Xin hướng dẫn cách chế biến một số món ăn cho bé tập ăn dặm??

Tôi rất băn khoăn vì bé nhà tôi đã đến kỳ ăn dặm mà tôi chưa biết phải chế biến thực đơn mỗi bữa ăn dặm của bé như thế nào cho hợp lý?

Nguyen Thi Trang
Nguyen Thi Trang
Trả lời 14 năm trước

Nhiều bậc cha mẹ băn khoăn khi bé đã đến kỳ ăn dặm mà chưa biết phải chế biến thực đơn mỗi bữa ăn dặm của trẻ. Thông thường, việc xay chút bột rau, cá, gan lợn, thịt...vào cháo là điều xem chừng đơn giản, nhưng xay như thế nào và tỉ lệ bao nhiêu? Dưới đây là một số gợi ý.

Trẻ 6 - 7 tháng tuổi là đủ độ tuổi cứng cáp để ăn dặm, trong cháo nên cho thêm thực phẩm phụ và cần chế biến thành dạng bột hoặc vụn để bé dễ nuốt.

Cách thức nghiền

Bột rau: Rửa sạch lá rau (cải, dền, cải thảo, bắp cải…) trước, bỏ cuống, xé nhỏ, chần qua nước sôi rồi vớt ra, để vào một chiếc rá kim loại, dùng thìa canh dằm hoặc nghiền nát, lọc bột rau ra. Nếu không có rá kim loại thì có thể xắt nhỏ rau ra, cho dầu ăn vào chảo và xào bằng lửa lớn cho mềm. Một cách nữa là bỏ vào may xay sinh tố để xay nhuyễn và cho vào cháo đun sôi lại.

Bột cá: Rửa sạch cá khúc (cá trắm, cá hố, cá thu…) đựng vào bát. Nêm chút gia vị rồi hấp cá trong 10 -15 phút, sau khi nguội lột bỏ da và xương rồi dùng thìa ép thành dạng bột.

Bột thịt: Rửa sạch thịt nạc, bỏ gân, băm nhỏ hoặc xay rồi cho thêm chút bột mì, rượu và gia vị trộn đều, sau đó bỏ vào nồi hấp chín.

Bột gan lợn: Rửa sạch gan, khía ra, cạo nhẹ mặt khía, cho một tí rượu và gia vị hấp chín, nghiền thành bột. Nếu là gan gà, vịt thì việc nghiền càng dễ dàng hơn.

Bột tôm: Bóc vỏ tôm rửa sạch, băm nhỏ, nêm gia vị, trộn đều và hấp chín.

Những lưu ý về tỉ lệ

Thành phần dinh dưỡng trong việc ăn uống của bé cũng cần 1 tỉ lệ thích hợp, thông thường tỉ lệ thích hợp là: 3: 2: 1. Ví dụ: Gạo 30g thì bột thịt khoảng 20g và rau là 10g. Sau khi nấu xong, cần thêm vào vài giọt dầu thực vật để tăng thêm hương vị và nhiệt năng.

Chế biến và cho bé ăn hợp lý là trên cơ sở chất bột, thêm các loại thực phẩm có nguồn gốc động và thực vật vào cũng cần một tỉ lệ hợp lý. Bất kể xuất phát từ nhu cầu sinh trưởng của trẻ hay mùi vị thì cũng không nên lấy khẩu vị người lớn làm tiêu chuẩn vì nêu quá mặn sẽ bắt thận của bé làm việc quá sức, thậm chí phù nề. Đặc biệt nên hạn chế bột nêm, hương liệu, mì chính…trong khẩu phần ăn của trẻ.

(Theo webtretho)

