Đánh giá chất lượng mainboard Gigabyte 880GM-UD2H?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước

Tổng quan về chip cầu nam – bắc

Từ tên của chiếc board, hẳn bạn cũng hình như chipset (trái tim của mainboard) là model nào. AMD 880G chính là hạt nhân của 880GM. Đi cặp với chip cầu bắc thuộc thế hệ thứ 8 này, lạ thay, không phải SB8xx, mà là SB710, một đại diện của thế hệ thứ 7. Chi tiết này được AMD thể hiện trên website của mình, là họ để tuỳ nhà sản xuất (NSX) mainboard quyết định, thông qua chi tiết SATA 6Gbps. Có nghĩa tuỳ theo định hướng của NSX (giá thành, phân khúc …), họ có thể dùng SB8xx hay SB7xx cho sản phẩm của mình.

Bạn có thể thấy thực sự lợi ích tác động lên người tiêu dùng giữa SB7xx và SB8xx là không đáng kể, đặc biệt khi thiết bị lưu trữ duy nhất hiện nay có thể khai thác được băng thông của SATA 6Gbps là SSD. Riêng RAID thì đó lại là 1 thế giới khác mà chúng ta không bàn ở đây. Với nhiều người đã quen với thương hiệu Gigabyte, hẳn cụm đuôi UD2H cũng khiến bạn mường tượng được chiếc board này ngắm đến phân khúc nào. SB710 ở đây không có gì đáng chú ý (hay đáng “ồn ào” cả).

AMD 880G chỉ 'thua' 890GX ở mức xung IGP

Có điều cần nhắc lại một chút, SB710 có thêm tính năng Advanced Clock Calibration (ACC). Tính năng này từng 1 thời gây xôn xao cho giới đam mê overclock (OC) vì ngoài chuyện hỗ trợ OCing tốt hơn ra, ACC còn có khả năng unl0ck các nhân đã bị khoá trên 1 số model CPU của AMD. Chuyện hỗ trợ thêm các model Thuban của AMD có thể thực hiện với các model cũ thông qua việc flash BIOS. Với 880GM, đây là tính năng có sẵn nếu bạn là người “nhát tay” hay đang ở khu vực có điện đóm kém ổn định. Dù sao yếu tố này không thuyết phục lắm, 880GM, phù hợp hơn với những ai mua PC mới thay vì để nâng cấp.

Lại nói về AMD 880G, bản thân con chip có thể nói là bản cập nhật của của AMG 785G, với 1 ít thay đổi thực sự không đáng kể. Nếu đang sở hữu 1 chiếc board dùng AMD 785G, bạn không cần tính chuyện nâng cấp lên 880G. Khác biệt đầu tiên là nhân đồ hoạ tích hợp (IGP) HD 4250. Chiếc IGP này chính là HD 4200 trước đây nhưng được OC sẵn thêm 60MHz nữa (HD 4200 có xung mặc định 500MHz), 1 con số không đáng kể. Ai đó có thể xem đây là bản “re-name” của HD 4200 cũng được. AMD 890GX dùng IGP HD 4290 với xung 700MHz.

Khác biệt thứ 2 là liên kết A-Link Express giữa chip cầu bắc và nam. A-Link thực chất là việc dùng riêng 4 liên kết PCIe dành cho việc “nói chuyện” giữa NB và SB của AMD. Ở AMD 7xx, đó là A-Link Express II khai thác giao tiếp PCIe 1.1. Ở AMD 8xx, đó là PCIe 2.0 hay A-Link Express III. PCIe 2.0 cho băng thông gấp đôi PCIe 1.x là khác biệt lớn nhất. Nói thêm, mọi liên kết PCIe ở thế hệ chipset 8 của AMD đều là 2.0. Điều này theo AMD, giúp việc truyền tải dữ liệu khi sử dụng giao tiếp USB 3.0 hoặc SATA 6Gbps tránh bị “nghẽn cổ lọ”.

