Mô tả sản phẩm: Canon Powershot G16
Điểm mạnh: Canon PowerShot G16 có chất lượng chụp ảnh rất tốt trong điều kiện ánh sáng rực rỡ, không chỉ thế, máy còn có một ống kính hoạt động nhanh, hệ thống kính ngắm tiêu chuẩn, và thiết kế trang nhã.
Điểm yếu: Kết nối WiFi tầm thường, màn hình LCD cố định, không thể tinh chỉnh thông số trong khi quay phim là những điểm yếu so với những đối thủ.
Dòng máy ảnh G series của Canon có những bước tiến tương đối chậm chạp. Giống như PowerShot G15, chiếc G16 được trang bị tính năng WiFi và quay phim 1080p @ 60fps. Nó cũng có khả năng chụp ảnh rất tuyệt ở những độ nhạy ISO thấp giống như PowerShot G15, nhưng hiệu năng của nó đã được cải thiện đáng kể. Bộ tính năng của nó vẫn còn tương đối hạn chế, nhưng nhìn tổng quát chiếc máy ảnh vẫn đem đến cho người dùng một số tùy chọn thú vị.
Video giới thiệu:
Chất lượng chụp ảnh
Chất lượng ảnh chụp bằng PowerShot G16 gần như tương đương với PowerShot G15, nhưng do có cảm biến ảnh hơi nhỏ nên chất lượng vẫn không thể đạt tới mức ngang bằng chất lượng ảnh chụp của Sony CyberShot DSC-RX100. Đối với các ảnh JPEG, chất lượng hình ảnh tương đối tốt khi tăng ISO lên tới mức 400, sau đó những dấu hiệu lạ bắt đầu xuất hiện rõ ràng. Các bức ảnh RAW có dải nhạy sáng không rộng và xuất hiện nhiễu, nhưng với một vài thao tác điều chỉnh, bạn có thể thu được nhiều chi tiết đẹp khi ISO tăng đến 1600.
Ống kính của PowerShot G16 có chất lượng tuyệt vời tương tự PowerShot G15: hoạt động nhanh, thu sáng tốt, hình ảnh sắc nét, mặc dù tôi để ý vẫn xuất hiện một số dấu hiệu biến dạng của hình ảnh ở khoảng cách tiêu cự tương đương 50 mm. Khi zoom ra xa nhất, khẩu độ ống kính dừng lại ở f2.8 với khoảng cách tiêu cự tương đương 96 mm. Khẩu độ ống kính không thể mở rộng quá f8 nên tôi phải sử dụng bộ lọc ND trong điều kiện ánh sáng tốt.
Giống như các đối thủ khác, Canon Powershot G16 ghi lại nhiều vùng sáng, mặc dù bạn có thể tinh chỉnh các thiết kế để có mức độ phơi sáng tốt hơn. Khả năng tái tạo màu sắc tương đối tốt, mặc dù chức năng cân bằng trắng trong điều kiện đủ sáng khiến bức ảnh trông khá nhạt và mức độ tương phản giảm đi. PowerShot G16 không hỗ trợ thiết lập AdobeRGB cũng như tính năng điều chỉnh dải nhạy sáng và màu sắc khi chụp ảnh RAW hoặc RAW+JPEG.
Một số bức ảnh chụp thử:
Tôi đánh giá thấp chức năng quay phim trên PowerShot G16 hơn những thiết bị Canon trước đó mặc dù nó hoạt động rất ổn trong những tình huống nhất định. Máy có 3 tốc độ quay phim, gồm 1080p @ 60fps, 1080p @ 30fps, và 1080p @ 24fps. Nó vẫn thiếu những lựa chọn điều chỉnh chủ động, và dù chất lượng hình ảnh của video bão hòa, tôi vẫn nhận thấy xuất hiện nhiều vết răng cưa cùng những quầng sáng bao quanh cạnh của các vật thể.
