Thiết kế
Nokia XL vẫn giữ nét thiết kế ngoại hình theo truyền thống, thoạt nhìn sẽ thấy giống dòng máy Lumia chạy Windows Phone, đây cũng là phong cách thiết kế nhất quán của Nokia trong vài năm gần đây.
Lưu ý nhiều hơn về chi tiết, Nokia XL có chiếc ốp lưng làm bằng nhựa carbon, cứng cáp và các góc vuông hơn Lumia. Mặc dù vậy, bốn góc của Nokia XL vẫn có một độ cong được bo trơn tru, người dùng sẽ cảm nhận rất rõ ràng khi cầm trên tay. Điểm khác biệt so với Lumia 1020 và 1520 là chất nhựa carbon của XL được xử lý mờ hơn, cho cảm giác nhám hơn.
Nokia XL vuông vức hơn dòng Lumia, nhưng góc vẫn được bo tròn trơn tru
Giống như những dòng smartphone khác, tất cả nút bấm vật lý của Nokia XL đều được thiết kế trên cạnh điện thoại, bao gồm nút nguồn và tăng giảm âm lượng. Trên bề mặt điện thoại chỉ có duy nhất một nút cảm ứng là nút Back. Lỗ cắm tai nghe 3,5mm được thiết ở cạnh trên, cổng micro-USB được đặt ở cạnh dưới điện thoại.
Khe chứa sim và thẻ nhớ vẫn được thiết kế xoay vào trong
Khe chứa thẻ nhớ microSD và 2 khe sim cùng hướng vào trong, được che chắn bởi viên pin rời. Tức là bất kể người dùng muốn tháo sim hay thẻ nhớ ra khỏi máy thì đều phải tháo pin ra trước.
Màn hình
Nokia XL được trang bị màn hình WVGA 5 inch với tấm nền IPS, độ phân giải 800x480, mật độ điểm ảnh là 187ppi. Tiêu chuẩn màn hình này khá thấp so với các dòng máy chạy hệ điều hành Android đang phổ biến trên thị trường, nhưng nếu nhìn lại giá bán của Nokia XL thì chắc bạn cũng sẽ chấp nhận thôi, vì dòng máy chạy Android của Nokia nằm trong phân khúc thấp của thị trường smartphone hiện nay.
Màn hình Nokia XL phóng to 100%, điểm ảnh thô hiện rõ
Độ phân giải thấp trên một màn hình kích thước to, Nokia XL khó tránh được vấn đề hiển thị điểm có vẻ thô. Tuy nhiên, màn hình XL có góc nhìn rộng và màu sắc hiển thị nhu hoà.
Phần cứng
Nokia XL sử dụng bộ vi xử lý Qualcomm MSM8225 Snapdragon S4 Play Dual-core 1 Ghz Cortex-A5, RAM 768 MB, bộ nhớ trong 4 GB. So với các dòng máy chạy Android khác, Nokia XL được xếp vào dòng máy sơ cấp.
Nokia vốn nổi tiếng về camera chụp ảnh với chiếc Lumia 1020, nhưng Nokia XL chỉ được trang bị camera 5 Mpx với cảm biến lấy nét tự động 1/4 inch, ống kính khẩu độ f/2,8 có đèn LED hỗ trợ. Thêm vào camera phụ 2 Mpx đặt ở phía trên màn hình và hơi chếch sang bên phải, Nokia XL vẫn đảm bảo đủ các tính năng cơ bản thoả mãn nhu cầu của người dùng như các smartphone sơ cấp khác.
Hệ thống phần mềm
Chắc hẳn đa số người dùng đều biết những chiếc smartphone thuộc dòng X của Nokia chạy trên nền tảng Android, nên Nokia XL không chạy với hệ điều hành Windows Phone, cũng không phải phong cách đậm nét Android như những dòng smartphone thuần Android khác.
Hoạt động trên nền tảng Android nhưng vẫn mang phong cách Windows Phone
Nokia XL hoạt động trên nền tảng Android 4.1.2 nhưng vẫn mang theo phong cách của Windows Phone. Hệ thống quản lý thông báo thì tương tự Android, tính năng tìm kiếm toàn cục lại tham khảo từ iOS, Nokia thay đổi gần như triệt để hệ thống Android hoạt động trên smartphone do mình sản xuất với xu hướng đơn giản hoá trong việc sử dụng.
Kéo từ đỉnh màn hình xuống là hệ thống quản lý thông báo quen thuộc của Android,
tính năng search toàn cục tương tự iOS.
Giao diện chính của Nokia XL tương tự như những dòng smartphone Nokia chạy trên Windows Phone, từng biểu tượng vuông có thể thay đổi kích thước và vị trí. Khi dùng ngón tay kéo từ đỉnh màn hình xuống, giao diện quản lý thông báo quen thuộc của Android sẽ hiện ra. Khi kéo ngang qua trái hoặc qua phải, tính năng FastLane độc đáo riêng của Nokia sẽ được kích hoạt, có thể hiển thị các tính năng và ứng dụng thường dùng lên màn hình hiện tại.
Kéo qua trái hoặc qua phải là chuyển đổi giữa giao diện chính và FastLand
Mặc dù sử dụng nền tảng Android, nhưng Nokia đã thay thế hết những ứng dụng của Google như Google Maps, Gmail và thay bằng Here, Hotmail, Skype,... Tất nhiên, Nokia cũng thay thế Google Play bằng Nokia Store, có một sự tiện lợi ở đây là Nokia đưa luôn các kho ứng dụng của bên thứ ba vào một khu vực riêng trong kho của mình.
Kết luận
Nokia XL mang đến cho người dùng một cảm giác mới lạ về hệ điều hành Android kết hợp với phong cách của Windows Phone, giá tiền khá mềm nhưng không vì vậy mà bị lược bỏ bớt một số tính năng của smartphone.
Nhìn chung, thông qua dòng smartphone X, X+ và XL, Nokia cho người dùng thấy sự nghiêm túc của mình trong việc đưa sản phẩm gia nhập vào thị trường Android từ việc xây dựng kho ứng dụng Android riêng, cho đến chiến lược khuyến khích người dùng tải ứng dụng từ các kho ứng dụng của bên thứ ba. Tuy nhiên, các smartphone của Nokia vẫn dậm chân trong phân khúc tầm thấp và tầm trung của thị trường. Hy vọng trong thời gian tới Microsoft sẽ cải thiện được tình hình này.