Đánh giá chi tiết case Huntkey H403?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước

Vẻ ngoài H403

H403 thuộc dòng case middle tower của Huntkey, kích thước 475 x 190 x 450mm, cân nặng khoảng 6Kg. Thùng máy có khung làm bằng thép SECC trắng dày 0.6mm, toàn bộ bên ngoài gần như mang 1 màu đen bí ẩn, nổi bật trên đó là mặt nạ trước (trông khá giống nhôm đen mài xước) với ô vuông và logo Huntkey màu bạc sang trọng. Sản xuất từ cuối 2009 và nhắm vào thị trường bình dân nên gần như những gì mà các tay chơi (độ) PC cần, H403 đều không thể đáp ứng (nguồn phía dưới, nội thất sơn đen, toàn bộ tool-free, …).

Mặt trước H403 tương đối đơn giản nhưng không kém phần đặc trưng bởi logo Huntkey màu bạc sáng loáng cùng 4 chữ Trung Quốc góc dưới bên phải; nhìn lên trên cao là bảng điều khiển của H403. Trên I/O front panel này có cổng S-Video, 1 cổng eSATA dành cho các ổ cứng ngoài, 2 cổng USB 2.0, cổng headphone, mic và nút reset. Nút nguồn chính của H403 được Huntkey làm khá to, đặt ngay trên nóc thùng máy, thuận tiện cho người dùng đặt thùng máy dưới gầm bàn lúc cần mở máy không phải khom người xuống. Thiết kế này cũng tránh việc chân người dùng vô tình chạm trúng nút power dưới gầm bàn.

Mặt trước H403 thiết kế dạng lưới giúp nguồn không khí lưu thông tốt hơn, hỗ trợ tốt trong việc giải nhiệt cho các thành phần bên trong thùng máy. Các lưới này đều có tấm chắn lọc bụi, phần nào giúp bạn đỡ mệt mỏi hơn mỗi khi dọn dẹp bên trong thùng máy. Ngoài ra, Huntkey còn cung cấp theo H403 1 quạt đường kính 120mm với LED xanh dương ở ngay phía sau mặt nạ với logo Huntkey. Quạt giải nhiệt này làm nhiệm vụ hút gió, luân chuyển không khí làm mát bên trong H403 và mặt khác, làm nền (xanh dương) cho logo Huntkey trong đêm tối.

Huntkey sử dụng quạt làm mát 120mm do Hui Tong Electronic chế tạo. Hui Tong Electronic thành lập năm 1998 tại Thẩm Quyến, chuyên sản xuất quạt làm mát dạng OEM cho các công ty khác. Được biết, tất cả các sản phẩm quạt làm mát do Hui Tong sản xuất đều đạt tiêu chuẩn CE.TUV và ROHS.

Bên trong Huntkey H403

Người dùng H403 sẽ có 4 khoang gắn ổ đĩa 5.25-inch và 7 khoang gắn ổ 3.5-inch. Ở đây tôi thấy có thiết kế tool-free dành cho việc gắn các ổ đĩa nhưng đáng tiếc là Huntkey H403 chỉ cung cấp cho người dùng 2 bộ chốt gài bằng nhựa cho mỗi loại khoang ổ đĩa; nếu muốn gắn thêm nhiều ổ đĩa khác, người dùng đành phải dùng ốc vít. Tuy nhiên, đối tượng mà H403 hướng đến là khách hàng bình dân, đa phần những khách hàng này thường dùng chỉ 1 ổ quang và khoảng 1 đến 2 ổ cứng. Vì vậy, thiết nghĩ Huntkey đã tính toán khá chi li trong việc này, không thừa, không thiếu.

H403 có 7 khe dành cho card mở rộng, vì thế H403 hỗ trợ tốt tất cả các mainboard kích thước full-size ATX. Mặt sau H403 có thiết kế vị trí gắn quạt hút với kích thước quạt có thể gắn gồm 80mm, 90mm hoặc 120mm; đồng thời, Huntkey cũng khoan sẵn 2 lỗ dành cho các tản nhiệt nước nếu người dùng có nhu cầu nâng cấp.

H403 cung cấp sẵn 2 ốc loại có thể vặn bằng tay không cần vít dành cho các card mở rộng. Điều này theo tôi là đáng khuyến khích, tuy nhiên nếu cần vặn thật chắc để yên tâm thì người dùng vẫn cần có dụng cụ do khu vực gắn card mở rộng hơi khó thao tác. Một điều nữa đối với H403 là thiết kế các thanh sắt chắn khe PCI không tốt do nếu cần dùng khe PCI thì người dùng bắt buộc phải bẻ mất thanh sắt chắn khe PCI đó và không thể gắn lại (trừ khi dùng keo con voi). Và điều này cũng bất tiện nếu như bạn lỡ tay bẻ quá nhiều (hết cả 7 khe chẳng hạn) nhưng không dùng hết, các vị trí trống trải này sẽ rất dễ bị gián hay các côn trùng khác chui vào gây hại cho máy tính.

