Đánh giá chất lượng điện thoại Nokia E6 ?
mai minh đức
Trả lời 13 năm trước
Nokia E6 ra đời là mong muốn của rất nhiều người dùng trung thành với dòng điện thoại Nokia Eseries với kiểu dáng dạng thanh cùng bàn phím QWERTY. Đây là mẫu điện thoại đầu tiên của Nokia sở hữu màn hình cảm ứng độ phân giải VGA (640x480 pixel), gấp 4 lần độ phân giải QVGA hiện tại với điểm ảnh tương đương với màn hình Retina của Apple. Ngoài ra máy cũng sở hữu máy chụp ảnh 8 megapixel với khả năng quay video HD, hệ điều hành Symbian^3 phiên bản cập nhập Anna với nhiều tùy biến dành riêng cho chính chiếc điện thoại E6.
Có thể E6 không phải là mẫu điện thoại thuộc hàng top của Nokia, nhưng chắc chắn rằng nó thực sự là người kế nhiệm các mẫu điện thoại E71 và E72. Dù rằng với Symbian hiện giờ rất khó để thu hút tất cả người dùng điện thoại thông minh, nhưng những tính năng đã cải thiện thì phần nào xứng đáng để mọi người xem xét.
Thiết kế sang trọng, vật liệu cao cấp
Nokia E6 có kích thước tương tự như E5, bao gồm một màn hình 2,46 inch, bàn phím QWERTY nhỏ gọn, kích thước các chiều 115,5 x 59 mm, mỏng 10,5 mm. Máy có trọng lượng 133 gram, khá phù hợp cho một mẫu điện thoại cao cấp dòng Eseries. Nokia E6 có thiết kế tốt hơn các sản phẩm trước đây nhờ chăm chút những chi tiết như bộ khung kim loại, chất liệu sơn. Máy vẫn mang cấu trúc truyền thông của Nokia như phần nắp máy rời, thay vì thiết kế nguyên khối như dòng máy N8, E7.
Mặt trước của máy được phủ hoàn toàn bởi lớp nhựa bóng, đôi lúc mồ hơi và chất nhờn của mặt có thể in dấu lên màn hình cũng như bàn phím. Trong khi phía sau, các thành phần máy chụp ảnh, nắp pin được làm bằng kim loại. Phần nhựa của máy ở bên trên và dưới, giống với điện thoại Nokia E72.
Màn hình là đặc điểm nổi bật nhất của E6, độ phân giải VGA chắc là đã quá quen thuộc với nhiều mẫu điện thoại nhưng với E6 thì lại là chuyện khác. Màn hình nhỏ cùng với độ phân giải cao khiến mật độ điểm ảnh dày hơn, ước tính là 328 ppi (point-per-inch). Màn hình sử dụng công nghệ cảm ứng điện dung, ghi nhận những tiếp xúc nhẹ, có khả năng phóng to/ thu nhỏ nội dung hình ảnh/ trang web bằng hai ngón tay. Góc nhìn của màn hình khá tốt cho một màn hình LCD thông thường, màu sắc sống động và khá chuẩn xác. Tất nhiên với người dùng có ngón tay to thì việc sử dụng có thể sẽ không thoải mái lắm.
Dãy phím điều khiển chính của máy bao gồm các thành phần quen thuộc như phím Home, phím Calendar (lịch làm việc), Message (tin nhắn), Contact (danh bạ). Do đã hỗ trợ màn hình cảm ứng nên E6 chỉ sử dụng phím định vị 5 chiều (D-pad) truyền thống, thay vì dùng trackpad cảm quang như E72.
Bàn phím QWERTY được thiết kế với các vị trí phím bấm tương tự như trên chiếc E5 hay C3-00. Các phím có kích thước hợp lý, phản hồi tốt, sử dụng nhập liệu dễ dàng. Tất nhiên là với vị trí phím Z nằm dưới phím A như vậy thì người dùng Nokia vẫn không có gì khó khăn để nhập liệu, trừ khi bạn chuyển từ một vài dòng điện thoại QWERTY khác qua.
Cạnh phải của máy bao gồm các phím điều chỉnh âm lượng, phím kích hoạt tính năng ra lệnh bằng giọng nói. Phím khóa màn hình quen thuộc trên dòng điện thoại cảm ứng đã xuất hiện trên sản phẩm E6, đặc biệt nó còn kiêm luôn tính năng kích hoạt đèn pin (LED flash) khi gạt và giữ trong 3 giây. Cạnh trái là một cổng microUSB có nắp đậy bằng nhựa và không có tính năng sạc. Phía trên của máy là cổng âm thanh 3,5 mm nằm ở trung tâm, cạnh bên là công tắc nguồn và khe cắm thẻ nhớ microSD có nắp đậy. Người dùng sẽ sạc pin điện thoại bằng cổng sạc 2 mm ở phần dưới của máy.
Nokia E6 vẫn được trang bị pin BP-4L, pin dung lượng 1500 mAh đã từng tồn tại qua các thế hệ máy E71, E72. Máy chụp ảnh, đèn LED flash kép và loa ngoài được đặt trên một thanh kim loại, làm nổi bật hơn so với phần còn lại của mặt sau chiếc máy.
Symbian Anna, một bất ngờ nhỏ
Với dãy sản phẩm hiện thời của Nokia trên nền hệ điều hành Symbian^3 thì việc xuất hiện một phiên bản cập nhập với nhiều thay đổi đã được xem là một bất ngờ đối với Nokia. Đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu việc Nokia vẫn tiếp tục đầu tư vào Symbian, thay vì “quăng con, bỏ chợ” nhưng khá nhiều bình luận bên lề.
Symbian Anna thay đổi loạt giao diện mới đem đến sự đơn giản, mềm mại và tạo thiện cảm cho người dùng. Máy cũng có một trình duyệt web mới có tốc độ truy cập tốt hơn, cải thiện Gallery, mạng xã hội, Ovi Maps. Chỉ tiếc rằng mới qua vài ngày giới thiệu, hệ điều hành Symbian Anna chưa thể hiện được gì nhiều đến công chúng. Còn với Symbian Anna trên X7, tôi đặc biệt thích bàn phím QWERTY dọc, một tiện ích “đáng nhẽ phải có” trên Nokia N8 nhưng lại bị Nokia “phớt lờ” đi một cách khó hiểu.
Qua đoạn video thì có thể thấy Nokia tiếp tục cải thiện khả năng phản ứng của màn hình cảm ứng, giao diện tốt, các hiệu ứng chuyển động mượt mà, hiệu suất hoạt động tốt hơn. Hy vọng sản phẩm chính thức đến tay người dùng sẽ không khiến cho khách hàng thất vọng.
Thực sự phần trình bày về Symbian Anna chưa có nhiều trên internet, chính vì thế hy vọng tôi có thể cầm được chiếc E6 trong thời gian sớm nhất và chia sẻ cùng các bạn.
Kết luận
Bản thân tôi cũng dùng Symbian, đặc biệt là Eseries khá nhiều, nhất là các dòng điện thoại E61, E71, E72 và nhận thấy sự xuất hiện của E6 thực sự là một kế thừa xứng đáng. Nokia E6 cũng đem lại hy vọng cho Symbian khi Nokia vẫn có thể tận dụng thế mạnh có sẵn của mình để làm mới và củng cố trên thị trường. Với E6, người dùng có được một thiết bị với màn hình cảm ứng tốt, độ phân giải cao, cùng với những đặc tính quen thuộc trên dòng điện thoại Eseries QWERTY candy-bar.