Về mùa hè, thời tiết nóng, nếu ít uống nước, lượng nước đưa vào sẽ được ưu tiên cho việc chống nóng của cơ thể (mồ hôi và hơi thở). Do đó, lượng nước tiểu sẽ ít và lưu lượng nước tiểu chậm. Điều này tạo điều kiện cho các chủng vi khuẩn phát triển mạnh, tiến sâu vào niệu đạo, bàng quang rồi lên thận. Ngoài ra vi khuẩn E.coli có khả năng bám dính vào tế bào biểu mô đường niệu để di chuyển lên trên. Khi lưu lượng nước tiểu dưới 25 ml/h, các vi khuẩn rất dễ phát triển từ bàng quang lên thận.
Nhiễm khuẩn niệu có thể từ thận, bàng quang tới niệu đạo. Tùy vị trí mà bệnh nhân có những bệnh cảnh khác nhau. Các triệu chứng chung là đái ra máu, đái đục, đái buốt, đái nhiều lần... làm cho bệnh nhân rất khó chịu.
Có thể phòng chống bệnh này bằng cách uống nhiều nước nhằm tạo nhiều nước tiểu, lưu lượng dòng nước tiểu lớn, không cho các vi khuẩn có điều kiện phát triển và đi ngược lên. Cần giữ vệ sinh cơ thể (đặc biệt là tầng sinh môn, nơi có cơ quan sinh dục và miệng sáo), điều trị triệt để các chứng viêm nhiễm của cơ quan sinh dục (nếu có). Nếu có dị dạng đường tiết niệu thì cần trị dứt điểm. Sau cùng là điều trị bằng kháng sinh theo kháng sinh đồ.