Vì sao NVIDIA lại tự mình bán card đồ hoạ ?

nbbnbmn
nbbnbmn
Trả lời 13 năm trước

(*) Card đồ hoạ ở đây ngầm hiểu là dòng card để chơi game, hay còn được biết dưới thương hiệu GeForce của NVIDIA. Cả AMD lẫn NVIDIA đều có trực tiếp bán dòng sản phẩm cho workstation / server.

Các bạn đọc bài viết này hẳn đều có quan tâm qua thông tin NVIDIA trực tiếp bán card đồ hoạ. Mới thoạt nhìn qua, bạn sẽ nói : ôi chuyện thường, chả có vấn đề gì. NVIDIA bán card à ? Thú vị đấy chứ ! Tôi cũng thế. Tuy nhiên khi đọc bài viết của Kyle Bennett @ [H]ard|OCPCharlie Demerjian @ SemiAccurate, cùng với những hình ảnh “đẹp như review” của Nathan Kirsch @ Legit Reviews, tôi thực sự nghĩ chúng ta cần có một cái nhìn sâu hơn về câu chuyện trên.

Nhưng trước hết, hãy cùng chiêm ngưỡng những hình ảnh về chiếc card mà NVIDIA đang bán =)

Nathan kể lại :

Đêm hôm trước chúng tôi nhận được tin từ 1 người bạn tại NVIDIA rằng Best Buy đã “lỡ” tung ra trước những chiếc card mang thương hiệu NVIDIA vào tối chủ nhật. Hẵng còn 1 tuần nữa mới lúc chúng “được phép” đặt lên kệ hàng và NVIDIA thì chưa có bản PR (Press Release) nào cho thấy họ đã cùng hợp tác với Best Buy (BB) và BB đang trực tiếp bán card mang thương hiệu NVIDIA cho người tiêu dùng. Chúng tôi liên lạc với bộ phận PR của NVIDIA và họ phản hồi lại

Phản hồi từ NVIDIA :

NVIDIA và BB đang hợp tác cùng nhau để cung cấp cho người tiêu dùng cơ hội được trải nghiệm những công nghệ PC mới nhất sẽ xuất hiện lần đầu tiên tại cửa hàng của BB. Là một phần của bước đi đầu tiên này, NVIDIA đang cung cấp cho BB những model GeForce riêng biệt được sản xuất và hỗ trợ bởi NVIDIA. Các sản phẩm này sẽ chỉ xuất hiện tại BB và sẽ bổ sung thêm vào các sản phẩm GeForce hiện có từ đối tác của chúng tôi. Chúng tôi sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin vào tuần tới

Nathan quyết định dạo qua gian hàng của BB. Anh nhìn thấy những chiếc card chỉ có mỗi thương hiệu NVIDIA và quyết định mang 1 chiếc về nhà. 300 USD cùng một biểu thuế cho chiếc card GeForce GTX 460 1GB.

Chiếc hộp trông khá là đẹp, hình ảnh logo NVIDIA nổi bật trong sắc thái 3 chiều. “Thiết kế và sản xuất bởi NVIDIA”, rất rõ ràng. Chỉ sót … CUDA (ơ, lạ thế !)

Phía sau chiếc hộp là hình ảnh nhân vật chính. Với lối thiết kế đơn giản nhưng mạnh mẽ. Chiếc hộp trông thực sự “cool”. Trên đó có viết “Hỗ trợ Bạch Kim từ NVIDIA”. Điều này đồng nghĩa với chuyện có sự cố gì, bạn sẽ được liên hệ trực tiếp với NVIDIA chứ không phải bất kỳ đơn vị nào khác.

Nathan cho biết anh đã thấy dòng chữ này ít nhất 7 lần khi bắt đầu “săm soi” món hàng của mình.

Mọi thứ khá hấp dẫn khi vào bên trong. Ô bên trái là chiếc card, ô bên phải là linh kiện và những thứ liên quan.

Một chi tiết đặc biệt ở đây là lời cảm ơn của NVIDIA được thể hiện dưới rất nhiều ngôn ngữ (trừ … Việt Nam !). Như vậy NVIDIA sẽ bán card trên phạm vi toàn cầu ?