Nền tảng chipset thế hệ của AMD sử dụng toàn bộ liên kết PCIe 2.0

Điểm qua Gigabyte 880GM-UD2H

Lần này, thực ra chúng tôi nhận được 2 mẫu board của Gigabyte – 880GM-UD2H và 880GM-USB3 (tạm gọi 880GM3). Nhưng sau khi xem xét cả 2 mẫu, chúng tôi nhận ra chúng chỉ khác nhau ở chi tiết 880GM3 có thêm giao tiếp USB 3.0 thông qua 1 chip điều khiển NEC D720200F1. Các chi tiết còn lại y hệt nhau nên vozLabs quyết định chỉ đánh giá trên 1 model là 880GM. Với 880GM3, dù sao, chúng tôi hiện chưa có thiết bị lưu trữ nào khai thác được băng thông của USB 3.0 nên việc đánh giá không có ý nghĩa. Tuy vậy bạn có thể xem qua hình ảnh của sản phẩm ở trang sau.

880GM có kích thước micro-ATX, được đóng góp trong 1 chiếc hộp vuông vắn với những thông tin nổi bật nên trên hết sức hấp dẫn người dùng như hỗ trợ CPU AMD 6 nhân (Thuban), dùng toàn bộ tụ rắn với tuổi thọ 50.000 giờ (hơn 5 năm sử dụng), PCB có 2 lớp đồng (2oz) giúp hoạt động ổn định hơn, và thiết kế BIOS kép giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình flash BIOS.

Ngoài ra còn có Turbo 3DCore Boost. Nhưng cả 2 tính năng này thực ra do HD 4250 và công nghệ Turbo CORE của Thuban mang lại. Dù sao vẫn hết sức hấp dẫn, nếu bạn không rành về phần cứng lắm, nhỉ ?

Lật phía sau chiếc hộp lên, bạn sẽ thấy lợi ích của những tính năng riêng mà Gigabyte mang lại sản phẩm của mình. Riêng tôi thì “khui seal thùng” sẽ thú vị hơn …

Những thứ tối thiểu phải có, sách hướng dẫn sử dụng (manual), đĩa CD Driver, cáp nối dữ liệu, miếng che Back I/O Panel … Những thứ tuỳ chọn khác (theo manual) không có ở đây (thực sự thì trước giờ chúng cũng chưa bao giờ xuất hiện với dòng main bình dân).

Một màu xanh xanh, điểm thêm mây hồng trắng … Nhân vật chính của hôm nay, Gigabyte 880GM-UD2H.

880GM có thiết kế điện nguồn cho CPU socket gồm 4 + 1 phase. Gigabyte cho biết việc này nhằm hỗ trợ việc sử dụng các CPU Phenom II tốt hơn, chúng ta sẽ kiểm chứng điều này ở phần test sau.

Nổi bật lên toàn chiếc board là tấm nhựa Turbo 3D. Bên dưới nó (và bên dưới khối tản nhiệt, tất nhiên) là con chip AMD 880G được xây dựng trên tiến trình TSMC 55nm. TDP tối đa của con chip được biết vào khoảng 18W. Một chút hơi tiếc, chiếc board không kèm theo bộ nhớ Sideport một thời gây náo loạn thị trường IGP vì nó đã đưa phân khúc này sang 1 trang mới. Nhưng có lẽ vì thế, nó sẽ giúp việc OC IGP tốt hơn. Tại sao ? Chúng ta sẽ bàn ở phần sau.

Không giống các model cao cấp, 880GM dùng các chân cắm SATA đứng. Điều này gây ra vài bất tiện mà tôi nghiệm được khi dùng các model đồ hoạ cao cấp : chiếc card GTX 470 thực sự đã “cấn” vào cáp SATA vì nó chiếm đến 2 khe PCI. Ngay cả khi cắm vào chân SATA ở ngoài cùng, thực sự vẫn có chuý gì đó “đụng chạm”. Bạn nên chú ý nếu muốn dùng giải pháp đồ hoạ rời trên 880GM (và các model micro-ATX nói chung).

