Mô tả sản phẩm: Nikon D800 Body
Dải ISO cơ bản của Nikon D800 là 100 – 6.400, nhưng có thể được mở rộng từ 50 - 25.600. Trong khi D700 không có tính năng quay phim, D800 có khả năng quay phim ở độ phân giải lớn nhất hiện nay: Full HD 1080p với tốc độ 30/24p và 720p với tốc độ 60/30p. Nó thậm chí còn cho phép quay với tín hiệu 1080p không nén thông qua cổng HDMI (8 bit, 4:2:2).
Dự kiến chính thức có mặt trên thị trường từ cuối tháng 3/2012, Nikon D800 có mức giá bán lẻ đề nghị là 3.000 USD. D800 còn có một anh em song sinh là D800E, khác biệt với D800 ở khả năng loại bỏ những hiệu ứng bất lợi từ bộ lọc khử răng cưa (bộ lọc LPF - low-pass filter, hay còn được biết đến với tên gọi khác là bộ lọc Anti-aliasing, bộ lọc AA, blur filter), cho phép hình ảnh sắc nét hơn. Theo Nikon, model này cũng sẽ nhạy cảm hơn khi tạo ra các chi tiết nổi hạt (moiré patterns) trong những bức ảnh có các chi tiết lặp lại. Giá của D800E là 3300 USD.
Thiết kế
Giống như tiền nhiệm D700, Nikon D800 là một máy ảnh có kích thước lớn 146 x 123 x 81.5mm, nặng tới 900g chỉ tính riêng thân máy. D800 nhẹ hơn D700 gần 1 lạng (95g).
Tương tự như với D4, Nikon D800 có phần báng cầm tay hơi thấp xuống phía dưới, cho phép tách biệt hơn với phần nút chụp và bánh xe điều chỉnh các lệnh thứ cấp. Nút màn trập cũng vừa vặn hơn với ngón trỏ, và bánh xe dễ xoay chỉnh hơn. Nút xem trước độ sâu trường ảnh (Depth-of-field) và nút Functions có hình chữ D cũng thuận tiện cho việc bấm nút trong lúc chụp. Khi quay phim, hai nút này có thể phục vụ cho việc điều chỉnh tăng giảm khẩu độ.
Phía tay phải của mặt trước máy khá giống Nikon D4, với một số thay đổi nhỏ. Thay vì một dấu chấm sơn trắng nằm ngay phía ngoài của ngàm gắn ống kính dùng để xác định vị trí lắp đặt đúng ống kính, dấu chấm này nằm dịch ra hẳn bên ngoài và nằm ngay dưới nút kích hoạt flash.
Mặt trước của Nikon D4
Thay vì có 3 nút ở phía trái của mặt trên máy, Nikon D800 có 4 nút hình lá cỏ ba lá, trong đó nút mới thứ tư là nút điều chỉnh chế độ chụp Bracketing (nút BKT, cho phép chụp nhiều ảnh liên tiếp với các giá trị phơi sáng khác nhau). Ba nút còn lại là chỉnh cân bằng trắng, thiết lập ISO và điều chỉnh chất lượng ảnh (thay đổi độ phân giải và độ nén của ảnh). Bao quanh 4 nút trên là bánh xe điều chỉnh chế độ chụp (mode dial), trong đó các ký hiệu chế độ chụp được in luôn trên thân bánh xe (xem thêm ở ảnh dưới).
Mặt trên của Nikon D800
Mặt sau D800, với nút Mode Dial (trên cùng bên trái) kiểu mới
Phía bên phải cũng có một nút mới, thay thế cho vị trí truyền thống của nút Mode. Đó là nút quay phim, mà người dùng có thể thay đổi và gán vào một nút chức năng nào đó. Một núm xoay điều chỉnh đi-ốp nằm ngay bên cạnh kính ngắm quang, khi điều chỉnh thì kéo nó ra và ấn vào khi đã chỉnh xong. Núm chỉnh đi-ốp này hơi dày hơn so với D700 nên dễ xoay hơn.
