Đánh giá chi tiết ASRock 880G Extreme3?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước

Chipset AMD 880G dĩ nhiên không phải là dòng chipset dành cho thị trường cao cấp nhưng bản thân những nhà sản xuất bo mạch chủ, với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, vẫn đưa ra những lựa chọn “khủng” dành cho người tiêu dùng. ASRock 880G Extreme3 là 1 trong những model được trang bị rất nhiều công nghệ và tính năng tiên tiến mà chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn trong ngày hôm nay.

Sơ nét

Xét về mặt chipset (cả cầu bắc và cầu nam), mẫu bo mạch chủ mà chúng tôi vừa đánh giá gần đây,Gigabyte 880GM-UD2H, cũng dùng chipset AMD 880G, vậy ASRock 880G Extreme3 có gì đặc biệt ? ASRock 880G Extreme3 “hơn” Gigabyte 880GM-UD2H ở chip cầu nam : SB850 thay vì SB710. Tôi cũng đã nói ở lần trước : khác biệt chính giữa 2 thế hệ chipset này chủ yếu là sự hỗ trợ SATA 6Gbps (chúng ta hay gọi là SATA3 nhưng đôi khi có thể nhầm lẫn với SATA 3Gbps). Dù thế, một vài hãng như ASRock vẫn tiếp tục dùng thuật ngữ SATA3 để PR cho sản phẩm của mình, rõ ràng và trực quan hơn với người dùng cuối khi họ đã quen thuộc với SATA2. True 333 là dòng sản phẩm của ASRock được trang bị cả SATA3, eSATA3 và USB 3.0.

Mô hình chipset của 880G Extreme3 nhìn chung là y như sơ đồ khối trên đây, bạn chỉ cần thay 890GX thành 880G là mọi thứ sẽ đúng tuốt tuồn tuột. Nhưng tôi đã mô tả điều này ở bài trước nên chúng ta sẽ không đề cập lại ở đây.

“Dung nhan” ASRock 880G Extreme3

Với 1 chiếc hộp như vậy, hẳn bạn cũng đoán được 880G Extreme3 có kích thước gì. Vâng, chiếc logo True 333 là nét nổi bật nhất khi nhìn thoáng qua bên ngoài. Bộ đôi chipset mới nhất của AMD hẳn phải hỗ trợ dòng CPU mới nhất của hãng này, Thuban hay Phenom II X6.

Ngoài các tính năng “hẳn nhiên” phải có, bản thân 880G EX được ASRock trang bị thêm các “món ăn chơi” đặc trưng của riêng hãng : ErP/EuP (Energy Using Product – 1 tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng của EU), Turbo 50 (tự động overclock), UCC (kết hợp của khả năng unlock nhân, tiết kiệm điện và tự dộng d OC) và DuraCap (tụ điện rắn của Nhật Bản).

Nhưng quan tâm chi những cái ấy, “khui seal thùng” ra nào !

Chỉ một cái nhìn thoáng qua, chắc chắn nhiều người sẽ nhận định ASRock Extreme3 là một mainboard cao cấp với PCB đen, các chi tiết linh kiện được phối 2 màu xanh - trắng trông rất “kool”. À, board đẹp !

Trừ các cổng USB 3.0 đang dần phổ biến hơn, các giao tiếp I/O phía sau của 880G EX không có khác biệt lắm đa số các loại board dùng chipset AMD hiện nay. ASRock trang bị thêm 1 con chip điều khiển NEC D720200F1 mà bạn từng thấy trên Gigabyte 880GM-USB3 trước đây. Nhưng với 880G EX, lần này tôi có được trải nghiệm khác với giao tiếp USB 3.0.

Những model mainboard trang bị giao tiếp này ở “lứa” đầu tiên thường không có khả năng sử dụng các cổng USB 3.0 trong môi trường không hỗ trợ (thiếu driver) và hiển nhiên, các cổng USB sẽ trở nên vô dụng khi bạn có nhu cầu dùng chúng trong DOS hoặc Windows chưa cài driver cho chip điều khiển NEC. Đây chính là điểm dở nhất của việc tích hợp thêm giao tiếp USB 3.0 và chắc hẳn người dùng cũng không thật sự cảm thấy hài lòng vì vấn đề này.

May thay, các nhà sản xuất mainboard đã “lắng nghe” và sau cùng “thấu hiểu” được “nỗi lòng” các Thượng Đế. Từ trải nghiệm của vozLabs, các model tích hợp cổng USB 3.0 sau này đều có thể khai thác được phần còn lại trong môi trường không hỗ trợ (ngay cả Windows 7 nhưng không có driver cũng không hỗ trợ giao tiếp mới này). Tôi đã có thể khởi động máy từ cổng USB và cài Windows bằng flash drive. Nice !!!