Lại nói thêm về khối tản nhiệt Turbo 3D, nó rất sát với khe mở rộng PCIe x1 sát bên. Với thiết kế micro-ATX, dường như Gigabyte không thể tìm thêm được chỗ nào cho “em bé” vì 2 khe PCI còn lại không thể nhét vào đây được.

Main BIOS (M_BIOS) và Backup BIOS (B_BIOS), những điều quá quen thuộc với sản phẩm của Gigabyte.

Nhìn sơ qua các cổng cắm I/O phía sau, chúng ta có :

  • 1 cổng PS/2 dùng cho cả chuột lẫn bàn phím
  • 6 cổng USB 2.0 (6 cổng còn lại nằm trên main)
  • 1 cổng eSATA (được tách ra từ 6 cổng SATA mà SB 710 cung cấp), 1 cổng IEEE 1394a (cổng còn lại trên main), 1 cổng LAN Gigabit
  • Các lỗ cắm âm thanh 7.1 kênh, 1 cổng âm thanh số quang S/PDIF
  • 1 cổng D-Sub, 1 cổng DVI-D, 1 cổng HDMI

Theo tài liệu của Gigabyte, nếu muốn dùng nhiều màn hình cùng lúc, bạn chỉ có thể dùng tối đa 2 màn hình nếu không gắn thêm card đồ hoạ rời. Cụ thể là bạn chỉ xuất tín hiệu được qua 1 cổng digital (DVI-D hoặc HDMI) và 1 cổng analog (D-Sub), không thể cùng lúc qua 2 cổng digital. Giới hạn này, nguyên do từ chipset AMD 880G. Bạn có thể nhìn lại sơ đồ khối của con chip để biết thêm chi tiết.

Gigabyte 880GM-USB3

Như đã nói, khác biệt duy nhất giữa 880GM và 880GM3 là chiếc sau có hỗ trợ thêm giao tiếp USB 3.0. 2 chiếc cổng này được nhận dạng bởi màu xanh đặc trưng (với USB 2.0 tôi thấy có đủ loại màu). Để hỗ trợ thêm giao tiếp này, Gigabyte buộc phải “hy sinh” diện tích PCB cho 1 số linh kiện nhằm “nhét” thêm con chip của NEC vào. Bạn sẽ nhận ra điều này khi xem hình 2 chiếc main.

Nhưng 2 chiếc cổng đó có lợi hay không ? Với những chiếc board có kèm theo USB 3.0, từ kinh nghiệm của tôi, những chiếc cổng mới hoàn toàn không hoạt động khi ở trong môi trường DOS. Ngay cả khi đã vào Windows (7), chúng vẫn chưa hoạt động nếu driver cho con chip NEC chưa được cài. Tính năng tìm kiếm driver của Windows 7 tính đến lúc tôi viết bài vẫn chưa nhận diện được con chip và bạn buộc phải nhét Driver CD vào. Nhưng như đã nói, môi trường DOS không hỗ trợ chúng. Đồng nghĩa với việc nếu bạn cài Windows 7 từ USB Flash Driver hay boot máy bằng gói công cụ Hiren, 2 chiếc cổng trên hoàn toàn vô nghĩa.

Thêm 1 điều cần chú ý, các hãng sản xuất mainboard thường tích hợp cả giao tiếp USB 2.0 và 3.0 vào cùng 1 chiếc cổng. Tức 6 cổng USB phía sau main 880GM3 sẽ có 2 cổng phục vụ cả giao tiếp 3.0. Và điều này dẫn đến hệ luỵ : trong môi trường không hỗ trợ USB 3.0, bạn sẽ chỉ còn 4 cổng hoạt động được. Nếu 2 trong chúng đã phục vụ cho chuột và bàn phím, vậy bạn chỉ còn 2 cổng phía sau. Và tiếp theo, những chiếc case đã bán đa số trên thị trường hiện nay chỉ hỗ trợ 2 cổng USB gắn ngoài (thông qua chân cắm trên main).

