Tiêu chảy ở trẻ em do thời tiết có nên nhập viện ?

L2 love
L2 love
Trả lời 13 năm trước

Bệnh tiêu chảy do thời tiết lạnh thường khởi phát đột ngột khiến cha mẹ và chính trẻ em không kịp ứng phó. Bệnh thường có triệu chứng là đi ngoài, nôn và có thể kèm theo sốt. Trẻ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng. Thủ phạm gây tiêu chảy do lạnh là virut Rota. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Do tiêu chảy và nôn nên cơ thể trẻ bị mất nước, đa số ở mức nhẹ và vừa, có những trẻ bị mất nước nặng. Để điều trị bệnh tiêu chảy cho trẻ, điều quan trọng là phải bù nước kịp thời bằng nhiều cách và tùy thuộc vào mức độ mất nước của trẻ. Tốt nhất cho trẻ uống nước từ từ, các loại nước hoa quả, oresol. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy mà không có chỉ dẫn của bác sĩ. Khi trẻ bị tiêu chảy, cho trẻ ăn uống bình thường, chọn các thức ăn dễ tiêu, tươi sạch, không kiêng khem quá mức khiến trẻ có thể bị suy dinh dưỡng. Cần đưa trẻ tới bệnh viện hay các trung tâm ý tế gần nhất nếu thấy tình trạng trẻ kiệt sức do mất nước với các biểu hiện bỏ ăn,mệt mỏi, quấy khóc, khó thở, toàn thân tím tái…

mùa đông
mùa đông
Trả lời 13 năm trước

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em. Hầu như trẻ nào cũng có lúc mắc bệnh này. Khi bé đi tiêu với phân lỏng hơn bình thường, đi nhiều lần (trên 3 lần mỗi ngày) là bé đã bị tiêu chảy. Tiêu chảy có thể là một bệnh của hệ tiêu hóa, cũng có thể là biến chứng đi kèm của viêm đường hô hấp hoặc do dùng thuốc.

Hầu hết thời gian bé bị tiêu chảy là được chăm sóc tại nhà. Chăm sóc đúng sẽ giúp bé giữ gìn được sức khỏe, bệnh mau lành, ít biến chứng.

Bé tiêu chảy phân tóe nước bao giờ cũng bị mất nước. Cơ thể thiếu nước sẽ đưa đến những biến chứng nặng nề, nghiêm trọng. Bé bị tiêu chảy nhưng đường ruột vẫn hấp thu nước được. Vì vậy phải cho bé uống bù nước ngay khi biết bé bị tiêu chảy. Bé tiêu chảy mất nước sẽ khát nước, thích uống nước, rất thuận lợi cho việc uống bù nước. Các dung dịch bù nước thông dụng là dung dịch ORS (hay Oresol), viên Hydrite, dung dịch muối đường... Pha dung dịch bù nước đúng giúp bé mau hồi phục và giảm thiểu sụt cân lúc tiêu chảy. Mỗi gói ORS pha với 1 lít nước chín để nguội (không nên pha nửa gói ORS với nửa lít nước). Mỗi viên Hydrite pha với 200ml nước. Dung dịch muối đường pha từ 1 lít nước với 1 muỗng cà phê muối gạt ngang và 8 muỗng cà phê đường gạt ngang. Dung dịch bù nước pha quá 12 giờ phải bỏ đi và pha lại dung dịch mới. Nếu trẻ không thích mùi vị dung dịch bù nước này, hãy thay bằng dung dịch bù nước khác. Một số bé uống nhiều sẽ dễ ói, lúc ấy nên cho bé uống làm nhiều lần, mỗi lần từng ít một (20 - 50ml tùy từng bé). Bé được bù đủ nước sẽ đi tiểu nhiều. Việc cho uống bù nước phải được duy trì đến khi bé đi cầu phân sệt và dưới 3 lần mỗi ngày.

