Những đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2010
Hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng đang tạm dẫn đầu với lượng cổ phiếu trị giá gần 13.850 tỷ đồng. Vợ ông Vượng nhiều khả năng cũng trở thành nữ doanh nhân giàu nhất trên TTCK. Chiếm top đầu vẫn là các ông Đoàn Nguyên Đức, Đặng Thành Tâm, Trần Đình Long...
Tuy nhiên, hãy cùng thử điểm qua top những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến hiện tại.
Hơn 130 người có sở hữu lượng cổ phiếu trị giá trên 100 tỷ đồng
Theo tính toán của CafeF, hiện có khoảng 130 người (thuộc diện phải công bố thông tin về cổ phiếu nắm giữ) có lượng cổ phiếu trị giá trên 100 tỷ đồng – tính theo giá đóng cửa ngày 7/12. Tổng giá trị cổ phiếu mà nhóm này sở hữu trị giá hơn gần 81.200 tỷ đồng.
Để đứng trong top 100 phải có lượng cổ phiếu giá trị từ 145 tỷ đồng trở lên. Top 50 phải từ trên 310 tỷ đồng. Top 40 từ 430 tỷ đồng; top 30 từ 510 tỷ đồng; top 20 từ 745 tỷ và top 10 từ 1.368 tỷ đồng.
Tổng cộng có 14 người có lượng tài sản trên 1.000 tỷ đồng; trong đó, hai ông Phạm Nhật Vượng và Đoàn Nguyên Đức sở hữu trên 10.000 tỷ đồng.
Người giàu nhất trên thị trường chứng khoán
Sau nhiều năm chỉ đứng ở vị trí thứ 2, nhiều khả năng khi kết thúc năm 2010, ông Phạm Nhật Vượng – Thành viên HĐQT của Vincom và Vinpearl – sẽ trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Tính theo giá đóng cửa ngày 7/12, lượng cổ phiếu VIC và VPL mà ông Vượng đang sở hữu có giá trị thị trường đạt hơn 13.849 tỷ đồng.
Theo thống kê trước đây vào ngày 24/9, lượng cổ phiếu HAG mà ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT HAG - nắm giữ trị giá 10.700 tỷ, cao hơn 1.400 tỷ so với lượng cổ phiếu của ông Vượng.
Tuy nhiên, sự tăng giá mạnh của VIC và VPL trong thời gian gần đây cộng với việc giá HAG có xu hướng đi xuống là nguyên nhân chính dẫn đến việc ông Vượng vượt ông Đức để dẫn đầu top những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Hiện tại, lượng cổ phiếu mà ông Đức nắm giữ có trị giá 11.293 tỷ đồng.
Với giá trị tài sản áp đảo, chắc chắn ông Vượng và ông Đức sẽ đứng chiếm 2 vị trí dẫn đầu top những người giàu nhất năm nay.
Vị trí thứ 3 nhiều khả năng thuộc về ông Đặng Thành Tâm. Lượng cổ phiếu KBC, SGT, ITA và NVB mà ông Tâm nắm giữ trị giá 3.773 tỷ đồng.
Nếu tính thêm cả 60 triệu cổ phiếu SQC thì khối tài sản của ông Tâm sẽ tăng thêm 5.040 tỷ đồng nữa. Tuy nhiên, mức giá 84.500 đồng dường như quá bất hợp lý với tình hình kinh doanh hiện tại của SQC.
Đứng ở vị trí thứ 4 là ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát – với 2.810 tỷ đồng. Ông Long đã nhiều năm liền đứng ở vị trí thứ 4. Trong năm vừa qua, ông Long được nhắc đến khá nhiều với việc là người thứ 2 sở hữu máy bay riêng sau ông Đoàn Nguyên Đức.
Vị trí thứ 5 và thứ 6 là hai gương mặt khá mới: Ông Trần Văn Đạt – Chủ tịch Phát Đạt – với 2.519 tỷ đồng và ông Hà Văn Thắm – Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương – với 2.046 tỷ đồng.
Năm vị trí tiếp theo, từ thứ 7-11 đều là các nữ doanh nhân.
Bà Phạm Thu Hương – vợ ông Phạm Nhật Vượng – đứng thứ 7 đồng thời trở thành nữ doanh nhân giàu nhất trên thị trường chứng khoán với 2.015 tỷ đồng.
Đứng thứ 8 là bà Nguyễn Thị Như Loan – chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai – với 1.841 tỷ đồng.
Hai vị trí còn lại trong top 10 là bà Phạm Thúy Hằng – Thành viên HĐQT Vincom (1.659 tỷ đồng); bà Nguyễn Thị Kim Xuân – chị vợ ông Đặng Thành Tâm (1.368 tỷ đồng).
Một số gương mặt đáng chú ý trong top 20 có:
Ông Hồ Hùng Anh – Thành viên HĐQT Tập đoàn Masan đồng thời là Chủ tịch HĐQT Techcombank – đứng thứ 12 với 1.328 tỷ đồng.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT – đứng thứ 14 với 1.036 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Sài Gòn – đứng thứ 18 với 807 tỷ đồng.
Ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch HĐQT Sacomral và Thành viên HĐQT Sacombank – đứng thứ 19 với 753 tỷ đồng. Đây là doanh nhân trẻ nhất (sinh năm 1980) trong top 20.
Nguồn số liệu được thu thập từ công bố thông tin HoSE, HNX và bản cáo bạch của các doanh nghiệp. Số lượng cổ phiếu được cập nhật khi có giao dịch mua/bán, thực hiện quyền. Giá trị tài sản của các doanh nhân bao gồm cả lượng cổ phiếu đứng tên Doanh nghiệp tư nhân hoặc Cty TNHH một thành viên do doanh nhân đó sở hữu. Hai hình thức doanh nghiệp này đều do cá nhân đó sở hữu 100% vốn.