mùa thu
mùa thu
Trả lời 13 năm trước

Thời kỳ ăn dặm của bé chia thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn ăn bột:Bắt đầu từ 6 tháng tuổi trở đi, mẹ đã có thể cho bé nhấm nháp một chút bột được rồi. Trong giai đoạn này, có thể mua bột dinh dưỡng đóng hộp của các hãng có uy tín, vì loại bột này có chứa đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Nếu bạn tự chế biến cho trẻ ăn cần đảm bảo hợp vệ sinh và đầy đủ dinh dưỡng, tuy nhiên bạn nên lưu ý những thức ăn có thể làm cho trẻ bị dị ứng.
- Giai đoạn ăn cháo: Khi bé được 9 - 10 tháng (có bé sớm hơn) và đã ăn được kha khá, bạn có thể nấu cháo cho bé ăn. Không nên chỉ hầm xương lấy nước, vì nước ngọt của xương hoàn toàn không cung cấp đủ chất dinh dưỡng, mà bé cần ăn cả xác thịt, cá, rau củ. Nên hầm riêng một nồi cháo nhừ. Mỗi bữa ăn của bé, bạn múc cháo ra và cho thịt, cá, rau củ vào nấu chín từng bữa, thêm dầu ăn cho bé ăn. Khi nấu cho bé, bạn nên nêm thật nhạt. Nếu không có mắm muối mà bé vẫn ăn ngon thì càng tốt.
Lúc đầu dùng rây thưa tán cháo. Sau đó, chỉ cần băm nhuyễn thịt, cá và rau củ là được. Bạn nên tập dần cho bé quen từ thức ăn nhuyễn đến hạt lợn cợn và cuối cùng là cho ăn cơm.
- Giai đoạn ăn cơm: Khi có đủ răng (20 cái), bé mới có thể nhai cơm thật kỹ. Bạn nên nấu cơm mềm và dằm nát cho trẻ ăn. Tập cho trẻ ăn các loại rau, củ bằng cách nấu canh rau đay, canh mồng tơi, canh bí đỏ, canh súp (nấu với cà-rốt, khoai tây, súp-lơ, su hào). Nên cắt ngắn rau cho bé dễ nhai để bé không bị hóc cọng rau.

Bữa ăn của trẻ phải bao gồm đầy đủ bốn nhóm dinh dưỡng chính:
  • Tinh bột: gạo, khoai, nui, bánh mì...
  • Chất đạm: cá, thịt, trứng, tôm, cua, đậu hũ...
  • Rau, trái cây: ngoài việc cho bé ăn rau, củ, nên cho bé ăn trái cây tươi: nho, cam, quít, chuối, đu đủ...
  • Dầu thực vật: tốt nhất nên dùng dầu mè, dầu ô-liu, dầu hướng dương (trộn vào chén bột, cháo).

Bạn nên hiểu là ăn dặm không thể hoàn toàn thay thế sữa. Khi bé không bú mẹ nữa thì bạn nên thay thế sữa mẹ bằng sữa bột. Có thể cho bé bú bình hoặc uống bằng ly. Sữa là nguồn dinh dưỡng tốt, giàu can-xi nên cực kỳ quan trọng với trẻ. Bạn cần tập cho trẻ thói quen uống sữa mỗi ngày cho đến lúc trưởng thành.
Khi nấu cho trẻ, nên linh động trong thực đơn mỗi bữa, ví dụ trưa ăn tôm thì chiều ăn thịt, món rau cũng thay đổi như vậy. Tránh không lặp đi lặp lại một công thức dễ khiến bé ngán ăn và gây ra thừa hoặc thiếu các dưỡng chất.
Không nên nêm nhiều muối vào thức ăn của trẻ vì không tốt cho thận của trẻ, có nguy cơ cao huyết áp khi lớn lên. Chỉ nên dùng muối i-ốt cho trẻ.
Ngoài cơm, bạn cũng nên tập cho trẻ ăn bún, mì, nui, bánh mì, ngũ cốc. Sự phong phú thức ăn khiến trẻ cảm thấy mới mẻ và hào hứng. Hơn nữa, tập cho trẻ dễ dàng tiếp cận và hòa mình với thế giới xung quanh. Nhưng bé cũng có thể không sốt sắng nếm thử những thức ăn mới lạ. Hãy cho bé thời gian để làm quen với thức ăn. Đừng cố ép bé ăn nếu như bé đã cảm thấy vừa no. Một bữa ăn dinh dưỡng là một bữa ăn cung cấp đầy đủ dưỡng chất theo chế độ hợp lý. Thiếu và thừa dinh dưỡng đều không tốt cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Bạn cần biết:
- Calorie: Là đơn vị đo năng lượng có chứa trong thức ăn. Theo tỉ lệ cân nặng cơ thể, trẻ cần lượng calorie nhiều gấp 2,5 - 3 lần so với người lớn. Chất tinh bột là nguồn calorie chính yếu.
- Protein (chất đạm): Rất quan trọng cho sự sống vì giúp xây dựng tế bào và mô cơ thể. Nhu cầu về protein của trẻ lớn gấp 3 lần nhu cầu của người lớn (theo tỉ lệ trọng lượng cơ thể).
- Vitamin: Là chất thiết yếu cho sức khỏe. Nên hỏi ý kiến bác sĩ xem có cần bổ sung thuốc bổ sinh tố kịp thời cho trẻ không.
- Khoáng chất: Can-xi, phốt-pho, ma-gie cần thiết cho sự tăng trưởng xương và cơ bắp. Trẻ sinh ra đã sẵn có lượng dự trữ chất sắt (Fe) đủ dùng trong 4 tháng. Sau đó, cần cung cấp sắt cho trẻ trong các bữa ăn hoặc thuốc bổ.