Ðể bé không bị sụt cân khi tiêu chảy, cần duy trì chế độ ăn thích hợp. Bé bị tiêu chảy thường biếng ăn, vì vậy cha mẹ cần hết sức kiên nhẫn. Thức ăn của bé trong những ngày này cần mềm mại hơn, lỏng hơn, nhưng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau). Bé ăn mỗi bữa không nhiều nên cần cho bé ăn thành nhiều bữa nhỏ, khoảng cách giữa các bữa ăn khoảng 2 giờ 1 lần. Sữa mẹ là nguồn thực phẩm quí giá cho bé trong lúc này, vì sữa mẹ rất dễ tiêu hóa và dễ hấp thu. Nếu bé bú sữa ngoài, vẫn tiếp tục cho bú bình thường. Một vài trường hợp bé tiêu chảy kéo dài, trở nên dung nạp kém với đường lactose trong sữa, thay bằng các loại sữa không có lactose theo chỉ định của bác sĩ.

Chăm sóc như trên tuy đơn giản nhưng hiệu quả. Trái lại một số thói quen hay gặp có thể gây ra những hậu quả trầm trọng như:

- Hạn chế cho bé uống nước vì sợ uống vào lại tiêu chảy nhiều. Ðiều này dẫn đến bé mau chóng thiếu nước, lâm vào tình trạng mà các bác sĩ gọi là rối loạn nước và điện giải, có thể đe dọa tính mạng.

- Uống thuốc "cầm" tiêu chảy. Thuốc sẽ làm ruột liệt, các chất thải ứ đọng lại dẫn đến dễ nhiễm độc, bụng chướng to, bỏ ăn, khó thở.

- Cho bé ăn cháo trắng với muối, không cho bú mẹ... sẽ làm bé mau chóng kiệt sức, suy dinh dưỡng, khó hồi phục sau bệnh. Thực ra bé vẫn có thể tiêu hóa và hấp thu những thức ăn thông thường được.

- Cho bé uống thuốc không theo toa của bác sĩ, không chữa được bệnh lại dễ dẫn đến ngộ độc thuốc và kéo dài bệnh.

Nên đưa bé đi khám bác sĩ khi bé có những triệu chứng như:

- Tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày mà không thuyên giảm.

- Phân bé có lẫn máu. Máu có thể màu đỏ tươi, hồng, hoặc nâu đen lẫn nhầy như mũi.

- Bụng đau khi sờ ấn.

- Nôn ói nhiều, không thể cho ăn uống được.

- Có dấu hiệu mất nước nặng như da nhăn, mắt lõm, khóc không có nước mắt, thóp lõm, tiểu ít, bé lừ đừ, da nổi bông...

Ðể các bé ít mắc tiêu chảy, cần lưu ý đến giữ gìn vệ sinh trong ăn uống: ăn thực phẩm rửa sạch và nấu chín, không ăn thức ăn bán ngoài đường, sử dụng nguồn nước sạch, rửa kỹ tay trước khi chăm sóc bé và cho bé ăn; tránh để bé tiếp xúc với ngừơi bệnh; tránh sử dụng kháng sinh bừa bãi.

mùa thu
mùa thu
Trả lời 13 năm trước

Theo thư bạn mô tả thì bé bị tiêu chảy cấp. Tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện của bệnh là: nôn, đi ngoài phân lỏng tóe nước trên 3 lần/ngày, có thể kèm theo đau bụng, sốt, chán ăn, mệt mỏi, khát nước... Tiêu chảy cấp là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, tử vong ở trẻ hoặc để lại hậu quả dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng, phát triển của trẻ.

Nguyên tắc điều trị tiêu chảy cấp là bù nước và điện giải mà trẻ bị mất do tiêu chảy và nôn. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ vẫn chưa biết chăm sóc trẻ đúng cách, cũng như có quan niệm sai trong điều trị tiêu chảy cho trẻ tại nhà, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

4 sai lầm thường gặp trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em

1. Dùng thuốc chống nôn, cầm đi ngoài: khi trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều lần, các bà mẹ thường cho trẻ ăn lá ổi, hồng xiêm xanh... và các thuốc cầm đi ngoài khác. Trẻ ngừng đi ngoài ngay nhưng đó chỉ là khỏi bệnh giả tạo.

