Sức ép cạnh tranh trong năm 2015 được các CTCK dự báo sẽ gia tăng, bởi bên cạnh đơn vị lớn là CTCP Nhựa thiếu niên Tiền Phong (NTP) thì trong vài năm gần đây, một trong những DN mới gia nhập thị trường là Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã có những bước tăng trưởng thị phần nhất định. Trong năm nay, HSG dự kiến tăng năng suất sản xuất ống nhựa thêm 30% nhằm mở rộng thị phần. HSG sẽ là một đối thủ đáng gờm bởi Công ty đang có lợi thế về bán hàng khi sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp.
Trước bối cảnh đó, Nhựa Bình Minh lựa chọn giải pháp đẩy mạnh truyền thông thương hiệu, tăng cường năng lực sản xuất bằng cách đầu tư phát triển và bổ sung nguồn nhân lực. Củng cố hệ thống phân phối, linh hoạt trong chính sách kinh doanh khi phân định thị phần, khách hàng mục tiêu và lâu dài.
Từ năm 2014 đến nay, thị trường xây dựng có dấu hiệu khởi sắc, nhu cầu về sản phẩm chất lượng cao, trong đó có thương hiệu Nhựa Bình Minh tăng lên, do đó, sản lượng sản xuất của Công ty không đủ để cung cấp cho thị trường, nhiều đại lý buộc phải giới thiệu sản phẩm khác cho khách hàng, điều này khiến khách hàng phải sử dụng và làm quen với thương hiệu của đơn vị khác.
Tại ĐHCĐ BMP năm 2015, ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT cho rằng, khách hàng chỉ cần quay lưng đi sẽ rất khó để BMP lấy lại; điều này không thể chấp nhận được nên BMP sẽ nhanh chóng khắc phục.
Theo đó, sau thời gian dài chờ đợi vì tình hình còn nhiều khó khăn, tháng 10/2014, BMP đã chính thức khởi công giai đoạn 1 của Nhà máy Bình Minh Long An. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của Nhà máy được xây dựng trên diện tích khoảng 30.000 m2 và sẽ đi vào hoạt động trong quý III năm 2015 với công suất 5.000 tấn.
Trải qua 35 năm phấn đấu không mệt mỏi, đến nay, tập thể cán bộ, công nhân, nhân viên Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh đã xây dựng thành công thương hiệu hàng đầu ngành nhựa Việt Nam. Sản phẩm nhựa Bình Minh đã có mặt trên mọi miền đất nước, gắn bó thân thiết với hàng triệu gia đình và là người bạn đồng hành đáng tin cậy của nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật của đất nước. Niềm tự hào của những người lao động ở đây càng được nhân lên gấp bội khi được đón nhận Huân chương Ðộc lập hạng nhì đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm thành lập công ty.
Nhìn vào cơ cấu doanh thu và chủng loại sản phẩm của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, người ta dễ dàng nhận ra rằng đây đích thực là nhà sản xuất ống nhựa chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam. Năm 2011, doanh nghiệp này cho ra lò gần 50.000 tấn sản phẩm nhựa, trong đó 97% là ống nhựa và phụ tùng đi kèm. Sản phẩm ống nhựa Bình Minh chiếm tới 50% thị phần phía nam và 25% thị phần cả nước. Bình Minh cũng là doanh nghiệp đầu tiên sản xuất bình phun thuốc trừ sâu khá nổi tiếng cùng một số sản phẩm nhựa dân dụng khác nhưng chỉ chiếm 3% tổng doanh thu. Ðây là kết quả của một quá trình đầu tư đúng hướng, chắc chắn, hiệu quả và tiên phong trong việc sản xuất ống nhựa, giúp Nhựa Bình Minh đi lên từ một nhà máy nhỏ với doanh thu không đáng kể.
Năm 1986, doanh nghiệp được UNICEF chọn làm nhà cung cấp đầu tiên và chủ yếu ống nhựa uPVC cho dự án "Chương trình nước sạch nông thôn" do tổ chức này tài trợ. Ðây là bước khởi đầu quan trọng để Công ty trở thành nhà cung cấp nhựa uPVC có đường kính đến 220 mm đầu tiên ở Việt Nam, phục vụ các ngành: cấp nước, thoát nước, điện lực, viễn thông...