Có 1 thực tế là trong 12 cổng USB được SB710 (và nhiều chip cầu nam khác) hỗ trợ, chỉ có 8 cổng có khả năng sử dụng thường xuyên. Với 2 chiếc cho chuột – bàn phím, số lượng cổng khả dụng chỉ còn 6. Thêm 2 chiếc kèm theo USB 3.0 sẽ làm con số trên chỉ còn 4. Tại sao tôi quan trọng hoá vấn đề này ? Vì số lượng thiết bị dùng giao tiếp USB ngày càng nhiều. Qua nhiều tình huống sử dụng, tôi đã nghiệm được 1 số cổng có thể “ra đi” vì lý do kỹ thuật này nọ. Có thể đến lúc nào đó, bạn sẽ tự hỏi : “Hết cổng USB rồi à ?”

Bài viết này, tôi không ám chỉ hỗ trợ USB 3.0 là không tốt. Mà là việc không khai thác được chúng trong các môi trường không hỗ trợ là 1 bất tiện (ít nhất tôi không cài được Windows từ chiếc flash drive thân thuộc). Vấn đề này thực chất không phải do các NSX mainboard, mà ở AMD và Intel. Sự thiếu hụt hỗ trợ cơ bản (native) từ chipset đã khiến USB 3.0 khó được chấp nhận rộng rãi.

BIOS – Cấu hình test

Nhiều bạn đọc hẳn cũng biết, sự khác biệt về hiệu năng giữa các chipset trong cùng 1 thế hệ không nhiều. Các chip cầu bắc thế hệ 8 của AMD chia sẻ chung các giao thức. Ngoại trừ số làn PCIe nhiều / ít và việc có thêm IGP hoặc không, các chi tiết còn lại không khác biệt. Vì thế nên bài viết này chúng tôi không đi vào đánh giá mọi điểm số vì việc đó không đem lại ý nghĩa nhiều.

BIOS

Tuy là UD2H, nhưng 880GM được Gigabyte trang bị hẳn tính năng M.I.T cho phép OC trực tiếp trong BIOS mà không cần phải bấm Ctrl + F1 như xưa (tôi có 1 chiếc board S2 của Gigabyte và việc OC trên đó quả thực rất tệ). Dù thế, không có nghĩa 880GM là model lý tưởng cho các Ocer.

Tại đây tôi chỉ thể hiện các chi tiết liên quan đến OCing, các chi tiết còn lại có lẽ bạn đã thuộc lòng. Bạn được phép điều chỉnh xung gốc CPU, hệ số nhân CPU, hệ số nhân (HSN) chip cầu bắc, xung PCIe (nhưng “nghe đâu” không nên chỉnh thì tốt hơn cho card của bạn), bề rộng HT Link và xung của chúng, cũng như các thông số liên quan đến RAM hệ thống. Tất nhiên không thể OC tốt mà không được chỉnh điện đóm.

Do trang bị HD 4250, 880GM cho phép bạn OC thêm cả IGP. Nhưng lại không cho “chích choác” gì ở đây.

ACC, 1 phần của SB710 sẽ giúp bạn OC ổn định hơn. Đôi khi, “trúng thưởng” nếu bạn sở hữu 1 model Phenom II có nhân ẩn.

