Bé nhà mình phải uống nhiều kháng sinh quá nên lở hết cả miệng, hôm nay bé bị cả hai bên, trên dưới hai môi và cả dưới lưỡi... Cu cậu bị sốt do cả hai bệnh luôn... viêm họng và loét miệng. Các bạn có biết thuốc gì hiệu nghiệm chỉ giúp với....
Lúc bé Bốt nhà mình 1.5 tuổi cũng bị như vậy đây. Đi khám ở BV Việt pháp BS kê cho thuốc siro đặc màu da cam mùi cam của Pháp, mình không nhớ rõ tên nữa nhưng thuốc này chỉ bán trong BV Việt Pháp thôi còn ngoài thị trường thuốc này thuộc hàng thuốc xách tay nên ngoài quầy thuốc không bày đâu chỉ có ai hỏi mới đem ra thôi. Bé Bốt nhà mình uống thuốc này rất tốt mà tiện ngày hôm sau đỡ ngay, đặc biệt là không phải bôi, đánh mồm như các thuốc kia mà chỉ cần ngậm sau khi ăn.
Mình đoán là bé Beem bị lưỡi bản đồ, bạn ạ. bạn thử theo dõi xem có đúng không nhé: hết lớp này là lưỡi bé lại xuất hiện một đốm tròn viền màu trắng, bên trong mầu đỏ hơn, các cụ bảo là bị nhiệt, rồi nó lại loang ra tiếp. Thương lắm. Mình có tìm lại mấy link nói về lưỡi bản đồ ở đây mà nó không hoạt động nữa rồi. Em bé nhà mình cũng bị từ hồi 3 tháng rưỡi đến giờ, ăn kém hẳn đi. Cái này là cơ địa rồi (một dạng dị ứng), sẽ tự khỏi khi con lớn (mình không rõ là khi bé đi trẻ hay vào lớp 1 nữa). Các mẹ khuyên là bôi thuốc Daktarin, mình cũng bôi cho mái mơ lúc bé đi ngủ, nhưng có vẻ không hiệu quả. Mẹ Cuti lại dùng vitamin B1, B6, PP (1v mỗi loại) , giã ra cho bé uống 2 lần mỗi ngày, khoảng 3 hôm thi đỡ được 1 tháng. mình chưa áp dụng cách này đến. Bạn thử xem sao.
Hội chứng chân tay miệng rất nguy hiểm cho trẻ em
Căn bệnh truyền nhiễm này do virus đường ruột gây ra, biểu hiện là phát ban kiểu bóng nước ở miệng, tay, chân, kèm theo sốt. Hội chứng chân tay miệng có thể gây viêm não, viêm màng não, liệt, thậm chí tử vong hoặc có di chứng não lâu dài.
Hội chứng chân tay miệng được mô tả đầu tiên vào năm 1956, xuất hiện rải rác khắp nơi trên thế giới. Nhưng nó chỉ được quan tâm trong khoảng 10 năm gần đây, từ khi có một số vụ dịch lớn xảy ra. Tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, bệnh được đặc biệt quan tâm vì dễ gây thành dịch với tỷ lệ biến chứng não cao. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè thu và gần như quanh năm ở các nước nhiệt đới; có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến ở trẻ dưới 4 tuổi. Hội chứng này mới được chú ý ở Việt Nam trong vài năm gần đây. Hiện các xét nghiệm khẳng định bệnh vẫn còn phức tạp và đắt tiền, không phải cơ sở y tế nào cũng thực hiện được.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, nguyên nhân gây hội chứng chân tay miệng thường gặp là enterovirus. Virus chủ yếu lây nhiễm qua đường tiêu hóa, trực tiếp phân - miệng hoặc gián tiếp qua nước, thực phẩm, tay bẩn... bị ô nhiễm phân người bệnh. Một số ít trường hợp được ghi nhận lây lan qua đường hô hấp.
Sau khi xâm nhập, virus đến cư trú tại họng và đoạn dưới của ống tiêu hóa. Trong vòng 24 giờ, chúng sẽ xâm nhập vào các hạch bạch huyết tại chỗ và tăng sinh tại đây. Giai đoạn này, siêu vi được tìm thấy trong nhớt cổ họng và trong phân.
