Cách dùng nhân sâm với mật ong như thế nào là đúng ?

Nguyễn Hải Ngọc
Nguyễn Hải Ngọc
Trả lời 14 năm trước
Theo dược học cổ truyền, nhân sâm là một trong những vị thuốc quý, có công dụng đại bổ nguyên khí, bổ ích ngũ tạng, sinh tân dưỡng huyết.

Nhân sâm có thể được dùng độc vị dưới các dạng sâm lát, viên nang, trà tan, rượu thuốc... hoặc có thể phối hợp với các vị thuốc khác tùy theo mục đích trị liệu, trong đó có mật ong, một dược liệu có công dụng bổ trung ích khí, nhuận táo chỉ thống, hoãn cấp giải độc, an ngũ tạng, hòa bách dược. Đây là cách sử dụng nhân sâm dưới dạng phối ngũ khá độc đáo mà nhiều người chưa được biết. Bài viết này xin được giới thiệu một số ví dụ điển hình để độc giả có thể tham khảo và vận dụng.

Công thức 1: Nhân sâm 500g, mật ong 250g, nhân sâm thái vụn sắc kỹ 3 lần, sau đó bỏ bã, hòa với mật ong rồi cô đặc thành dạng cao đặc, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15g. Công dụng: diên niên ích thọ, rất thích hợp cho người già cần bồi bổ sức khỏe để kéo dài tuổi thọ.

Công thức 2: Nhân sâm 3g, mật ong 15g, nhân sâm thái vụn sắc kỹ lấy chừng 200ml (bã thuốc có thể nhai nuốt), sau đó cho mật ong vào hòa đều, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: bổ khí đề tỉnh thần, tráng dương hưng dục, diên niên ích thọ, dùng làm thuốc bồi bổ cho những người suy nhược cơ thể, nam giới liệt dương, suy giảm khả năng tình dục, xuất tinh sớm, di tinh...

Công thức 3: Nhân sâm tươi 30g, sữa bò 150g, lê tươi 500g, mật ong 120g. Nhân sâm thái vụn, sắc kỹ 3 lần, bỏ bã lấy nước cốt; lê gọt vỏ bỏ hạt, rửa sạch, ép lấy nước; đổ mật ong, sữa bò, nước lê và dịch chiết sâm vào nồi, cô bằng lửa nhỏ thành dạng cao đặc, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 20g. Công dụng: bổ khí dương âm, thanh phế nhuận táo, dùng đặc biệt tốt cho những người bị bệnh đường hô hấp thể Khí âm lưỡng hư biểu hiện bằng các triệu chứng mệt như mất sức, khó thở, dễ bị cảm mạo, hay vã mồ hôi, ho khan ít đờm, môi khô miệng khát, hoa mắt chóng mặt, hay có cảm giác sốt về chiều, lòng bàn tay bàn chân nóng, tai ù tai điếc, đại tiện táo...


Mật ong

Công thức 4: Nhân sâm 5g, hạnh đào nhân 50g, mật ong 300g. Nhân sâm thái vụn, hạnh đào nhân sao thơm tán vụn, hai thứ đem sắc thật kỹ lấy nước rồi hòa với mật ong, cô bằng lửa nhỏ thành dạng cao đặc, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g với nước ấm. Công dụng: bổ nguyên dương, làm đen râu tóc, phòng chống rụng tóc, chuyên dùng bồi bổ cho những người thể lực suy yếu, thị lực giảm sút, râu tóc sớm bạc, rụng tóc nhiều...

Công thức 5: Nhân sâm 100g, can khương 100g, cam thảo 150g, bạch truật 150g, phụ tử chế 100g, mật ong 650g. Các vị thuốc sấy khô, tán bột, luyện với mật ong thành viên hoàn, mỗi viên 7g, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 viên với nước ấm. Công dụng: đại bổ nguyên khí, ôn vị tán hàn, chuyên dùng bồi bổ và trị liệu cho những người bị bệnh lý dạ dày - đại tràng thuộc thể hư hàn, biểu hiện bằng các triệu chứng, mệt như mất sức, bụng lạnh đau âm ỉ, chườm nóng thì đỡ đau, buồn nôn và nôn ra nước trong, đại tiện lỏng nát, sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt nhợt nhạt, chất lưỡi nhợt...

