Nên ăn uống thế nào dịp lễ tết ?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Năm hết tết đến, tiệc tùng liên tục “vẫy gọi” bạn. Nếu không tỉnh táo, bạn có thể dễ dàng tiêu thụ lượng thực phẩm cao hơn gấp 3-4 lần bình thường.

Và điều này sẽ dẫn tới một loạt vấn đề cho sức khỏe.
Đó là kết luận của Ian Campbell - Chủ tịch diễn đàn Béo phì quốc gia Anh, theo trang tin AsiaOne. Theo đó, một người có thể dễ dàng nạp tới 6.000 calo mỗi ngày trong dịp lễ tết. Trong khi đó, mức calo trung bình cần nạp vào cơ thể ở phụ nữ là 1.600-2.000 calo/ngày và ở nam giới là 2.000-2.500 calo. Làm một phép tính đơn giản, bạn có thể thấy mình đã nạp một lượng calo dư thừa biết bao nhiêu.

Theo tính toán của các chuyên gia dinh dưỡng, một bữa tiệc trong dịp lễ tết có thể cung cấp trung bình tới 1.500 calo. Và để cơ thể “đốt cháy” hết lượng calo này, bạn phải đi bộ 16,56 km hoặc phải thực hiện 20.540 bước đi.

Nạp lượng calo vào cơ thể nhiều hơn mức cần thiết không chỉ khiến bạn tăng cân mà còn dẫn tới một số trục trặc về sức khỏe. Một số người sẽ nghĩ rằng họ dễ dàng loại bỏ calo dư thừa sau dịp lễ tết. Tuy nhiên, điều mà nhiều người không nhận ra là lượng calo dư thừa, đặc biệt từ bánh kẹo ngọt, chất cồn, có thể khiến lượng đường trong máu tăng.
Và nữa, trong thời gian ngắn, lượng thực phẩm có hàm lượng muối cao sẽ khiến bạn bị mất nước và đau đầu. Về lâu dài, chất béo bão hòa trong thịt và các chế phẩm từ sữa giàu chất béo làm tăng huyết áp. Vì thế, khi đi dự tiệc cuối năm hoặc mừng năm mới, bạn hãy suy nghĩ kỹ đến hậu quả của những bữa “quá chén”.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải ngưng tiệc tùng hoàn toàn, mà chỉ ăn ở mức độ vừa phải. Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ ăn quá nhiều bằng cách chọn ăn nhiều rau củ, thực phẩm giàu chất xơ từ ngay đầu bữa tiệc. Thay vì dùng nước ngọt hoặc thức uống có cồn, bạn nên chọn nước khoáng, nước lọc để loại bỏ hàng trăm calo.

Ngoài ra, có những cách ăn uống tốt khác, là chỉ ăn thịt nạc có hàm lượng sodium thấp và thịt được hun khói, vốn có tác dụng giảm bớt lượng chất béo trong thực phẩm.

djshg
djshg
Trả lời 13 năm trước

Những mẹo nhỏ đơn giản sau đây sẽ giúp bạn giữ sức khoẻ trong kỳ nghỉ để có thể tận hưởng cảm giác vui chơi thật trọn vẹn.

Uống nhiều nước

Vào những bữa tiệc liên hoan, bạn có thể phải uống nhiều rượu và điều này có nghĩa là cơ thể bạn sẽ dễ bị khử nước hơn rất nhiều.

Khi cơ thể bị khử nước sẽ khiến cho bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi, khó chịu, và thậm chí nếu không kiềm chế được mình bạn sẽ bị say rượu và cách đơn giản nhất để nhanh chóng khắc phục tình trạng này là bạn cần uống đủ lượng nước cơ thể cần.

Nước vừa có tác dụng phòng tránh tình trạng khử nước vừa giúp cho bạn tỉnh táo nhanh hơn. Ngoài giải pháp nước lọc thông thường bạn có thể chọn uống thêm nước trái cây hay nước giải khát không có gas cũng sẽ đem lại hiệu quả. Nên tránh dùng các loại đồ uống có chứa càphêin hay chất kích thích sẽ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Dành thời gian để ngủ

Trong những dịp lễ tết bạn đừng quá ham vui mà quên dành thời gian để ngủ, nghỉ. Thậm chí đó đơn thuần có thể chỉ là những giấc ngủ ngắn cũng sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại được sức khoẻ, tránh rơi vào trạng thái uể oải, mệt mỏi và nhất là có tác dụng hỗ trợ cơ quan tiêu hoá làm việc hiệu quả hơn.

