Đáp Án Môn Ngữ Văn Tốt Nghiệp THPT năm 2010

 

 

 BÀI GIẢI GỢI Ý

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu 1: Những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn Nga M. Sô-lô-khốp.

a. Yêu cầu về kiến thức :

Mi-kha-in A-lếch-xan-đrô-vích Sô-lô-khốp là nhà văn Xô viết lỗi lạc, sinh năm 1905 và mất năm 1984. Ông được vinh dự nhận giải Nô-ben về văn học năm 1965, được liệt vào hàng những nhà văn lớn nhất của thế giới thế kỉ XX.

Ông tham gia cách mạng tại quê hương (thị trấn Vi-ô-sen-xcai-a thuộc tỉnh Rô-xtốp trên vùng thảo nguyên sông Đông) khá sớm với công việc thư kí ủy ban thị trấn, nhân viên thu mua lương thực, tiễu phỉ.

Sô-lô-khốp đi Mát-xcơ-va vào cuối năm 1922, không tiếp tục theo học được, ông phải làm nhiều nghề để kiếm sống: Từ thợ đập đá, khuân vác đến kế toán. Thời gian rảnh rỗi, Sô-lô-khốp dành cả cho việc tự học và đọc văn học. Năm 1925, Sô-lô-khốp trở về quê.

Ở tuổi 21 (năm 1926), Sô-lô-khốp in hai tập truyện ngắn là “Truyện sông Đông” và “Thảo nguyên xanh”, gồm 21 truyện ngắn, phản ánh cuộc đấu tranh khốc liệt ở vùng sông Đông thời nội chiến.

Cũng trong khoảng thời gian này, ông đã bắt tay viết tác phẩm tâm huyết nhất của đời mình, đó là tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm”. Cuốn tiểu thuyết được in dần từng phần. Tổng cộng 4 quyển, 8 phần, hoàn thành vào năm 1940 và lập tức được trao Giải thưởng Quốc gia.

Câu 2.

Trong cuộc sống, lòng yêu thương là một thứ tình cảm tốt đẹp mà con người ta dành cho nhau, như Tố Hữu đã nói: “Có gì đẹp trên đời hơn thế - Người với người sống để yêu nhau”.

Lòng yêu thương được vun đắp, xây dựng trong một thời gian dài và lòng yêu thương cũng có thế chỉ là một niềm thương cảm chợt trào dâng khi ta gặp một hoàn cảnh nào đó. Nhưng dù với bất cứ biểu hiện nào thì lòng yêu thương cũng luôn mang lại những điều kì diệu của cuộc sống.

Người cho đi yêu thương được nhận một cảm giác ngọt ngào, êm dịu và bình yên. Người được nhận yêu thương thì có thể nhận được rất nhiều. Đối với một đưa trẻ, đó có thể là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, suối nguồn tươi mát ươm mầm cho một trái tim nhạy cảm. Cũng có thể là sức mạnh cảm hóa, bến bờ quay lại đối với những số phận lầm lỡ.

Lòng yêu thương là những rung động thiêng liêng giữa con người với con người, khiến người ta xích lại gần nhau, tạo thành sức mạnh. Nếu cuộc sống không có yêu thương thì mối liên kết sẽ vô cùng lỏng lẻo, có thể đứt gãy bất kì lúc nào.

Và sẽ thật là một thảm họa nếu như thế giới ở trong tình trạng ấy. Rất có thể sẽ là chiến tranh, là chết chóc, bởi một khi yêu thương không tồn tại thì lòng nhân đạo có thể bắt nguồn được từ đâu nữa? Khi ấy hạnh phúc sẽ ko thể tồn tại được nữa!

Yêu thương đem lại hạnh phúc cho nhân loại! Vì vậy, hãy dành tình thương của mình cho mọi người thật nhiều. Có thể chúng ta sẽ nhận lại được tình thương từ họ, hoặc có thể không, nhưng điều đó không quan trọng, vì chỉ cần yêu thương tồn tại trong ta thì ta đã có được hạnh phúc. Bởi yêu thương chính là hạnh phúc của con người!

Ngày nay, trong môi trường toàn cầu hóa, giao tiếp con người càng rộng, lòng yêu thương cần được củng cố mở rộng ra hơn. Lòng yêu thương chính là động lực để chúng ta hợp tác cùng nhau nâng cao hiểu biết, tích cực cải thiện cuộc sống. Lòng yêu thương kiến tạo ra thế giới hòa bình, hạnh phúc vũng bền.

II. PHẦN RIÊNG – PHẦN TỰ CHỌN (5,0 điểm)

Câu 3.a.

I) Yêu cầu: Học sinh biết làm bài văn nghị luận phân tích những đặc điểm của nhân vật trong tác phẩm tự sự, bố cục chặt chẽ, văn viết trong sáng.

II) Bài làm thể hiện những ý chính:

1. Nguyễn Thi là cây bút văn xuôi hiện thực xuất sắc trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông sinh năm 1928 và mất năm 1968. Ông đặc biệt thành công với những tác phẩm viết về đất và người Nam bộ. Những đứa con trong gia đình là tác phẩm tiêu biểu. Trong đó, nhân vật Việt được tác giả khắc họa thật sinh động và giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam trong thời chống Mỹ cứu nước.

