"Con tôi, cháu tôi ăn loại Taro này đã mấy năm rồi, chẳng biết có bị làm sao không, liệu có cách nào để kiểm tra các cháu đã bị nhiễm chất độc hay chưa?..." -
Cho đến nay, DEHP là chất độc mới, các nhà chuyên môn vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm để xử trí.
Một lãnh đạo của cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, để biết lượng độc hại có nhiều hay không và ảnh hưởng như thế nào thì Nhà nước phải làm nghiên cứu mới biết. Bởi, chất độc này cũng mới được cập nhật trên thế giới.
Bác sĩ Đào Thị Yến Thuỷ, chuyên gia trong ngành dinh dưỡng cho biết: DEHP có thể gây ngộ độc cấp trên đường tiêu hoá và ngộ độc mãn gây rối loạn nội tiết và sinh dục... Chất này tan trong dầu và ít tan trong nước nên việc uống nước lọc nhiều cũng giúp tăng thải một phần độc chất qua nước tiểu. Phụ huynh không nên để trẻ ăn các sản phẩm chứa DEHP, cần uống nhiều nước lọc hơn trong 1 – 2 tuần lễ.
Bác sĩ Thuỷ lưu ý, rất ít nghiên cứu về việc ngộ độc chất này trên người, vì nó bị cấm dùng trong thực phẩm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng độc chất này vẫn có thể nhiễm vào người một lượng nhỏ qua thức ăn, nước uống có đồ chứa bằng nhựa hoặc thiết bị y tế bằng nhựa.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc trung tâm dinh dưỡng TP.HCM: “Việc nhiễm chất độc vào cơ thể phụ thuộc vào thời gian ăn sản phẩm trong bao lâu, hàm lượng chất độc chứa trong sản phẩm và số lượng sản phẩm đã ăn vào. Vì vậy phụ huynh nên theo dõi và nếu thấy con có các dấu hiệu bất thường thì nên đưa đến bác sĩ”.
PGS Nguyễn Xích Liên, nguyên trưởng khoa công nghệ thực phẩm, đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng: Nếu trẻ tuần nào cũng ăn cùng một loại rau câu có chất DEHP và với liều lượng cao thì phải theo dõi sự phát triển và sức khoẻ của bé.
Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc bệnh viện Ung bướu phân tích: Những chất có thể gây ung thư phải có quá trình tác động lâu dài, chứ không phải một vài ngày tiếp xúc với chất đó là có thể ung thư ngay và còn tuỳ theo cơ địa, sức khoẻ của mỗi người. Do đó, gia đình đã trót mua cho trẻ ăn thì không nên lo sợ quá khi mới mua 2 – 3 lần.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyên phụ huynh cần cẩn trọng khi chọn thực phẩm cho con, cần hạn chế tối đa các loại thực phẩm chế biến sẵn, có thời gian sử dụng quá dài, có màu sắc sặc sỡ không tự nhiên, có chứa chất bảo quản…
Tại hội thảo "Phụ gia thực phẩm - những nguy cơ tiềm ẩn" tổ chức tại TP HCM sáng 4/6, bà Nguyễn Khánh Trâm, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng, tuy không gây ngộ độc cấp, song những loại phụ gia độc hại sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng về lâu về dài.
Các nhà khoa học khuyến cáo nhà sản xuất trong nước cần thực hiện nghiêm việc sử dụng phụ gia. Còn người tiêu dùng cũng phải sáng suốt không nên chú trọng quá vào hình thức sản phẩm. Không nên chọn những loại thực phẩm có màu sắc quá sặc sỡ.
Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho hay, đến hết ngày 5.6.2011, công ty New Choice Foods đã thu hồi hơn 6.000 thùng, hiện còn hơn 1.000 thùng vẫn lưu hành trên thị trường, tương ứng với 9 tấn (9kg/thùng).
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM yêu cầu các doanh nghiệp VN nhập khẩu những hàng này phải khai báo, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cho biết, các sản phẩm đã được xác định nhiễm DEHP tại Đài Loan gồm hạt trân châu của công ty Possmei; viên calcium và viên vitamin của tập đoàn Brand's; nước uống nhãn hiệu Fruit Hoause của Tập đoàn thực phẩm Heysong; nước uống thể thao Pro Sweat; nước uống măng tây của Tập đoàn Uni-President; bột Collagen của Công ty TaiYen; siro nho và dâu tây của Công ty Toàn Lâm; nước uống tăng lực của Công ty Duyệt Thị; nước uống Yes water của Công ty Taiwan Yes; bột thực phẩm dinh dưỡng Power-Lac của Công ty Cổ phần kỹ thuật sinh học Bách Thịnh (Bio Chain).