Tại bến xe buýt Cầu Giấy (Hà Nội) em gái tôi lên xe trước, em rể tôi bế đứa con 2 tuổi và đeo túi hành lý choàng qua cổ bước lên tiếp lên xe. Vẫn còn đứng chưa vững, một bàn tay đã lần túi quần trước, em rể tôi chặn bàn tay đó lại thì nó lại thò đến túi quần sau...
Khi khuyến khích, kêu gọi người dân đi xe buýt tham gia giao thông để giảm tải tắc đường, văn minh đô thị... có lẽ ngoài những chính sách hỗ trợ, theo tôi cần phải kèm theo cả những biện pháp bảo vệ tài sản và tính mạng của những hành khách xe buýt. Câu chuyện mà tôi muốn kể ở đây liên quan trực tiếp đến những người thân của tôi và xảy ra ngày 18/7, ngay tại trung tâm Hà Nội - bến xe buýt ĐH Giao thông Vận tải.
11h trưa ngày 18/7, sau khi cho con đi chơi ở Công viên Thủ Lệ, em gái và em rể tôi lên xe buýt số 38 tại bến xe buýt ĐH Giao thông Vận tải (Cầu Giấy) để về nhà. Em gái tôi lên xe trước, em rể tôi bế đứa con 2 tuổi và đeo túi hành lý choàng qua cổ bước lên tiếp lên xe. Vẫn còn đứng chưa vững, một bàn tay đã lần túi quần trước, em rể tôi chặn bàn tay đó lại thì nó lại thò đến túi quần sau, thậm chí khi em rể tôi vòng tay giữ túi sau thì bị cậy tay ra một cách thô bạo.
Để bảo vệ tài sản, bằng phản xạ tự vệ em đạp gã ra. Thế là từ kẻ móc túi, trộm cắp ngay lập tức gã thanh niên và 3 tên đồng bọn ở cửa phía trước xông lên đã biến thành một lũ cướp ngày thực sự. Chúng nhảy xổ vào em rể tôi đấm đá, cố sức giằng lấy cái túi mà em rể tôi đã quàng qua cổ, hai tên kéo dúi về phía trước để hành hung, hai tên vẫn cố gắng giật nắp túi ra để lấy tài sản.
Tay phải che chắn đỡ con, tay trái thì giữ cái túi, em rể tôi phải hứng chịu những cú đấm, cú đạp vào người, cháu bé sợ quá khóc thét lên. Em gái tôi ngay khi phát hiện chồng con bị hành hung đã kêu cứu và xông vào gỡ tay bọn côn đồ khỏi quai túi để chồng không bị kéo ngã, cũng bị đấm vào mặt và đạp vào ngực.
Biết có sự cố, lũ cướp kia còn 2 tên nữa lên xe ở cửa phía sau lao lên (chẳng hiểu sao tài xế vẫn mở cửa để chúng lên?), đạp vào lưng và hung hãn hơn chúng dùng thứ gì đó như dao lam - dụng cụ để rạch túi, rạch vào mặt em rể tôi. Khi máu chảy loang lổ trên mặt, trên tay, trên cả người cháu bé, em rể tôi phải thả cháu vào lòng một hành khách lúc đó cũng cứng người vì sợ, vùng lên để chống cự lại.
Nhưng điều đáng nói là trên chuyến xe như thế này, chuyện kể trên dường như đã trở thành chuyện riêng của mỗi người. Trên xe chỗ ngồi đã kín, có cả một người nước ngoài nhưng không một ai đứng lên tranh đấu, bảo vệ các em tôi và cháu bé, tài xế và phụ xe cũng chỉ đứng nhìn. Chỉ khi bọn chúng tẩu thoát và phải đợi một lúc tài xế mới cho xe chạy. Lúc đó những người xung quanh mới dám đưa khăn cho em tôi cầm máu.
Thật hoảng sợ và căm giận! Hoàn toàn có thể thấy ở đây là từ thủ đoạn lén lút để trộm cắp, móc túi, những đối tượng xấu đã công khai chuyển sang thành hành vi cướp của một cách có tổ chức, trắng trợn.
Với 4 mũi khâu và nhiều vết bầm tím trên cơ thể, những câu hỏi đặt ra từ phía các em, gia đình tôi cũng như của toàn xã hội về vấn nạn này là chính quyền, công an, đội trật tự phường có biết không, tài xế có biết không? Tại sao lũ đầu trộm đuôi cướp đó vẫn thản nhiên cướp của, đánh người ở nơi đông người giữa ban ngày ban mặt như vậy? Liệu đã có và còn bao nhiêu nạn nhân của những thủ đoạn như vậy nữa?