Hầu hết các nút điều chỉnh ở mặt sau của Nikon D800 đều khá giống với D700, trừ một số ngoại lệ. Dãy 5 nút ở bên trái màn hình không đổi, nhưng các nút zoom in/zoom out được thay đổi vị trí cho hợp lý hơn, tức là nút phóng to nằm ở trên và nút thu nhỏ nằm ở dưới. Tất nhiên điều này sẽ khiến các tay máy đã quen dùng D700 và thực ra là tất cả những người đã quen dùng máy ảnh DSLR của Nikon phải… làm quen lại. Nút gạt chọn AF (chọn điểm lấy nét) đã được thay bằng nút chuyển đổi giữa hai chế độ chụp ảnh tĩnh và quay phim, với nút Live view (ký hiệu Lv) nằm ở giữa. Kính ngắm vẫn có một cửa trập để đóng kính ngắm lại nhằm tránh ánh sáng làm ảnh hưởng việc đo sáng.
Cách bố trí các nút trên mặt sau của Nikon D700 có một số khác biệt với D800
Sử dụng Nikon D800 có thể mang lại những cảm giác quen thuộc như khi dùng D700. Kính ngắm khá lớn với vùng phủ 100% và màn hình lấy nét Brite View Mark VIII. Nikon không công bố thời gian chờ gương lật, nhưng D800 được đánh giá là một trong những máy ảnh nhanh nhất, cho phép nhanh chóng chụp bức ảnh tiếp theo.
Mặc dù nút đồng bộ đèn và cổng cắm điều khiển từ xa vẫn được giữ nguyên, nhưng Nikon đã thay đổi một chút phần nắp che bằng cao su.
Nằm cạnh nút đồng bộ đèn và cổng cắm điều khiển từ xa 10-pin là một cổng microphone mới có 3 lỗ nhỏ.
Nút chọn chế độ lấy nét AF của D800 tương tự như trên Nikon D7000.
D800 là máy ảnh DSLR đầu tiên cung cấp kết nối USB 3.0, giống với một đầu nối Micro-B. Phía trên và dưới là jack cắm microphone và headphone chuẩn 3.5mm, cộng một cổng nối Type-C Mini HDMI.
Trong khi D4 được trang bị một khe cắm thẻ nhớ hỗ trợ định dạng thẻ nhớ mới tinh XQD, thì D800 vẫn "bảo thủ" với một khe cắm CF và một khe SD.
Thay thế bộ pin EN-EL3e trên D700 bằng bộ pin EN-EL15 tương tự như D7000 và Nikon V1, cho số ảnh chụp mỗi lần sạc pin đầy là 900 shot.
Cảm biến
Nikon D800 được trang bị một cảm biến CMOS định dạng FX mới được phát triển, cho độ phân giải hiệu dụng 36.3-megapixel, một bước tiến lớn từ cảm biến 12.1 megapixel của tiền nhiệm D700. Tổng độ phân giải của cảm biến mới này, có kích thước 35,9 x 24,0 mm, là 36.8 megapixel.
Với tỉ lệ cạnh 3:2 của cảm biến, Nikon D800 cho ra hình ảnh có độ phân giải lên tới 7360 x 4912 pixel. Ngoài ra còn có hai tỉ lệ 3:2 khác mang lại hệ số crop 1.2x hoặc 1.5x (giống với định dạng DX), và một tỉ lệ 5:4 sử dụng chiều cao đầy đủ của cảm biến, nhưng cắt bớt hai cạnh.
Trong tất cả các chế độ, đều có 3 tùy chọn về độ phân giải ảnh, trong đó độ phân giải trung bình có thể cho ảnh 20.3 megapixel, còn mức phân giải thấp nhất cũng cho ảnh 9.0 – gần bằng độ phân giải đầy đủ của D700.
