Workstation có lẽ là một loại sản phẩm mà chúng ta nghe nhiều nhưng ít có cơ hội chạm đến. HP với dòng sản phẩm Z210 CMT của mình ra đời chính là để mở rộng thị trường ở phân khúc cấp thấp. Với mức giá thấp hơn nhiều so với các loại workstation khác, giá của HP Z210 chỉ tương đương với các loại desktop có cấu hình hơi khủng.Rất may mắn chúng tôi có được mẫu workstation của HP này trong tay … mặc dù hơi nặng.
Chúng ta sẽ tiến hành đi vào đánh giá chi tiết mẫu workstation này để xem đây có phải là một chiếc máy tính đáng giá hay không.
HP Z210 được đi kèm với các thành phần cơ bản ngoại trừ màn hình để có thể sử dụng. Toàn bộ gồm có chuột và bàn phím hiệu HP, cáp chuyển DVI-DisplayPort, 2 đĩa phần mềm Recovery và 1 đĩa phần mềm WinDVD, cáp nguồn. Chuột và bàn phím đi kèm máy có chất lượng chỉ dừng lại ở mức trung bình và đối với chúng tôi có lẽ đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Toàn bộ máy được thiết kế với màu đen từ trước ra sau. Mặt trước của máy không được cấu tạo từ kim loại nhưng lại tạo cảm giác rất chắc chắn. Phong cách thiết kế vẫn là các đường sọc quen thuộc trên các workstation của HP. Logo của HP màu bạc nổi bật ở giữa. Chữ CMT trong tên của workstation này là viết tắt của cụm từ Convertible Minitower, nghe qua chúng ta có thể hiểu được tại sao kích thước của workstation này nhỏ hơn so với các loại workstation cao cấp khác.
Các cổng kết nối ở mặt trước gồm có 3 cổng USB, 1 cổng FireWire và 2 cổng âm thanh. Khi mở nắp của mặt trước ra chúng ta có thể thấy được một loa nhỏ được trang bị sẵn trên case. Chất lượng của loa này khó có thể so sánh với chất lượng của các loại loa rời tuy nhiên không có gì đáng phàn nàn về điều này.
Hai mặt bên của case cũng không có gì nổi bật, mỗi mặt được trang bị logo của HP in chìm. Riêng mặt trái có một chi tiết rất thú vị đó là phần tay cầm để mở nắp case. Phần tay cầm này giúp việc mở và đóng nắp case dễ dàng hơn. Khối lượng tổng cộng của cả máy khá nặng do phần kim loại từ case có độ dày khá cao.
Mặt sau của máy cũng không khác nhiều so với các desktop thông thường ngoại trừ số lượng các kết nối không nhiều, chỉ đủ các kết nối cần thiết. Danh sách các cổng kết nối gồm có: 2 cổng PS/2 dành cho chuột và bàn phím, 1 cổng DisplayPort, 6 cổng USB (2 USB 3.0 và 4 USB 2.0), 1 cổng Ethernet và các cổng âm thanh quen thuộc. Ngoài ra còn có cổng DVI và 2 cổng DisplayPort trên card đồ họa Quadro 2000. Phía trái mặt sau là một fan để giúp không khí bên trong và ngoài case được trao đổi.
Mặt trong của nắp case được trang bị một hình vẽ tóm tắt lại toàn bộ cấu trúc cũng như các kết nối của workstation. Trong trường hợp người dùng cần nâng cấp phần cứng thì hình vẽ này tỏ ra khá hữu ích.
Cũng giống với bên ngoài, bên trong của HP Z210 cũng giữ được các nét đơn giản. Phần mainboard sử dụng tông màu đơn giản màu xanh và trông không hề hầm hố như các loại mainboard dành cho các loại desktop thông thường. Tản nhiệt dành cho dàn MOSFET và chipset không tồn tại. Tuy nhiên, các linh kiện được sử dụng trên mainboard này tất nhiên sẽ là loại chất lượng cao hơn so với các mainboard thông thường nên vẫn đảm bảo khả năng hoạt động tốt trong thời gian dài. Chi tiết được nói đến trong phần độ ổn định của bài review này.
Tản nhiệt dành cho CPU là loại đi kèm sẵn với các bộ xử lý Xeon E3. Tuy đơn giản nhưng loại tản nhiệt này vẫn tỏ ra đáng tin hơn các loại tản nhiệt mà Intel kèm sẵn trong các bộ xử lý dành cho desktop.
Mainboard do HP thiết kế này được trang bị 4 khe cắm RAM. Tuy nhiên với cấu hình mà chúng tôi nhận được thì nó đã được trang bị sẵn 4x4GB DDR3. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể nâng cấp thêm trừ khi bỏ bớt và thay bằng các thanh RAM có dung lượng cao hơn.
