AMD là công ty sản xuất chip bán dẫn đầu tiên tích hợp bộ điều khiển bộ nhớ tích hợp (Memory Controller Hub) vào bên trong CPU để tăng cường hiệu suất giao tiếp giữa DDR và nhân xử lý chính, qua đó gián tiếp tăng cường hiệu năng của toàn hệ thống. Từ giai đoạn đó, các chipset hỗ trợ bộ xử lý AMD chỉ còn tập trung vào việc quản lý một số giao tiếp truyền dẫn dữ liệu cơ bản và hướng đến mục tiêu tăng cường sức mạnh đồ họa (cả đồ họa tích hợp và đồ họa rời). Từ sau khi thu phục ATI, AMD hùng hổ tấn công mạnh mẽ vào thị trường chip đồ họa tích hợp và đạt được thành công vang dội. Khó có thể phủ nhận, chip đồ họa tích hợp của AMD là không có đối thủ, tính đến thời điểm hiện tại.
Chipset AMD 890GX xuất hiện trên thị trường vào một thời điểm cực kỳ thuận lợi. Ngoài mục tiêu nâng cấp và đa dạng hóa các dòng sản phẩm (chipset), 890GX còn là đòn đáp trả của AMD dành cho chip đồ họa tích hợp Intel HD Graphic (nằm trên các vi xử lý Core i3/i5 32nm). Bên cạnh đó, việc ra mắt 890GX là những bước chuẩn bị đầu tiên để đón tiếp CPU 6 nhân (tên mã Thuban) ra mắt vào cuối tháng 4/2010. Ngoài ra, đi kèm với chipset cầu bắc 890GX là chip cầu Nam SB850, chipset cầu Nam đầu tiên hỗ trợ mặc định chuẩn giao tiếp thiết bị lưu trữ SATA 6Gbps.
Chúng ta sẽ không bàn sâu về chipset 890GX trong bài viết này, mọi thông tin về nó và SBPreview850 các bạn có thể tìm thấy tại bài đánh giá chi tiết bo mạch chủ MSI 890GX-E65 mà chúng tôi đã đăng tải trước đây.Bài viết này tập trung giới thiệu đến các bạn một trong những mẫu bo mạch chủ sử dụng chipset 890GX “đỉnh” nhất hiện nay: ASRock 890GX Extreme 3.
Hộp đựng ASRock 890GX Extreme 3 có tông màu đen với các vân bóng được in trên khắp bề mặt. Logo TRUE 333 (hỗ trợ eSATA 3.0, SATA 3.0 và USB 3.0) có kích thước lớn và nằm ở vị trí bắt mắt.
Mặt sau hộp được in các thông tin liên quan đến những tính năng hoặc công nghệ độc quyền của bo mạch chủ ASRock và một vài chi tiết kỹ thuật của ASRock 890GX Extreme 3.
Phụ kiện đi kèm ASRock 890GX Extreme 3 ngoài các loại sách hướng dẫn sử dụng còn có đĩa driver, 4 cáp SATA (loại có ngàm sắt), 1 đầu chuyển nguồn từ 4-pin sang SATA, 1 đầu nối cổng eSATA ra phía sau thùng máy và miếng thép che phía sau (loại mỏng, dẻo và được mã màu các cổng cắm).
ASRock 890GX Extreme 3 có kích thước chuẩn full-ATX. Bảng mạch màu đen làm nền cho các khe cắm và tản nhiệt được sơn tông màu trắng-xanh, toàn bộ tụ nằm trên ASRock 890GX Extreme 3 đều là tụ rắn với ưu điểm (theo như các nhà sản xuất công bố) bền và cung cấp điện áp ổn định hơn cho hệ thống. ASRock cũng đã bỏ luôn khe cắm dành cho các ổ ATA và ổ mềm, tiết kiệm chi phí cũng như diện tích trên bo mạch chủ. Phía dưới đáy bo là các chấu cắm dành cho cổng giao tiếp phía trước với 1 chấu cổng COM, 1 chấu cổng Firewire IEEE 1394 và 4 chấu dành cho các cổng USB (màu xanh).
