Bị sỏi thận, nên và tránh ăn thực phẩm nào?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước

Bạn có biết, một chế độ ăn uống phòng sự tích tụ của oxalat trong nước tiểu có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của các loại sỏi hình thành bất cứ nơi nào ở đường tiết niệu?

Các thực phẩm nên tránh khi bị sỏi

1. Các loại thịt và thịt gia cầm: Giảm lượng thịt bò, thịt gia cầm và cá vì đây là những thực phẩm rất giàu protein. Nhiều protein trong chế độ ăn uống sẽ khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên, hình thành các loại sỏi.

2. Một số loại rau quả: Trong khi cố gắng để loại bỏ các loại thực phẩm có chứa oxalate từ thịt thì cũng lưu ý một số loại rau quả có thể là “tòng phạm” gây nên sỏi thận. Ví như rau bina được cho là tạo nhiều oxalat nhất.

Ngoài ra, các loại thực phẩm khác có chứa oxalate bao gồm các loại đậu, củ cải đường, dâu, cam, sô-cô-la, cà phê và đậu phộng.

3. Muối: Bạn nên cố gắng ăn nhạt vì những nghiên cứu cho thấy việc giảm lượng muối trong chế độ ăn cũng có thể cắt giảm lượng canxi trong nước tiểu.

Thực phẩm nên ăn khi bị sỏi thận

1. Canxi: Ban đầu nhiều người nghĩ rằng sự gia tăng đáng kể mức tiêu thụ can-xi trong chế độ ăn uống sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Tuy nhiên, điều này giờ đây đã chứng minh là không chính xác.

Thực tế, việc “nạp” các thực phẩm chứa can-xi chủ yếu là từ các sản phẩm chế biến từ sữa như phô mai, sữa và sữa chua... giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi thận.

2. Uống nhiều nước: Uống nhiều nước giúp thanh lọc cơ thể. Với những người bị sỏi thận, các chuyên gia y tế khuyên nên uống ít nhất 3 lít nước mỗi ngày. Điều này sẽ giúp thải lọc những viên sỏi nhỏ hoặc các chất dư thừa trong thận mà có thể hình thành sỏi.

djghjdgh
djghjdgh
Trả lời 13 năm trước

Sỏi thận có nhiều loại, hay gặp nhất (80-90%) là sỏi calci, gồm canxi oxalat, calci phosphat và calci oxalat phosphat. Ngoài ra, những loại sỏi ít gặp hơn là sỏi struvit, sỏi acid uric, sỏi cystin.

Vì đa số sỏi thận là sỏi canxi nên nhiều người nghĩ rằng kiêng ăn hoàn toàn calci để tránh bị sỏi thận, thật sự không phải vậy.

Quá trình hình thành sỏi thận là một quá trình phức tạp, do nhiều yếu tố gây ra chứ không phải chỉ do bị dư calci. Nhiều người ăn uống kham khổ kiêng cữ calci vẫn bị sỏi thận, ngược lại nhiều người uống nhiều sữa, ăn nhiều tôm cua nhưng đâu có bị sỏi thận.

Vậy chế độ ăn uống như thế nào ở một người đã từng có sỏi thận để tránh bị tái phát? Dưới đây là 7 điều cần ghi nhớ về chế độ ăn mà các bác sĩ thường dặn dò:

1. Uống nhiều nước (đây là điều quan trọng nhất trong 7 điều): Nên uống khoảng 2,5-3 lít nước lọc mỗi ngày (chia ra uống đều nhiều lần trong ngày) hoặc ăn uống làm sao để có lượng nước tiểu đạt trên 2,5 lít/ ngày. Đi tiểu nước tiểu màu trắng trong chứng tỏ uống đủ lượng nước. Uống nhiều nước vừa giúp tránh bị sỏi thận vừa giúp tống xuất những viên sỏi nhỏ nếu có.

2. Ăn ít thịt động vật: Ăn thực phẩm chứa ít muối, ăn ít các loại thịt. Có thể ăn cá thay cho thịt. Tôm cua có thể ăn vừa phải được.

3. Ăn uống điều độ thực phẩm chứa calci (như: sữa, phomai…): Mỗi ngày có thể dùng khoảng 3 ly sữa tươi hoặc một lượng tương đương các sản phẩm từ sữa như: bơ, phômai (khoảng 800-1.300mg calci). Không nên kiêng cữ quá mức những thực phẩm chứa calci vì như thế sẽ gây mất cân bằng trong hấp thu calci, khiến cơ thể hấp thu oxalat nhiều hơn từ ruột và sẽ tạo sỏi thận, ngoài ra kiêng cữ thực phẩm chứa calci sẽ bị loãng xương.

Trường hợp bị sỏi thận tái phát nhiều lần, sau khi xét nghiệm kiểm tra có bằng chứng đa calci niệu do tăng hấp thu calci từ ruột thì cần kiêng calci, nhưng không phải kiêng hoàn toàn, mà ăn khoảng 400mg/ngày, tương đương 1,5 ly sữa tươi.

4. Giảm các thực phẩm chứa nhiều oxalat: trà đặc, cà phê, sô cô la, bột cám, ngũ cốc, rau muống…

5. Nên uống nhiều nước cam, chanh, bưởi tươi: những loại thức uống này chứa nhiều citrat giúp chống tạo sỏi.

6. Nên ăn nhiều rau tươi: giúp tiêu hóa nhanh, giảm hấp thu các chất gây sỏi thận.

7. Tránh ăn nhiều thực phẩm chứa chất purin gây sỏi thận như: cá khô, thịt khô, tôm khô, lạp xưởng, các loại mắm, lòng heo, lòng bò…

Cần lưu ý ở những người bị sỏi thận tái phát nhiều lần nên đi khám kiểm tra tìm nguyên nhân gây sỏi tái phát để điều trị và chế độ ăn cụ thể phù hợp đối với từng nhóm nguyên nhân. Có nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau gây sỏi tái phát như dị dạng, hẹp đường tiết niệu, do nhiễm trùng niệu, bệnh acid hóa do ống thận, đa calci niệu do tăng thải calci từ xương, do tăng hấp thu calci từ ruột, và do thận, đa oxalat niệu nguyên phát hoặc do ăn uống, đa uric niệu…

Chúc bạn và gia đình sức khoẻ!