Học sinh, sinh viên và những người phải sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại đang ngày ngày phải đối mặt với bọn tội phạm này mà hoàn toàn không có ai bảo vệ họ. Một sự việc như thế có thể xảy ra với một người, một gia đình, nếu không kịp thời ngăn chặn chắc chắn sẽ xảy ra với nhiều người, nhiều gia đình.
Nếu muốn xe buýt còn là phương tiện đi lại của người dân, Công an TP Hà Nội và Công an quận Cầu Giấy cần phải ra quân trấn áp tội phạm ở các bến xe trên địa bàn và nhất là trạm trung chuyển xe buýt liên tục xảy ra các vụ móc túi, cướp giật.
Thật đau đớn cho người dân, những người trong cuộc, người chứng kiến và người đọc những thông tin này dù biết rằng từ lâu nó đã trở thành một vấn nạn, một u nhọt. Thật nhục nhã cho cho những gì chúng ta không làm được, cơ quan chức năng ở đâu, ai đứng ra bảo vệ lẽ phải. Có lẽ không ít lần tôi đã chứng kiến trực tiếp sự việc này nhưng cũng như những người khác tôi không dám phản ứng, trong thâm tâm, tôi thấy xấu hổ và nhục nhã.
Tôi vẫn thường đọc những tin về hiệp sỹ săn bắt cướp ở trong Nam. Câu hỏi là tại sao ở Bắc không thấy có? và tại sao ta cần hiệp sỹ mà không phải là cơ quan chức năng? Trong trường hợp này, nếu biết trước hậu quả như vậy (mà gần như mọi người đều biết chắc), tôi chắc là người bị hại sẽ tự nguyện nộp tiền cho bọn cướp ngày.
Các cơ quan đảm bảo an ninh trật tự không tồn tại?
Đọc bài này xong trong tôi có hai cảm xúc: thứ nhất là giận sôi người với lũ cướp ngày trắng trợn; thứ hai là cảm giác chán chường, bất lực trước tình hình trật tự xã hội hiên nay. Lúc nào chúng ta cũng nghe nói đến những cụm từ như "đất nước đang hội nhập và phát triển", "xây dựng thủ đô, văn minh, giàu đẹp" rồi "Hà Nội đang kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"...
Bao nhiêu việc to tát các nhà chức trách muốn làm vậy mà những chuyện như thế này lại không ai muốn quan tâm. Báo chí đã đưa vấn đề này lên các phương tiện truyền thông từ rất lâu rồi, vậy mà bây giờ nó vẫn đang còn tồn tại.
Chẳng nhẽ bộ máy các cơ quan đảm bảo an ninh, trật tự không còn tồn tại? Hay là các cơ quan đó bất lực? xã hội bất lực và dân đen chúng tôi cũng bất lực? Chính phủ, Quốc hội lúc nào cũng nói rằng xây dựng Việt Nam thành một nhà nước "pháp quyền" có nghĩa là pháp luật là thượng tôn, là hàng đầu, mọi người sống và làm việc theo pháp luật. Nhưng than ôi, pháp luật bây giờ không ai sợ cả. Những kẻ vi phạm pháp luật cứ tồn tại nhan nhản xung quanh chúng ta.
Quá phẫn nộ!
Cũng giống như tâm trạng của đa số bạn đọc về vụ việc trên: quá bức xúc, căm phẫn, tôi đã in bài này ra, gửi đến CA Q. Cầu Giấy vào ngày hôm qua, 20/7.
07.50AM ngày 21/7/2010, tôi có nhận được điện thoại của một đồng chí công an Q. Cầu Giấy, nói là: " Đó là địa bàn thuộc Q. Đống Đa, anh phải gửi sang đó chứ". (Như vậy một số bạn trách CA Q. Cầu Giấy là hơi oan cho các anh ấy nhé!) Dù sao thì thư của tôi cũng được để ý, đang hăng hái với kết quả đạt được, tôi in tiếp, và cho cậu bạn đến CA Q. Đống Đa - đang chờ kết quả!
Tôi cũng đã nghe nhiều về vụ móc túi, nhưng thực sự chưa gặp tình huống nào tương tự như vậy. Nếu gặp, chắc chắn sẽ tham gia chiến đấu. Nhưng đọc một số comment của các bạn lại thấy hơi kinh kinh vì:
- Bị phạt hành chính vì tội gây rối công cộng ( tức, nhưng không vấn đề gì lắm nếu giúp đỡ được ai đó).