Có vẻ tôi hơi lạc đề. Điểm qua các khe cắm mở rộng, 880G EX được trang bị 3 khe PCIe kích thước x 16, 1 khe PCIe x1 và 3 khe PCI. Tuy đều cùng độ dài vật lý, nhưng băng thông ở 3 khe PCIe x16 khác nhau. Cụ thể là PCIe x16 / x8 / x4 tính từ vị trí chipset ra ngoài. Chip AMD 880G có 22 làn (x22) PCIe, nếu bạn cộng tất cả băng thông của 3 khe trên lại thì x22 là không thể đủ. Và đây là cách ASRock giải thích về số lượng khe cắm trên :

  • Nếu bạn cắm card đồ hoạ vào khe đầu tiên, nó sẽ đạt băng thông tối đa (x16)
  • Nếu bạn cắm 2 card đồ hoạ vào 2 khe đầu tiên (chạy CrossFire), mỗi card sẽ hoạt động ở băng thông x8 (x8 + x8)
  • Nếu bạn cắm 3 card đồ hoạ vào cả 3 khe (chạy 3-way CrossFire), 2 card đầu sẽ hoạt động ở x8 và card sau hiển nhiên là x4 (x8 + x8 + x4)

Như vậy trong mọi trường hợp, tổng băng thông cho mục tiêu đồ hoạ luôn ≤ x20, vẫn còn dư x2 cho việc khác như chạy RAID hay xử lý âm thanh số chất lượng cao (khe PCIe x1). Bạn lưu ý là các chipset AMD thế hệ 8 hỗ trợ toàn bộ giao tiếp PCIe 2.0.

News
Đánh giá chi tiết ASRock 880G Extreme3
Chuyển trang: 1 2 3 4 5

“Dung nhan” ASRock 880G Extreme3 (tiếp)

Mang danh Extreme nên 880G Extreme3 được kèm các phím nóng cần thiết phục vụ cho “công cuộc” OC. Good.

Cổng SATA nằm ngang là 1 điểm cộng với tôi, đỡ phải băn khoăn trong việc chọn card đồ hoạ vì không sợ cấn vào cáp nối như trước.

Tản nhiệt cho chip cầu bắc và nam. Trông đơn giản, nhưng khá “hoành tráng” nếu bạn biết con chip bên dưới “mi nhon” thế nào.

880G Extreme3 có một ưu thế là tích hợp thêm bộ nhớ Sideport dành cho chip đồ họa tích hợp. ASRock cho biết bộ nhớ này có dung lượng 128MB. Nhưng theo kết quả khảo sát của tôi thì con chip nhớ Nanya DDR3 chỉ có dung lượng 64MB. Có điều khi kiểm tra lại bằng CPU-ZGPU-Z thì cả 2 đều cho biết là 128MB, bù lại không phải DDR3 mà là DDR2 ! Một chi tiết tôi không thể hiểu được.

Trong lúc vội vã, tác giả đọc nhầm bảng thông số kỹ thuật của nhà sản xuất. Xin cáo lỗi cùng bạn đọc

Hãy ngó qua 1 chút về 1 vài thành phần quan trọng không kém trên 880G Extreme. Winbond 25Q80BVAIG với chức năng quản lý BIOS, nếu chẳng may gặp sự cố trong quá trình flash BIOS mới thì đây là thứ bạn cần xác “săn sóc” trước tiên.

Jumper để Clear CMOS, nhưng với phím clear CMOS ở phía sau main thì sự tồn tại của chiếc jumper này gần như không còn mấy ý nghĩa.

ICS 9LPRS477CKL, chip tạo xung cho toàn hệ thống, thường được dùng trên các dòng sản phẩm AM3, đặc biệt là các model high-end. Chi tiết này hứa hẹn 880G Extreme sẽ có khả năng OC tương đối tốt.

NEC D720200F1 như đã nêu ở trên, bạn có được 2 cổng USB 3.0 từ con chip này.

ASRock quyết định loại bỏ hoàn toàn giao tiếp PATA / IDE cũng như đĩa mềm (floppy) và cổng LPT trên 880G Extreme3. Hai giao tiếp duy nhất mà tôi nhận ra còn tận dụng khả năng của con chip Super I/O Nuvoton NCT6771F là cổng COM1 nằm phía cuối main (cần đầu nối) và cổng PS/2 dành cho keyboard. Bản thân chiếc cổng COM hầu như rất ít sử dụng trong điều kiện thực tế. Vậy nên vai trò của con chip “to hoành tráng” rút cục chỉ còn mỗi việc … dùng cho keyboard (!)

