Trở lại thời điểm năm 2001, khi đó Apple đang tiến hành nghiên cứu để nâng cấp dòng máy tính xách tay hàng đầu là Powerbook. Trải qua quá trình tìm kiếm chất liệu chắc chắn, nhẹ và thu hút hơn, cuối cùng công ty đã quyết định chuyển từ thiết kế vỏ plastic đen cho máy tính G3 sang dùng chất liệu mới chắc chắn hơn là titanium. Một kỉ nguyên mới của Macs thật sự bắt đầu.
Với chất liệu này, thiết kế máy trông gọn gàng và đơn giản hơn: cạnh máy vuông, không gian rộng rãi và tận dụng được hết các tính năng, loa stereo được thiết kế dọc hai bên bàn phím, màu bạc sang trọng phủ đều khắp máy. Năm 2003, Apple lại quyết định thay đổi thiết kế thêm một lần nữa. Thay vì sử dụng chất liệu titanium, hãng chuyển sang dùng chất liệu nhôm nhẹ. Đây là một trong những kiểu thiết kế tồn tại lâu nhất trong nền công nghiệp máy tính. MacBook Pro gần như không thay đổi trong suốt quãng thời gian 5 năm. Với thiết kế gần như hoàn hảo của mình, MacBook Pro đã trở thành biểu tượng của Apple. Nhưng năm năm cũng là khoảng thời gian dài khủng khiếp với một thiết kế và người sử dụng rất vui sướng khi nghe tin Apple sẽ có những thay đổi quan trọng với dòng máy này.
Tại MacBook Event tổ chức vào ngày 14/10, Apple đã chính thức công bố những thay đổi đối với dòng MacBook Pro và MacBook. Bên cạnh việc thay đổi thiết kế vỏ của MacBook Air và iMac, hãng cũng trang bị thêm chip đồ họa mới, thiết kế board chủ hoàn toàn mới, và một số cổng khác. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kĩ hơn về những điểm mới trên cả MacBook Pro và MacBook.
Phần cứng Điểm đầu tiên đáng lưu ý trong sự kiện của Apple là thiết kế của các máy. Không chỉ là vấn đề về thiết kế mà thậm chí còn là sự thay đổi cả về quy trình sản xuất máy tính xách tay. Thay vì thiết kế vỏ phức tạp gồm nhiều phần đòi hỏi nhiều linh kiện, Jony Ive và hãng đã thiết kế máy thành một khối nhôm đơn nhất bao quanh toàn bộ mặt trên và bên cạnh máy tính xách tay. Nhờ vậy máy chắc chắn và mạnh hơn, được cải tiến về cả quy trình sản xuất, phong cách và độ mạnh.
MacBook và MacBook Pro mới tiếp bước thành công của iMacs và MacBook Air. Cạnh máy lượn tròn, chất liệu kim loại mượt mà hơn và thân máy được thiết kế từ một khối nhôm duy nhất giúp dấu và hạn chế tối đa các điểm kết nối. Bàn phím của MacBook và MacBook Pro mới có màu đen giống như bàn phím của MacBook Air. Trackpad được thiết kế chỉ gồm một phím duy nhất và tiếp xúc nhiều điểm hơn, lỗ màng loa được đục thủng bằng tia laser nên nhỏ và mịn hơn rất nhiều so với phiên bản cũ. Dĩ nhiên, điểm thay đổi đáng chú ý nhất là màn hình; toàn bộ màn hình được tráng gương với phần viền ngoài màn hình màu đen mờ gợi nhớ đến thiết kế của iPhone.
Màn hình Cả MacBook và MacBook Pro đều có màn hình gương. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về điểm khác biệt giữa hai máy.
Đầu tiên sẽ là MacBook Pro. Màn hình LED-backlit hết sức tuyệt vời; hiển thị màu rõ ràng mặc dù sắc độ màu của màn hình có vẻ ấm hơn và tự nhiên hơn so với phiên bản cũ. Góc xem cũng đã được cải tiến nhiều, mức độ nghiêng về phía trước và sau lớn hơn, giúp bạn có thể tìm được vị trí xem thích hợp mà không bị bóng hình. Màn hình gương cũng có nhược điểm là dễ bị bóng. Nếu bạn sử dụng máy tính này ở trong phòng nhiều ánh sáng thì cũng khá là bực mình vì màn hình đôi khi sẽ bị bóng. Nếu bạn không kiểm soát được độ sáng thì đúng là ác mộng. Apple khăng khăng cho rằng người tiêu dùng rất hài lòng với màn hình gương. Điều đó chỉ đúng trong điểu kiện bạn sử dụng máy ở phòng trưng bày hoặc trong điều kiện kiểm soát được độ sáng.