2. Phân tích nhân vật Việt :

a) Việt – chàng trai Nam Bộ mới lớn với những phẩm chất hồn nhiên :

- Giữ trong mình cái ná thun từ thuở nhỏ dù đã cầm súng đi đánh giặc.

- Khi bị thương nặng trong đêm tối giữa rừng sâu, không sợ chết mà sợ ma.

- Tranh giành với chị Chiến từ việc đi soi ếch đến việc lập chiến công, giành đi bộ đội với chị.

 Việt là một hình ảnh sinh động của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc sống đời thường những năm kháng chiến chống Mỹ.

b) Việt – mang tình cảm gia đình sâu nặng, sâu sắc :

- Thương mẹ, thương chị, thương chú Năm. Qua dòng hồi tưởng của Việt, hình ảnh người mẹ đã mất đã hiện lên qua người chị. Thương chị nhưng tính còn trẻ con nên giấu chị với đồng đội.

 Tình thương yêu của Việt đối với mẹ, chị là vô bờ bến, đó là động lực giúp Việt cầm súng đánh giặc để trả thù nhà.

c) Việt – mang phẩm chất người anh hùng :

- Gan góc, chiến đấu với tất cả sức mạnh thể chất và tinh thần, với ý chí và truyền thống của gia đình cách mạng.

- Dũng cảm cùng chị bắn cháy tàu giặc.

- Dù bị thương nặng, đói khát, dù tỉnh dù mê, dù kiệt sức vẫn sẵn sàng chiến đấu.

 Việt mang phẩm chất anh hùng cách mạng của thanh niên thời chống Mỹ cứu nước.

III) Qua dòng hồi tưởng của chính nhân vật Việt, nhà văn Nguyễn Thi đã khắc họa thành công nhân vật Việt với những phẩm chất đẹp đẽ: trẻ trung, tình yêu thương gia đình sâu nặng, gan dạ. Việt thật đáng yêu nhưng cũng rất mực dũng cảm anh hùng. Nếu câu chuyện của gia đình Việt là một “dòng sông”, thì Việt là “khúc sông sau”. Việt tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông, của dân tộc Việt Nam trong thời đại chống Mỹ cứu nước.

Câu 3.b.

Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, nên có những nội dung cơ bản sau đây:

- Giới thiệu vài nét về nhà thơ Xuân Quỳnh: Nhà thơ nữ tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ; thơ nói lên tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, hồn nhiên, tươi tắn, chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường.

- Sóng là một trong những bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của thơ Xuân Quỳnh.

- Đây là khổ một và hai của bài thơ, thể hiện cảm nhận của nhà thơ về khát vọng tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu.

- Tình yêu là cây đàn muôn điệu gảy lên muôn bản nhạc tình, có khi trầm bổng thiết tha, có khi nghẹn ngào đau đớn, cũng có khi e ấp, nũng nịu, dễ thương. Trong bài thơ Sóng, tình cảm của nhân vật “Em” cũng biến thiên như thế!

- Sóng! – là một hình tượng ẩn dụ, là phương tiện bộc lộ tình cảm của nhân vật “Em”:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

- Nhà thơ sử dụng những cặp từ ngữ đối lập để diễn tả những trạng thái tâm hồn trái ngược nhau, giằng xé nhau, buồn vui lẫn lộn trong tình yêu.

- Sông và bể cũng là hai hình ảnh đối lập, được dùng để thể hiện hai không gian có tính chất rộng lớn và nhỏ bé. Còn "Sóng" là hình tượng thể hiện tình cảm đang rạo rực trong trái tim người con gái và nói lên khát vọng của tâm hồn trong tình yêu: vươn lên để thể hiện cái lớn lao của tình yêu. Tâm hồn con người là một cõi mênh mông vô tận. Làm sao ta có thể đi xuyên suốt hết cái cõi vô tận ấy. Và ngay chính trong lúc cõi lòng đang bùng lên ngọn lửa yêu thương thì cô gái trẻ lại càng trăn trở, bâng khuâng, khắc khoải, dằn vặt với chính lòng mình. Phải vượt khỏi cái giới hạn chật hẹp này, phải lao mình vào chân trời bao la, những miền vô tận để hiểu rõ lòng mình. Con sóng đã rời bờ ra đi, đi thật xa, cố tìm hiểu và soi mình với những con sóng khác để biết được sự huyền diệu của tình yêu, mà hiện tại đối với sóng vẫn còn là một bí mật.

- Một nhà thơ Pháp đã từng khẳng định: “tình yêu là điều mà con người không thể hiểu nổi”. Và thế rồi con sóng vẫn đi tìm mãi, tìm mãi:

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

- Ngày xưa, ngày sau là hai từ ngữ mang tính chất ẩn dụ, thể hiện thời gian quá khứ và tương lai. Nó được sử dụng theo cách thức tương phản để khẳng định: sóng, khát vọng tình yêu của người phụ nữ, là khát vọng vĩnh hằng không thay đổi dù trước kia, hiện tại và sau này.

- Đến khổ thơ này, nhà thơ đã khẳng định một cách tường minh: con sóng chính là biểu tượng của nỗi khát vọng tình yêu, nhất là tình yêu của tuổi trẻ. Tuy nhiên có lẽ ngực trẻ là hai từ chưa chín, bởi vì dù trẻ hay già thì tình yêu thực sự vẫn luôn nồng nàn, say đắm và dữ dội như nhau.

