Văn hoá cắt điện!

Tôi viết bài này trong trạng thái thiếu ngủ trầm trọng. Giá mà thiếu ngủ vì xem bóng đá World Cup thì may mắn quá. Thật tiếc là tôi lại không được xem những trận cầu mà tôi yêu thích suốt ba ngày nay. Đơn giản vì nhà tôi mất điện.

Trong từ điển chắc chắn sẽ chẳng có từ nào gọi là " Văn hoá mất điện". Nhưng cái tôi muốn nói đó là ý thức và sự lựa chọn thời điểm cắt điện cho phù hợp của ngành điện lực.

Điện của chúng ta còn thiếu, nên phải cắt luân phiên. Tôi hoàn toàn đồng ý dù tôi thấy lời giải thích này không hợp lý. Tuy nhiên, ngành điện không thể cứ nhằm vào nửa đêm, sau mười hai giờ, khi mà chúng tôi, những nhân viên văn phòng đi làm, đi học về vừa mới kịp chợp mắt để cắt điện. Họ cứ cắt, cũng chẳng thèm thông báo cắt. Mà quan trọng hơn cả, là sao ban ngày mọi người đi làm thì không cắt, đến tối, giấc ngủ là quan trọng, để tái tạo sức khoẻ cho ngày hôm sau thì lại bị quấy rầy?

Đấy là nhà tôi còn ở khu vực quận Long Biên, được coi là nội thành của Hà Nội. Tôi không biết là các huyện, các tỉnh lân cận thì tình trạng thế nào nữa.

Một điều vô cùng quan trọng nữa mà tôi nhận thấy, đó là chúng ta đang huỷ hoại môi trường chúng ta sống một cách không thương tiếc.

Càng ngày thời tiết càng oi bức khó chịu, thậm chí năm vừa rồi Hà Nội có nắng mùa hè giữa mùa đông. Và mỗi lần cắt điện như vậy, chú hàng xóm nhà tôi phải mang ngay can đi mua 20 lít xăng về đổ vào cái máy nổ, vì nhà có cháu nhỏ mới sinh. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhà nhà dùng máy nổ?

Liệu việc đầu tư cho đường sắt cao tốc có quan trọng hơn việc đầu tư nghiên cứu phát triển năng lượng? Bao giờ thì năng lượng không tái tạo được như xăng sẽ hết và chúng ta sẽ chết vì quá nóng?

Thiết nghĩ, ngành điện và nhà nước cần tìm biện pháp và hướng đi đúng để giải quyết vấn đề thiếu điện hiện nay. Chẳng đất nước phát triển nào lại thiếu hai thứ quan trọng là điện và nước cho sinh hoạt tối thiểu hàng ngày. Đường sắt cao tốc cần nhưng không phải ngay bây giờ. Ai nghèo thi đi tàu hoả, ai khá thì đi máy bay hoặc máy bay giá rẻ, nhưng chúng ta cần nước sạch và điện đủ cho sinh hoạt hàng ngày.

Và xin ngành điện lực, nếu có cắt điện, hãy cắt ban ngày.

Xin cảm ơn.

tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước

Bạn ơi, cắt điện ban đêm thì giảm thiểu thiệt hại cho SX, nguời ta cắt điện theo khu vực, chứ đâu có phân biệt là cắt điện cho nhà dân hay cho công ty đâu. Ban ngày mọi người đi làm thì cũng phải dùng điện mà. Mất điện buổi khuya như thế thì chỉ hơi khó ngủ chút thôi (tôi cũng là dân văn phòng, mà còn phải ôm việc về nhà làm, cũng bị cắt điện đột ngột khi đang làm việc giữa đêm)

pq
pq
Trả lời 14 năm trước

Ở Thành phố HCM cũng vậy bạn à! Mỗi tuần cúp 2 ngày lận đó. Tôi còn nghe nói có chỗ ngày nào cũng cúp khi thì 1/2 tiếng, khi thì 1 tiếng. lúc 1 buổi, lúc 2 buổi. Nói đi thì cũng phải nói lại điện quá tải mà (nhà nào cũng cố nhịn ăn, nhịn mặt "rinh" máy lạnh về mà). Nếu như cúp ban ngày thì mọi công ăn việc làm chắc sẽ đình trễ hết quá! Tôi là giáo viên Tin học, nếu cúp điện ban ngày chắc cô trò tôi sẽ nhìn nhau cho hết giờ. Bạn có muốn con mình đến trường không được học gì mà chỉ ngồi nhìn cô giáo không? Chưa kể những cơ sở sản xuất khác. Nếu cúp điện ban ngày hoài chắc đóng cửa luôn quá vì có sản xuất được bao nhiêu mà lại gây ô nhiễm môi trường vì xài máy phát điện. Ban đêm thời tiết đỡ oi bức hơn ban ngày cơ mà. Mười hai giờ trưa, mặt trời đứng nắng mà cúp điện bạn thử nghĩ xem.