MacBook Pro phiên bản cũ bên trái và MacBook Pro phiên bản mới bên phải
Tiếp theo chúng ta sẽ cùng tìm hiểu màn hình của MacBook. Nhìn bề ngoài có vẻ như không có gì khác biệt so với MacBook Pro nhưng thực sự lại rất khác. Góc xem có vẻ hạn chế hơn, nếu xem từ góc bên cạnh hơi chéo một chút hoặc góc xem hơi cao một chút thì hơi khó chịu; độ sáng cũng không được như của Pro. Nếu so với phiên bản MacBook cũ thì phiên bản mới đã được nâng cấp nhưng nếu so với Pro thì không có gì ấn tượng. Một lần nữa, màn hình của MacBook cũng bị bóng như MacBook Pro.
MacBook vs MacBook (phiên bản cũ bên trái, phiên bản mới bên phải)
Trackpad
Trước đây đã có nhiều tin đồn về trackpad không có “phím” nào của Steve Jobs. Hiện nay, Apple đã biến điều đó thành hiện thực với máy tính xách tay mới. Không chỉ thay đổi chất liệu của trackpad từ tráng gương sang tráng thủy tinh mà Apple còn quyết định loại bỏ hẳn phím chuột. Toàn bộ trackpad gần như chỉ là một phím, nghe thì có vẻ thiếu hấp dẫn nhưng nếu được dùng thử trackpad mới này người dùng sẽ có cảm nhận khác hẳn so với phiên bản cũ. Trackpad này “gần như” chỉ là một phím vì trackpad được chia làm hai phần: phần trên và phần phía dưới.
Trackpad này hỗ trợ cảm ứng đa điểm và có thể xử lý cử chỉ của nhiều ngón tay, trong đó có cử chỉ dùng bốn ngón tay để chuyển đổi giữa các ứng dụng và truy cập vào Expose. Ngoài ra, góc của trackpad được sử dụng như chuột phải, có chức năng như một phím thứ hai trên trackpad. Sau khi sử dụng một tuần, người dùng có thể nhận thấy trackpad này rất thoải mái mặc dù có người vẫn thích có thêm một hoặc hai phím cứng hơn.
Âm thanh
Chất lượng âm thanh và âm lượng ở cả hai mẫu máy đều đã được nâng cấp rất nhiều. Mặc dù loa của MacBook được thiết kế nằm sâu bên trong nhưng độ chính xác vẫn khá cao. Còn ở MacBook Pro, âm thanh thật sự trầm vang và chất lượng được cải thiện đáng kể. Điều này không có nghĩa là phiên bản cũ có âm thanh khủng khiếp nhưng ngay cả những máy tính xách tay khác cũng phải ghen tị với chất lượng âm thanh của phiên bản mới.
Bên trong máy
MacBook và MacBook Pro mới gần như đã được thiết kế lại hoàn toàn. Điểm đáng lưu ý nhất đó là hai phiên bản mới sử dụng cả chip đồ họa NVIDIA 9400M và 9600M GT. MacBook Pro sử dụng cả hai chip và có thể tự chuyển đổi. MacBook sử dụng chip 9400M với RAM 256MB, như vậy chip này đã được nâng cấp đáng kể so với phiên bản trước. CPU của MacBook là loại Core 2 Duo 2GHz hoặc 2.4GHz, trong khi đó Pro sử dụng CPU 2.4GHz hoặc 2.8GHz. Bộ nhớ của cả hai máy tính đều là loại DDR3 và đều có thể mở rộng lên tới 4GB. Kiểm tra MacBook 2.4GHz/2GB và 2.53GHz, MacBook Pro 4GB (với VRAM 256MB/ 512MB) cho thấy nếu chịu tải nặng, cả hai máy đều không bị nóng và cũng không quá vất vả để chuyển tải dữ liệu.
Điểm thú vị là bạn không thấy hiệu năng đồ họa thay đổi nhiều lắm khi sử dụng chip 9400M và 9600M GT khác nhau mặc dù có được nâng cấp. Tuy nhiên khi chơi game thì tốc độ được cải thiện đáng kể.
Ổ cứng có dung lượng tối thiểu là 250GB tuy nhiên có thể nâng cấp lên thành 320GB hoặc bạn có thể chọn ổ SSD 128GB.
Benchmark