Có tổng cộng 5 chấu cắm quạt được bố trí trên ASRock 890GX Extreme 3, 1 dành riêng cho CPU, 3 chấu khác nằm ở rìa phải và 1 chấu nằm trên đỉnh để gắn quạt nằm bên trong thùng máy. Đầu cắm nguồn EPS12V 8-pin cấp điện cho CPU đặt ở góc trên bên trái bo mạch chủ trong một khu vực khá thoáng đãng do tản nhiệt mosfet của ASRock có thiết kế nhỏ gọn. Vị trí đầu cắm 8-pin như thế này tạo điều kiện thuận lợi hơn khi thao tác tháo lắp bo mạch chủ bên trong thùng máy. Trong các bo mạch chủ 890GX xuất hiện trên thị trường, việc bố trí đầu cắm 8-pin của ASUS được đánh giá cao nhất do đảm bảo được yếu tố đơn giản trong thao tác nhưng vẫn sở hữu bộ tản nhiệt mosfet cực kỳ hầm hố.
Các cổng kết nối phía sau của 890GX Extreme 3, hầu như không thiếu bất kỳ cổng giao tiếp cẩn thiết nào trừ ngõ xuất tín hiệu âm thanh coaxial, nhưng đây cũng chẳng phải là vấn đề gì nghiêm trọng. Nút Clear CMOS cũng được bố trí trên back panel, rất tiện khi bạn cần trả về các thiết lập BIOS mặc định khi bo mạch đã yên vị bên trong thùng máy. Tôi sẽ liệt kê các cổng kết nối, thứ tự từ trái sang phải, trên xuống dưới.
ASRock trang bị cho 890GX Extreme 3 tổng cộng 10 pha cấp điện, ở góc nhìn này sẽ hơi khó để bạn có thể thấy được dãy cảm kháng cũng như tụ điện được xếp ngay ngắn dọc khung socket AM3. Bo mạch chủ ASRock 890GX Extreme 3 hỗ trợ đầy đủ các dòng CPU mới nhất của AMD có công suất thiết kế từ 140W trở xuống, bao gồm cả các CPU 6 nhân sắp ra mắt (Thuban). Tản nhiệt cho chipset cầu bắc 890GX và toàn bộ mosfet công suất cấp cho CPU là hệ thống tản nhiệt được ASRock gọi với cái tên “Heatpipe V”.
Bên dưới tản nhiệt này chính là chipset AMD 890GX với chip đồ họa tích hợp Radeon HD 4290 với 128MB bộ nhớ (Sideport Memory). Radeon HD 4290 có mức xung mặc định là 700MHz (cao hơn 200MHz so với HD 4200), hỗ trợ thư viện đồ họa Direct X10.1, Shader Model 4.1.
ASRock trang bị cho 890GX Extreme tổng cộng 3 khe PCI-Express full-size, hỗ trợ tối đa 3 card đồ họa chạy ở thiết lập CrossfireX. Nhìn vào số chân đồng trên mỗi khe cắm, các bạn sẽ dễ dàng nhận ra khe PCI-Express đầu tiên sẽ chạy ở tốc độ tối đa X16 (băng thông 8GB/s), lần lượt 2 khe kế tiếp sẽ hoạt động ở tốc độ X8 và X4. Ngoài ra, ASRock 890GX Extreme 3 còn có thêm 1 khe PCI-Express X1 (nằm trên cùng) và 3 khe PCI khác để gắn card âm thanh hoặc Wirless card, v.v…
Sáu cổng SATA 6Gbps. Như đã nói ở trên, chipset cầu nam SB850 mặc định hỗ trợ chuẩn truyền tải dữ liệu mới nhất này, do đó các nhà sản xuất bo mạch chủ không cần “bày mưu tính kế” để “nhét” thêm SATA 6Gbps như khi thiết kế bo mạch chủ dùng Intel H55/H57.