Nên bổ sung tỏi vào các món ăn

Tỏi là một thứ gia vị rất quen thuộc trong các bữa ăn thường ngày, không những thế tỏi còn được xem như một loại thuốc kháng sinh, một thứ “vũ khí” giúp bảo vệ sức khoẻ bạn một cách hiệu quả.

Vì thế có thể hiểu dễ dàng rằng tại sao các bác sĩ thường khuyên bạn nên bổ sung thêm tỏi vào trong các bữa ăn thường ngày để phòng ngừa căn bệnh cảm cúm thông thường.

Không chỉ dừng lại ở đó, tỏi còn có thể giúp bạn giảm đầy hơi, trướng bụng (một trong những rắc rối thường gặp trong những dịp nghỉ lễ, tết) rất hiệu quả, đặc biệt nó còn có thể giúp bạn phòng ngừa chứng bệnh tiêu chảy.

Ngoài việc ăn thêm các món ăn có tỏi làm gia vị, bạn còn có thể hình thành thói quen ăn 1 – 2 nhánh tỏi nướng mỗi ngày cũng sẽ rất tốt cho sức khoẻ nói chung.

Ăn uống có chủ đích

Điều này có nghĩa là bạn vẫn có thể ăn những món ăn khoái khẩu nhưng phải nhớ rằng việc ăn uống không nên vô độ và thả phanh.

Vì đây chính là nguyên nhân chính khiến bạn bị đầy hơi, khó tiêu, thậm chí là tăng cân ngoài ý muốn.

Vậy nên việc ăn uống cũng nên có kế hoạch được vạch ra rõ ràng.

Lựa chọn thực phẩm


Việc lựa chọn thực phẩm cũng mang tầm quan trong như việc vạch kế hoạch khi ăn uống. Nếu không muốn bị chứng đầy bụng, khó tiêu “viếng thăm” thì bạn nên lựa chọn những loại thực phẩm dễ tiêu để thu nạp và nên hạn chế những loại thực phẩm khó tiêu.

Các nhóm thực phẩm khó tiêu phổ biển như các món rán, thực phẩm cay, thực phẩm có vị chua, thực phẩm giàu tinh bột, sôcôla..

Trái lại các loại thực phẩm kích thích tiêu hoá là sữa chua, thực phẩm giàu kẽm, thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm giàu protein, vitamin A, trái cây…

Ăn đúng bữa quy định

Việc tiêu thụ của các bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ phải luôn được duy trì vào một thời điểm cụ thể nào đó thường xuyên trong ngày. Điều này có thể giữ cho hệ thống tiêu hóa của bạn ổn định.

Giảm thiểu những stress


Quá nhiều căng thẳng hoặc lo âu có thể khiến hệ thống tiêu hóa của bạn có vấn đề đấy. Vì thế hãy luôn biết cách giảm những căng thẳng và stresss hàng ngày