Từ ngày thứ 3, virus từ các hạch theo máu đến gây tổn thương tại da, niêm mạc, tiếp tục sinh sản rồi gây những triệu chứng đầu tiên. Đây là hiện tượng virus vào máu lần thứ nhất. Các tế bào dưới da và niêm mạc phình to, chứa nhiều dịch tiết, gây hoại tử, phù trong tế bào và quanh tế bào. Tổn thương chủ yếu ở các vùng miệng, tay và chân. Sau khi gây tổn thương da, niêm mạc, virus không nhân lên nữa, cơ thể xuất hiện kháng thể và hiện tượng nhiễm chấm dứt.
Ở một số trường hợp, virus từ da, niêm mạc trở vào máu lần thứ 2 để đến hệ thần kinh trung ương gây viêm não, viêm màng não, liệt. Đồng thời, cơ thể sản xuất kháng thể và virus ở da, niêm biến mất. Tuy nhiên, virus ở đường ruột có thể hiện diện kéo dài đến 17 tuần lễ.
Triệu chứng lâm sàng quan trọng nhất là có bóng nước ở tay, chân, miệng. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Trong 1 đến 2 ngày sẽ có phát ban. Đó là những nốt hồng ban đường kính vài mm, nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bóng nước. Sang thương ở miệng có dạng vết loét, đường kính từ 4-8 mm, thường ở phía trong miệng, trên lưỡi, vòm miệng, lợi răng... làm trẻ nuốt đau. Với triệu chứng này, cha mẹ trẻ thường nhầm lẫn với bệnh viêm loét miệng thông thường. Những bóng nước ngoài da thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cẳng chân hoặc ở cánh tay. Trẻ nhũ nhi có thể có ban dạng sẩn vùng mông, nơi quấn tã lót.
Trong giai đoạn cấp, ngoài những dấu hiệu trên, đôi khi bệnh nhân bị đau họng, nổi hạch ở cổ, dưới hàm, ho, sổ mũi, nôn ói, tiêu chảy. Trong giai đoạn diễn tiến, khi virus gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ, loại bì, mê sảng hay co giật. Bệnh nhi có thể tử vong hoặc phục hồi sau một thời gian điều trị, nhưng vẫn còn những rối loạn tâm thần kinh kéo dài.
Bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm với viêm da bóng nước do nhiễm khuẩn, viêm da do virus herpex hoặc thủy đậu. Để xác định hội chứng chân tay miệng do enterovirus, cần làm xét nghiệm.
Trẻ mắc hội chứng chân tay miệng thường khỏi trong vòng 1 tuần lễ nếu được điều trị đúng cách, không có biến chứng. Những bóng nước mới đầu có dịch trong (lúc bội nhiễm sẽ gây đục), sau đó sẽ lành không để lại sẹo. Nếu không được điều trị đúng cách hoặc diễn tiến nặng, bệnh sẽ gây những biến chứng rất nặng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm não, viêm cơ tim. Biến chứng não rất dễ dẫn tới tử vong.
Hiện chưa có thuốc đặc trị hội chứng chân tay miệng. Vì vậy, để giảm nguy cơ bội nhiễm, cần chú ý vệ sinh thân thể: cho trẻ súc miệng mỗi ngày, chăm sóc da bằng cách tắm nước ấm, lau rửa nhẹ nhàng, tránh làm vỡ bóng nước hay trầy sướt da, thay quần áo sạch hằng ngày. Nên cắt móng tay để giảm tổn thương da do gãi ngứa. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước như nước đun sôi để nguội, nước trái cây, nước canh, nước cháo... Không cần kiêng gió và ánh sáng.
Cần theo dõi diễn biến các tổn thương da và tình trạng chung của trẻ. Khi trẻ có những dấu hiệu như sốt cao, nhức đầu, nôn ói nhiều, lơ mơ, co giật, mệt nhiều, cần đưa đến bệnh viện ngay để được điều trị các biến chứng.
Mặc dù đã xác định được nguyên nhân gây bệnh nhưng hiện nay vẫn chưa có thuốc tiêm phòng hội chứng chân tay miệng. Cách phòng bệnh chủ yếu là bảo đảm vệ sinh môi trường và cá nhân.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)