Bảo vệ bé nhà bạn trước Bệnh Chân - Tay - Miệng nhé!

BỆNH CHÂN TAY MIỆNG LÀ GÌ?

Bệnh Chân Tay Miệng là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, gặp nhiều nhất ở trẻ 3-5 tuổi. Nếu không biết cách phát hiện, phòng tránh và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, ... gây ra tử vong ở trẻ. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng tăng cao và có nguy cơ bùng phát thành dịch vào tháng 2-4 và tháng 9-12 trong năm. Một điểm cần lưu ý là trong một đợt dịch bệnh, trẻ có thể bị mắc bệnh tái đi tái lại nhiều lần.

Tổn thương điển hình là các bóng nước và khi vỡ ra thì là các vết loét thường xuất hiện ở các vị trí tay, chân và miệng nên bệnh có tên là Bệnh Tay Chân Miệng. Tuy nhiên, tổn thương có thể xuất hiện ở mông, đầu gối. Hoặc trong một số trường hợp, tổn thương chỉ xuất hiện ở miệng mà không có ở các vị trí khác.

Bệnh gây ra tỷ lệ tử vong không nhỏ cho các bệnh nhi. Đến tháng 5/2011 đã có 6 trường hợp ở TP HCM tử vong vì bệnh này, ngoài ra có không ít trẻ nhập viện cấp cứu do biến chứng thần kinh của bệnh. Ở Hà Nội, tuy chưa bùng phát thành dịch, nhưng số trẻ mắc bệnh và có biến chứng nặng nề vẫn đang tiếp tục tăng. So với năm 2010, số ca mắc năm nay nhiều hơn không đáng kể nhưng tỷ lệ biến chứng thần kinh lên đến 10% và tỷ lệ tử vong cũng tăng cao hơn.

Phân tích việc số ca tử vong tăng, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, nguyên nhân do tuýp virus entero 71 có độc tính cao của tay chân miệng đang có xu hướng xuất hiện nhiều hơn tuýp virus coxsackie A16 vốn ít gây biến chứng.

 

CON TÔI CÓ BỊ BỆNH CHÂN TAY MIỆNG KHÔNG?

Những biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Sau 1-2 ngày sẽ tiếp tục xuất hiện những nốt hồng ban, đường kính vài mm nổi lên, sau đó phỏng nước. Những nốt phỏng tập trung chủ yếu ở lòng bày tay, lòng bàn chân, cẳng chân hoặc ở cánh tay. Trẻ sơ sinh có thể phát ban dạng sần ở vùng mông hoặc nơi quấn tã lót.

Lưu ý có một số trường hợp không điển hình chỉ có loét miệng, sang thương da rất ít, hoặc không rõ ràng dạng bóng nước, mà chỉ là dạng chấm hoặc hồng ban.

Vì thế, những trường hợp trẻ bị sốt kéo dài hơn 2 ngày, kèm theo có nổi bóng nước ở trong miệng, trên tay, chân, mông, ... thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám.

 

BỆNH CHÂN TAY MIỆNG LÂY TRUYỀN BẰNG CÁCH NÀO?

Bệnh tay chân miệng do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxasackieviruses và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh lây nhanh từ trẻ này sang trẻ khác do các chất tiết mũi, miệng, phân, nước bọt lúc trẻ bệnh ho, hắt hơi dính vào đồ chơi, sàn nhà và cả bàn tay cô bảo mẫu nhà trẻ. Virus xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết và từ đó sẽ phát triển rất nhanh và gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc.

 

VÌ SAO BỆNH CHÂN TAY MIỆNG NGUY HIỂM?