Nhựa Bình Minh chỉ thật sự trở thành nhà sản xuất ống nhựa chuyên nghiệp hàng đầu và chất lượng cao ở Việt Nam kể từ năm 1999, khi cơ sở sản xuất mới tại Khu công nghiệp Sóng Thần, thị trấn Dĩ An, tỉnh Bình Dương đi vào hoạt động. Trên diện tích rộng 20.000 m2, với các dây chuyền sản xuất hoàn toàn mới, công nghệ tiên tiến được nhập từ các nước có nền công nghiệp chế tạo máy phát triển như: Ðức, I-ta-li-a, Áo..., Nhà máy số 2 này bắt đầu tung ra thị trường những dòng sản phẩm mới như: ống nhựa uPVC có kích thước lên tới 400 mm, ống PE trơn dùng trong ngành cấp nước... Ðặc biệt, với hệ thống thiết bị hiện đại của hãng Bát-tơn-phen (Ðức) và Co-ma (Ca-na-đa) sử dụng công nghệ định hình chân không (có mặt lần đầu tiên tại Việt Nam), Nhựa Bình Minh đã sản xuất thành công dòng sản phẩm mới khá độc đáo: ống gân PE thành đôi chuyên dùng cho ngành thoát nước.
Tám năm sau, Nhựa Bình Minh đã có "bước đi dài" và táo bạo khi xây dựng một nhà máy sản xuất ống nhựa ngay trên đất Bắc. Từ năm 2007 Khu Công nghiệp Phố Nối, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đón nhận một doanh nghiệp mới mang tên "Công ty TNHH - Một thành viên Nhựa Bình Minh miền bắc", tọa lạc trên mặt bằng rộng 40.000 m2 với những dây chuyền hiện đại và công nghệ tiên tiến nhất. Những sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao mang nhãn hiệu Nhựa Bình Minh như: ống uPVC có đường kính lên đến 630 mm, ống HDPE, bắt đầu có mặt thị trường phía bắc. Tại đây, ngày 17-12-2010, lần đầu tiên ở Việt Nam, những mét ống HDPE "khủng" có đường kính lên đến 1.200 mm ra lò trên dây chuyền công nghệ hiện đại của hãng Crốt Ma-phây (Ðức), làm tăng thêm sự đa dạng về kích thước. Ðồng thời, với chất lượng ổn định, tuổi thọ cao, thân thiện với môi trường, các loại sản phẩm ống nhựa Bình Minh có thể sử dụng rộng rãi trong ngành cấp nước, thoát nước, làm ống bảo vệ cáp ngầm trong ngành điện lực, hệ thống dẫn khí ga, thu hồi khí ở bãi rác... đã giúp cho Nhựa Bình Minh đứng vững ở thị trường phía bắc.
Sau 35 năm hình thành và phát triển, đến nay với ba nhà máy, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh sở hữu hơn 100 dàn máy đùn, ép thế hệ mới sử dụng quy trình công nghệ tiên tiến của Ðức, I-ta-li-a, Áo, Ca-na-đa và hàng chục thiết bị phụ trợ có tổng công suất thiết kế lên đến 70.000 tấn sản phẩm/năm. Ðể bảo đảm phát triển bền vững những năm về sau, hiện nay, Nhựa Bình Minh đang tích cực triển khai dự án nhà máy thứ tư có diện tích mặt bằng lên đến 150.000 m2 tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Khi nhà máy mới này đi vào hoạt động, tổng công suất của toàn Công ty sẽ tăng lên gấp ba lần so với hiện nay, đáp ứng cơ bản về nhu cầu ống nhựa của cả nước.
Từ nhiều năm nay, Nhựa Bình Minh đã được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao. Nhờ có bộ máy quản lý và quản trị tốt, biết kịp thời đưa ra những giải pháp thiết thực, Nhựa Bình Minh không những đứng vững mà còn phát triển liên tục, kinh doanh có lãi, nhất là từ khi được cổ phần hóa vào năm 2004. Nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty tăng dần qua các năm: năm 2011 đạt 1.049 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2010. Tỷ trọng vốn chủ sở hữu so với các khoản nợ phải trả cao gấp chín lần, thể hiện một cơ cấu tài chính mạnh và ổn định. So với năm 2004, năm đầu tiên cổ phần hóa, vốn điều lệ tăng gấp ba lần, giá trị tài sản tăng gấp mười lần. Có được lợi thế về khả năng thanh toán cao, Bình Minh luôn chủ động mua nguyên vật liệu, hàng hóa dự trữ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những biến động về giá và tránh tình trạng "ăn đong".
Nhờ làm tốt công tác bảo trì, sửa chữa máy móc và đầu tư thêm thiết bị hiện đại, vòng quay tài sản cố định trong một năm đạt từ năm đến sáu lần (riêng năm 2011 đạt 6,6 lần). Khả năng tạo ra doanh thu trên một đồng vốn năm 2011 là 1,3 đồng (tương đương 24%). Sớm áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9002-1994 (nay là ISO 9001-2008), Bình Minh là một trong những doanh nghiệp có chi phí thấp nhất về tài chính (0,5%), bán hàng và quản lý (5,1%). Do đó lợi nhuận ròng so với doanh thu của công ty đạt 16,1%, cao nhất ngành nhựa. Thu nhập bình quân đầu người hằng tháng ở đây khá ổn định và tăng dần từng năm: 6,9 triệu đồng năm 2007; 8,2 triệu đồng năm 2011.