Có 1 chi tiết tương đối … hơi buồn cười và khó hiểu là trong Manual của ASRock có nói về việc dùng đĩa mềm để cài đặt RAID nếu bạn dùng Windows XP. Nhưng chiếc board này hoàn toàn không có chân cắm đĩa mềm lẫn cáp nối. Bạn có thể xem trong đám phụ kiện kèm theo sau :

Trải nghiệm BIOS

Chiếc bo mạch chủ mà ASRock gửi cho chúng tôi dường như không ở trong trạng thái hoàn hảo nhất.

Trước hết, nó khá kén RAM. Thử lần lượt qua đủ thể loại từ Corsair Dominator, Crucial Ballistix, Crucial Ballistix Tracer, A-DATA … đều bị lỗi trong quá trình boot. Sau cùng chỉ duy nhất cặp Mushkin Enhanced Silverline là tương đối ổn định (hiện tượng khó boot vẫn xảy ra nhưng tần số ít hơn). Hiển nhiên những bộ kit trên đều hoạt động tốt, vì chúng tôi đã thử nghiệm chúng với hàng chục mainboard khác trước đây và nếu chúng đột ngột “lăn quay” hàng loạt thì tình cảnh đúng là cười ra nước mắt.

Ngoài ra hệ thống sau khi cài đặt driver Catalyst thì màn hình liên tục xuất hiện các vệt nháy nháy. Hiện tượng này nếu bạn đọc nào từng dùng qua TV CRT thời xưa có thể nhận ra khi dò kênh không đúng tần số. Nôm na là hình ảnh “nhảy disco” và bạn không thể làm việc gì được. Lỗi này có thể giải thích do lượng RAM dùng cho mục đích đồ hoạ có vấn đề, hoặc bản thân chip cầu bắc bị lỗi. Sau vài lần thay RAM thì hiện tượng trên “thuyên giảm”.

Quay lại chủ đề chính, thực sự khác biệt giữa những chiếc mainboard hầu như chỉ ở khả năng OC. Thế nên tôi chỉ tập trung vào câu hỏi chính là 880G Extreme3 có thể OC được tới bao nhiêu trong điều kiện thường (tản nhiệt khí, nhiệt độ thường) ?

Với 1 chút may mắn (các lần khởi động máy không bị lỗi), mức xung tối đa tôi đạt được mà hệ thống tương đối ổn định là 3,680GHz (230MHz x 16). Một chút “táy máy” từ các đồng nghiệp có thể đẩy xung gốc lên được 250MHz, nhưng hệ thống không ổn định lắm. Mức xung 3,68GHz tôi đạt được khi chưa tiến hành các biện pháp “tiêm adrenaline” bằng cách nâng VCore. Dù thế, việc thêm điện vào cho CPU, chip cầu bắc và nâng timing của RAM không đem lại nhiều hiệu quả. Hệ thống không ổn định khi vượt ngưỡng 3,7GHz với tản nhiệt khí.

Tiếp tục trải nghiệm và những kết luận sơ bộ

Mọi thứ dường như không đi đúng quỹ đạo của chúng, thông thường các sản phẩm chúng tôi nhận được từ ASRock đều hoạt động khá tốt. Một số đồng nghiệp ở OCWorkbench có vẻ may mắn hơn chúng tôi, chiếc board của họ không gặp lỗi và hoạt động trông khá là trơn tru. Dù sao, mẫu CPU họ dùng trong thử nghiệm là Phenom II X3 710, của vozLabs là Phenom II X4 955. Việc Overclock 1 model CPU nhiều nhân và xung mặc định cao hơn khó hơn 1 mẫu CPU cấp thấp.

Quay về trang 2, hẳn bạn còn nhớ tính năng Turbo 50 ? Đây là khả năng tự động overclock của hệ thống, 1 kiểu gần như Overclocking profile : bạn không cần làm gì nhiều, chỉ việc chọn lựa mức hiệu năng muốn tăng thêm và bấm Enter >> F10 >> Enter, chiếc board sẽ làm nốt phần còn lại cho bạn. Với các overclocker có kinh nghiệm, tính năng này rõ ràng chỉ hiệu quả với những model CPU cấp thấp. Khi dùng các model cao cấp hơn, điều này hoàn toàn không hiệu quả. Nhưng Turbo 50 không phải không có ích, nó sẽ giúp bạn tạm thời ước lượng trước được khả năng overclock mà hệ thống của bạn có thể đạt được. Nếu muốn đạt được các mức xung cao hơn nữa, bạn cần thêm kinh nghiệm và có khi là cả may mắn nữa.