Tương tự như các bo mạch chủ cao cấp khác, ASRock cũng bố trí thêm nút Power và Reset cũng như đồng hồ báo lỗi trên 890GX Extreme 3 ở vị trí sát góc dưới bên phải. Với một tester hiếm khi đặt bo mạch vào thùng máy và thường phải reset máy liên tục, việc bố trí các nút ở sát góc dưới bo là một điểm thuận lợi.
Việc xóa bỏ ACC trên các chipset cầu bắc SB850 của AMD có thể khiến những người dùng đang hả hê với các CPU “khuyến mãi” thất vọng. Tuy nhiên, những nhà sản xuất bo mạch chủ lại không muốn thế. ASRock trang bị cho 890GX Extreme 3 một chip đặc biệt, mang tên ASRock UCC, để có thể kích hoạt các core ẩn bên trong CPU AMD. Một điểm lưu ý cần nhấn mạnh, ASRock UCC chỉ đóng vai trò thay thế tính năng ACC trước kia chứ không thể “hô biến” một CPU thuần 2 nhân thành 4 nhân. Để kích hoạt tính năng này, bạn cần vào BIOS và chuyển sang tùy chọn Enable.
Các bo mạch chủ Gigabyte thực ra cũng có tính năng tương tự như họ không xem nó là một yếu tố để marketing cho sản phẩm. ASUS thì ngược lại, một tính năng mang tên Core unlocker cho phép mở khóa các CPU ẩn thông qua công tắc nằm trực tiếp trên bo mạch chủ.
Sau khi lắp đặt xong toàn bộ hệ thống thử nghiệm, chúng tôi tiến hành flash BIOS mới nhất cho ASRock 890GX Extreme 3: phiên bản 1.1 được công bố vào ngày 19/03/2010. ASRock 890GX Extreme 3 sử dụng BIOS do AMI viết, trước khi đi kỹ hơn vào các tùy chọn để overclock, chúng ta sẽ xem qua một số giao diện của các mục chức năng khác.
Cửa sổ chính hiển thị những thông số cơ bản nhất về cấu hình hệ thống bao gồm bo mạch chủ, CPU và RAM.
Advance Page, cung cấp toàn bộ các tùy chỉnh liên quan đến cấu hình phần cứng của hệ thống như tắt mở chức năng Cool’n'Quite của CPU, các tùy chọn khác cho chipset, cấu hình ổ cứng và các kết nối khác.
H/W Monitor hiển thị các thông tin về điều kiện hoạt động chung như nhiệt độ hoạt động của CPU, tốc độ quạt, điện áp của các đường điện cơ bản cấp cho hệ thống.
Thiết lập các tùy chọn để gán quyền khởi động từ thiết bị lưu trữ tại Boot Setting.
Load các gói tùy chỉnh được ASRock thiết lập sẵn ở Exit Page.
Hầu hết những tùy chọn để overclock được đặt bên trong mục OC Tweaker, chỉ duy nhất một trang và không chia thành nhiều mục nhỏ. Nằm đầu tiên là nhóm các tùy chọn EZ Overclocking, ngay trong tên gọi đủ để chúng ta biết đây thực chất là các profile overclock được ASRock thiết lập sẵn.
Các tùy chỉnh vể mức xung, hệ số nhân CPU, v.v… đều được đặt bên trong nhóm CPU Configuration. Mức xung tối đa có thể chỉnh được lên đến 500MHz cho CPU và xung PCIE là 250Hz.
Quá trình thử nghiệm cho thấy ASRock 890GX Extreme 3 chỉ có khả năng boot được ổn định ở mức xung khoảng 314MHz, hơi thấp hơn so với phiên bản ASRock 785G. Đây cũng là chiếc bo mạch chủ 890GX mà tôi được “nghịch”, do đó tôi sẽ không đánh giá xem mức xung như thế này đã tốt hay chưa. Tuy nhiên, tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm và trao đổi với hãng để nhận các phiên bản BIOS mới để xem có nâng cao được mức xung này hay không.
ASRock 890GX Extreme 3 cho phép chỉnh hệ số nhân cũng như mức điện áp của CPU, chip cầu bắc cũng như hệ số nhân xung của kênh kết nối HyperTransport khi tùy chọn Multilpler/Voltage change được chuyển sang chế độ Manual.