- Tuy chỉ là hai trong số chín khổ thơ của bài thơ nhưng đoạn thơ là một khúc dạo đầu đầy ấn tượng để nói lên khát vọng tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu. Hình tượng sóng trong hai khổ thơ này vẫn để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu đậm về sự mãnh liệt của tình yêu.

 

Tiến sĩ Trần Ngọc Hồng
ĐH Quốc gia TP.HCM

 

 


Nguyễn Hà Trang
Nguyễn Hà Trang
Trả lời 14 năm trước

Các Bạn xem tại :

Mít đặc
Mít đặc
Trả lời 14 năm trước

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2010

MÔN: NGỮ VĂN

I. Phần chung cho tất cả thí sinh (5,0 điểm)

Đã có đáp án đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2010

Câu 1 (2 điểm)

Nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn M. Sô – lô – khốp:

+ Cuộc đời:

- Mi-khai-in A-lếch-xan-dro-vích Sô-lô-khốp (1905 – 1984) là nhà văn Nga lỗi lạc, đã vinh dự nhận Giải thưởng Nobel về văn học năm 1965. Ông là một nhà văn tiểu thuyết cổ đại, là một trong những nhà văn lớn nhất thế kỉ XX.

- Sô-lô-khốp sinh tại thị trấn vi-ô-sen-xcai-a thuộc tỉnh Rô-xtốp trên thảo nguyên sông Đông. Ông tham gia Cách mạng từ sớm. Cuối năm 1922, ông đến Mat-xcơ-va làm nhiều nghề và thực hiện giấc mộng viết văn.

- Năm 1932 ông ra nhập Đảng Cộng sản Liên Xô.

- Năm 1939 ông được bầu làm viện sĩ viện hàn lâm khoa học liên xô.

- Thời kì chiến tranh vệ quốc (1941 – 1945) ông khoác áo lính, làm phóng viên chiến trường, xông pha trên nhiều mặt trận, nhiều bài kí sự, chính luận, truyện ngắn nổi tiếng được ra đời.

+ Sự nghiệp văn học:

- Truyện sông ĐôngThảo nguyên xanh xuất bản năm 1926.

- Năm 1925, ông bắt đầu viết Sông Đông êm đềm đến năm 1940 thì hoàn thành, được tặng thưởng Nobel văn học năm 1965.

- Đất vỡ hoang (1932 - 1959).

- Truyện ngắn Số phận con người (1957) của Sô-lô-khốp đánh dấu một mốc quan trọng mở ra chân trời mới cho văn học Nga. Tác phẩm thể hiện cách nhìn cuộc sống và chiến tranh một cách toàn diện, chân thực, sự đổi mới cách miêu tả nhân vật, khám phá tính cách Nga, khí phách anh hùng và nhân hậu của người lính Xô viết.

- Sô-lô-khốp coi sứ mệnh cao cả nhất của nghệ thuật là “ca ngợi nhân dân – người lao động, nhân dân – người xây dựng, nhân dân anh hùng” của mình.

Câu 2 (3 điểm)

I. Mở bài

Chúng ta vẫn thường nghe trong những lời ca dao, trong lời ru của mẹ, của bà:
“Những điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước thì thương nhau cùng”

Yêu thương con người là một truyền thống có từ ngàn đời xưa. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự trôi chảy của thời gian, liệu truyền thống ấy có còn được giữ vững không? Đặc biệt là đối với giới trẻ?

II. Thân bài.

1. Thực trạng:

- Có rất nhiều bạn trẻ biết quan tâm, chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn, gian khổ của người khác.

- Tuy nhiên, có nhiều người vẫn còn thờ ơ, vô cảm với sự khó khăn của mọi người.

2. Nguyên nhân:

- Xã hội ngày càng phát triển, dân trí ngày càng được nâng cao, con người ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài mà đóng khung trong những cánh cửa khép kín. Do vậy, ít có điều kiện để quan tâm đến người khác.

- Do môi trường gia đình và nền giáo dục nhà trường chưa đẩy mạnh việc giáo dục tâm hồn cho giới trẻ.

3. Biện pháp:

- Tuyên truyền và đẩy mạnh việc giáo dục và bồi dưỡng tâm hồn cho giới trẻ từ khi còn nhỏ để khi ra xã hội trở thành một con người biết yêu thương nhân loại.

4. Liên hệ:

- Bản thân mỗi cá nhân khi còn ngồi trên ghế nhà trường tự rèn luyện cho mình một tâm hồn biết yêu thương, đồng cảm với khó khăn của người khác.

- Giúp đỡ những người xung quanh trong hoàn cảnh hoạn nạn.

III. Kết luận

- Tuổi trẻ là mầm non, là tương lai của đất nước. Để đất nước này là một đất nước giàu tình thương thì thế hệ trẻ phải cố gắng phát huy những giá trị sẵn có.

“Có gì đẹp nhất trên đời hơn thế

Người với người sống để yêu nhau”.

II. Phần riêng – Phần tự chọn

Câu 3a.

Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi.

Hướng dẫn làm bài:

Mở bài:

Hi sinh trong cuộc tấn công Mậu Thân (1968) với tư cách là nhà văn – chiến sĩ. Nguyễn Thi đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Qua những tác phẩm này, Nguyễn Thi đã khắc họa được những gương mặt đẹp đẽ của người nông dân Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó là những con người gan góc, kiên cường dường như sinh ra là để cầm súng đánh giặc. Trong những con người ấy, có gương mặt đáng yêu của lớp thanh niên trẻ phơi phới lên đường đánh giặc như đi trẩy hội mùa xuân, mà Việt (trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi) là một hình ảnh tiêu biểu để lại trong lòng người đọc những ấn tượng sâu đậm nhất.