Nói về chip đồ họa tích hợp, HD 4250 là 1 con chip có khả năng overclock khá tốt. Nếu đã xem qua đánh giá về Gigabyte 880GM-UD2H, bạn sẽ đồng ý với tôi. Với ASRock 880G Extreme3, sau nhiều lần tăng và giảm xung, mức tối đa tôi đạt được là 875MHz, thấp hơn sản phẩm kia 100MHz. Dù rằng việc overclock chip đồ họa tích hợp không đem lại nhiều lợi ích. Chip tích hợp dẫu sao vẫn là chip tích hợp, nhưng điều này vẫn khiến tôi không hài lòng lắm. Có điều biết đâu trong tay bạn, 880G Extreme3 lại có thể đạt kết quả khả quan hơn ?

Trong thử nghiệm của chúng tôi, nhiệt độ tản nhiệt chip cầu bắc cho hiệu quả tản nhiệt rất tốt, nhiệt độ luôn duy trì ở mức thấp hơn 60°C trong khi của Giga 880GM luôn ở mức 80°C ở cùng một mức xung.

Song có 1 điểm khiến tôi rất hài lòng với 880G Extreme3, mà đúng hơn là với các model có hỗ trợ UCC của ASRock : bạn không cần biết nhiều về phần cứng mới unlock được nhân ẩn trên CPU AMD. Những gì bạn cần làm là lắp CPU vào socket, gắn tản nhiệt và các thứ cần thiết, khởi động máy. Trong màn hình có logo UCC, bạn bấm phím X để bật UCC và chờ hệ thống khởi động lại. Nếu bạn may mắn “trúng xổ số”, thì đây là những gì bạn nhận được.

Mẫu CPU Phenom II X2 550 của chúng tôi có 2 nhân ẩn. Đôi lần chúng tôi unlock được “bằng tay”, đôi lần không, tuỳ mainboard và BIOS. Với UCC, mọi thứ hoàn toàn “tự động”.

ASRock 880G Extreme3 về tổng thể là 1 chiếc bo mạch chủ tốt và khá “ngon” nếu xét đến những gì mà ASRock mang đến cho bạn trong BIOS. Bạn có thể chỉnh điện, nâng hạ thông số khá nhiều thành phần. Ngoài ra, bạn có thể chỉnh điện năng cung cấp cho cả chip đồ họa tích hợp, tùy chọn này thường chỉ xuất hiện trên các bo mạch chủ cao cấp.

Nói về khuyết điểm thì loại trừ vấn đề lỗi mà chúng tôi đang mắc phải, 880G Extreme3 không hỗ trợ những giao thức “xưa và khá xưa” dù vẫn trang bị 1 con chip Super I/O khá hoành. Ngoài ra còn 1 chi tiết khác tôi chưa tìm ra câu trả lời là cổng eSATA ở phía sau main. Thường các nhà sản xuất main trên nền AMD, hoặc sẽ “cắt” bớt 1 cổng SATA và “hô biến” thành eSATA, hoặc sẽ gắn thêm 1 con chip điều khiển SATA khác để bổ sung thêm vào. Với 880G Extreme3, tôi chưa xác định được đó là con chip nào. Nhưng đây không phải bí mật hay khuyết điểm gì của sản phẩm.

Với tôi, đây là 1 sản phẩm nên để ý tới nếu bạn đang tìm 1 giải pháp overclock bình dân cho hệ thống AMD của mình. Nếu “mát tay”, có thể bạn sẽ đạt kết quả khả quan hơn cả model dùng chipset AMD 890GX. Điểm khác biệt chính giữa 2 con chip trên chủ yếu nằm ở xung chip đồ họa tích hợp, mà xung chip đồ họa tích hợp lại có thể overclock. Đó là điểm chính! Bạn cần gì đến một model đắt tiền hơn nếu 880G hoàn toàn đạt được nhũng điều tương tự?

Tạm kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng bo mạch chủ ASRock 880G Extreme3 có thể đang gặp trục trặc. Chính vì thế, tôi đang trong quá trình liên lạc lại với ASRock và tham khảo ý kiến chuyên viên kỹ thuật của hãng. Những kết quả thử nghiệm mới hơn sẽ được cập nhật ngay sau khi tôi nhận được một mẫu sản phẩm thử nghiệm mới.