Và nhìn chung lại, chiếc card mà NVIDIA đang bán tại BB thực sự rất đẹp, đúng hơn là chiếc hộp đựng chiếc card. Nó thể hiện một đẳng cấp khác. Tất nhiên đi kèm với nó là một mức giá không “thơm” cho lắm – 300 USD chưa kèm VAT. Tuy nhiên đấy là giá ở BB, một đơn vị có thể tạm xem giống như các cửa hàng linh kiện máy tính lớn tại Sài Gòn hay Hà Nội. Nơi mà Nathan và Kyle mua chiếc card ở phía bắc Texas, nơi hàng hoá có giá cao hơn những cửa hàng khác. Điều đáng chú ý là giá những model GeForce mà NVIDIA tự cung cấp đều ngang với PNY.

Tại sao NVIDIA lại đi bán card ?

Trước khi trả lời câu hỏi đó, tôi nghĩ bình luận sau của bạn thienlyxinh có lẽ sẽ nói lên được phần nào vấn đề :

Card bán thẳng từ hãng, người dùng hơi bị thích đấy

À vâng, nếu đã thích 2 thương hiệu GeForce và Radeon, sao không mua trực tiếp từ những người làm ra chúng ? Hiển nhiên các đơn vị thứ ba (AIB) cũng có các model không phải REF, nhưng nếu đã mua model REF thì mua trực tiếp từ AMD hay NVIDIA sẽ thú vị hơn. Chiếc hộp trên của NVIDIA không thực sự hấp dẫn sao ?

Và đây là vấn đề : nếu vậy sao AMD và NVIDIA không trực tiếp bán card ngay từ đầu ? Có 2 lý do :

  • Như vậy họ sẽ “đụng” với các đối tác AIB của mình. Nếu tất cả cùng bán model REF thì tôi cứ mua từ người bán trực tiếp
  • Chăm sóc & bảo hành. Thực tế các đơn vị AIB không bán hết card, họ luôn để dành một lượng nhỏ để thực hiện chính sách bồi hoàn (RMA) về sau. Chưa kể có rất nhiều khách hàng, quản lý bộ phận tổng đài để hỗ trợ họ không hề đơn giản với số lượng lớn

Kết hợp 2 lý do trên, bạn sẽ thấy việc trực tiếp bán card không phải là ý hay. Với vai trò là nhà sản xuất OEM, AMD và NVIDIA không cần quan tâm lượng card đến tay người tiêu dùng là bao nhiêu. Họ chỉ cần quan tâm đến doanh số cho các khách hàng của mình – những đơn vị AIB. AMD và NVIDIA thậm chí còn không cần chú ý đến vấn đề RMA. Nếu đối tác không mua card REF của mình, họ sẽ mua chip, và tự sản xuất lấy những model riêng, đồng thời bán với giá riêng. Chỉ trừ phi lô hàng đó lỗi quá nhiều, AMD và NVIDIA mới là những người cần chịu trách nhiệm chính.

Vậy thì tại sao NVIDIA lại đi bán card ? (hình như tôi hỏi câu này hơi nhiều, xin lỗi) Câu trả lời hợp lý nhất có lẽ là từ Charlie : NVIDIA đang gặp vấn đề với doanh thu của mình.

Hãy làm ví dụ như vầy : khi NVIDIA bán một chiếc card 180 USD cho đối tác AIB, và đề nghị họ tung ra thị trường với giá đề nghị (MSRP) là 200 USD. Tức đối tác của NVIDIA được lời 20 USD (chưa tính các chi phí hoạt động). Coi chi phí sản xuất toàn bộ chiếc card là 120 USD, vậy NVIDIA lời 60 USD.

Khi bản thân đối tác thấy model đó bán chạy trên thị trường, họ sẽ không mua card REF từ NVIDIA nữa, mà trực tiếp mua chip về để sản xuất. Giả định rằng NVIDIA bán con chip đó cho đối tác với giá 50 USD, còn chi phí sản xuất con chip là 35 USD, vậy NVIDIA lời 15 USD. So với việc bán toàn bộ chiếc card, chỉ bán chip không đem lại lợi nhuận nhiều cho NVIDIA.