Thân bài

I. Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm

Nguyễn Thi (1928 – 1968), quê ở Hải Hậu, Nam Định. Ông là nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông đặc biệt thành công ở những tác phẩm viết về đất và người Nam Bộ. “Những đứa con trong gia đình” là một trong những tác phẩm xuất sắc của ông viết về đất và người Nam Bộ.

“Những đứa con trong gia đình” viết về những con người sinh ra trong một gia đình có truyền thống anh hùng. Truyền thống đó được kết tinh trong hình tượng nhân vật Chiến và Việt.

II. Phân tích nhân vật Việt

Việt là một thanh niên anh hùng của miền Nam “kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ,… miền Nam trong lửa đạn sáng ngời”.

1. Được nuôi dưỡng trong gia đinh cách mạng có cuốn sổ truyền thống mà mỗi trang được ghi bằng máu và nước mắt, trước hết Việt là người con rất mực thương cha, thương mẹ, căm thù giặc sâu sắc và có một ước nguyện cao đẹp là được cầm súng đánh giặc để trả thù cho ba, má.

- Tình cảm này được thể hiện một cách sâu sắc và cảm động qua chi tiết chị em giành nhau ghi tên tòng quân, nhất là sáng hôm sau, trước khi lên đường nhập ngũ, Việt cùng với chị Chiến khiêng bàn thờ ba má sang gửi bên nhà chú Năm (cần phân tích cho kỹ chi tiết này để làm nổi rõ ý nghĩa thẩm mĩ, nhân sinh của nó).

2. Chính điều ấy là nguồn gốc tình cảm sây xa giúp Việt trở thành người chiến sĩ dũng cảm, gan góc và anh đã lập được nhiều chiến công hiển hách.

- Việt đã khám phá được một xe tăng địch trong một trận đánh giáp lá cà.

- Sau này, giữa chiến trường, tuy bị thương nặng, hai mắt không nhìn thấy gì, “Hai tay, vai, đầu, chân đang đau điếng và rỏ máu”, người sắp lả đi vì đói khát, Việt vẫn trong tư thế đàng hoàng, chững chạc của người chiến sĩ kiên cường, sẵn sàng tiêu diệt giặc.

3. Tuy nhiên, Việt vẫn còn rất trẻ, khi ghi tên tòng quân, Việt mới 17 tuổi, nên vẫn còn có tính ngây thơ hồn nhiên vô tư của trẻ con.

- Dù rất thương chị, nhưng vẫn hay giành nhau với chị: giành phần bắt ếch ít hay nhiều, giành thành tích bắn tàu chiến Mỹ và giành nhau cả khi ghi tên tòng quân.

- Việt tỏ ra là một cậu con trai đồng quê, tính tình hiếu động suốt ngày lang thang, bắn chim, câu cá, bắt ếch, lúc nào cũng mang theo cái ná thun trong người kể cả khi đi bộ bội.

- Là con trai, lại là em quen được chiều chuộng nên mọi việc, Việt đều ỷ lại cho chị, phó mặc tất cả cho chị. Nghe chị bàn việc gia đình một cách trang nghiêm, Việt vẫn vô tư: “Lăn kềnh ra ván cười khì” và cứ ầm ừ cho qua, vừa nghe vừa “chụp một con đom đóm úp trong lòng bàn tay rồi ngủ quên lúc nào không biết”.

- Chỉ kém chị một tuổi mà Việt “trẻ con hơn nhiều”. Yêu quý chị mà cứ giữ kín vì chỉ sợ mất chị. Đánh giặc không sợ chết, nhưng lại sợ ma, khi gặp lại đồng đội thì vừa khóc, vừa cười “giống hệt như thằng Út ở nhà”.

- Cái tính trẻ thơ ấy khiến hình tượng Việt có nét sống động riêng, khó lẫn, đem lại cho câu chuyện một niềm lạc quan, yêu đời, tươi vui trong những ngày đánh giặc gian khổ và ác liệt.

Kết luận

Bằng nghệ thuật khắc họa nhân vật đặc sắc, với nghệ thuật mô tả tâm lí tinh tế, vốn ngôn ngữ nông dân Nam Bộ giàu có cùng với những chi tiết nghệ thuật chọn lọc, tiêu biểu, độc đáo, Nguyễn Thi đã rất thành công trong việc xây dựng nhân vật Việt: vừa có tính riêng sinh động, vừa có những nét chung điển hình, tiêu biểu. Việt vừa xứng đáng là đứa con rất mực thủy chung với truyền thống cách mạng của gia đình, vừa rất tiêu biểu cho thế hệ trẻ miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ ác liệt mà rất đỗi vui tươi hào hùng.

Câu 3b. Phân tích đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh:

“Dữ dội và dịu êm

Bồi hồi trong ngực trẻ”

Hướng dẫn làm bài:

1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩn và vị trí đoạn trích:

- Xuân Quỳnh (1942 – 1988) là một trong những gương mặt nổi bật của thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

- “Sóng” là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh luôn luôn trăn trở, khao khát được yêu thương gắn bó. Bài thơi in trong tập “Hoa dọc chiến hào” (1968).