Về điện áp CPU, qua quá trình sử dụng tôi không ghi nhận tính năng VDroop như ở một số các bo mạch chủ khác. Điện áp do CPUZ ghi nhận được (khi load) gần tương đương với thiết lập trong BIOS.
Bộ chia RAM được tùy chỉnh ở 4 mức, điện áp cấp tối đa cho RAM là 2V. Các thiết lập về timing có thể vào mục nhỏ Memory Timing.
Toàn bộ các tùy chọn khác liên quan đến chipset (bao gồm cả tùy chỉnh cho chip đồ họa tích hợp đều nằm trong Chipset Setting. Hình trên cho thấy một số mức điện áp tối đa mà các bạn có thể gán cho các thành phần còn lại như HT, chip đồ họa tích hợp, chip cầu nam, bộ nhở dành riêng cho GPU.
Khả năng overclock chip đồ họa tích hợp là một trong những điểm sáng của các bo mạch chủ sử dụng chipset AMD, ASRock 890GX Extreme 3 cũng không ngoại lệ. Chip đồ họa tích hợp bên trong 890GX trên bo mạch chủ ASRock có khả năng hoạt động ổn định ở mức xung 1000MHz với điện áp cấp cho GPU là 1.6V, điện áp cho chipset cầu bắc là 1.2V (so với mặc định là 1.1V). Ngoài ra, chip nhớ DDR3 sideport dành riêng cho Radeon HD 4290 cũng hoạt động tốt ở mức xung khoảng 1640MHz khi được cấp điện áp 1.7V. Nhìn chung, hiệu năng tăng thêm khi overclock chip đồ họa tích hợp tăng thêm khoảng 22-25% (kết quả đo được trên game Crysis với CPU ở mức 3.6GHz).
Tương tự như ASRock P55 Deluxe, 890GX Extreme 3 cũng cho phép bạn lưu lại 3 profile. BIOS của ASRock 890GX Extreme 3 mắc một khuyết điểm điểm trong quá trình lưu profile. Khi load lại các profile đã lưu, thông tin về hệ số nhân của CPU và chip cầu bắc lại bị trả về mặc định. Điều này rất phiền phức trong quá trình overclock, khi hệ thống gặp lỗi, bạn cần load lại profile và chỉnh lại các tùy chọn trên, hơi rườm rà. Ngoài ra, một điểm nữa mà ASRock nên bổ sung trong phiên bản BIOS tiếp theo chính là việc gán mã màu cảnh báo cho các tùy chọn về điện áp. Hiện tại trừ điện áp cho RAM khi đặt ở mức tối đa có màu đỏ thì các tùy chọn khác đều chỉ mang màu xanh mặc định.
ASRock 890GX Extreme 3 xét về thiết kế và cả khả năng overclock (khi so sánh với một số kết quả của các bo mạch chủ 890GX khác được đăng tải trên các website) đều có thể so kè với các bo mạch chủ đến từ những thương hiệu tốp trên như Gigabyte và ASUS. Điểm đáng lưu ý chung là tất cả các bo mạch chủ 890GX đều hỗ trợ chuẩn giao tiếp mới SATA 6Gbps, có băng thông cao hơn SATA 2 hiện nay, và sẽ dần phổ biến trong thời gian tới. Ngoài ra, một số bo mạch chủ cũng đón đầu xu hướng thị trường, mà ASRock 890GX Extreme 3 là một ví dụ, bằng cách trang bị khả năng giao tiếp với các thiết bị chuẩn USB 3.0 nhờ chip điều khiển NEC.
Những mẫu bo mạch chủ sử dụng chipset 880G, hoặc thậm chí là 785G, sẽ phù hợp hơn cho nhu cầu sử dụng của đại đa số người dùng. Tuy nhiên, ASRock 890GX Extreme 3 có thể là cái đích mà bạn nên hướng tới nếu dự định trang bị cho mình một hệ thống nền tảng Leo với CPU Thuban 6 core mới từ AMD.