Nên và không nên:
- Nên:
  • Chọn thực phẩm tươi ở các cửa hàng thực phẩm sạch. Mua ngày nào dùng hết ngày đó.
  • Dùng trái cây và rau ngay sau khi mua về.
  • Hấp rau củ hoặc nấu chín với ít nước (giúp giữ được các vitamin trong quá trình đun nấu).
  • Nấu chín kỹ thức ăn: thịt, cá, trứng...
- Không nên:
  • Cho bé ăn thức ăn thừa.
  • Đun nấu quá lâu rau củ (vì sẽ hủy hết vitamin).
  • Khi chế biến thức ăn với khối lượng lớn, đừng để nguội thức ăn trước khi cho vào tủ lạnh (vì vi khuẩn sẽ có cơ hội sinh sôi). Đặt thức ăn nóng vào đĩa lạnh, đậy lại và cho vào tủ lạnh.
  • Dùng nhiều chất béo bão hòa (mỡ động vật, bơ).
  • Dùng nhiều muối.
  • Dùng nhiều đường (ngọt, dễ hư răng).
  • Khi mới tập ăn, không nên cho bé ăn phô-mai mềm, lòng đỏ trứng, đậu phộng tán nhuyễn sẽ làm bé dễ bị sặc.
mùa xuân
mùa xuân
Trả lời 13 năm trước

Cách chế biến hai loại bột thông thường

Bột sữa, bí đỏ

Nguyên liệu: Chế biến 1 bát bột (khoảng 250ml) cần 4 muỗng canh vun (40g) bột gạo, bí đỏ cắt nhỏ (1 muỗng canh đầy khoảng 20g), sữa bột (4 muỗng canh đầy), dầu ăn (muỗng canh gạt khoảng 5g), nước vừa đủ (1 chén đầy 250ml).

Chế biến: Bí đỏ hấp chín cho ra bát tán nhuyễn với 1/3 bát nước. Cho bột gạo, bí đỏ vào 2/3 bát nước còn lại khuấy đều. Bắc lên bếp nấu sôi (khuấy đều tay trên bếp để bột không bị vón cục). Bột chín, cho dầu ăn vào khuấy đều. Nhắc xuống để nguội bớt. Cho sữa vào từ từ, khuấy cho sữa hòa đều vào bột, cho đến khi hết lượng sữa.

Bột thịt heo, cà rốt

Nguyên liệu: Chế biến 1 bát bột (koảng 250ml) cần 4 muỗng canh vun (40g) bột gạo, cà rốt cắt nhuyễn (1 muỗng canh đầy khoảng 20g), thịt heo nạc băm nhuyễn (1 muỗng canh vun), dầu ăn (muỗng canh gạt khoảng 5g), nước vừa đủ (1 bát đầy 250ml).

Chế biến: Cà rốt nấu chín tán nhuyễn với 1/3 bát nước. Cho thịt heo hòa với 2/3 bát nước còn lại đánh cho tan thịt (để khi nấu sôi thịt không bị vón cục). Cho bột gạo vào bát thịt quấy đều, sau đó trộn cùng với cà rốt đã tán nhuyễn. Bắc lên bếp nấu chín. Bột chín, cho dầu ăn vào khuấy đều. Nhắc xuống để nguội bớt và cho bé ăn.

Hồ Xuân Hải
Hồ Xuân Hải
Trả lời 13 năm trước

bé tập ăn dặm bạn cần quan tâm:

không cho mỡ

thay đổi thường xuyên món ăn

Có nhiều rau + đậu+ quả + hạt

nấu hơi nhạt so với người lớn