Hiệu năng chụp ảnh
Như được quảng cáo, PowerShot G16 có tốc độ chụp ảnh nhanh hơn PowerShot G15. Thời gian khởi động được rút ngắn đáng kể, mất khoảng 1,6 giây để bật nguồn, lấy nét rồi chụp. Trong điều kiện ánh sáng tốt, tốc độ chụp ảnh rất nhanh, chỉ có 0,3 giây, nhưng khi ánh sáng tối hơn thì tốc độ chụp chậm lại, thời gian trễ tăng lên khoảng từ 0,6 đến 0,9 giây. Độ trễ giữa 2 lần chụp ảnh JPEG vào khoảng 0,7 giây, còn khi chụp ảnh RAW thì thời gian trễ là 1,4 giây; thời gian trễ khi chụp JPEG tăng lên đến khoảng 2,9 giây khi sử dụng đèn flash.
Sự cải tiến rõ rệt nhất của máy ảnh là tính năng chụp ảnh liên tục, với tốc độ 10 hình/giây khi giữ tiêu cự cố định và 5,8 hình/giây khi sử dụng tính năng lấy nét liên tục. Hệ thống kính ngắm quang học tuy nhỏ nhưng hoạt động rất hiệu quả, cho phép lựa chọn khung hình một cách chính xác. Tuy vậy, tôi vẫn nhận thấy có sự sai sót kì lạ trong tính năng lấy nét liên tục mà có thể thấy rõ trong 3 bức ảnh trên: nó không chỉ lấy nét nhầm lên những vật thể khác mà còn dừng hẳn việc lấy nét trong một số bức ảnh.
Thiết kế và các tính năng
Thiết kế máy ảnh và cách bố trí các nút bấm gần như giống hệt mẫu máy ảnh trước đó. Phần tay cầm vẫn tương đối nông như vẫn có độ bám tốt, cũng như các nút xoay ở phía sau tạo cảm giác hơi khó sử dụng. Các nút xoay lựa chọn chế độ chụp và thay đổi độ phơi sáng đều được đặt ở bên phải đỉnh máy, nhưng chúng vẫn nằm cách nhau một khoảng hợp lý. Bên trái của đỉnh máy còn có một đèn flash nhô lên.
Nút xoay lựa chọn chế độ chụp có nhiều tính năng: PASM, Tự động (Auto), Tùy chọn khung hình (Scene), Quay phim (Movie), 2 lựa chọn tùy biến, Movie Digest (ghi lại những đoạn clip ngắn từ 2 đến 4 giây cho mỗi bức ảnh chụp), và Các bộ lọc sáng tạo (Creative Filters). Ngoài ra, PowerShot G16 còn có thể quay phim tốc độ cao (slow-motion) nhưng độ phân giải của những đoạn video này lại khá thấp.
Ở mặt sau có một nút quay phim màu đỏ nằm thấp hơn phần đế đặt tay, nên người dùng sẽ cảm thấy khó có thể bấm nhanh nút đó được. Nằm xung quanh nút xoay lớn gồm có các nút bấm AE Lock, AF Area, ISO và Menu. Trên nút xoay cũng còn các nút bấm nữa gồm nút lấy nét chủ động, chụp ảnh macro, nút điều chỉnh đèn flash, và nút hiển thị, cùng với nút bấm Func Set ở chính giữa.
Ngoại trừ vị trí khó bấm của nút quay phim và hoạt động không mấy hiệu quả của menu, tôi đánh giá cao thiết kế của máy ảnh bởi nó đem lại trải nghiệm chụp ảnh rất nhanh, ổn định. Giao diện chụp ảnh hoạt động rất tốt, bạn có thể di chuyển nhanh qua các tùy chọn chỉnh sửa chi tiết bên trong Menu.
Máy ảnh cũng có 3 tính năng chụp ảnh vào ban đêm: Star Nightscape (thời gian phơi sáng lâu), Star Trails và Star Time Lapse Movie. Bổ sung lớn nhất của PowerShot G16 là tính năng WiFi, hỗ trợ di chuyển ảnh và gắn thông tin vị trí chụp.
Theo CNET