Công thức 6: Nhân sâm 30g, sinh địa tươi 320g, bạch linh 60g, mật ong 400g. Nhân sâm và bạch linh sấy khô tán bột, sinh địa rửa sạch, giã nát, ép lấy nước, sau đó cho tất cả vào nồi cô bằng lửa nhỏ thành dạng cao đặc, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g. Công dụng: tư âm nhuận phế, ích khí bổ tỳ, chuyên dùng để bồi bổ cho những người bị bệnh đường hô hấp, suy nhược thần kinh, thiểu năng tuần hoàn não, di tinh, liệt dương thuộc thể Khí âm lưỡng hư.

Công thức 7: Nhân sâm tươi (loại được bảo quản trong túi nilông đã hút chân không) 30g, mật ong lượng vừa đủ. Nhân sâm giã nát, ép lấy nước rồi hòa với mật ong, chia uống 2 lần trong ngày, bã có thể hãm với nước sôi uống thay trà. Công dụng: đại bổ nguyên khí, nhuận táo sinh tân, thường được dùng làm nước uống tăng lực cho những người có thể chất suy nhược. Công thức này cũng có thể gia thêm lê 1 quả, táo (loại to nhập từ Trung Quốc) 1 quả, cà rốt 1 củ, tất cả rửa sạch, ép lấy nước uống để làm đồ giải khát, tăng lực và cải thiện làn da cho phụ nữ.

Công thức 8: Nhân sâm 30g, bào thai hươu 1 bộ, bạch truật 30g, bạch linh 30g, cam thảo 30g, đương quy 30g, xuyên khung 30g, bạch thược 30g, thục địa 30g, mật ong lượng vừa đủ. Các vị thuốc đem sắc thật kỹ, lấy nước hòa với mật ong rồi cô thành dạng cao đặc, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 20g. Công dụng: bổ ích khí huyết, điều kinh trợ thai, dùng làm thuốc để bồi bổ sức khỏe, đặc biệt tốt cho những phụ nữ muộn con do tử cung lạnh.