- Chẳng may có lỡ tay/ quá tay thì lại phải đền tiền, thậm chí đi tù. Nếu việc đó xảy ra, các bạn thân mến đóng góp tiền và cùng ký vào đơn xin đi ..tù giúp mỗi người vài ngày như vụ Cô Ba Sương nhé.
Chúng ta cũng không nên trách các bác tài xế và phụ xe, vì họ ngày nào cũng qua đó mấy lần, sợ chúng trả thù. Vậy theo tôi, chúng ta nên:
- Chủ động phòng chống móc túi bằng cách cất giữ đồ, tiền bạc cẩn thận.
- Nếu có xảy ra thi tri hô mọi người cùng giúp đỡ, và mọi người nên đoàn kết, đặc biệt là các bạn nam.
- Và một điều vô cùng mong mỏi nữa là các cơ quan chức năng đọc được những bình luận này và có biện pháp thích hợp để giải quyết nạn móc túi, cướp giật ở các bến xe bus. ( Nếu cứ đưa mấy đồng chí mặc quân phục ra đó chẳng giải quyết vấn đề gì). Và khi đã bắt được thì cho đi tù, phạt nặng vào, chứ cứ phạt hành chính thì thấm thía gì với chúng nó.
- Có thể CA Q. Đống Đa không đọc được những vụ việc này, tôi xin kiến nghị chính Ban Bạn Đọc / VnExpress.net tổng hợp ý kiến bạn đọc, gặp gỡ trao đổi với các cơ quan chức năng liên quan và thông tin lại cho độc giả biết kết quả.
Cùng cảnh ngộ!
Việc đang diễn ra tại các bến xe bus ở Hà Nội cũng giống như ở trong TPHCM, đặc biệt là các tuyến xe chạy ra ngoại thành ( chạy đường xa như Suối Tiên, Nhà Bè...). Nạn móc túi diễn ra ngang nhiên. Em là một sinh viên, thường xuyên đi xe và phải chứng kiến cảnh đó mà không thể làm gì được. Bọn móc túi thường đi theo nhóm từ 4 - 5 tên ( có thể hơn) vì khi tên này lấy được thì chuyền ngay qua tên kia, và người bị hại chỉ biết đôi co với tên móc túi ( tên trực tiếp móc túi nhưng không giữ của ), rồi kết cục là không làm gì được hắn. Điều càng bức xúc ở đây là chủ lái xe và phụ xe hầu như " nhẵn mặt " mấy tên móc túi ấy nhưng vẫn cho chúng lên xe, và không thu tiền vé của chúng !!! Tới khi chúng làm xong một phi vụ, bước xuống xe rồi thì mới lên tiếng. Chủ xe thường sợ chúng trả thù, phá xe nên không hề can thiệp. Điều này như một điều luật bất thành văn là "không ai động tới ai" giữa chủ xe và bọn móc túi! Cái thiệt cuối cùng thuộc về các hành khách đi xe. Thật đáng buồn khi hằng ngày phải chứng kiến những tiếng kêu thảng thốt của hành khách khi mất của. Em có chứng kiến vài vụ và đã thấy " quen mặt " một tên móc túi. Một hôm xe rất vắng, còn nhiều ghế để ngồi nhưng tên này cứ đứng, lượn lờ đi lên đầu, rồi đi xuống cuối xe. Em cố gắng nhìn theo hắn để khi hắn có hành động thì mình kêu lên. Thế nhưng khi xe đông đông một chút , che khuất tầm nhìn của mình thì hắn đã hành động ngay. Khi lấy được thì hắn xuống xe ngay tức thì, người bị hại kịp phát hiện đuổi theo xuống bến nhưng rồi cũng phải chịu thua vì hắn không còn giữ ví vừa móc nữa mà đã chuyền qua tên khác mất rồi. Lúc nào hắn cũng mang theo bên người một con dao gấp, gài ở đai quần, mỗi khi đôi co với những người bị hại hắn thường lấy nó ra để dọa " Không tìm thấy gì trên người tao thì tao đâm mày !". Hầu như mọi người khách đi trên xe , nếu có biết thì cũng im lặng, không dám giúp đỡ vì sợ "vạ lây", thật đáng buồn. Tệ nạn này ngày càng phát triển nhưng chưa thấy một lực lượng , cơ quan chức năng nào vào cuộc hết ! Đôi lúc em nghĩ phải làm cách gì để cảnh báo được người đi xe trong khi chủ xe không có hành động gì, chỉ cần dán tờ cảnh báo trên xe cho hành khách đọc để cảnh giác hơn mà cũng không có, biện pháp duy nhất là chỉ có người đi xe tự bảo vệ mình thôi. Nhưng những người ở quê mới lên thành phố thì sao họ biết được loại hình tội phạm này chứ?
