Mô tả sản phẩm: Nokia X Dual Sim RM-980 (Nokia A110) Black
Nokia X đánh dấu sự hợp tác của Nokia với Google trong việc tạo ra một nền tảng nguồn mở hỗ trợ các ứng dụng Android. Tuy nhiên máy sở hữu giao diện tương tự như Asha, kho ứng dụng dành riêng cùng các dịch vụ trực tuyến từ Microsoft.
Thiết kế và cấu hình phần cứng
Nokia X được dựa trên thiết kế của Asha 501 bao gồm thân máy và nắp lưng có thể tháo rời với nhiều màu sắc. Máy khi cầm trong tay khá là vừa vặn bởi thiết kế màn hình chỉ có 4”. Tuy nhiên các cạnh của máy được vát khá vuông vắn, thay vì bo tròn mạnh như một số máy tương tự như Lumia 620. Vì thế thiết kế này phù hợp với nam giới hoặc những bạn nữ cá tính. Lớp vỏ ngoài khá ấn tượng nhờ chất liệu chống bám bẩn, bám vân tay và giảm trầy xước rất tốt, chưa kể Nokia sử dụng chuẩn màu CMYK khiến các vỏ máy màu xanh lá, đỏ hồng hoặc vàng rất nổi bật và lạ mắt.
Mặt trước của máy là màn hình IPS 4” độ phân giải 480 x 800 pixel cho khả năng hiển thị màu sắc tốt. Do không sở hữu công nghệ ClearBlack Display trên dòng Lumia nên Nokia X cho khả năng hiển thị nội dung dưới ánh sáng mặt trời ở mức trung bình. Bù lại độ bão hoà màu của máy khá tốt, hiển thị màu sắc khá chuẩn xác và chi tiết tốt. Phía trên màn hình là loa thoại và không tích hợp camera trước. Bên dưới màn hình là phím Back cùng với mic đàm thoại. Các phím cứng của máy nằm ở cạnh phải tương tự như dòng Asha, trong khi mặt sau chỉ có camera 3 MP, loa ngoài và không tích hợp đèn flash. Cổng microUSB nằm ở cạnh dưới, trong hộp máy sẽ không có cáp kết nối và bạn sẽ phải mua thêm phụ kiện ngoài.
Nắp lưng có với chất liệu hạn chế bám vân tay cùng nhiều màu sắc lựa chọn hấp dẫn
Vỏ máy có thể dễ dàng tháo rời, cạnh phải bao gồm phím nguồn và tăng giảm âm lượng
Nokia X hỗ trợ hai khe cắm SIM, thẻ nhớ microSD với dung lượng tối đa 64GB cùng pin có thể tháo rời
Về phần cứng, máy hoạt động trên nền tảng Qualcomm Snapdragon S4 MSM8625 với bộ xử lý lõi kép 1 GHz, RAM 512MB, bộ nhớ lưu trữ 4GB cùng thẻ nhớ mở rộng. Máy có khoảng 1.29GB dành cho việc cài ứng dụng bên ngoài và 1.17GB dành cho việc lưu trữ các dữ liệu cá nhân như hình ảnh, nhạc, video, tài liệu... Nền tảng được ghi trong máy là Nokia X software platform 1.0, dựa trên nền Android 4.1.2 của Google theo dự án nguồn mở AOSP.
Trải nghiệm
Giao diện chính của Nokia X mang phong cách giống Live Tiles của Windows Phone. Máy có thể hiển thị 12 biểu tượng ứng dụng trên màn hình, hỗ trợ thông báo số tin nhắn, email chưa đọc, cũng như cuộc gọi bị bỏ lỡ. Bạn cũng có thể tăng kích thước của ô ứng dụng lên 4 lần cũng như gỡ nhanh khi không muốn sử dụng với biểu tượng (x), tương tự như iOS.
Giao diện mang phong cách của Windows Phone chứa toàn bộ các ứng dụng có sẵn trong máy
Fastlane là một tính năng được đưa lên từ nền tảng Asha. Đây là nơi tập hợp toàn bộ những truy cập gần đây của bạn: từ email chưa đọc, những ứng dụng đã hoạt động cũng như công việc cần làm trong ngày hay lịch làm việc sắp tới. Bạn cũng có thể gọi lại hoặc nhắn tin nhanh cho một số điện thoại vừa đàm thoại hoặc gọi nhỡ. Ngoài ra Fastlane cũng phục hồi (resume) lại đoạn nhạc cũng như video mà bạn đang phát lưng chừng.
Fastlane tập hợp những truy cập gần nhất của người dùng, có thể xem đây là khả năng chuyển đổi ứng dụng nhanh của máy
Một tính năng giống với Asha nữa đó chính là khả năng thoát ứng dụng nhờ cách vuốt tay theo chiều ngang. Ví dụ bạn có thể thoát nhanh khỏi mục tin nhắn mà không cần nhấn phím Back. Tuy nhiên nó chỉ hoạt động với những tính năng có sẵn trên máy. Với một ứng dụng đang chạy, bạn nhấn giữ phím Back để nó trở về Home. Phím này có vai trò tương tự như phím trên điện thoại Android truyền thống, bạn càng bấm thì nó sẽ trở về những tác vụ trước đó.