Hậu quả: các tác nhân gây bệnh ở lại trong đường tiêu hóa lâu hơn khiến cho bệnh lâu khỏi, thậm chí nặng lên.

2. Tự dùng kháng sinh: các bà mẹ thường tự dùng kháng sinh cho trẻ.

Hậu quả: làm rối loạn thêm vi khuẩn chí (vi khuẩn có ích) trong đường tiêu hóa của trẻ, làm tiêu chảy kéo dài, trẻ hấp thu càng kém.

Lưu ý: sử dụng kháng sinh cần theo chỉ định của nhân viên y tế, áp dụng trong trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn, amip.

3. Kiêng khem: nhiều bà mẹ cho trẻ kiêng thịt, trứng, sữa, cá...

Hậu quả: ở trẻ bị tiêu chảy, khả năng hấp thu đã bị kém đi, lại ăn thức ăn thiếu dinh dưỡng nên không có đủ năng lượng để chống đỡ với bệnh tật.

4. Bù dịch và điện giải không đúng: ngừng cho trẻ bú, chỉ cho trẻ uống nước đường hoặc cho uống oresol không đúng nồng độ quy định.

Hậu quả: không bù được nước và điện giải, trẻ càng mất nước nhiều hơn, tình trạng nặng lên nhanh chóng.

Xử trí đúng khi trẻ bị tiêu chảy là vấn đề mọi bà mẹ cần nắm vững

Đánh giá tình trạng của trẻ:

- Điều trị tại nhà nếu trẻ mất nước mức độ A, nghĩa là: mất nước nhẹ, trẻ tỉnh, khóc có nước mắt, không trũng, uống nước (bú) bình thường, lưỡi ướt. Cho trẻ uống nước và điện gải nhiều hơn bình thường, có thể dùng các dung dịch pha chế tại nhà như: oresol, nước cháo muối, nước gạo rang.

- Đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế khi:

Có dấu hiệu mất nước mức độ B: trẻ kích thích, khóc không có nước mắt, lưỡi khô, khát (bú háo hức).

Có dấu hiệu mất nước mức độ C: trẻ li bì, mệt lả, mắt rất trũng và khô, khóc không có nước mắt, uống kém hoặc không thể bú được.

Những điều lưu ý khi điều trị cho trẻ tiêu chảy tại nhà (mất nước mức độ A):

Với trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho trẻ bú, tăng số bữa bú vì sữa mẹ vẫn được hấp thu tốt khi trẻ bị tiêu chảy và cung cấp cho trẻ lượng nước quý giá.

Dung dịch điều trị tiêu chảy:

Cách pha chế:

- Oresol là dung dịch tốt nhất điều trị tiêu chảy (một gói ORS có chứa: glucoza 20g, NaCl 3,5g, KCl 1,5g, NaHCO3 2,5g). Một gói oresol hòa tan hoàn toàn với một lít nước đun sôi để nguội. Nếu để dung dịch quá 24 giờ thì cần đổ đi và pha dung dịch mới.

- Nước cháo muối: một nắm gạo, một nhúm muối và 6 bát ăn cơm nước sạch (tương đương 1,2 lít nước), đun nhừ lọc qua giá cho trẻ uống dần.

- Nước gạo rang: 50g gạo rang vàng, cho một thìa gạt cà phê muối nghiền nát với một lít nước sôi để nguội, cho trẻ uống dần.

Cách cho uống:

- Trẻ dưới 2 tuổi cho uống ít một bằng thìa. Với trẻ lớn hơn có thể cho uống từng ngụm nhỏ. Nếu trẻ nôn, đợi 10 phút sau rồi tiếp tục cho uống, nhưng cho uống chậm hơn, uống từng thìa cách nhau 2-3 phút.