Nhưng như đã phân tích, trực tiếp bán card gặp rất nhiều bất tiện. Thế nên cả AMD lẫn NVIDIA đều không giao tận tay sản phẩm cho người tiêu dùng, mà thông qua kênh phân phối trung gian. Việc NVIDIA trực tiếp bán sản phẩm thể hiện rằng hãng này đang rất cần bù trừ vào khoản doanh thu đã mất và … sắp mất.

Chuẩn bị cho tương lai

Khoản doanh thu đã mất, đó chính là mảng kinh doanh chipset. Mảng này đem về từ 1/4 ~ 1/3 doanh thu cho NVIDIA. Khoản sắp mất, đó là thị phần card cấp thấp. Hãy nhìn hình bên.

Khi Intel tung ra Sandy Bridge còn AMD có Fusion APU, thực sự hầu như không còn chỗ cho card đồ hoạ cấp thấp. Điều tương tự hiển nhiên sẽ xảy đến với AMD, nhưng AMD có bán chip x86. Còn NVIDIA thì không. Mặc dù CEO NVIDIA luôn tỏ ra không lo sợ trước 2 đối thủ, nhưng rõ ràng sớm hay muộn, các sản phẩm trên sẽ ra mắt và những chiếc card cấp thấp của hãng này có thể chỉ còn làm bạn với mạng nhện (tương tự với AMD).

Trong bối cảnh ấy, việc ban lãnh đạo NVIDIA phải tìm hướng đi mới để có thêm doanh thu là điều tất nhiên. Dù nhóm thiết kế chipset đã chuyển qua làm chip Tegra, song bộ phận này vẫn chưa hái ra được nhiều tiền. Có điều nhân công vẫn phải sống, và tìm đầu vào cho dòng tiền là điều tất yếu.

Nếu bạn còn nhớ câu chuyện của BFG, việc NVIDIA trực tiếp bán card lần này có lẽ liên quan phần nào. Kyle thừa nhận mình là một fan của NVIDIA, nhưng bài viết của anh có nêu :

Tôi đã trao đổi nhiều với các đối tác AIB của NVIDIA trong suốt chục năm qua, và tất cả họ đều có một điểm chung : sự khinh miệt từ NVIDIA. Tôi từng nghe nhiều người mô tả NVIDIA là kiêu căng, trịch thượng, hống hách … và nhìn chung là khó mà làm ăn chung. Có lẽ việc NVIDIA trực tiếp đi từng bước trong đôi giày chăm sóc khách hàng sẽ cho họ một chút tôn trọng đến những công ty trên. Và chắc chắn rằng việc gia nhập vào thị trường và trở thành đối thủ của chính khách hàng mình sẽ không giúp gì cho mối quan hệ trên

Việc loại bỏ BFG và ít cung cấp sản phẩm cho XFX cho thấy NVIDIA đang xiết chặt lượng cung của mình ra thị trường. Nó thể hiện rằng hãng này đang tích trữ hàng cho chính sách RMA. Nếu bạn chú ý, “địa bàn” của BFG trước đây chính là BB. Nay nó đã trở thành “sào huyệt” của NVIDIA.

Kyle cho biết thêm đợt bán hàng này của NVIDIA chỉ là “một cuộc thử nghiệm”, theo lời NVIDIA nói lại với anh. Nhưng Kyle còn “nghe” được nhiều “tin đồn” rằng dự án này tiêu tốn khoảng 8 triệu USD. Với một chi phí như thế, mà chỉ để làm “một thử nghiệm” nghe có vẻ không thuyết phục lắm. Dẫu sao, đấy cũng chỉ mới là tin vỉa hè. Chúng ta chưa có gì để khẳng định.

Tạm kết lại, động thái lần này của NVIDIA có vẻ không ổn cho lắm. Dù sao, tôi cũng mong rằng đây chỉ là “một cuộc thử nghiệm” như họ nói với Kely. Có thể NVIDIA sẽ nhận ra việc ngày ngày tiếp đón hàng trăm cuộc gọi chăm sóc khách hàng là rất mỏi mệt, và họ sẽ bớt “trịch thượng” với các đối tác hơn. Họ cũng sẽ biết trân trọng các quan hệ này hơn. Vì nếu đây không còn là “thử nghiệm”, nhiều người đang bắt đầu tự hỏi liệu NVIDIA có đi vào vết xe của 3dfx thuở nào không.