Về các khe cắm liên quan đến PCI như PCI thông thường, PCI-E 1x và PCI-E 16x thì mainboard này tỏ ra khá phong phú. Có đến 7 khe cắm PCI các loại, trong đó 2 khe PCI-E x16, 2 khe PCI-E x1, 1 khe PCI-E x8 và 2 khe PCI thông thường.
Có một điểm rất tốt trong thiết kế của case dành cho chiếc workstation này đó khả năng lắp đặt các thành phần hoàn toàn bằng tay mà không cần sử dụng các công cụ ngoài. Người dùng có thể thêm vào card đồ họa, card cắm trên khe PCI, ổ cứng và ổ DVD chỉ bằng tay. Với số lượng khe ổ cứng còn dư và các khe SATA trên mainboard thì người dùng có thể nâng cấp thêm ít nhất là 2 ổ cứng nữa.
Bộ nguồn được trang bị đi kèm có công suất 400W mang nhãn hiệu Delta. Con số này tuy hơi nhỏ so với những gì mà chúng ta thường sử dụng tuy nhiên nó hoàn toàn có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình. Toàn bộ công suất của máy tính kể đến cũng không thực sự cao. Thành phần tiêu thụ nhiều phần công suất nhất có thể kể đến như CPU với 95W, card đồ họa không sử dụng nguồn phụ nên công suất cũng không thực sự đáng kể.
Tuy nhiên, điểm trừ của bên trong Z210 chính là cách bố trí các loại dây từ bộ nguồn, trông hơi bề bộn. Nếu như bộ nguồn sử dụng các loại dây có thể tháo rời thì sẽ tốt hơn trong trường hợp này. Dù vậy thì nó cũng không thực sự ảnh hưởng lắm vì trong điều kiện sử dụng bình thường chúng ta ít phải trực tiếp nhìn thấy phần bên trong của case này.
Cấu hình chi tiết của chiếc workstation HP Z210 CMT mà chúng tôi nhận được như sau:
HP Z210 được trang bị bộ xử lý Xeon E3-1245 với mức xung nhịp là 3.3 GHz và có thể tăng lên 3.7 GHz ở chế độ Turbo Boost. Đây được xem là bộ xử lý giá rẻ trong dòng chip Sandy Bridge dành cho server. E3-1245 với 4-core và 8-thread có khả năng mang lại hiệu năng khá khá và đủ để đáp ứng các nhu cầu cơ bản đối với một workstation cơ bản như HP Z210.
4 thanh RAM được trang bị là loại DDR3 với mức xung nhịp là 1333 MHz cas 9. Hãng sản xuất loại RAM này không ai xa lạ chính là Samsung. Loại RAM được sử dụng ở đây có độ rộng bus giao tiếp là 72-bit và hỗ trợ công nghệ ECC đảm bảo cho việc chính xác của dữ liệu trên RAM. Đối với workstation thì yếu tố đảm bảo hoạt động trong một thời gian dài là khá quan trọng nên các loại RAM hỗ trợ ECC này được chọn.
Đảm nhiệm xử lý các tác vụ đồ họa trên HP Z210 CMT chính là card đồ họa Quadro 2000 đến từ NVIDIA. Đây là card đồ họa dành cho giới chuyên nghiệp được phát triển trên nền Fermi. Quadro 2000 được xếp vào phân khúc phổ thông trong các loại card đồ họa chuyên nghiệp. Dù vậy, với một workstation cơ bản như HP Z210 thì Quadro 2000 hoàn toàn có thể đáp ứng được các nhu cầu.
GPU bên trong Quadro 2000 là GF106 với 192 nhân CUDA. Mức xung hoạt động của GPU này là 626 MHz và xung giao tiếp với bộ nhớ GDDR5 đi kèm là 652 MHz. Trong quá trình sử dụng, nếu như GPU ở trạng thái không tải hoặc tải nhẹ, mức xung sẽ được tự động hạ xuống để tiết kiệm điện năng.
Một trong những cách cải thiện hiệu năng đáng kể nhất trên máy tính đó chính là chuyển sang sử dụng ổ SSD thay cho ổ HDD. HP Z210 tuy là workstation cơ bản nhưng cũng thực hiện vấn đề này. Ổ SSD được trang bị ở đây được cung cấp bởi Intel với dung lượng 160GB. Giao tiếp mà ổ SSD này hỗ trợ là SATA 3Gb/s hay còn gọi là SATA 2. Do có kích thước là 2.5-inch nên khi lắp đặt vào case, ổ SSD này được gắn vào thông qua một khay chuyển sang kích thước 3.5-inch.