Nhân sâm có nhiều loại khác nhau tùy theo nơi khai thác, nguồn gốc địa lý và cách chế biến. Cho đến nay, sâm Triều Tiên (Cao Ly sâm) vẫn được coi là tốt hơn cả, trong đó hồng sâm (loại to nặng trên 37g, cắt bỏ rễ râu, chế biến sao tẩm với các phụ gia khác rồi đem chưng cách thủy, sấy khô và đóng vào hộp gỗ) là tuyệt vời nhất.
Cách dùng nhân sâm phòng chống tiểu đường
Y học hiện đại đã chứng minh nhân sâm có tác dụng Trong hạ đường huyết. Tuy nhiên, y học cổ truyền cho rằng mỗi người bệnh thuộc một thể bệnh riêng nên việc dùng nhân sâm phải hết sức linh hoạt và cần khéo léo phối hợp với một số vị thuốc khác.
Bệnh nhân tiểu đường có thể sử dụng nhân sâm theo các phương thức sau đây ở tất cả các giai đoạn. Nồng độ đường trong máu sẽ mau trở lại mức bình thường ở giai đoạn sớm, giảm được một cách đáng kể ở giai đoạn sau và duy trì ổn định dài hơn khi bệnh đã hồi phục.
Cách 1: Nhân sâm, qua lâu nhân, tri mẫu, cam thảo sao, sinh địa, cát căn, bạch linh, mạch môn 9 g, Tất cả đem ngâm nước một giờ rồi sắc kỹ lấy nước cốt, chia uống 2 lần trong ngày với nước ấm. Công dụng: Thanh vị nhuận phế, sinh tân ích khí. Dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện khát nhiều, uống nhiều, hay có cảm giác khó thở, ngực bụng bồn chồn, nóng bức không yên.
Cách 2: Nhân sâm 4,5 g, thiên môn, mạch môn, thiên hoa phấn mỗi thứ 9 g, hoàng cầm, tri mẫu, lá sen mỗi thứ 6 g, cam thảo sao 3 g. Tất cả đem ngâm nước nửa giờ rồi sắc uống. Cũng có thể hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: Dưỡng âm, thanh nhiệt, ích khí sinh tân. Dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện họng khô, miệng khát, uống nhiều, đái nhiều, tinh thần mỏi mệt, hay có cảm giác khó thở, đại tiện táo.
Cách 3: Nhân sâm 6 g, mạch môn 15 g, ngũ vị tử 10 g. Tất cả sấy khô, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15-20 phút có thể dùng được, uống thay trà trong ngày. Dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện mệt mỏi như mất sức, khó thở, hồi hộp trống ngực, họng khô miệng khát, hay vã mồ hôi, thường kèm theo bệnh hô hấp mạn tính với triệu chứng ho khan, ít hoặc không có đờm. Y học cổ truyền gọi đây là thể bệnh Khí âm lưỡng hư.
Cách 4: Nhân sâm 1,5 g, sinh thạch cao 30 g, tri mẫu 10 g, cam thảo sống 6 g. Tất cả đem ngâm nước nửa giờ rồi sắc uống. Dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện khát nhiều, uống nhiều, đái nhiều, miệng khô lưỡi khô, hình thể gầy gò, đại tiện táo kết. Y học cổ truyền gọi đây là thể bệnh Vị nhiệt thương tân.
Cách 5: Nhân sâm, thạch xương bồ, bạch linh, bạch truật, viễn chí, địa cốt bì, ngưu tất mỗi thứ 30 g. Tất cả sấy khô, tán bột, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6 g. Công dụng: Ích khí kiện tỳ, dưỡng tâm an thần. Dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện hình thể hao gầy, ăn nhiều nhưng mau đói, tinh thần mỏi mệt, giấc ngủ không sâu, hay có cảm giác bồn chồn lo lắng. Y học cổ truyền gọi đây là thể bệnh Khí huyết lưỡng hư.
Cách 6: Nhân sâm, tri mẫu, ngũ vị tử mỗi thứ 45 g, thiên hoa phấn 125 g, hoàng liên 125 g, mạch môn 90 g, nước ép sinh địa 30 ml, nước ép ngó sen 30 ml, sữa bò tươi 250 ml, nước gừng 250 ml. Các vị thuốc đem ngâm nước vo gạo trong nửa ngày rồi sắc kỹ 2 lần lấy dịch chiết hòa với nước sinh địa, nước ngó sen, sữa bò tươi và nước gừng. Sau đó đem cô lửa nhỏ, cho thêm 250 ml mật ong loại tốt, tiếp tục cô thành cao đặc, để nguội, đựng trong lọ kín dùng dần. Công dụng: Ích khí dưỡng âm, dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện mau khát, mau đói, ăn nhiều nhưng hình thể hao gầy, tinh thần mỏi mệt, tay chân rã rời, ngủ kém hay mê mộng, lưng đau gối mỏi, di tinh, suy giảm tính dục.
Cách 7: Nhân sâm 1,5 g, hoài sơn 30 g, đại táo 15 quả, kỷ tử 12 g, thịt thỏ 120 g, gia vị vừa đủ. Thịt thỏ rửa sạch bằng nước ấm, thái miếng; các vị thuốc rửa sạch, cho vào nồi hầm cùng thịt thỏ trong 60 phút. Sau đó, lấy thịt thỏ ra để ráo, bỏ bã thuốc. Phi hành tỏi cho thơm rồi cho thịt thỏ vào đảo đều, đổ dịch thuốc vào đun sôi một lát là được, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Kiện tỳ ích khí, dùng cho người bị tiểu đường có biểu hiện miệng khát, uống nhiều, tinh thần mỏi mệt, khó thở nhẹ, ăn kém, hay đầy bụng, đại tiện lỏng nát. Y học cổ truyền gọi đây là thể bệnh Tỳ vị khí hư.