Bệnh Chân Tay Miệng nguy hiểm do các biến chứng mà bệnh gây ra. Biến chứng thường gặp là: viêm màng não, viêm não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Các biến chứng cũng có thể phối hợp với nhau như: viêm não màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng 1 bệnh nhân

Các biến chứng này thường gây tử vong cao và có thể diễn biến nhanh chóng trong 24 giờ. Vì vậy các bậc phụ huynh cần để ý đến trẻ nhiều hơn lúc chăm sóc tại nhà. Khi trẻ có các biểu hiện sốt cao trên 39,5 độ C kèm theo các triệu chứng như cứng cổ, cứng lưng, rung giật cơ, ngủ gà, đi loạng choạng… thì cần phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện trong vòng 6 giờ đầu sau khi xuất hiện các biểu hiện này để trẻ được cấp cứu kịp thời.

Lưu ý: biến chứng viêm não màng não vẫn có thể xuất hiện khi các nốt phỏng nước trên da trẻ đã khô và đóng vảy.

 

CẦN PHÂN BIỆT BỆNH CHÂN TAY MIỆNG VỚI NHỮNG BỆNH NÀO?

Cần phân biệt Bệnh Chân Tay Miệng với một số tổn thương da thường gặp ở trẻ như:

Dị ứng da: sang thương hồng ban đa dạng nhiều hơn bóng nước.

Viêm da mủ: sang thương đau, đỏ, có mủ, không có sang thương trong niêm mạc miệng.

Thủy đậu: sang thương có nhiều lứa tuổi và rải rác toàn thân, không tập trung đặc biệt ở một vùng nào.

 

TÔI CÓ THỂ CHĂM SÓC TẠI NHÀ KHI CON TÔI BỊ BỆNH CHÂN TAY MIỆNG KHÔNG?

Chỉ chăm sóc và điều trị tại nhà với những trẻ bị bệnh tay chân miệng độ I, chưa có biến chứng với phương pháp sau:

Hạ sốt, giảm đau bằng chườm ấm và sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ.

Vệ sinh răng miệng bằng cách cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng.

Nghỉ ngơi.

Sử dụng thêm các vitamin C, vitamin PP, vitamin A và kẽm theo toa bác sĩ để hỗ trợ cho da, niêm mạc mau lành.

Dùng kháng sinh theo toa bác sĩ khi có bội nhiễm.

Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 7 ngày đầu của bệnh.

Cần đưa đi bệnh viện ngay khi có một trong các triệu chứng sau: sốt cao trên 39oC, giật mình liên tục, run chi, chới với, quấy khóc, bứt rứt, co giật, ...

Dinh dưỡng trong bệnh tay chân miệng

Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần chọn lựa sao cho mềm, mịn, mát lạnh nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn, thức uống đi ngang qua vết loét. Như vậy, những thực phẩm có thể dùng cho trẻ là: bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai, bánh Flan, tàu hủ đường…

Nếu trẻ ăn kém, nên cho trẻ ăn nhiều lần hơn lúc bình thường để tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra. Cần chú ý muỗng (thìa) dùng để đút cho trẻ nên tránh những loại có cạnh sắc bén, để không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm bé đau dẫn đến sợ hãi, không ăn. Khi trẻ giảm bệnh (thường là sau 4 – 5 ngày) nên cho bé ăn trở lại bình thường, không kiêng khem.

 

LÀM SAO ĐỂ CON TÔI KHÔNG BỊ LÂY NHIỄM BỆNH CHÂN TAY MIỆNG?

Vẫn chưa có vacxin phòng đặc hiệu cho Bệnh Chân Tay Miệng nên biện pháp tối ưu vẫn là dự phòng trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

Rửa tay: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu có chăm sóc trẻ thì cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tả, làm vệ sinh cho trẻ.

Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn.

Đeo khẩu trang mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho.

Cách ly trẻ bệnh để tránh tình trạng bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng (ít nhất 7 ngày)

 

Các mẹ có thể gọi điện đến Tổng đài Tư vấn AZ 1900.6899 để trao đổi trực tiếp cùng các chuyên gia ngay khi bé nhà bạn có bất kỳ vấn đề gì nhé!

rfgrfgfdg
rfgrfgfdg
Trả lời 11 năm trước

Cảm ơn bạn