Chúng tôi tiến hành các phép đánh giá hiệu năng của chiếc workstation này. Dựa vào những thông tin về cấu hình nhiều người có thể đoán rằng chiếc máy tính này có khả năng đảm nhiệm được nhiều tác vụ mà nhiều người dùng chuyên nghiệp hoặc các công ty nhỏ yêu cầu. Một trong những tác vụ điển hình dành cho HP Z210 CMT có thể kể đến đó là render một đối tượng trong thời gian kéo dài lên đến vài ngày.
Đánh giá hiệu năng với Cinebench R11.5 phiên bản 64-bit:
Hiệu năng toàn diện hệ thống với PCMark Vantage:
Hiệu năng thực hiện các tác vụ đồ họa với 3DMark Vantage:
Phép đánh giá quen thuộc của Windows 7, Windows Experience Index:
Thử sức với Geekbench:
Nhìn chung thì kết quả thử nghiệm cho thấy hiệu năng của HP Z210 CMT là khá tốt, các tác vụ thông thường với workstation thì HP Z210 CMT có thể thực hiện khá tốt. Một trong những yếu tố giúp cho điểm số khi benchmark của workstation này đạt được như trên chính là sử dụng ổ SSD. Trong quá trình sử dụng thông thường, ổ SSD cũng giúp cải thiện rõ rệt thời gian chờ khi rút ngắn thời gian khởi động hệ điều hành và các ứng dụng.
Độ ổn định và nhiệt độĐối với bất kỳ chiếc workstation nào thì yếu tố ổn định cũng là một yếu tố quan trọng được đề ra. Sự khác biệt ở workstation với các loại desktop thông thường chính là ở điểm này và việc các thành phần phần cứng được tối ưu hóa với nhau chứ không đơn thuần là mua các thành phần theo nhu cầu về lắp ráp như các loại desktop thông thường.
Chúng tôi tiến hành xem xét về độ ổn định của HP Z210 CMT với phép thử Stability Test của phần mềm AIDA64. Trong toàn bộ quá trình, các thành phần của máy đặc biệt là CPU được kích để hoạt động hết khả năng. Quá trình kéo dài trong hơn 3 ngày, kết quả nhiệt độ máy theo dõi bằng phần mềm như sau:
Nhiệt độ của các thành phần không cao lắm. Nhiệt độ của CPU dao động trong khoảng 70oC trong liên tục 3 ngày bị stress, khoảng thời gian cuối nhiệt độ có giảm một ít do chúng tôi tiến hành mở nắp case. Nhiệt độ của card đồ họa cũng ổn định, một phần là do thành phần này không bị stress nhiều trong lúc thử nghiệm.
Còn khi đo nhiệt độ ở thực tế, nhiệt độ của các thành phần sau khoảng thời gian hơn 3 ngày hệ thống bị stress như sau:
Thực sự thì chúng tôi khá bất ngờ với nhiệt độ thu được trên chipset (chip cầu nam), mặc dù không được trang bị giải pháp tản nhiệt nào, nhiệt độ cũng chỉ rơi vào con số 59 sau một thời gian dài làm việc. Một chú ý ở đây là nhiệt độ phòng trung bình khi thực hiện phép thử này là 27oC.
Nhận xét chung là HP Z210 CMT có độ ổn định khá cao và có thể đáp ứng các tác vụ đòi hỏi hệ thống tải nặng trong một khoảng thời gian này. Phần cứng của máy được thiết kế và tối ưu khá tốt, nhờ đó nhiệt độ khi sử dụng cũng không cao và dao động không nhiều trong toàn bộ quá trình sử dụng.
Kết luận
Nhìn chung thì HP Z210 CMT là một chiếc workstation cơ bản phù hợp với những người lần đầu bước vào thế giới những chiếc máy tính dành cho giới chuyên nghiệp này. Không có điểm nào ở HP Z210 thực sự đáng chê trách nếu như xét ở góc độ một chiếc workstation cấp thấp. Đối với các công ty nhỏ hoặc những người dùng có hầu bao kha khá muốn tìm cho mình một máy tính với phần cứng được tối ưu về độ ổn định thì HP Z210 CMT là một lựa chọn rất đáng để xem xét.
Chúng tôi không rõ về mức giá chính xác của mẫu HP Z210 CMT với cấu hình mà chúng tôi nhận được. Tuy nhiên con số này sẽ nằm trong khoảng từ 2000 đến 3000 USD. Và với con số này có thể khẳng định đây là một trong những mẫu workstation có giá tốt nhất.