Cứ như vậy thì giao thông công cộng trở thành nơi kiếm ăn béo bở cho lũ tội phạm móc túi côn đồ này .
Mình cũng thế.
Chiều 6/6/2010 mình đón xe buýt 07 ở cổng trường giao thông có toán 3 thanh niên móc túi điện thoại di động của mình. May mà mình phát hiện kịp thời không bị mất, chúng thả điện thoại cho tên đứng sau nhưng mình túm được nên chúng để điện thoại rơi xuống đường.
Cùng đi trên chuyến của mình cũng có 2 người bị mất điện thoại, Nhìn chung hầu hết ai cũng bức xúc
Mình thấy điển hình nhất là điểm xe buyt ở cổng trường Giao Thông và điểm xe buyt ở chỗ cầu long biên. Nhóm móc túi hoạt động rất ngang nhiên và dường như chẳng có cơ quan công an nào ngó ngàng đến chúng cả. Hàng ngày tại điểm đón xe buýt ở cổng trường Giao thông có rất nhiều người bị móc túi và cướp trắng trợn.
Đã phản ánh nhiều rồi nhưng vẫn chưa thấy cơ quan công an vào cuộc giải quyết gì cả.
Sắp 1000 năm thăng long rồi, cứ thế này thì buồn cho thủ đô mình quá.
Ngày 5/7 tôi đi tuyến 32 từ Giáp Bát xuống nhổn, khi xe dừng chờ khách, một cô bé vừa đặt chân lên cửa xe thì có một ban tay giật phắt ví đang cầm, cô bé quay lại đuổi theo tóm được áo nhưng thằng trộm vẫn chạy, kết quả là áo bị rách tơi tả hở một mảng lưng săm hình. Trong lúc chạy hắn cố móc hết tiền rồi vứt trả lại ví.
Ở đó có khoảng hơn 20 người cả thanh niên lẫn xe ôm, nhưng tất cả đều đứng nhìn như xem phim hoạt cảnh. Thằng trộm chạy lên phía cầu dành cho người đi bộ và chạy thoát vì cô bé kia chẳng đuổi được. Cô bé bốc máy gọi điện "Anh ơi, mất hết tiền rồi" . Bác tài xế vẫn để xe chờ cho cuộc rượt đuổi kết thúc rồi bảo cô bé lên xe tiền đằng nào cũng mất. Nhưng cô bé không lên, trên xe bác tài xế bảo chỗ này lúc nào cũng có thằng nghiện, chúng nó đông lắm, ra can là chúng nó xông vào đánh. Nên cũng không ai dám can. Thứ hai có báo công an thì cũng chẳng giải quyết được gì vì chúng nó được công an bảo kê rồi.
Xe tiếp tục lăn bánh và trộm cướp vẫn ngày ngày diễn ra khiến cho người dân ai cũng bức xúc và hãi hùng khi lên xe bus.
10 năm trước tôi ở ngoài Bắc, cũng đã gặp cướp khi đi xe khách và đã xử lý một vài trường hợp rất hiệu quả, nếu bạn là nam giới thì có thể áp dụng.
Thường thì bọn này có 2-3 tên, chúng nắm được tâm lý làm ngơ của người đi đường, và tâm lý lo sợ của người bị móc túi, nhưng chúng rất sợ gặp phải cảnh sát hình sự.
Hãy hành động nhanh, gọn, bất ngờ, đừng nghĩ tới hậu quả, bẻ tay chúng ngay, bẻ gãy luôn, hoặc đấm thật mạnh vào mặt, cằm hoặc hành động mạnh khác, nhớ là phải làm thật mạnh để chúng bị đau đớn bất ngờ. Hành khách sẽ ủng hộ hành động của bạn, các tên khác thấy vậy sẽ không dám đụng đến bạn.
Bọn CA nó biết thừa bến xe buýt cầu giấy chỗ ĐHGT cực nhiều cướp nhưng bao năm nay vẫn thế chứng tỏ nó kệ. thôi bà con tự giữ lấy tài sản của mình vậy.