- Đoạn thơ trích nằm ở phần đầu của bài thơ, thể hiện tình yêu thủy chung của một tâm hồn khát khao yêu mãnh liệt.

2. Hình tượng sóng:

- Ca dao có thuyền - biển, là cặp hình ảnh thể hiện cho tình yêu đôi lứa. Xuân Diệu có bài thơ nổi tiếng, trong đó Sóng là hình ảnh người con trai đa tình “Anh xin làm sóng biếc – hôn mãi cát vàng em – hôn thật khẽ thật êm – hôn êm đềm mãi mãi”.

- Trong bài thơ tình của Xuân Quỳnh, Sóng là hình ảnh thiếu nữ đang yêu, với một tình yêu nồng nàn và say đắm.

3. Khổ 1:

“Sóng dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

- Sóng được đặc tả bởi hai đối cực: “Dữ dội” >< “dịu êm”, “ồn ào” >< “lặng lẽ” à những trạng thái có thật của sóng ngoài tự nhiên.

- Tương quan sông – bể: tính chất mâu thuẫn.

- Sông: không gian nhỏ hẹp, hữu hạn, nông cạn.

- Bể: không gian lớn, rộng, khoáng đạt, sâu sắc.

à Băn khoăn và tìm cách giải đáp: Không hiểu nổi mình, tìm ra tận bể à Mượn một quy luật tự nhiên để biểu trưng cho những băn khoăn trong lòng mình. Nước sông tự bao đời vẫn đổ ra biển lớn. Sông chủ động từ bỏ không gian nông cạn chật chội về với không gian rộng lớn vô hạn à Khát khao vượt giới hạn nhỏ bé vươn tới không gian rộng lớn hơn để lí giải chính mình của con người.

- Đặt trong tính sóng đôi của hình tượng Sóng và Em: Trạng thái của sóng gắn với khí chất của người phụ nữ à luôn luôn hài hòa với những đối cực (vừa khao khát mãnh liệt, vừa trầm tư dịu dàng, vừa sôi nổi rộn rã, vừa lặng lẽ âm thầm, thoắt ồn ào vui tươi, thoáng đã chìm lắng sâu xa …), khát vọng giải mã chính mình của sóng cũng là khát vọng thành thực, khơi tìm bản chất tâm hồn mình của người con gái.

4. Khổ 2:

“ Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Mỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ”

- Thời gian: “Ngày xưa” và “ngày sau” à tình yêu chạy theo chiều thời gian thăm thẳm vẫn mãi mãi thương nhớ, mãi không hết “bồi hồi”.

- Khám phá mới về sóng: Tượng trưng cho sự bất diệt của tuổi trẻ và khát vọng tình yêu.

Mượn quy luật tự nhiên để diễn tả một triết lí dung dị nhưng thấm thía về tình yêu và tuổi trẻ; còn tình yêu là khát vọng yêu thương mãi còn, tức là con người mãi trẻ trung (so sánh với triết lí của Xuân Diệu: Nói làm chi rằng xuân vẫn tồn tại – Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại).

5. Một số đặc sắc của nghệ thuật:

- Thể thơ năm chữ được dùng một cách sáng tạo, thể hiện nhịp của sóng bể, nhịp của lòng thi sĩ.

- Các biện pháp điệp từ, điệp cú pháp góp phần tạo nên nhịp điệu nồng nàn, say đắm, thích hợp cho việc diễn tả cảm xúc mãnh liệt.

6. Kết luận chung:

- Trong đoạn thơ, Xuân Quỳnh đã thể hiện rất gợi cảm và sinh động những trạng thái cảm xúc, những khao khát mãnh liệt của một người phụ nữ đang yêu.

- Mượn hiện tượng thiên nhiên để bất tử hóa cảm xúc, trường cửu hóa tình yêu và khát vọng yêu thương.

Giáo viên: Tổ Ngữ văn

Đã có đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2010

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


ĐỀ THI CHÍNH THỨC

KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2010

Môn thi: NGỮ VĂN – Giáo dục trung học phổ thông

Thời gian làm bài:150 phút, không kể thời gian phát đề

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Nêu những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp văn học của nhà văn M.Sô-lô-khốp.

Câu 2. (3,0 điểm)

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay.

II. PHẦN RIÊNG – PHÂN TỰ CHỌN (5,0 điểm)

Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình chuẩn (5,0 điểm)

Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục – 2008).

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Sóng của Xuân Quỳnh:

Dữ dội và dịu êm.

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ.

(Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, tr.122 – 123, NXB Giáo dục – 2008)

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị coi thi không giải thích gì thêm.

--------Hết--------

Họ và tên thí sinh: ……………………………

Chữ kí của giám thị 1: ………………………..

Số bái danh: ………………………………….

Chữ kí của giám thị 2: ……………………….

Ngay sau khi kết thúc môn thi tốt nghiệp THPT, Vatgia.com/hoidap sẽ cập nhật gợi ý giải các môn thi một cách nhanh nhất.
Mong muốn được biết đáp án và kết quả thi ngay sau khi bước chân ra khỏi phòng thi là tâm lý chung của tất cả các thí sinh. Hiểu được cảm giác mong mỏi, hồi hộp ấy của các thí sinh, ngay sau khi kết thúc môn thi tốt nghiệp THPT, Vatgia.com/hoidap sẽ cập nhật gợi ý giải các môn thi một cách nhanh nhất.
Như vậy là chỉ còn chưa đầy 4 ngày nữa, các sĩ tử sẽ bước vào kì thi tốt nghiệp THPT - cánh cửa đầu tiên và cũng là bước đệm cho cổng trường đại học. Vagia.com/hoidap chúc các bạn ôn luyện và hệ thống kiến thức thật hiệu quả, để 12 năm học kết thành trái ngọt và là kết quả "đẹp" nhất của những năm tháng học trò.