Nắp hông cùa H403 khá chắc chắn, cầm nặng tay. Nắp hông bên phải có logo Huntkey to tướng được dập chìm; bên trái là 1 cửa sổ lưới tổ ong với tấm chắn lọc bụi bên trong, viền nổi bên ngoài bằng nhựa cứng. Cảm giác khi cầm tay nắp hông khá chắc tay nhưng vẫn còn chút gì đó hơi “phập phồng”; tuy nhiên mức độ phập phồng này có lẽ là do phần cửa sổ lưới do Huntkey “khoét”, hoàn toàn khác biệt với nắp hông của các case noname vốn rất mỏng và gần như “có thể xếp máy bay” được!

Sau khi mở nắp hông bên phải ra là 1 sự thất vọng của người viết: hoàn toàn không có khoảng trống để giấu dây nếu cần đi dây cho thùng máy trông sạch đẹp 1 tí. Khoảng các giữa tray main và nắp chỉ khoảng 3-4mm, rất khó và gần như không thể đi dây vòng ra phía sau nếu không “mod” lại 1 tí…

Toàn bộ case H403 đứng trên 4 chân đế bằng nhựa cứng màu trắng khá chắc chắn, chiều cao chân đế khoảng 2cm. Tuy 4 chân đế này hơi nhỏ nhưng vẫn đủ sức giữ thùng máy đứng vững với cả “bộ đồ lòng” PC cưng của bạn bên trong.

Các dây cắm cho cổng giao tiếp ở I/O front panel giống với các model thùng máy khác và không được mã màu, tuy nhiên vẫn được ghi chú khá cẩn thận và rõ ràng. Dây cắm USB và audio mặt trước được bọc 1 lớp vỏ nhựa màu trắng khá cẩn thận. Độ dài dây cắm khá thoải mái, vươn đến tận cuối case nên người dùng hoàn toàn yên tâm, không sợ thiếu chiều dài dây nếu mainboard đang dùng có các cổng cắm nằm hơi xa…

Thử nghiệm

Thiết kế bên trong của H403 gần tương tự với các model của các thương hiệu khác có cùng mức giá. Toàn bộ làm bằng thép SECC màu trắng, tương phản hoàn toàn với lớp vỏ bên ngoài. Khả năng hỗ trợ của H403 là các mainboard kích thước micro ATX hoặc full-size ATX cùng nguồn ATX tiêu chuẩn. Ốc vít gắn mainboard đi kèm theo tôi là tương đối hài lòng, gắn tốt mainboard kích thước micro ATX nhưng lại thiếu mất 1 ốc khi gắn mainboard full ATX vốn cần đến 9 bộ ốc vít. Bù lại, H403 cung cấp 2 ốc định vị mainboard (loại ốc gắn vào tray main nhưng phần đầu có nhô cao thêm 1 tí).

Tôi thử nghiệm gắn mainboard kích thước full ATX là ASRock 880G Extreme 3 và hoàn toàn không gặp chút trở ngại nào. Mainboard nằm khít trong thùng máy và thao tác vẫn khá thoải mái. Không như các thùng máy khác, ở đây tôi chỉ việc đặt mainboard vào và sau đó vặn ốc mà không cần phải loay hoay canh cho các lỗ trên mainboard khít với các ốc gắn main. Điều này có được là do H403 cung cấp 2 ốc định vị main cho người dùng.

Việc gắn ổ đĩa cứng khá đơn giản, chỉ cần trượt ổ cứng vào khay, canh vị trí của chốt gài nhựa khớp với lỗ bắt ốc trên HDD rồi vặn, thế là xong, ổ cứng sẽ được cố định chắc chắn. Ở vị trí này, bạn cũng có thể thấy quạt 120mm ở mặt trước có nhiệm vụ làm mát ổ cứng, đồng thời làm mát 1 phần card đồ họa rời (nếu có).

Nhưng đừng vội tưởng H403 chỉ có bấy nhiêu. Người viết đã test thử với card đồ họa Gigabyte GTX 480 và HIS HD 5870 Eyefinity và tất cả đều vừa vặn. Việc cần làm kế tiếp là dời vị trí ổ cứng lên cao hoặc xuống thấp 1 tí là xong. Dễ thấy rằng tuy nhằm vào người dùng bình dân nhưng Huntkey H403 vẫn không quên nghĩ đến khả năng nâng cấp của họ. H403 hoàn toàn tương thích và vừa vặn với các card đồ họa khủng, full-size như HD 5870. Dĩ nhiên, nó sẽ không vừa với HD 5970 siêu khủng; nhưng mấy ai sẽ dùng Huntkey H403 nếu trong tay đang sở hữu HD 5970 phải không nào?

Kết luận

Với mức giá chưa tới 750 000 VND, Huntkey mang đến cho người dùng PC bình dân 1 lựa chọn thùng máy đáng tin cậy hơn các sản phẩm noname vốn không hề chắc chắn. Ngoài ra, sản phẩm còn mang trong mình khả năng nâng cấp tốt dành cho những ai chú tâm vào “bộ lòng” cấu hình, linh kiện máy tính mà chưa quan tâm lắm đến vẻ bên ngoài. Nhìn chung, Huntkey H403 đã làm tốt nhiệm vụ bình dân được giao, hơn nữa còn vượt mức, chạm đến thị trường tầm trung (entry-level). Với mức giá và khả năng của mình, hi vọng H403 sẽ có chỗ đứng và cạnh tranh tốt với các model thương hiệu khác; và xa hơn nữa là hi vọng Huntkey sẽ có các model thùng máy mới thật sự nhắm đến thị trường trung và cao cấp béo bở của các tay chơi PC.