Nếu xảy ra thì chắc bạn sẽ lại bảo "hãy cắt điện ban đêm".

biet roi
biet roi
Trả lời 14 năm trước

Giả sử nhà tôi mà ở cạnh nhà bạn, cắt điện vào ban ngày, gia đình tôi thì ở nhà cả ngày thử hỏi chúng tôi sống sao cho nổi đây!!!??? Vậy cho nên tôi ủng hộ cắt điện khu nhà bạn vào ban đêm, và càng vui mừng nếu EVN tiếp tục cắt điện nhà bạn vào ban đêm mà không thèm báo trước vì chỗ nhà tôi cũng không báo trước - nên nếu báo trước cho mỗi nhà bạn thì chẳng hóa ra EVN ưu tiên nhà bạn à?

Còn việc xây dựng đường sắt cao tốc, tôi ủng hộ xây! Vì khi có đường sắt cao tốc tôi sẽ mua nhà ở 2 chỗ thật xa nhau, khi 1 nhà bị cắt điện tôi sẽ "phi tàu cao tốc" đến nhà kia để tránh nóng, và khi đến nhà kia vẫn mất điện thì tôi lại "phi tàu cao tốc" về nhà cũ vì nếu cả 2 chỗ mình chọn đều mất điện thì chẳng tội gì mình cứ đi tàu cao tốc cho mát, ít nhất cũng ngủ được một lúc... Nói thật là tôi cũng chẳng giàu đến mức ấy, nhưng mà VN mình sắp được vay vốn ODA rồi, tiền về thì kiểu gì mình chẳng giàu hơn một tí, hy vọng là đủ tiền để làm những gì mình đã lên kế hoạch.

P/S: À hay là tôi với bạn đổi nhà đi, nhà tôi toàn bị cắt ban ngày, nóng lè hết cả lưỡi ra rồi!

lu mo
lu mo
Trả lời 14 năm trước

Chệch hướng phát triển

Theo tôi tại sao lại phải bỏ ra 56 tỷ USD (có thể hơn) để xây đường sắt cao tốc khi nhà nhà mất điện, cả 1 thành phố du lịch như Vũng tàu mà 1 ngày có điện, 1 ngày mất điện, các máy phát điện chạy ầm trời. Đấy là Vũng tàu còn là trung tâm điện lực của cả nước, không hiểu sao ở các vùng khác thì thế nào nữa.

Bây giờ ta bỏ ra 56 tỷ USD để phát triển năng lượng (3 tỷ USD để xây 1 nhà máy điện hạt nhân hiện đại hoặc 2,5 tỷ USD để xây 1 nhà máy tương tự như thủy điện Sơn La) chắc hẳn đời sống nhân dân có lẽ sẽ cao hơn. An ninh năng lượng được củng cố hơn.

roi biet
roi biet
Trả lời 14 năm trước

Tôi cũng có vài lời xin gửi tới những cán bộ có thẩm quyền và trách nhiệm trong lĩnh vực cung cấp điện cho toàn dân.

Ở thành phố có lẽ các bạn không biết rồi, các bạn chỉ bị cắt điện vào mỗi đêm thôi, còn ở tỉnh lẻ như chúng tôi, việc cắt điện không chỉ có trong đêm mà là hàng tuần cơ, cũng có dip may mắn thì được cắt luân phiên theo ngày. Thiết nghĩ, tại sao khi dân mình còn phải nước chưa sạch, điện còn thiếu be bét thì tại sao chúng ta không đầu tư cho dân những cái đó trước đi, đầu tư đường sắt mà làm gì, cho bằng anh bằng em hả.

Những người giàu có ở việt nam, họ cũng chẳng hơi đâu mà đi tàu cao tốc làm gì cho mệt khi mà giá tàu dự tính bằng 70% giá vé máy bay, thêm vài đồng đi máy bay cho tiện, tiết kiệm được bao nhieu thời gian, vài tiéng tiết kiếm đó có lẽ hộ còn kiếm được hơn 30% tiền tiết kiệm từ cái vé tàu cao tốc ấy chứ.

Còn những người đủ ăn và nghèo thì có lẽ chọn giải pháp đi ô tô khách hay tầu chậm như giờ sẽ là giải pháp tốt nhất, tiết kiệm được khá nhiều tiền, tại sao không chọn. Ở đây tôi cũng không có ý không công nhận những mắt tốt khi có tàu cao tốc nhưng nước ta còn nghèo, còn nhiều cái chúng ta cần đầu tư lắm, các bác thử nghĩ có ở nước nào mà hàng hóa càng mua nhiều càng đắt không? Điều này có lẽ chỉ có tại Việt nam, và cũng chỉ có lẽ chỉ có với hai ngành là ĐIỆN, NƯỚC.