Chúc dân 12 bình tĩnh, tự tin và thành công!

Lịch thi, thời gian làm bài thi

- Giáo dục trung học phổ thông:

Ngày

Buổi

Môn thi

Thời gian làm bài

Giờ phát đề thi cho thí sinh

Giờ bắt đầu làm bài

02/6/2010

SÁNG

Ngữ văn

150 phút

7 giờ 25

7 giờ 30

CHIỀU

Hoá học

60 phút

14 giờ 15

14 giờ 30

03/6/2010

SÁNG

Địa lí

90 phút

7 giờ 25

7 giờ 30

CHIỀU

Lịch sử

90 phút

14 giờ 25

14 giờ 30

04/6/2010

SÁNG

Toán

150 phút

7 giờ 25

7 giờ 30

CHIỀU

Ngoại ngữ

60 phút

14 giờ 15

14 giờ 30

Vật lí*

60 phút

14 giờ 15

14 giờ 30

* Vật lí: Môn thi thay thế Ngoại ngữ

- Giáo dục thường xuyên:

Ngày

Buổi

Môn thi

Thời gian

làm bài

Giờ phát đề thi cho thí sinh

Giờ bắt đầu làm bài

02/6/2010

SÁNG

Ngữ văn

150 phút

7 giờ 25

7 giờ 30

CHIỀU

Hoá học

60 phút

14 giờ 15

14 giờ 30

03/6/2010

SÁNG

Địa lí

90 phút

7 giờ 25

7 giờ 30

CHIỀU

Lịch sử

90 phút

14 giờ 25

14 giờ 30

04/6/2010

SÁNG

Toán

150 phút

7 giờ 25

7 giờ 30

CHIỀU

Vật lí

60 phút

14 giờ 15

14 giờ 30

Đặng Đình Hậu
Đặng Đình Hậu
Trả lời 14 năm trước

KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2010
Môn thi : NGỮ VĂN- Giáo dục thường xuyên

ĐỀ BÀI

Câu 1. (2,0 điểm)
Nêu hoàn cảnh ra đời bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.

Câu 2. (3,0 điểm)
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của nhà trường trong việc truyền thụ kiến thức văn hóa cho học sinh.

Câu 3. (5,0 điểm)
Phân tích hình tượng rừng xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục – 2008).

BÀI GIẢI GỢI Ý

Câu 1.

- Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt- Lào, đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp.
- Địa bàn hoạt động của Tây Tiến khá rộng.
- Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn nhưng họ rất lạc quan, dũng cảm.
- Quang Dũng là đại đội trưởng trong Đoàn quân Tây Tiến. Cuối năm 1948, ông chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, trong tình cảm nhớ thương những đồng đội cũ, nhà thơ đã viết bài Nhớ Tây Tiến.
- Khi in lại, tác giả đổi tên thành Tây Tiến và in trong tập Mây đầu ô. Đây là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, thể hiện sâu sắc phong cách nghệ thuật của nhà thơ.

Câu 2: Một số gợi ý :

-Nhà trường có một vai trò quan trọng trong việc truyềnthụ kiến thức cho học sinh. Học sinh có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn nhưng kiến thức ở nhà trường vẫn giữ vị trí quan trọng hàng đầu vì đó là kiến thức đã được chuẩn hóa,đạt độ chính xác cao và có định hướng.

Vai trò của ngành giáo dục nói chung và nhà trường rất quan trọng trong việc đào tạo ra nhân tài, tạo nên nguồn nguyên khí của quốc gia.

-Trong nhà trường người trực tiếp truyền thụ kiến thức là đội ngũ giáo viên. Họ đều là những người được đào tạo trong các trường Sư Phạm. Họ không những có trình độ tay nghề mà còn có lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Do vậy họ luôn có ý thức nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật thông tin để nâng chất lượng giờ dạy đem đến cho học sinh những hiểu biết chuẩn mực.

-Cha ông ta từ xa xưa đã rất coi trọng vai trò của nhà trường trong việc mở mang truyền bá kiến thức. Văn Miếu Quốc Tử Giám đã được xây dựng từ những thế kỉ đầu của quốc gia phong kiến Đại Việt. Các nước tiên tiến trên thế giới sở dĩ phát triển nhanh, mạnh vì coi trọng vai trò của giáo dục, trong đó trường học chiếm vị trí hàng đầu.

-Trong thời đại thông tin hiện nay, có rất nhiều nguồn cung cấp tri thức thì vai trò truyền bá kiến thức từ nhà trường càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

-Trong việc truyền thụ kiến thức văn hóa, ngoài vai trò quan trọng của người thầy, học sinh cũng cần phải có thái độ tích cực chủ động.

-Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức văn hóa, nhà trường còn có nhiệm vụ giáo dục rèn luyện học sinh về mặt phẩm chất, đạo đức để học sinh không chỉ có kiến thức mà còn có cách sống, cách ứng xử văn hóa.