Chống răng cưa
Như hầu hết các máy ảnh dùng bayer-filtered (tăng số lượng điểm ảnh màu xanh lá so với các màu đỏ và xanh dương để mang lại cảm nhận thực hơn đối với mắt người), Nikon D800 sử dụng một bộ lọc khử răng cưa (low-pass filter - LPF), nằm ngay phía trên của cảm biến ảnh. Mục đích của bộ lọc này là làm mờ ánh sáng trên một điểm ảnh, do đó tránh được những hình răng cưa xuất hiện trên ảnh (còn gọi là moiré pattern). Thật không may, bộ lọc LPF này cũng loại bỏ một số chi tiết ảnh và làm giảm độ sắc nét trên từng điểm ảnh. Trong một số loại hình nhiếp ảnh, như ảnh phong cảnh hoặc ảnh studio, moiré thường không được xem là vấn đề lớn đối với các tay máy. Nếu bạn thường xuyên chụp ảnh dạng này, việc làm mờ của bộ lọc LPF chắc chắn sẽ làm giảm chi tiết ảnh một cách không đáng. Vì lý do này, một số nhà nhiếp ảnh tìm cách loại bỏ bộ lọc này, thường là phải thuê thợ.
Nikon đã nhận thấy mong muốn này của giới nhiếp ảnh muốn có độ phân giải cao nhất, cho dù phải đổi lại bằng một số moiré pattern, bằng cách cung cấp hai phiên bản D800, trong đó phiên bản D800E đã được cải tiến bộ lọc khử răng cưa. Bước tiến này của Nikon thật sự thú vị, sơ đồ dưới đây giải thích cơ chế thiết lập bộ lọc LPF của D800E.
Trước hết, cần lưu ý rằng D800E vẫn sử dụng một bộ lọc low-pass filter, nhưng Nikon đã sử dụng một lớp LPF thứ hai để vô hiệu hóa những hiệu ứng của bộ lọc thứ nhất.
Trong hình minh họa trên, hàng trên cho thấy chuỗi các thành phần quang học trong một LPF thông thường, ví dụ như trong model D800. Các LPF sử dụng vật liệu khúc xạ kép (birefringent) để gấp đôi hình ảnh theo hai chiều. LPF thứ nhất tách hình ảnh và nâng hình ảnh theo chiều ngang theo một tỉ lệ rất nhỏ, và LPF thứ hai cũng làm tương tự nhưng theo chiều dọc. Điều này khiến hình ảnh thu được sẽ bù đắp cho nhau một chút trên bề mặt cảm biến. Thực tế, độ nâng của các hình ảnh là rất nhỏ, chưa đầy kích thước một điểm ảnh, cho nên độ mờ của ảnh cũng rất nhỏ và vừa đủ để tránh các hạt nổi trên ảnh. Các nhà sản xuất khác nhau sử dụng mức độ lọc khác nhau của các bộ lọc LPF, thậm chí có nhà sản xuất còn tạo độ mờ cao hơn, trong khi số khác lại giảm đi.
Trong D800E, Nikon đã di chuyển bộ lọc LPF theo chiều dọc lên vị trí đầu, và lật ngược bộ lọc này ở vị trí thứ hai. Bằng cách này, ánh sáng có cùng một đường đi qua dãy bộ lọc LPF/IR như với máy ảnh thông thường, nhưng hiệu ứng của bộ lọc LPF đầu tiên được làm ngược lại (undo) bởi bộ lọc thứ hai. Nếu đặc điểm của hai bộ lọc LPF ngược nhau một cách chính xác, thì kết quả sẽ giống như là không có bộ lọc LPF nào.
Như vậy, có thể hiểu là Nikon D800E sẽ vẫn cố gắng phát hiện và loại bỏ các điểm moiré trong firmware, nghĩa là các ảnh RAW sẽ có thể được loại bỏ moiré bằng phần mềm. Nếu các moiré pattern vẫn bị lọt qua bộ lọc này, thì Nikon sẽ cung cấp một công cụ loại bỏ trong bộ phần mềm chỉnh sửa ảnh Capture NX2.