Phím Back giúp trở ra trang giao diện trước đó khi sử dụng. Người dùng phải nhấn giữ để trở về giao diện chính (Home)
Bên cạnh các ứng dụng cài sẵn của Microsoft như Outlook, Skype và OneDrive, Nokia cũng đem lại hai ứng dụng khác hữu ích là bản đồ HERE Maps và phần mềm nghe nhạc MixRadio. Việc điều hướng đến HERE Maps khá tiện lợi dù nó không có HERE Drive dẫn đường như Windows Phone. Phần mềm MixRadio thích hợp với những bạn yêu nhạc khi máy tự phát ngẫu nhiên các bản nhạc theo tuỳ chọn.
Ngoài các ứng dụng có trong Nokia Store, bạn có thể cài đặt thêm các ứng dụng từ kho phần mềm của bên thứ 3 như Amazon Appstore. Máy cũng có thể cài đặt trực tiếp ứng dụng Android từ thẻ nhớ, từ trình duyệt với tập tin cài đặt APK. Tuy nhiên không phải ứng dụng nào cũng được tối ưu hoá cho dòng máy này, đặc biệt là những ứng dụng thuộc dạng độc quyền từ các nhà sản xuất điện thoại Android lâu đời. Các ứng dụng của Google cũng không hoạt động, trừ khi bạn thực hiện thao tác can thiệp hệ thống (root máy).
Ba cách để cài ứng dụng trên Nokia X gồm truy cập vào Nokia Store, cài ứng dụng từ bên thứ ba hoặc tập tin APK
Về khả năng nhập liệu, Nokia hỗ trợ bàn phím với giao diện tương tự Asha. Chính vì thế bộ gõ mặc định sẽ có giao diện với các dấu thanh tiếng Việt nằm riêng. Bạn có thể cài đặt Swift Keyboard trong Nokia Store để sử dụng cho việc gõ văn bản theo chuẩn telex.
Bàn phím mặc định của máy không hỗ trợ Telex hoặc VNI, bạn có thể cài đặt thêm bàn phím khác để sử dụng dễ dàng hơn
Nokia đặt các thông báo (notification) của Android nằm ngay màn hình khoá. Bạn sẽ cảm thấy hơi rối nếu mục này có quá nhiều các cảnh báo, chưa kể bạn không thể dọn dẹp chúng hàng loạt như ý muốn. Một số phụ kiện như đồng hồ Smartwatch 2 của Sony sẽ luôn hiện thông báo ngay từ màn hình khoá.
Camera của máy có độ phân giải 3 MP hỗ trợ một vài tuỳ chỉnh như cân bằng trắng, phơi sáng (EV), đo sáng và một số tuỳ chỉnh màu sắc như độ bão hoà, tương phản và độ nét. Do không có tính năng tự động lấy nét nên việc chụp vật thể ở gần bị hạn chế. Chất lượng ảnh chụp của Nokia X đạt ở mức khá, ổn định ở điều kiện đủ ánh sáng. Khả năng chụp đêm của máy bị giới hạn do mức nhạy sáng ở ISO 400.
Với hai khe cắm SIM, Nokia X cho người dùng lựa chọn hai chế độ sử dụng. Bạn có thể tuỳ chọn SIM cần sử dụng sau khi quay số gọi hoặc nhắn tin, hoặc chỉ định lựa chọn 1 trong 2 SIM hoạt động chính để giản lược thao tác. Tuy nhiên kết nối 3G chỉ có sẵn ở khay SIM số 1.
Là sản phẩm đầu tiên, Nokia X sẽ không thể tránh khỏi những hạn chế. Thứ nhất là hệ thống đôi lúc bị hiện tượng phản ứng chậm tương tự như các sản phẩm Android phổ thông. Máy có thể mất khoảng 2-4 giây để thoát hẳn một ứng dụng đang chạy. Vấn đề này có thể khắc phục trong những bản cập nhật của hãng trong tương lai. Tiếp đến, giao diện của máy không thể mượt bằng các sản phẩm Windows Phone cùng tầm giá như Lumia 520. Việc cài đặt ứng dụng bên ngoài cũng như can thiệp vào hệ thống của máy đòi hỏi người dùng phải có kinh nghiệm để tránh những trục trặc không đáng có khi thao tác.
Máy cho thời gian hoạt động liên tục khoảng 1 ngày ở cường độ làm việc cao. Nếu bạn sử dụng ít tác vụ hơn thì thời gian có thể lên đến khoảng 1,5 ngày. Đây cũng là điều hiển nhiên vì hệ điều hành Android vốn không được đánh giá cao về thời gian dùng pin, đặc biệt là các máy có cấu hình khủng.
Kết luận
Nokia đã đem lại cho các khách hàng của mình cơ hội tiếp cận với các ứng dụng Android một cách dễ dàng hơn. Dù sở hữu một giao diện riêng biệt nhưng quá trình thực thi các ứng dụng dựa trên nền tảng Android đều tương tự như các sản phẩm của đối thủ.
Nếu là một người dùng Windows Phone, Nokia X thực tế lại khó thuyết phục bởi sự mượt mà trong trải nghiệm giao diện người dùng vẫn khó có thể đáp ứng. Đây thậm chí sẽ là một tiêu chí đánh giá quan trọng khi quyết định chọn mua máy cho người dùng mới sở hữu.
Bù lại với giá bán 2,549 triệu đồng, Nokia X xứng đáng là lựa chọn đầu tiên cho một chiếc smartphone chạy Android với các dịch vụ hữu ích từ Microsoft, khả năng cài ứng dụng miễn phí từ Nokia Store và hàng loạt các ứng dụng từ bên thứ ba hoặc cài đặt trực tiếp vào máy. Sản phẩm cũng có thiết kế tốt và nhiều màu sắc, phù hợp với lựa chọn cho cả nam và nữ.