Mùa tuyển sinh đang bắt đầu nóng dần lên với việc chọn trường, chọn ngành của các sĩ tử, thế nhưng những thí sinh khuyết tật (TSKT) vẫn còn nhiều lo lắng khi công tác tư vấn tuyển sinh gần như lãng quên đối tượng này hoặc mù mờ về những quy định tuyển sinh dành cho NKT của Bộ GDĐT.
Người khuyết tật được học tại trường chuyên biệt, nhưng hiện nay hầu hết các chương trình tư vấn tuyển sinh đều không đến hoặc vô tình bỏ qua đối tượng này. PGS-TS Từ Diệp Công Thành - thành viên của nhóm giảng viên trẻ TPHCM, thường xuyên tổ chức nhiều buổi tư vấn tuyển sinh - chia sẻ: “Hầu như các chương trình tư vấn tuyển sinh chưa nghĩ tới đối tượng NKT, đây thực sự là một thiếu sót của những người làm công tác tư vấn tuyển sinh. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT có nhiều quy định mới mà cần những người làm công tác tư vấn hỗ trợ kịp thời cho TSKT, để các TSKT không bỡ ngỡ, nhưng chúng ta lại quên nhóm thí sinh này”.
Quy chế tuyển sinh quy định một trong các điều kiện dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ là: Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành. Đối với người tàn tật, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được UBND cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hóa học, tùy tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành học, tùy hiệu trưởng các trường xem xét quyết định cho dự thi tuyển sinh. Vì vậy, hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ sẽ quyết định thí sinh khuyết tật có được dự thi và được học hay không.
Trong thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, ban hành kèm theo thông tư số 03/2010/TT- BGDĐT - ngày 11.2.2010 của Bộ trưởng Bộ GDĐT bổ sung điểm d, khoản 3, điều 7 là thí sinh là NKT không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày: Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học.
Đây được xem là một tín hiệu vui cho người khuyết tật, nhưng trên các diễn đàn dành cho người khuyết tật, nhiều thắc mắc được người trong cuộc nêu lên như: Thế nào là “tình trạng sức khỏe” và thế nào là “yêu cầu ngành đào tạo”? Nhiều TSKT lo ngại rằng, nếu không có những quy định cụ thể hơn thì không khéo thủ tục xét tuyển cho TSKT còn phức tạp hơn tham gia thi trực tiếp.