Câu hỏi là, tại sao lại rắc rối thế, sao không bỏ quách bộ lọc LPF đi? Nikon chưa trả lời câu hỏi này, nhưng chúng ta có thể đoán rằng việc loại bỏ các bộ lọc LPF có thể ảnh hưởng tới quang học của đường dẫn ánh sáng. Chẳng hạn, trong khi các vật liệu khúc xạ kép khúc xạ ánh sáng khác nhau tùy thuộc vào góc phân cực của nó, cả hai sự phân cực của ánh sáng đều bị khúc xạ ở một mức độ nhất định. Việc loại bỏ hoàn toàn các LPF do đó sẽ thay đổi đường dẫn ánh sáng, có thể mang lại những hậu quả không mong muốn. Bằng cách sử dụng một lớp LPF đảo ngược để lật lại những tác động của LPF đầu tiên, sự khúc xạ ánh sáng sẽ tương tự như D800, chỉ trừ đi phần nâng hình theo cách của bộ lọc LPF.
Điều này cũng giải thích câu hỏi tại sao D800E lại đắt hơn D800. Đó không phải là do không sử dụng bộ lọc răng cưa, mà là thay thế bằng một bộ lọc đặc biệt. Việc lựa chọn bộ lọc này cũng như tính toán sao cho chính xác là việc rất khó.
Bộ xử lý
"Đầu ra" của cảm biến ảnh mới trên D800 được xử lý bởi bộ xử lý mới nhất của Nikon là EXPEED 3. Mặc dù cũng là bộ xử lý cùng tên dùng trên model D4, nhưng chúng có các thuật toán khác nhau nên thực chất chúng khác nhau trên hai model máy, mà bạn có thể nhận thấy khác biệt nổi bật ở giá cũng như tính năng của D800 và D4.
Độ nhạy sáng
Nikon D800 cung cấp dải ISO tiêu chuẩn là 100 – 6.400, trong đó mức cao nhất 6.400 là không đổi so với D700, nhưng mức thấp nhất của D800 đã được mở rộng từ mức ISO 200 của model tiền nhiệm. Ngoài ra, D800 còn hỗ trợ mở rộng dải ISO lên ISO 50 – 25.600.
Hiệu suất
Nikon D800 có thể chụp ảnh ở độ phân giải đầy đủ với tốc độ 4 fps trong chế độ FX. Khi sử dụng bộ pin tùy chọn MB-D12 và chụp ở hệ số crop 1.5x theo định dạng DX thì máy có thể chụp liên tiếp 6 fps. Cả hai số liệu này đều là thấp hơn so với D700 (có thể chụp với tốc độ 5 fps và 8 fps ở hai định dạng tương ứng), nhưng nếu xét về độ phân giải cao hơn rất nhiều, thì có thể thấy đây là tốc độ ấn tượng. Khi chụp với bộ pin EN-EL15, tốc độ chụp ở định đạng DX giảm xuống còn 5 fps.
Giống như D4, Nikon D800 khởi động trong khoảng 0,12 giây, và có độ trễ màn trập khoảng 0,042 giây.
Ống kính
Nikon D800 sử dụng ngàm Nikon F-mount, tương thích với mọi ống kính ngàm F-mount sản xuất từ năm 1977, mặc dù một số loại ống kính sẽ có hạn chế. Bạn nên lựa chọn kỹ ống kính để có thể tận dụng độ phân giải cao của D800.
Màn hình
Trên mặt sau của Nikon D800 là một màn hình LCD 3.2-inch, lớn hơn một chút so với màn hình 3.0-inch của D700. Độ phân giải màn hình vẫn là 921.600 dot, góc nhìn 170 độ ở cả hai chiều ngang và dọc.
Kính ngắm
Kính ngắm trên D800 cũng là một loại kính ngắm mới với vùng phủ 100% khi sử dụng trong chế độ tỉ lệ cạnh không crop FX 3:2, 97% khi ở chế độ crop 1.2x hoặc DX. Ở hệ số crop FX 5:4, vùng phủ là 100% theo chiều dọc nhưng chỉ có 97% theo chiều ngang. Kính ngắm có độ phóng 0.7x, đi-ốp -1, kính mắt 17mm, và khả năng điều chỉnh đi-ốp trong khoảng từ -3 đến +1m-1.
Kính ngắm của D800 sử dụng một màn hình lấy nét Type B Brite View Clear Matte Mark VIII có các điểm AF và lưới ngắm.