Với điện, dù có đắt, có tiền muốn mua mà không thể mua nổi, điều này có lẽ với các nước khác thì thật là buồn cười phải không các bác, vậy tại sao chúng ta không phát triển ngành điện và nước trước cho dân nhỉ, tại sao lại phải để dân sống khổ thế nhỉ. Còn nhiều thứ đáng lẽ ra chung ta nên làm lắm, tại sao đến thời buổi này rồi mà dân ta còn phải đu dây qua sông, những em nhỏ phải dù dây qua sông để tới lớp, những việc đó thì chưa đáng làm sao, nay phải chờ đợi vào sự hảo tâm của dân, phải chờ đợi những đồng tiền quyên góp của dân..... trời ơi nhiều điều bất cập lắm ....

biet rui
biet rui
Trả lời 14 năm trước

Hà Nội thì dạo này thi thoảng cũng cắt luân phiên, nhưng mà nhìn điện đường sáng rực, dày đặc bóng điện; các cơ quan mở điều hòa cả ngày; nhiều sinh viên quên tắt điện... mới thấy là bất công cho các tỉnh thành lân cận.

Mẹ tôi ở quê phải chịu cảnh nóng nực từ sáng sớm đến 11 giờ đêm, thường xuyên chứ không phải là ít ngày. như thế ai chịu nổi. có phải nhà nào cũng có điều kiện để mua máy nổ đâu.

Tôi đồng ý với ý kiến là đừng mơ tưởng đến tàu cao tốc trong khi những thứ "thấp tốc", những nhu cầu tối thiểu của con người còn chưa đáp ứng được. Hạnh phúc của nhân dân là từ việc được ăn cơm đúng bữa mà không phải toát mồ hôi, không phải chịu nóng nực đến mất ngủ giữa mùa hè vì mất điện chứ chẳng phải cái gì xa lạ cả. Cứ cải thiện được những vấn đề này đi đã rồi những thứ cao siêu khác bàn sau.

gfhfghgg
gfhfghgg
Trả lời 14 năm trước

Đó là nhà anh còn ở thủ đô, được coi là "bộ mặt của cả nước", chứ các tỉnh lẻ, nhất là các khu vực tuyến huyện, nơi không có các khu công nghiệp thì người dân thường phải chịu cảnh cắt điện từ 6-7h sáng đến 18-19h là bình thường, nhiều khi họ còn cắt đến 24h hay 1h sáng hôm sau mới thông điện trở lại.

Tôi vốn là người tỉnh lẻ lên sống và làm việc tại HN, song cứ cuối tuần rảnh rỗi muốn về nhà thăm cha mẹ, họ hàng cho thư giãn tinh thần, thì lại chứng kiến cảnh cắt điện từ sáng đến tối ở quê. Nhà tôi có nhiều cây lớn và nhà hút gió nên còn mát, chứ nhà anh chị hàng xóm có con nhỏ mới chưa đầy 3 tháng tuổi lại ở khu phòng có mái tôn, mà cắt điện liên tục như thế thì người lớn còn chẳng chịu được chứ không nói cháu bé. Mà anh chị lại chỉ sống bằng nghề làm ruộng, ăn còn chưa chắc đã đủ, nên dù rất xót con song anh chị cũng không có điều kiện mua quạt tích điện hay máy nổ như những gia đình khá giả khác.

Hi vọng những người có năng lực, thẩm quyền hãy nghĩ tới những cháu nhỏ mới sinh, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để làm gì đó cải thiện tình hình này.

Nguyễn thị Minh Lý
Nguyễn thị Minh Lý
Trả lời 14 năm trước

Tôi thiết nghĩ nếu nhất thiết phải cắt thì cắt ban đêm là hợp lý nhất. Ban ngày nắng nóng thế ai chịu nổi, hơn nữa các công ty, nhà máy xí nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng. Nhà nước cần quan tâm và đầu tư vào phát triển năng lượng phục vụ cho sinh hoạt của người dân, cho sản xuất công và nông nghiệp hơn là nhưng cái cao xa khác như tầu điện ngầm.Ở Hà nội còn đỡ chứ về vùng nông thôn cắt điện liên tục ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Bà con thường đi làm từ tờ mờ sáng mệt mỏi toát mồ hôi về đến nhà điện đóm không có nóng nực như vậy. Theo tôi cắt điện nhiều chỉ người dân ở quê là thiệt thòi nhất.