã" hay chưa.
Những thiết bị có sử dụng dây đai truyền lực như bơm nước, máy phát điện, máy nén điều hòa thường sinh ra tiếng "gầm", tiếng "vo vo" hay tiếng "rên" khi chúng hoạt động không đúng (thường gây nên bởi lỗi bạc trong). Tiếng kêu kiểu này thường thay đổi khi có tải trọng (động cơ đang làm việc).
Trong ống góp khí nạp chân không, nếu các ống bị vỡ hoặc hở, tiếng "huýt gió" xuất hiện và càng tăng khi động cơ hoạt động. Nếu tiếng kêu dữ dội hoặc ralenti cao, đèn cảnh báo tình trạng không bình thường của động cơ sẽ sáng. Tiếng "lóc cóc" xuất phát từ vị trí trên của lốc máy (đặc biệt rõ khi khởi động nguội hay sau một thời gian dài không hoạt động) có thể do động cơ bị mòn nghiêm trọng hoặc mức dầu quá thấp. Hãy kiểm tra mức dầu và thay dầu mới nếu cần. Nếu tiếng kêu vẫn còn khi bổ sung thêm, chứng tỏ dầu có thể bị sủi bọt do quá lâu không được thay.
Để kiểm tra tiếng kêu từ khung gầm, bạn hãy lái xe nhưng nên nhớ rằng những tiếng "rít nhẹ" vẫn xuất hiện nhỏ và đều đặn từ hệ thống phanh do độ ẩm và nhiệt độ trên đĩa phanh. Những chiếc phanh bị mòn nhiều thường có tiếng "loẹt xoẹt" do ma sát giữa má và đĩa phanh. Nếu không sửa chữa kịp thời sẽ rất nguy hiểm do hiệu quả phanh giảm.
Hệ thống xả có tiếng "tích tắc" hoặc "lách cách" (đặc biệt rõ sau một cú nhấn ga mạnh) là hoàn toàn bình thường do hệ thống làm mát hoạt động. Nếu bạn nghe thấy tiếng "phù phù" khi đang lái chứng tỏ có lỗ thủng trong hệ thống và cần sửa chữa ngay.
Âm thanh lạ cũng thường xuất hiện trong hệ thống lái. Rất nhiều xe có hệ thống "stop" gắn với trục nhằm giới hạn khoảng chạy tay lái trong phạm vi nhất định và tiếng kêu có thể xuất phát từ đây. Nếu tiếng kêu chỉ xuất hiện khi hết lái thì có thể có hai khả năng. Thứ nhất, do cardan đồng tốc yếu và kêu khi có tải. Thứ hai, do bạc đạn của bộ treo giảm chấn của đầu phuộc trước bị hỏng.
Những tiếng kêu xuất phát từ hệ thống gầm có thể do bạc bánh bị mòn và có âm "kẽo kẹt", đặc biệt khi vận tốc trong khoảng 60 km/h. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tiếng kêu do lốp mòn cũng tương tự.