ASRock là tập đoàn sản xuất nhiều sản phẩm linh kiện điện tử, trong đó nổi bật nhất tại Việt Nam là sản phẩm mainboard. vozExpress đã có nhiều bài đánh giá chi tiết về các sản phẩm mainboard của ASRock, trong đó đáng nói nhất chủ yếu là các sản phẩm thuộc phân khúc trung/cao cấp của hãng, điển hình là dòng Deluxe và Extreme. Tiếp nối P55 Extreme, mới đây ASRock vừa mới tung ra mainboard mới P55 Extreme4 của mình, với nhiều thay đổi và cải tiến, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng.
Vỏ hộp P55 Extreme4 vẫn sử dụng màu xanh quen thuộc của ASRock, tuy không quá hoành tráng nhưng vẫn thể hiện được đây là một sản phẩm cao cấp, có được sự đầu tư kĩ lưỡng của hãng sản xuất. Các công nghệ nổi bật như USB 3.0, SATA3 6.0Gbps đều được thể hiện rõ ràng ngoài vỏ hộp.
Phụ kiện đi kèm P55 Extreme4 vẫn đầy đủ như mọi khi, với 4 cáp SATA, 1 tấm back panel, cáp IDE, cầu nối card đồ họa, cáp chuyển đổi nguồn SATA, sách hướng dẫn, đĩa cài đặt, cùng một bộ front panel hỗ trợ USB 3.0 – tính năng nổi bật trên P55 Extreme4.
Các cổng kết nối của P55 Extreme4 là phần đáng chú ý nhất: ngoại trừ các kết nối thông dụng thường thấy, P55 Extreme4 hỗ trợ tới 4 cổng USB 3.0, 2 phía sau và 2 phía trước thông qua front panel. Cổng eSATA3 combo màu đỏ cho phép bạn sử dụng được cả 2 loại kết nối: USB và eSATA trên duy nhất một cổng. Nằm xen giữa các kết nối là nút clear BIOS quen thuộc, tính năng mà các OCer như tôi rất thích và chỉ xuất hiện trên các sản phẩm mainboard cao cấp.
P55 Extreme4 hỗ trợ 6 đầu cắm SATA 3.0Gbps (màu xanh) và 4 đầu cắm SATA 6.0Gbps (màu trắng) với thiết kế hợp lý, tránh xa khu vực dành cho card đồ họa. SATA 6.0Gbps và USB 3.0 cũng là các đặc điểm khác biệt chính của Extreme4 so với phiên bản P55 Extreme ra mắt năm ngoái. Một điểm khác đáng để nói về tính thẩm mỹ của Extreme4: theo ý kiến của tôi là bo mạch khá đẹp, với tuyền một màu đen trên PCB và 2 màu xanh/trắng phối hợp khá chuẩn trên khắp các chân cắm và tản nhiệt, không “màu mè” như chiếc ASrock P55 Deluxe mà anh bạn tôi đang dùng bên cạnh.
P55 Extreme4 hỗ trợ 2 khe PCI-E x16, 3 khe PCI-E x1, cùng 2 khe PCI thường. Bo mạch hỗ trợ đầy đủ các cấu hình CrossFireX cũng như SLI.
Các cổng kết nối khác của P55 Extreme4 được bố trí dồn hết xuống phía dưới board, đây được coi là cách thiết kế tốt nhất để đảm bảo tình trạng đi dây lòng thòng. Cũng phải nói thêm rằng các cổng kết nối mở rộng của P55 Deluxe rất nhiều, ASRock đã khai thác tối đa khả năng của chipset P55 để cung cấp toàn bộ các cổng mở rộng mà chipset này cho phép. Bên cạnh đó là các chân cắm USB 3.0 do chip điều khiển NEC đảm nhiệm. Nằm ở khu vực này cũng có cả bảng LED 7 đoạn để chẩn bệnh cho rân chơi, cùng 2 nút Power và Reset, giúp ích khá nhiều cho tôi trong quá trình test trên testbed.
P55 Extreme4 sử dụng tổng cộng 8+2 phase điện để cung cấp năng lượng cho CPU, số phase càng nhiều mức tải trên mỗi phase càng thấp, tăng cường độ ổn định cho điện áp CPU, nâng cao khả năng overclock. Vị trí quanh khu vực socket của Extreme4 cũng có tới 8 chân cắm, đặc điểm khá hay ho của các mainboard ASRock gần đây. 4 trong số đó dành cho các tản nhiệt hỗ trợ socket 1156, và 4 còn lại để bạn có thể tận dụng cả các tản nhiệt chỉ hỗ trợ socket 775.
4 khe cắm RAM (2 khe cắm mỗi kênh) trên mainboard hỗ trợ bộ nhớ có tốc độ tối đa trên 2600MHz. Toàn bộ P55 Extreme4 đều sử dụng tụ rắn cao cấp từ Nhật Bản, đem đến sự ổn định cùng khả năng chống chọi bền bỉ trong nhửng môi trường sử dụng khắc nghiệt nhất.