-Gia đình, xã hội cũng có vai trò không kém phần quan trọng đối với việc hình thành kiến thức và nhân cách của học sinh. Do vậy, để giá trị giáo dục được bền vững cần có sự kết hợp chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Câu 3.Yêu cầu học sinh nắm chắc kỹ năng phân tích một mặt hình tượng của tác phẩm. Cụ thể ở đây là hình tượng cây xà nu được miêu tả mang giá trị nghệ thuật cao: giá trị hiện thực, giá trị tượng trưng và giá trị biểu tượng.

1.“Rừng xà nu”là một truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Trung Thành và của văn học thời chống Mĩ. Trong tác phẩm, với hình tượng cây xà nu, Nguyễn Trung Thành đã làm nổi rõ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, một đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Khuynh hướng này đã chi phối sự sáng tạo nghệ thuật của các nhà văn trong giai đoạn văn học này.

2. Đọc“Rừng xà nu”những nhân vật như cụ Mết, Tnú, Dít, Mai… tạo nên ấn tượng sâu sắc nơi độc giả. Nổi bật hình ảnh cây xà nu được lặp đi lặp lại gần hai mươi lần, một hình tượng đặc sắc bao trùm toàn bộ thiên truyện ngắn này. Hình tượng ấy đã tạo nên vẻ đẹp hùng tráng, chất sử thi và lãng mạn cho câu chuyện về làng Xô-man bất khuất, kiên cường. Qua tác phẩm, cây xà nu, rừng xà nu đã được Nguyễn Trung Thành miêu tả thật cụ thể, thật chi tiết với ngôn ngữ giàu chất thơ, bằng những “lời văn có cánh” trong một cảm xúc thật say mê và mãnh liệt. Cây xà nu trong truyện xuất hiện rất nhiều lần và dường như rất quen thuộc với con người nơi núi rừng Tây Nguyên, nó tham dự vào tất cả những sinh hoạt, những tâm tình, những buồn vui của người dân nơi đây trong cuộc chiến đấu chống Mĩ thật anh dũng của họ.

Tác phẩm“Rừng xà nu”là một bản anh hùng ca về cuộc đời anh dũng, đau thương, bất khuất của Tnú cũng như của tất cả dân làng Xô-man. Câu chuyện ấy được kể trên nền tảng chính của hình tượng cây xà nu- một hình tượng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa tượng trưng và khái quát. Những cây xà nu, rừng xà nu như những con người, những tâm hồn sống, vừa là nhân chứng, vừa tham gia bản anh hùng ca, cũng vừa chịu đựng mọi vất vả, đau thương dưới tầm đạn kẻ thù. Nhưng bất chấp tất cả, rừng xà nu vẫn tràn đầy sức sống, vẫn vươn mình lên cường tráng vượt lên mọi thương đau. Cây xà nu là một hình ảnh mang tính chất tượng trưng cho khát vọng tự do, khát vọng giải phóng, cho phẩm chất anh hùng và sức sống tiềm tàng mãnh liệt của dân làng Xô-man.

Mở đầu câu chuyện là hình ảnh “cả rừng xà nu hàng vạn cây” và kết thúc vẫn là “những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”. Hình ảnh ấy như một nét nhạc trầm hùng, một bản đàn dạo, là cái “phông” cho cả một câu chuyện khiến thiên truyện càng mang đậm tính sử thi và lãng mạn hơn. Rừng cây xà nu được xem như là biểu tượng cho con người Xô-man. Với hình ảnh nhân hóa, Nguyễn Trung Thành đã miêu tả cây xà nu như những con người, chúng cũng có “vết thương”, biết “ham ánh sáng” và “ưỡn tấm ngực lớn ra che chở cho làng”.

Cây xà nu còn là một hình ảnh so sánh với con người “ngực căng bằng cây xà nu”. Rừng xà nu năm tháng đứng dưới tầm đại bác kẻ thù, chịu đựng biết bao tàn phá, cũng như những đau thương mà dân làng phải gánh chịu trước ách kìm kẹp của giặc. “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”. “Cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình nhựa ứa ra, tràn trề”… rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn”. Hình ảnh đó gợi lên một hiện thực đầy đau đớn của đồng bào Tây Nguyên trước sự tàn bạo của quân thù và gợi lên lòng căm thù cũng như kết tụ một ý chí phản kháng.

Nhưng hơn hết vẫn là sức sống mãnh liệt đầy sức trẻ của rừng xà nu bạt ngàn. “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”, “có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắc như những mũi lê” “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng”. Thế mới biết sức trẻ của cây xà nu mãnh liệt đến dường nào! Sức trẻ ấy còn mang tính tượng trưng cho thế hệ trẻ của làng Xô-man. Đó là những Mai, Dít, Tnú, Heng, những con người luôn gắn bó với cách mạng, bất khuất từ tuổi thơ, lớn lên trong lửa đạn, trưởng thành trong đau thương và sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì tự do của dân tộc.

Bên cạnh đó, sức sống bất khuất kiên cường của cây xà nu còn được tạo bởi hàng vạn cây ở những đồi xà nu nối tiếp nhau tới chân trời, ở tấm ngực lớn của rừng ưỡn ra che chở cho làng. Đó là những cây xà nu thật vững chắc, xanh tốt đã vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum suê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng chúng vượt lên rất nhanh thay thế những cây đã ngã”, một cây ngã xuống tức thì bốn năm cây con lại mọc lên cứ thế trở thành cả một rừng cây xà nu nối tiếp đến chân trời.