Cấu hình test

  • Mainboard : Gigabyte 880GM-UD2H (F5)
  • CPU : AMD Phenom II X4 955 (3,2GHz)
  • VGA : ATI Radeon HD 4250
  • RAM : 2 x 1GB Crucial Ballistix (1600MHz – 1,65V – Cas 8-8-8-24)
  • Cooling : Thermalright Ultra 120 Extreme
  • PSU : Corsair HX1000W
  • HDD : Western Digital Caviar Blue 160GB SATA2 8MB
  • OS : Windows 7 64-bit (Trial version)

Overclock – Kết luận

X4 955 là 1 model Black Edition, điều này có nghĩa là chúng tôi có OC bằng cách chỉ đẩy HSN của con chip lên là đủ. Không nhận được (thêm) sự hỗ trợ nào từ các phase điện, mức xung tối đa mà tôi đạt được là 3.716,4MHz (18,5 x 200,9MHz). Hệ thống “được cho” là ổn định sau khi stress bằng công cụ System Stability Test của Lavalys (tôi dùng công cụ này vì nó cho phép tuỳ chọn nhanh chóng nhiều thành phần CPU). Khi đẩy HSN lên 19, hệ thống crash chỉ sau vài phút stress.

Tôi quyết định chuyển sang OC bằng xung gốc của CPU. Cũng không nhờ thêm sự hỗ trợ nào của điện đóm, mức xung tối đa tôi đạt được khả quan hơn trước – 3.835MHz (13 x 295MHz). Bù lại tôi đẩy timing của RAM lên cao hơn để duy trì tính ổn định. Và tôi cũng chỉ đạt được ở mức đấy, dù đã “tiêm thêm adrenalin” cho CPU, NB lẫn CPU NB VID từ lần lượt đến toàn bộ và giữ HT Link dưới 2.400MT nhưng không có chút khả quan nào hơn. Nên, tôi dừng việc OC CPU ở đây và chuyển qua IGP.

Khác với CPU, OC IGP trên 880GM là 1 trải nghiệm khác. Tôi đẩy lần lượt mức xung lên 800, 850, 900, 950 và sau cùng là 1.000MHz. Hệ thống vẫn ổn định nhưng xuất hiện artifact sau vài phút stress với Furmark tại mức xung 1.000MHz. Bạn lưu ý xung mặc định của HD 4250 là 560MHz.

Bản thân con chip đồ hoạ có thể còn OC cao hơn nữa. Vì sau vài phút stress bằng Furmark, tôi ghi nhận được nhiệt độ bề mặt khối tản nhiệt (passive) là 106°C (!) Mức này có thể còn tăng nữa vì ban đầu con số đó chỉ ~ 80°C. Vậy nên tôi giảm mức xung còn 975MHz (và tắt máy 1 thời gian để nhiệt độ giảm xuống).

Không có nhiều thời gian, tôi benchmark trực tiếp bằng Furmark. Bạn lưu ý xung CPU có ảnh hưởng đến kết quả benchmark. Tôi thực hiện benchmark ở các mức DF và mức tối đa mà hệ thống đạt được.

Về điện năng, AMD đã thực hiện tốt việc giữ cho mức tiêu thụ ở chế độ Idle ở các mức OC khác nhau gần như không đổi. Điều này đạt được nhờ tính năng ATI PowerPlay giữ cho xung IGP ở Idle luôn giống nhau.

Kết luận

880GM là mẫu board dành cho thị trường bình dân. Không khó hiểu lắm khi khả năng OC CPU của sản phẩm chỉ dừng ở mức “tạm dùng được”. Tuy vậy, OC IGP lại là 1 ấn tượng khác. Nhiều người biết IGP của AMD cho khả năng OC khá cao. Với Turbo 3D, khả năng này có thể còn cao nữa nếu bạn trang bị thêm 1 hệ thống tản nhiệt active. Theo ghi nhận của tôi, chiếc board vẫn còn 1 chân cắm fan cho chip cầu bắc và bạn có thể sử dụng nó để đạt hiệu quả cao hơn.

Không trang bị giao tiếp USB 3.0 và thời điểm này vẫn chưa phải “thua thiệt” gì lớn cho 880GM. Trong vài trường hợp, điều này đôi khi lại là lợi thế vì ở trong DOS, các cổng này không dùng được.

Gigabyte 880GM-UD2H thực sự là 1 lựa chọn đáng chú ý cho người dùng AMD phổ thông và bình dân. Cám ơn CTNN Viễn Sơn đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành bài viết này.