- Sau 4 giờ đánh giá lại tình trạng mất nước: nếu có các dấu hiệu nặng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị phục hồi nước và điện giải.

Dinh dưỡng cho trẻ:

Trẻ dưới 6 tháng tuổi còn bú mẹ: cho trẻ tiếp tục bú mẹ bình thường, tăng số bữa bú.

Trẻ lớn hơn: cần cho trẻ ăn đủ khẩu phần, không nên bắt trẻ nhịn, kiêng khem. Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh. Nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã nấu sẵn thì cần phải đun lại trước khi cho ăn. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như: chuối, cam, xoài...

Tránh dùng các loại thực phẩm sau:

- Thực phẩm ít chất dinh dưỡng, nhiều chất xơ và khó tiêu hóa như: măng, rau cần, ngô và đỗ nguyên hạt.

- Các loại nước có ga gây khó tiêu, đầy bụng.

Phòng tiêu chảy:

- Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho ăn thêm sau 6 tháng: sữa mẹ bảo đảm vệ sinh, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, có chứa kháng thể tăng cường miễn dịch mà chi phí lại thấp.

- Cho trẻ ăn sam sau 6 tháng với thức ăn đủ dinh dưỡng.

- Sử dụng nguồn nước sạch cho ăn uống và vệ sinh.

- Rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc hoặc chế biến thức ăn cho trẻ, và sau khi đi ngoài, thay tã cho trẻ.

- Sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

- Tiêm phòng sởi.

Trên đây là một số thông tin cơ bản giúp bạn xử trí khi bé bị tiêu chảy cấp. Trường hợp bé đã uống thuốc mà vẫn không đỡ như vậy, bạn nên đua bé đi khám lại để bác sĩ giúp bạn tìm nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả hơn.

Chúc bé mau khỏi.

mùa xuân
mùa xuân
Trả lời 13 năm trước

Dưới đây là bài thuốc chữe bệnh tiêu chảy cho bé:

- Hoàng cầm: 20g
- Tri mẫu: 10g
- Thương truật: 10g
- Tam thất: 5g

Sắc uống, ngày 3 thìa, chia làm 3 lần. Cô thuốc lại chỉ còn 1 chén uống nước rồi dùng thìa cafe để định lượng uống

Hôm nay tôi xin cống hiến cho các bạn bài thuốc này để chữa chứng rối loạn tiêu hóa của trẻ do dùng nhiều kháng sinh và thuốc tây.
Hoàng cầm 20g,Tri mẫu 10g,Thương truật 10g,Tam thất 5g
Mua hai thang ở hiệu thuốc bắc và thuê tán hết ra thành bột mịn ở nơi chuyên tán thuốc bắc rồi lấy một nửa thìa canh thuốc cho vào cốc rồi đổ nước sôi vào, nhớ là ít nước thôi để cho nó hơi lỏng là được, nếu loãng quá là không được, hòa đều lên, dùng vợt lưới inox lọc, cho một ít mật ong vào để cho dễ uống rồi lấy thìa đút cho cháu, đút hai thìa cà phê, ngày hai lần như thế, Đó là liều lượng cho trẻ từ hai tháng tuổi tới một tuổi, cứ một tuổi tăng lên một thìa cà phê. Bạn nào đã quen cho các cháu uống thuốc ho thì theo liều lượng như cũ. Nếu người lớn uống thì uống một lần hết chỗ thuốc pha đó, Nếu trẻ con dùng thì số thuốc thừa cho vào ngăn mát tủ lạnh bảo quản được một ngày. Sau một ngày, chỗ thuốc cũ đó đổ đi.
Gói thuốc bột còn thừa các bạn gói lại cẩn thận cho vào lọ kín tránh ánh sáng, bảo quản nơi khô ráo được trong sáu tháng.