mùa xuân
mùa xuân
Trả lời 13 năm trước
Tết là dịp để mọi người sum họp, thăm viếng lẫn nhau và đi du lịch. Theo đó việc ăn uống có nhiều sự thay đổi so với ngày thường. Hậu quả là người mập thì càng mập, người ốm lại càng ốm…
Những thói quen “chết người”
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu – Trưởng khoa Dinh dưỡng bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Trước đây do điều kiện kinh tế còn khó khăn, chỉ những ngày Tết người dân mới được ăn ngon. Nhưng nay kinh tế đã khá hơn nên với nhiều gia đình bữa ăn ngày nào cũng thịnh soạn như ngày Tết. Tuy vậy, thói quen tích trữ thực phẩm trong ngày Tết vẫn không thay đổi. Có không ít gia đình, mua thực phẩm thật nhiều, ăn đến rằm mà vẫn chưa hết. Thực phẩm để càng lâu (dù là trong tủ lạnh) càng mất chất, thậm chí còn có nguy cơ bị nhiễm khuẩn gây ra các bệnh về đường tiêu hóa…”.
Ngoài thói quen trữ nhiều thực phẩm, phần lớn các gia đình còn có thói quen ăn nhiều món ăn trong một bữa. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi bữa ăn nên có 4 nhóm thực phẩm là bột đường (cơm, bánh mì, phở, bún…), đạm (thịt, cá, trứng…), chất béo (dầu, mỡ, bơ…) và vitamin (rau -củ - quả). Và phải cân bằng giữa các nhóm thực phẩm. Tuy nhiên, trong ngày Tết, các bữa ăn lại thiên về nhóm bột đường, nhóm đạm và chất béo mà thiếu đi nhóm vitamin. Nhìn vào bữa ăn ngày Tết, chúng ta dễ dàng bắt gặp nào là bánh chưng, nào là cơm, nào là xôi, thậm chí có cả bún, miến, bánh mì. Bên cạnh đó là thịt bò xào, thịt heo nấu đông hay kho tàu, thịt gà, tôm, cua, mực, cá… Còn món rau – củ – quả thì rất ít.
“Cơ thể chỉ cần một tỷ lệ chất bột đường, chất đạm và chất béo nhất định, nếu ăn quá nhiều sẽ dẫn đến béo phì”, bác sĩ Thu Hậu nhấn mạnh.
Ngày Tết, người dân cũng đi chơi nhiều hơn. Vì vậy mà các bữa ăn thường không đúng giờ giấc. Việc ăn uống không đúng giờ giấc cũng gây nhiều bất lợi cho sức khỏe.
“Ăn nhiều đồ ngọt, ăn vặt sẽ khiến cho những người kén ăn càng chán ăn cơm hơn. Hậu quả là đã ốm lại càng ốm”, bác sĩ Thu Hậu cho biết.
Tăng cường ăn rau – củ – quả
Để không tăng hay sụt cân, để tránh bị mệt mỏi, trong những ngày Tết người dân nên chọn các món ăn vừa phải, không quá nhiều. Phải xoay vòng để thưởng thức nhiều món. Nên hạn chế chiên xào và các loại thực phẩm chế biến sẵn. Nên tăng phần thủy hải sản thay vì thịt… Đặc biệt cần tăng cường ăn rau – củ – quả bằng cách chọn những món ăn có nhiều rau. Ví dụ cá hấp cuốn rau, salad, lẩu mắm, lẩu hải sản, gỏi… Trước và sau bữa ăn, thay vì ăn bánh mứt nhiều thì nên ăn trái cây. Cần hạn chế rượu bia, nước ngọt, nên chọn nước trái cây không đường hay nước lọc.
“Tuyệt đối không bỏ bữa. Với người già và trẻ em nếu bất đắc dĩ không thể ăn đúng bữa thì có thể uống sữa thay thế. Ăn đủ no, không ăn cố”, bác sĩ Thu Hậu khuyến cáo.
Nhằm khắc phục những sai lầm “chết người”, chúng ta không nên trữ quá nhiều thực phẩm. Chỉ nên trữ thực phẩm vừa đủ dùng trong 3 – 4 ngày thay vì là 10 – 15 ngày. Khi mua thực phẩm nên chọn loại có nguồn gốc rõ ràng, có tem đảm bảo chất lượng, tận dụng nguồn thực phẩm tươi sống – nhất là cho trẻ em. Bảo quản thực phẩm bằng cách trữ lạnh, thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ càng lạnh thì càng ngăn được hoạt động phá hoại của vi khuẩn và làm chậm quá trình thay đổi về mặt hóa học. Vì vậy khi mua thực phẩm về cần làm lạnh nhanh để tránh hư hại.
“Vi khuẩn có thể ồ ạt hoạt động trở lại ngay khi nhiệt độ tăng lên. Vì vậy cần chia thực phẩm thành nhiều gói nhỏ để dùng hết sau khi rã đông. Không tái đông thực phẩm vì tái đông làm cho quá trình hư hại tăng lên gấp nhiều…”, bác sĩ Thu Hậu khẳng định.