Sau phần đánh giá các công nghệ phần cứng trên P55 Extreme4, chúng ta cùng xem tiếp các công nghệ phần mềm đi cùng.
Công nghệ của ASRock trên các mainboard mới gần đây cho phép giảm thời gian khởi động máy xuống chỉ còn 4 giây. Lưu ý, Instant Boot chỉ áp dụng cho các máy máy không cài đặt password trong Windows và tốc độ khởi động phụ thuộc vào cấu hình phần cứng. Bảng trên là đánh giá về hiệu quả của Instant Boot trên ASRock P55 Extreme4.
Công cụ này cho phép bạn điều chỉnh các thông số của BIOS ngay trong Windows, đồng thời quản lý các thông số về tình trạng hoạt động của hệ thống. Tuy nhiên tôi vẫn thấy thoải mái và tiện lợi/nhanh chóng hơn khi sử dụng giao diện BIOS quen thuộc, tránh mất thời gian khởi động lại toàn bộ hệ điều hành trong suốt những buổi OC miệt mài bên testbed.
Đây là phần mềm cho phép bạn trích xuất và chia sẻ các thiết lập bên trong BIOS, hay còn gọi là OC profile. OC DNA thật sự là một công cụ hữu ích cho bất kì OCer nào. Bạn có thể tìm thấy thiết lập của một OCer chuyên nghiệp và load nó lên hệ thống của mình một cách nhanh chóng và đơn giản. Tất nhiên tự mày mò luôn là yếu tố cần thiết khi OC, nhưng một khởi đầu thuận lợi với một profile mẫu luôn tiết kiệm được khá nhiều thời gian.
Công nghệ tiết kiệm điện năng tiêu thụ độc quyền của ASRock, cho phép bo mạch chủ tự động vô hiệu hóa hoàn toàn các pha cấp điện không dùng đến của CPU, trực tiếp giảm điện năng tiêu thụ của cả hệ thống. Theo một số thử nghiệm trước đây của chúng tôi, IES cho thấy khả năng tiết kiệm điện rõ rệt. Tuy nhiên, với một OCer đặt hiệu năng và sự ổn định hệ thống lên cao nhất, thì IES không có nhiều ý nghĩa.
Một phần mềm khác khá hay ho trên Extreme4 là ASrock AIWI. Đây là phần mềm cho phép bạn kết nối iPhone/iPod touch với máy tính và sử dụng như một bộ điều khiển cảm biến chuyển động, chơi một số game đơn giản hay chuyên nghiệp hơn là để thay thế bàn phím/chuột khi trình diễn PowerPoint. Một phần mềm sáng tạo không tệ chút nào.
Do là sản phẩm mới, BIOS trên P55 Extreme4 của chúng tôi mới chỉ ở version đầu tiên P1.00. Phiên bản mới nhất hiện tại là P1.10, tăng cường thêm một ít khả năng overclock, cùng việc khắc phục một số lỗi ở bản đầu.
BIOS trên ASRock bao gồm các mục chính:
Nhận xét tổng quan, BIOS của Extreme4 không khác gì nhiều so với trên phiên bản P55 Deluxe mà chúng tôi đã từng thử nghiệm. Sau khi thiết lập đầy đủ cho các mục Advanced, H/W Monitor và Boot, Security, chúng ta sẽ quay lại “trái tim” của BIOS: trang OC Tweaker.
Tương tự như các nhà sản xuất bo mạch chủ khác, ASRock cũng có những công nghệ để hỗ trợ người dùng đơn giản hóa vấn đề overclock hệ thống, mang tên Turbo 50, CPU EZ OC và Memory EZ OC. Turbo 50 cho phép overclock toàn bộ hệ thống theo mức hiệu năng tăng cố định (40 và 50%) , trong khi CPU EZ OC cho phép chọn các thiết lập để nâng mức xung từ mặc định lên tối đa 4.2GHz. CPU EZ OC thay đổi chi tiết các thông số có trong tùy chọn của BIOS, bao gồm base clock, các tùy chỉnh cho RAM và cả tăng điện áp cho các thành phần của hệ thống. Dù sao với các OCer chuyên nghiệp, thiết lập của CPU EZ OC cũng là một khởi đầu đáng quan tâm.
Các thiết lập “linh tinh” khác bao gồm IES (đã giới thiệu ở phần trước), Good Night LED (tắt các đèn LED trên hệ thống để đảm bảo “an toàn” khi sử dụng về đêm), cùng 3 khung profile để lưu lại các thiết lập của bạn. Về phần thiết lập điện áp, P55 Extreme4 không còn hỗ trợ tùy chỉnh các thông số điện áp Reference cho RAM như trên bản P55 Deluxe, tuy nhiên cũng không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm OC của tôi. Điều đáng buồn duy nhất là OC Tweaker không hiển thị xung CPU ngay khi thay đổi hệ số nhân hay base clock, thay vào đó tôi phải nhờ đến sự trợ giúp của chiếc Casio trung thành. 3 profile để lưu với tôi có lẽ hơi thiếu, và nếu ASRock hỗ trợ thêm tính năng quay lại thiết lập BIOS khởi động tốt gần nhất (Last known good configuration) thì tuyệt hơn nhiều.