Một trong những "bí quyết" tạo nên thành công cho Nhựa Bình Minh hôm nay là doanh nghiệp này sớm đưa ra chiến lược phát triển hệ thống phân phối và công tác dịch vụ. Từ ba cửa hàng vào những năm 80 của thế kỷ trước, đến nay Bình Minh đã có hơn 700 cửa hàng trong hệ thống và hàng nghìn cửa hàng ngoài hệ thống, phủ kín hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Doanh thu bán hàng qua hệ thống này chiếm tới 90% doanh thu toàn công ty. Ðể tri ân những người đồng hành cùng mình, tháng 5-2012, công ty đã tổ chức thành công Hội nghị hệ thống phân phối với sự tham dự của hơn 600 nhà phân phối trong cả nước trên đất Thái-lan. Do đầu tư đúng hướng và quản lý giỏi, sản xuất, kinh doanh của Nhựa Bình Minh tăng đều đặn các năm và bứt phá ngoạn mục từ năm 2009 đến nay. Năm 2003, Bình Minh mới sản xuất được hơn 15.000T sản phẩm thì năm 2011 đã tăng lên gần 50.000T. Doanh thu năm 2011 đạt 1.826 tỷ đồng, tăng gấp 6,5 lần so với năm 2004 (khi doanh nghiệp này mới cổ phần hóa); lợi nhuận trước thuế đạt 384 tỷ đồng, tăng 16 lần so với năm 2003. Tính đến hết tháng 9 - 2012, doanh thu đạt 1.340 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 343 tỷ đồng. Năng suất lao động và hiệu quả kinh tế ở đây được đánh giá là vào loại cao hàng đầu trong ngành nhựa Việt Nam. Nếu tính tổng doanh thu một năm trên số lượng công nhân thì năm 2011 mỗi thành viên ở đây làm ra 2,72 tỷ đồng và 600 triệu đồng lợi nhuận. Dấu son này đã được tổ chức Profile International đánh giá là doanh nghiệp dẫn đầu trong danh sách những công ty Việt Nam hoạt động hiệu quả nhất. Một bằng chứng khác xác nhận "sức khỏe" của Nhựa Bình Minh là kể từ ngày chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán (2006) đến nay, cổ tức BMP luôn có tỷ lệ cao: năm 2010 là 20%, năm 2011: 30%. Nhựa Bình Minh cũng là một trong số ít doanh nghiệp được tôn vinh: hai lần được trao giải Thương hiệu quốc gia, bảy lần được trao giải Sao Vàng Ðất Việt, 16 lần đoạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao...
35 năm chưa phải là một chặng đường dài của một doanh nghiệp. Nhưng chừng ấy năm để một nhà máy nhựa nhỏ ít ai biết đến trở thành một doanh nghiệp có thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong hoàn cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang gặp nhiều khó khăn thì quả thật, đây là một thành công lớn, rất đáng được biểu dương và học tập. Thành quả này là công sức của nhiều thế hệ cán bộ quản lý và công nhân đã cống hiến hết mình vì sự sống còn và phát triển của công ty. Ðây cũng là kết quả tất yếu của một tập thể đoàn kết, đồng thuận nội bộ trên nền tảng "văn hóa doanh nghiệp" đã được cụ thể hóa thành "văn hóa Nhựa Bình Minh" và có truyền thống đạo lý tốt đẹp là "biết ơn người đi trước". Làm sao quên được hình ảnh Giám đốc Bông Anh Dũng chạy đôn, chạy đáo tìm cách duy trì sản xuất và lo bữa ăn hằng ngày cho công nhân vào những năm tám mươi (của thế kỷ trước) đầy khó khăn. Càng không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của Giám đốc Nguyễn Quốc Chính, người đã có công đầu trong việc tạo ra bước ngoặt chuyển hướng hoàn toàn sang sản xuất ống nhựa, khởi đầu cho những bước phát triển đột phá về sau của công ty. Người lãnh trách nhiệm nặng nề của thời kỳ "đổi mới để phát triển" và tạo ra bộ mặt mới của Nhựa Bình Minh ngày nay là Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Lê Quang Doanh. Xác định phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu, cùng với những cộng sự đầy trách nhiệm của mình, ông đã từng bước vững chắc đưa Bình Minh vươn lên hàng đầu về sản lượng, chất lượng, và hiệu quả trong ngành nhựa Việt Nam. Tin tưởng vào những người kế nhiệm, ông thẳng thắn: " Phía trước sẽ còn rất nhiều việc cần và phải làm, đòi hỏi chúng ta phải cố gắng hơn nữa. Tôi thật sự kỳ vọng và tin tưởng rằng, thế hệ kế tiếp có đủ năng lực và điều kiện để đưa Bình Minh phát triển lên tầm cao mới và bền vững".