Nên ăn các loại quả nóng vào mùa hè ra sao để đảm bảo sức khỏe?

Tôi đọc thấy có thông tin những loại quả như dứa, dưa hấu là mang tính nóng. Mà chúng chủ yếu có vào mùa hè vậy tôi phải ăn chúng ở mức độ như thế nào cho đảm bảo khoa học?

 

Hồ Anh Khang
Hồ Anh Khang
Trả lời 8 năm trước

Về thành phần dinh dưỡng, chúng tôi thường quan tâm đến loại quả có hàm lượng đường cao hay thấp, còn trung bình một ngày người bình thường có thể sử dụng từ 200 - 300g một ngày.

Dứa và dưa hấu là hoa quả có nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Cho nên bạn có thể yên tâm dùng với mức độ hợp lý vào mùa hè. Còn quan niệm cho dứa và dưa hấu là mang tính nóng thì cũng chưa đúng bởi vì những người ăn vào mà nổi mụn thì thường do cơ địa, hoặc những người ăn quá nhiều hoặc có nguy cơ rối loạn đường huyết thì khi sử dụng nhiều có thể ảnh hưởng đến đường huyết. Mà đường huyết cao là cơ hội để vi khuẩn dễ phát triển, sinh ra nhiều mụn nhọt. Vì vậy, bạn có thể yên tâm dùng hợp lý thì không có vấn đề gì.

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 8 năm trước

Mùa hè là mùa của rất nhiều loại quả, đặc biệt lại rất nhiều thức quả ngon. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể thưởng thức thường xuyên. Những loại quả mang tính nóng cần được hạn chế và biết cách ăn để mang lại lợi ích cho sức khỏe.


Quả vải



Quả vải rất thơm ngon nhưng lại có tính nóng, chứa nhiều đường, những người cơ địa nóng, nhiệt miệng không nên ăn nhiều, nếu không sẽ dẫn tới các phản ứng xấu như tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, chân tay bủn rủn, buồn nôn, ra mồ hôi lạnh.…Vì thế, khi dùng trái vải nên dùng trong khoảng bảy, tám quả.
Đối với những người dễ nhiễm cảm, có đờm, lên thủy đậu thì vải có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, quả vải có hàm lượng đường cao, vì thế, phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn để không bị tiểu đường thai kỳ.
Tóm lại, người lớn chỉ nên ăn khoảng 5-10 quả/ lần, trẻ em thì chỉ 3-4 quả một lúc.
Quả nhãn



Đây là loại quả cùng họ với trái vải. Quả nhãn thơm ngon, vị ngọt thanh, tuy nhiên, nếu ăn nhiều (cả kg) thì dễ bị nổi mụn, mẩn ngứa. Đặc biệt, những phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn nhãn vì khi ăn nhiều, cơ thể sẽ nóng, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của thai nhi dẫn tới chảy máu, đau bụng … và dọa sảy thai. Thai phụ 7 - 8 tháng thì càng cần kiêng nhãn.
Theo các nhà khoa học, khoảng 300g quả nhãn cung cấp lượng đường tương đương với 1 bát cơm. Với người bình thường thì không sao, nhưng với người có bệnh tiểu đường, ăn nhãn không có lợi vì có thể khiến đường huyết tăng cao đột ngột rất nguy hiểm.
Quả mận




Mận là một trong những loại trái cây phổ biến và được ưa chuộng trong mùa hè. Mận chứa nhiều carotene khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A rất tốt cho mắt. Tuy nhiên, mận có tính nóng, ăn nhiều sẽ khiến cơ thể bị nóng trong có thể gây phát ban, mụn nhọt, nhất là đối với những người cơ địa có tính nhiệt.
Ngoài ra, trong mận có chứa nhiều chất oxalate, bởi thế, ngay cả khi sức khỏe bình thường bạn cũng không nên ăn nhiều mận để tránh nguy cơ tạo sỏi trong cơ thể.
Mận còn có axit cao có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày, men răng. Ăn mận khi đói có thể gây ra những triệu chứng cồn cào, khó chịu.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dù rất thích ăn quả mận, bạn cũng chỉ nên ăn tối đa 10 quả một ngày để tránh ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe như nói ở trên. Và nhớ trước khi ăn mận nên ngâm trong nước muối loãng từ 15-20 phút để đảm bảo an toàn.
Quả đào

Ăn quá nhiều đào sẽ tạo ra nhiệt quá mức trong cơ thể. Do đó, những người bị khát nước hoặc đau cổ họng không nên ăn quá nhiều đào.
Đào tính ôn, ăn nhiều sẽ gây hại cho dạ dày dẫn tới đầy hơi, tức ngực. Những người có chức năng dạ dày kém, người già và trẻ nhỏ không nên ăn nhiều. Đào cũng có thể sẽ gây ra bệnh tiêu chảy và một số bệnh đường ruột cấp tính khác nếu ăn quá nhiều.
Đào chỉ nên ăn 2 quả trong một ngày là đủ.
Quả xoài
Tuy là một loại trái cây có nhiều chất bổ dưỡng, những người làm việc trí óc nên dùng xoài chín vì có công dụng bổ trí não, còn xoài xanh lại chứa nhiều sinh tố C.
Các loại xoài cát chín mọng do có lượng đường cao nên mang tính nóng, ăn nhiều sẽ sinh nhiệt, trẻ em mọc mụn, rôm sảy.
Xoài không thích hợp cho những người bị thiếu hụt năng lượng hoặc suy lá lách, có thể dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy và hiện tượng dị ứng khác.
Với người bình thường thì cũng chỉ cần ăn một trái xoài là đủ.


Quả mít

Mít có chứa nhiều đường fructoza và đường glucoza, khi ăn vào được cơ thể hấp thu ngay, dẫn đến hàm lượng đường trong máu tăng cao nhanh chóng. Vì thế, người bị tiểu đường không nên ăn mít. Người có sức khỏe yếu khi ăn nhiều mít dễ bị đầy bụng, khó chịu, tim làm việc nhiều, có nguy cơ cao tăng huyết áp.
Ăn mít vào mùa hè nắng nóng có thể gây ra mụn nhọt, nóng tức thì trong người. Vì thế, dù có muốn ăn thì cũng không nên ăn nhiều cùng lúc.
Quả sầu riêng

Không nên ăn quá nhiều sầu riêng (trên 150gr/ngày) vì sẽ gây bứt rứt trong người, dễ sinh mụn nhọt. Đặc biệt, bạn không nên ăn sầu riêng khi uống bia rượu vì dễ sinh nhiệt.
Quả na
Nhiều người ưa thích và nhầm tưởng là quả “lành tính”, nhưng thực ra na lại là một trong số các loại quả gây nóng nhất cho cơ thể. Nhiều người khi ăn na xong sẽ bị táo bón, mọc mụn trên mặt.
Quả chôm chôm
Chôm chôm cũng nằm trong danh sách trái cây có tính nóng, ăn nhiều khiến cho cơ thể bạn nóng hơn và chắc chắn không tránh khỏi mụn nhọt.
Tóm lại, tuy các loại trái cây đều có mặt tốt và cần thiết cho cơ thể nhưng chỉ nên ăn một lượng vừa phải, đặc biệt là trong mùa nắng nóng.