Những cây xà nu, rừng xà nu ấy là hình ảnh của dân làng Xô-man kiên cường chống giặc, bất chấp mọi hi sinh, một lòng đi theo Đảng, đi theo kháng chiến hết thế hệ này đến thế hệ khác. Đó là những cụ Mết, anh Xút, Tnú, Mai, Dít, anh Brôi… mà tiêu biểu là hình ảnh cụ Mết. Nhà văn đã ví cụ “như một cây xà nu lớn”. Hơn ai hết, cụ là người hiểu rất rõ sự gắn bó của cây xà nu và mảnh đất đang sống, hiểu được sức mạnh tiềm tàng bất khuất của rừng xà nu cũng như của dân làng Xô-man. Chính cụ Mết đã nói với Tnú “không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”, “cây mẹ chết cây con lại mọc lên”.

Cây xà nu còn là người chứng kiến sự giác ngộ, sự hi sinh thầm lặng, lòng dũng cảm và ý chí quật khởi của dân làng Xô-man. “Đứng trên đồi cây xà nu gần con nước lớn, cả vùng Xô-man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng”. Ánh lửa xà nu soi sáng lời căn dặn của anh Quyết: “Người còn sống phải chuẩn bị dao, mác, vụ, rựa, tên, ná… Sẽ có ngày dùng tới”. Lửa xà nu thử thách ý chí cũng như lòng can đảm của Tnú: “Không có gì đượm bằng nhựa cây xà nu… Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc… máu anh mặn chát ở đầu lưỡi…”.

Giọng điệu sử thi của “Rừng xà nu” bắt đầu từ câu chuyện kể của cụ Mết dưới ánh lửa xà nu, một câu chuyện phảng phất phong vị anh hùng ca. Và cây xà nu không chỉ gắn với quá khứ, hiện tại anh hùng mà còn gắn bó với mọi sinh hoạt, phong tục và đời sống văn hóa của người Xô-man, của các dân tộc Tây Nguyên.

Sở dĩ hình tượng cây xà nu được tác giả xây dựng có giá trị nghệ thuật cao vì tác giả đã có nghệ thuật miêu tả “cây xà nu” :

- Nhà văn đã khéo léo dùng nghệ thuật liên tưởng để miêu tả sự sinh sôi nảy nở nhanh chóng của cây xà nu. Đặc biệt tác giả đã chọn lựa và sử dụng từ ngữ đắc địa để miêu tả cây xà nu như những vũ khí sắc nhọn: ở đầu truyện là “những cây xà nu con hình nhọn mũi tên lao thẳng lên”, “ở cuối truyện là những cây mới nhú khỏi mặt đất nhọn hoắt như những mũi lê”.

- Thủ pháp nhân hóa cây xà nu cổ thụ và những cây con.
- Nghệ thuật lặp đồng nghĩa: “đồi xà nu”- “rừng xà nu”- “hàng vạn cây”.
- Thưởng thức cả đoạn văn, chúng ta thấy phong cảnh ở đây như được nhà văn khắc chạm, tạo thành hình, thành khối, có màu sắc, có mùi vị.
- Cây xà nu là một hình tượng quán xuyến trong cả thiên truyện, được nhà văn nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

- Chọn hình tượng “cây xà nu”, nhà văn Nguyễn Trung Thành muốn xây dựng một biểu tượng nghệ thuật về con người- dân làng Tây Nguyên. Hình tượng cây xà nu được lặp đi lặp lại như một mô típ chủ đạo để thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm: tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của các buôn làng Tây Nguyên nói riêng và của miền Nam anh hùng nói chung. Hình tượng cây xà nu mang giá trị biểu tượng cao: hình tượng cây xà nu đẹp tương ứng với những phẩm chất cao đẹp của dân làng Xôman, “cây xà nu lớn” với sức sống ngàn đời tượng trưng cho cụ Mết, “bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”, “cành lá sum sê” tượng trưng cho thế hệ trẻ như Tnú, Mai, Dít, bé Heng, đặc biệt là Tnú.

3. Hình tượng rừng Xà nu

Hình tượng cây xà nu thật sự là một sáng tạo nghệ thuật đáng kể của Nguyễn Trung Thành. Nhà văn đã lựa chọn hình ảnh cây xà nu và đem lại cho nó những ý nghĩa mới những lớp ý nghĩa rất khác nhau qua cách viết vừa gợi vừa tả của tác giả. Qua hình tượng này người đọc không chỉ thấy rõ sức sống kiên cường, mãnh liệt của dân làng Xô-man, của con người Tây Nguyên nói riêng mà còn là của dân tộc Việt Nam nói chung trong những tháng năm chống Mĩ và góp phần khẳng định chân lý của dân tộc và thời đại: một dân tộc muốn bảo vệ sự sống còn, độc lập, tự do, phải cầm vũ khí đứng lên chống lại kẻ thù tàn bạo.

NGUYỄN HỮU DƯƠNG - ĐINH PHAN CẨM VÂN
(TT BD VH & LT ĐH Vĩnh Viễn)

Đặng Đình Hậu
Đặng Đình Hậu
Trả lời 14 năm trước

DOWNLOAD ĐÁP ÁN NGỮ VĂN

CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

(360Kb)