Cấu hình hệ thống thử nghiệm:
Bắt tay vào nghịch, tôi sử dụng chiến lược OC quen thuộc của mình: tìm max clock stable của CPU, tìm max base clock, tìm max clock RAM và cuối cùng là tìm max config stable cho hệ thống. Để tiết kiệm thời gian, tôi bắt đầu ngay với việc kéo base clock tự do. Các thiết lập khác như tính năng tiết kiệm điện hay Turbo Boost của CPU đều được tắt.
Mức base clock cao nhất với thiết lập auto cho điện áp mà P55 Extreme4 đạt được là 158, tăng ~ 19% so với base clock default 133 (VDrop bật mặc định), tương ứng với xung CPU 3792 MHz. Đây là con số tương đối so với mặt bằng chung của các bo mạch chipset P55 mà tôi từng thử nghiệm, và cũng là mức mà theo tôi, thể hiện phần nào “tiềm năng” OC của cặp CPU và mainboard.
Tiếp tục đặt gạch ở mốc 4.0GHz, base clock được đẩy lên 167, VDrop on, Extreme4 đã vượt qua một cách dễ dàng với một chút tăng cường về điện năng.
Đây là mức thiết lập chạy hằng ngày mà bạn có thể hoàn toàn yên tâm, và P55 Extreme4 đã làm rất tốt phần việc của mình. Test nhanh với 5 vòng IBT và hệ thống hoàn toàn stable, nhiệt độ tối đa vào khoảng 6x độ, và với các ứng dụng thông thường chỉ đạt ngưỡng 55, an toàn để dùng lâu dài.
Các mốc tiếp theo 4.1, 4.2 và 4.3GHz khá là khó nhằn và gian nan, và nút clear BIOS đã được sử dụng liên tục nhiều lần. Tôi liên tục đẩy VCore, song song đó là VTT và PLL để đảm bảo độ ổn định cho hệ thống. Mức 4.2GHz stable với base clock 175 và điện áp trong BIOS là 1.3V. Ở mức 4.3GHz, hệ thống không thể stable và tôi cũng không có nhiều thời gian để tinh chỉnh thêm, chỉ đủ để boot OS. Với tản nhiệt khí loại trung bình như MUX-120, đây là mức xung khá khả quan và hoàn toàn có thể nâng lên cao hơn nhiều (nếu OC mạnh tay hơn), dĩ nhiên là với giải pháp tản nhiệt tốt hơn.
Câu hỏi tiếp theo, max base clock của P55 Extreme4 là bao nhiêu? Hạ hệ số nhân xuống, tôi cũng giảm cả bộ chia RAM cũng như timing RAM, tăng VTT. Và kết quả dù khá tốt nhưng vẫn chưa làm tôi hài lòng lắm: stable ở 200MHz và boot thành công ở 220MHz.
Một điều lưu ý là các thử nghiệm overclock với bo mạch chủ nói chung, chúng tôi chỉ tiến hành trong thời gian ngắn (gần 2 ngày) với tản nhiệt khí. Trong trường hợp các trang thiết bị cho việc tản nhiệt cao cấp hơn (tản nhiệt nước, LN2) cùng với thời gian thử nghiệm dư dả hơn, kết quả có thể tốt hơn rất nhiều. Rõ ràng, khả năng OC của ASRock P55 Extreme4 là khá tốt nếu bạn trang bị những thành phần đi kèm phù hợp.
Với thiết kế khá đẹp cùng với các tính năng đầy đủ của một bo mạch chủ cao cấp, ASRock P55 Extreme4 hiện là bo mạch chủ P55 cao cấp nhất của hãng. Khả năng overclock là một yếu tố không thể không xét đến với dòng sản phẩm hạng sang, và P55 Extreme4 đã không làm chúng tôi thất vọng. Với các dân chơi nhiều kinh nghiệm hơn, cùng các thành phần khác phù hợp, P55 Extreme4 cũng sẽ dễ dàng chinh phục được các mức xung cao mà tất cả người dùng đều mơ ước.
Tuy BIOS còn một số khuyết điểm nhỏ và chưa có nhiều chỉnh sửa từ nhà sản xuất do mới ra mắt, tôi vẫn đánh giá khá cao sự tiện lợi và thoải mái trong quá trình nghịch ngợm với P55 Extreme4. Sản phẩm sắp được phân phối chính thức đến tay người tiêu dùng trong thời gian ngắn sắp tới, với mức giá theo dự đoán là không quá cao. Nếu bạn có nhu cầu đầu tư cho một bộ desktop với tiêu chí p/p cao và đủ khả năng tận hưởng những công nghệ mới nhất, ASRock P55 Extreme4 hẳn sẽ là một lựa chọn sáng giá.