Bơm hút xăng từ bình chứa, rồi đẩy tới vòi phun. Áp suất nhiên liệu trong hệ thống được duy trì khoảng 2,0-5,8 atmosphere (atm) tùy vào hệ thống. Áp suất thấp dễ phát sinh lỗi đánh lửa, động cơ chạy ngập ngừng hoặc chết máy. Áp suất cao, máy chạy gằn do nhiên liệu thừa.
Bơm nhiên liệu thường đặt trong bình xăng vì sẽ giảm được tiếng ồn khi làm việc, nhiên liệu sẽ làm mát và bôi trơn, giảm được nguy cơ thiếu nhiên liệu khi xe quay vòng nhanh, phanh hoặc tăng tốc khiến xăng dồn về một phía. Trong một số loại xe lại sử dụng 2 bơm xăng, một bơm đặt trong bình nhiên liệu, một đặt ngoài.
Bơm điện dùng trên xe có khá nhiều dạng thiết kế. Những xe đời cũ sử dụng bơm cánh gạt kiểu con lăn tạo ra áp suất cao, lưu lượng ổn định, nhưng tạo xung đập trong hệ thống. Thiết kế này có thể đặt bên ngoài, và sử dụng với một bơm áp suất thấp đặt trong bình xăng.
Những xe đời mới sử dụng bơm tuabin, cánh tuabin gắn lên trục động cơ. Cánh quay đẩy nhiên liệu đi. Đây không phải là bơm có thể tích thay đổi nên không tạo ra mạch đập nhiên liệu trong hệ thống. Nó chạy trơn, nhanh và khá bền. Một số nhà cung cấp linh kiện trên thị trường sử dụng loại bơm này thay thế cho các thiết kế cũ.
Ít phổ biến hơn, bơm bánh răng ăn khớp trong cũng từng được sử dụng trong hệ thống cung cấp nhiên liệu.
Chú ý: Các loại bơm khác nhau có thể thay thế được cho nhau. Nhưng chúng phải tạo ra áp suất, lưu lượng như nhau.
Khi khởi động, mô-đun kiểm soát hệ thống động lực (PCM) kích hoạt rơ-le cung cấp điện áp cho bơm nhiên liệu. Bơm làm việc một vài giây tạo ra áp suất trong hệ thống nhiên liệu. Bộ định thời trong PCM giới hạn bơm sẽ làm việc trước khi động cơ khởi động.
Cấu tạo bơm xăng. |
Nhiên liệu hút vào bơm qua lưới lọc, qua van một chiều, lọc xăng, tới giàn phun, vòi phun. Van một chiều có tác dụng duy trì áp suất dư bên trong hệ thống khi bơm không làm việc. Lọc xăng giữa lại rỉ sắt, các chất rắn có thể làm tắc vòi phun. Bộ phận điều áp duy trì áp suất ổn định trên hệ thống. Xăng thừa được hồi về bình chứa.
Bơm nhiên liệu làm việc liên tục kể từ khi động cơ khởi động. Nếu chết máy, PCM sẽ phát tín hiệu RPM tắt bơm. Trên nhiều xe sử dụng công tắc an toàn làm việc dựa vào gia tốc xe với mục tiêu giảm nguy cơ cháy nổ khi xảy ra tai nạn. Vì vậy, sau khi xảy ra tai nạn, có thể phải "reset" công tắc này trước khi khởi động lại xe.
Trong khi các xe đời cũ, bơm xăng chỉ làm việc ở một tốc độ, thì ở xe đời mới hơn tốc độ bơm lại được kiểm soát bởi PCM tương ứng với lượng động cơ tiêu thụ.
Bơm xăng khá bền, nhưng có thể gặp trục trặc nếu bị nhiễm bẩn, làm việc quá tải. Khi mức xăng trong bình thấp, bơm không được bôi trơn và làm mát đầy đủ có thể bị nóng quá mức. Một vài hư hỏng khác liên quan đến kết nối: tiếp xúc kém hay chuột cắn dây.
Sẽ không có bất kỳ tín hiệu nào cảnh báo khi bơm gặp sự cố, kể cả đèn Check Engine cũng không bật sáng. Tuy nhiên, sẽ có một vài dấu hiệu xuất hiện khi bơm trục trặc. Xe đang chạy, đột nhiên chết máy, sau khi máy nguội lại khởi động được bình thường. Một dấu hiệu khác, vào buổi sáng, bạn chỉ khởi động được xe duy nhất lần đầu tiên, chạy khoảng một phút đột nhiên chết máy và bạn không thể khởi động lại dù khi vặn khóa điện trục khuỷu vẫn quay.
Có một vài cách giúp bạn chẩn đoán chính xác hơn liệu bơm xăng có hỏng không. Các xe ngày nay đều trang bị một cổng chờ trong khoang động cơ. Đó là nơi lắp áp kế để kiểm tra áp suất bơm. Nếu áp suất xăng thấp, đó là dấu hiệu cho thấy bơm yếu hoặc tắc đường ống.
Một cách khác, bật khóa điện ở vị trí ON, lắng nghe xem có tiếng ồn phát ra từ khu vực bình xăng không. Nếu không thấy, có thể là bơm hỏng, đứt dây, lỏng tiếp xúc hoặc rơ-le điện có vấn đề.
Còn hai phương pháp khác để kiểm tra bơm xăng nhưng nó chỉ dành cho những người nhiều kinh nghiệm. Tắt khóa điện, tháo ống dẫn xăng vào giàn phun, bật khóa ở chế độ ON, nếu xăng trào ra ngoài chứng tỏ bơm làm việc. Cuối cùng, dùng thiết bị phun trực tiếp xăng vào họng hút trước bướm ga, đồng thời vặn khóa điện tới vị trí Start. Nếu động cơ khởi động được, chứng tỏ ban đầu xăng không vào động cơ.