Lấy nét
Nikon D800 có một phiên bản thế hệ mới của hệ thống lấy nét 51 điểm của Nikon, đã thấy trên D4, có tên là Advanced Multi-CAM 3500FX. Trong số 51 điểm lấy nét, có 15 điểm nằm ở trung tâm là loại lấy nét cross-type, nhạy cảm với cả các chi tiết theo chiều ngang và dọc, và 9 điểm có thể lấy nét ở khẩu độ f/8 với những ống kính Nikkor tương thích gắn trên bộ chuyển đổi teleconverter TC14E hoặc TC17E, trong khi điểm trung tâm có thể lấy nét ở khẩu độ f/8 với ống kính gắn trên TC20E III (những điểm còn lại lấy nét ở khẩu độ f/5.6 hoặc thấp hơn).
Màn trập/Gương
Nikon D800 có tốc độ màn trập từ 1/8.000 – 1/30 giây. Flash đồng bộ x-sync là 1/250 giây ở mức công suất đầy đủ. Màn trập có tuổi thọ đã được đánh giá là 200.000 lượt chụp, chỉ bằng một nửa so với Nikon D4.
Cấu trúc bên trong Nikon D800
Phơi sáng
Nikon D800 cũng được trang bị một cảm biến đo sáng mới với độ phân giải 91.000 pixel, tương tự như trên Nikon D4. Hệ thống đo sáng có hoạt động trong các giá trị đo sáng chạy từ 0 - 20 EV ở các chế độ đo tập trung vào vùng trung tâm, và từ 2 - 20 EV ở chế độ đo theo điểm.
Chế độ đo sáng 3D Color Matrix Metering III so sánh các cảnh đã được đo sáng với một cơ sở dữ liệu khoảng 30.000 ảnh được tích hợp trong máy, trước khi xác định các giá trị phơi sáng, và cho phép tìm ra vị trí của các khuôn mặt trong khung ảnh ngay cả khi sử dụng kính ngắm quang. Trước đây, tính năng nhận diện khuôn mặt chỉ có trong chế độ xem sống (live view) qua màn hình LCD.
Các chế độ đo sáng khác bao gồm center-weighted (tập trung khoảng 75% năng lực đo sáng vào một vùng khoảng 8, 12, 15, hoặc 20mm ở trung tâm khuôn hình), và chế độ spot (đo một vùng tròn khoảng 4mm ở trung tâm của điểm lấy nét AF được chọn).
Nikon D800 cung cấp một dải giá trị bù sáng từ -5 đến +5 EV, được thiết lập với các bước nhảy là 1/3, 1/2, hoặc 1 EV. Ngoài ra, máy có khả năng chụp bracket từ 2-9 khung hình, với các bước nhảy giá trị phơi sáng là 1/3, 1/2, 2/3, hoặc 1 EV, ở cả các điều kiện phơi sáng có đèn flash hoặc ánh sáng có sẵn.
Cân bằng trắng
Nikon cũng đã cải tiến hiệu suất cân bằng trắng của D800, mang lại những bức ảnh đáng tin cậy hơn. Người dùng cũng có một tùy chọn giữ lại độ ấm của ánh đèn sợi đốt trong chế độ Auto, điều mà ít có nhà sản xuất nào cung cấp.
Ngoài 2 chế độ Auto, 4 chế độ Custom, chế độ chỉnh nhiệt độ màu theo độ Kelvin, có có 12 chế độ thiết lập sẵn. Các chế độ cân bằng trắng định sẵn gồm: đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang (7 loại), ánh sáng mặt trời trực tiếp, đèn flash, trời có mây, dưới bóng râm. Các chế độ cân bằng trắng cũng có thể được chọn trong chụp ảnh bracket, mà D800 có thể lưu lại 2-9 ảnh có độ cân bằng trắng khác nhau.
Bộ lọc sáng tạo
Nikon D800 hỗ trợ chế độ chụp HDR (high dynamic range), tương tự như D4. Chế độ này cho phép chụp 2 ảnh ở hai giá trị phơi sáng khác nhau, với độ phơi sáng chênh lệch có thể là từ 1, 2, hoặc 3 EV, rồi kết hợp chúng vào 1 bức ảnh. Máy cũng cung cấp 3 mức độ "trơn mịn" của ảnh ghép là thấp, vừa, cao.
Máy còn có chức năng Active D-Lighting giúp tạo ra độ phơi sáng cân bằng hơn. Người dùng cũng có thể chụp bracket với 2-5 bức ảnh được lưu ở các mức Active D-Lighting khác nhau.
D800 cũng được trang bị chức năng Picture Controls, cung cấp 6 chế độ định sẵn: Standard, Neutral, Vivid, Monochrome, Portrait, Landscape, cho phép người dùng tùy biến và thiết lập các hiệu ứng khác nhau cho bức ảnh. Máy có riêng một nút để truy cập chức năng này, thuận tiện hơn cho việc chuyển đổi các chế độ chụp cho phù hợp với đối tượng.
Video
Nikon đã "đại tu" toàn bộ tính năng quay video của hãng trên dòng máy DSLR chuyên nghiệp D4 và đưa phần lớn các tính năng đó của D4 sang D800. D800 có thể quay video Full HD (1080p, 1920 x 1080 pixel) ở các tốc độ 24/30 khung hình mỗi giây. Đối với video 720p (1.280 x 720 pixel), máy có thể quay với tốc độ 60 khung hình mỗi giây.
Video có thể được quay bằng cách sử dụng dữ liệu từ các điểm ảnh trên toàn bộ chiều rộng của bộ cảm biến hình ảnh ở định dạng FX, hoặc với hệ số 1.5x (định dạng DX), lấy dữ liệu từ trung tâm của hình ảnh mà không ảnh hưởng đến độ phân giải video.
Nikon D800 cho phép điều chỉnh tốc độ màn trập, khẩu độ, và độ nhạy sáng ISO trong lúc quay. Máy cũng có khả năng tự động lấy nét liên tục, bao gồm phát hiện và theo dõi khuôn mặt, cũng như khả năng lấy nét bằng tay.
Video được ghi ở định dạng H.264 / MPEG-4 AVC, độ dài tối đa của clip là 29 phút, 59 giây khi sử dụng chất lượng Normal. Mặc dù có nút quay phim chuyên dụng, người dùng vẫn có thể dùng nút màn trập để bật/tắt chế độ quay phim.
Người dùng có thể điều chỉnh âm lượng của microphone gắn trong hoặc gắn ngoài thông qua màn hình LCD. Máy còn có một jack cắm tai nghe, để người dùng kiểm soát chất lượng âm thanh của video đang quay.
Kết nối
Nikon D800 được trang bị một cổng kết nối tốc độ cao USB 3.0, lần đầu xuất hiện trên một máy ảnh số SLR mà thậm chí model chuyên nghiệp D4 cũng không có. Các kết nối khác bao gồm cổng ra cho video Type-C mini HDMI, một cổng cắm điều khiển từ xa (có thể cắm thiết bị GPS tương thích), 1 jack microphone và 1 jack headphone chuẩn 3.5mm. Tuy nhiên, máy không còn chỗ cho cổng A/V out quen thuộc.
Nikon D800 cho phép gắn microphone ngoài
Lưu trữ
Nikon D800 cũng có hai khe cắm thẻ, cho phép người dùng sử dụng cùng lúc cả hai thẻ, hỗ trợ 2 định dạng thẻ CF và SD. Tuy nhiên, khe cắm thẻ CF chỉ hỗ trợ loại Type-I, không hỗ trợ Type-II và Microdrive. Khe cắm thẻ SD thì chấp nhận các loại thẻ Secure Digital như SDHC, SDXC và UHS-I.
Kết luận
Nikon D800 thực sự là một cải tiến nổi bật của Nikon trong dòng máy full-frame bán chuyên. Máy sở hữu nhiều tính năng tương tự Nikon D4 trong khi giá lại rẻ chỉ bằng một nửa. Hơn thế, độ phân giải khủng 36.3 megapixel mang lại cho D800 lợi thế độc tôn trên thị trường máy ảnh DSLR. Nếu đã muốn nâng cấp từ D700, đây là một lựa chọn đáng giá.
Theo Imaging-resource