Sự thực “cô gái tắm tiên ở hồ Hoàn Kiếm”?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 14 năm trước

Vài ngày qua, trên các diễn đàn mạng xôn xao với clip "Cô gái tắm tiên ven hồ Hoàn Kiếm". Ngay sau khi clip được đăng tải, cộng đồng mạng tỏ ra khá bức xúc, phẫn nộ trước hành động thiếu văn hoá của cô gái này. Vậy sự thực chuyện này là như thế nào?

"Tôi ở đây suốt nhưng không thấy"

Chúng tôi tìm gặp những phó nháy thường xuyên túc trực bên hồ Hoàn Kiếm để tìm hiểu thông tin. Chị Nguyễn Thị Phương (Nhà ở Bà Triệu, Hà Nội) cho hay: “Sáng nay (11/10), cũng có một bạn hỏi tôi về clip Cô gái tắm tiên ven hồ Hoàn Kiếm, sự thực tôi hoàn toàn không nghe thông tin về clip này. Trong 10 ngày diễn ra Đại lễ, hầu như tôi thường xuyên có mặt quanh khu vực hồ Gươm, đặc biệt là gần đền Ngọc Sơn để chụp ảnh thuê. Tôi có mặt ở đây từ khoảng 6h sáng và gần 1h đêm mới về nhà. Lượng khách có mặt tại khu vực cầu Thê Húc chụp ảnh rất đông, đêm 9/10, nhiều người ngủ lại đây để đặt chỗ xem diễu binh vào sáng mùng 10/10".

Chị Phương cũng cho biết: "Trong những ngày diễn ra Đại lễ, có hiện tượng người nhảy xuống hồ, nhưng đó là mấy cậu thanh niên do thách đố của bạn bè mà nhảy xuống. Ngay lập tức bị lực lượng tuần tra, canh gác nhắc nhở. Còn hiện tượng cô gái tắm khoả thân ở gần cầu Thê Húc thì tôi hoàn toàn không nghe đến. Nước Hồ Gươm rất bẩn, không ai dại gì mà nhảy xuống hồ tắm. Hơn nữa, chỉ có những người không bình thường, nếu không muốn nói là thần kinh có vấn đề mới làm chuyện thiếu văn hoá đó trước mắt hàng nghìn người”- chị Phương bình luận.

Để tìm hiểu rõ thực hư, chúng tôi đã gặp Trung tá Phạm Văn Ưng, Phó công an phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để tìm hiểu về thông tin này. Trung tá Phạm Văn Ưng cho biết: "Những ngày vừa qua, chúng tôi chưa hề nghe đến chuyện này. Tuy nhiên tôi có thể khẳng định, trong những ngày diễn ra Đại lễ hoàn toàn không có trường hợp cô gái tắm tiên tại hồ Hoàn Kiếm như clip đã đăng tải".

Ảnh minh họa

Trung tá Phạm Văn Ưng cho biết thêm: "Trong 10 ngày diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, công an phường Lý Thái Tổ được giao nhiệm vụ tuần tra, canh gác khu vực nội phường, trong đó có đền Ngọc Sơn. Lực lượng của phường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác tuần tra 24/24 với 100% quân số, tất cả các chiến sĩ đều làm thêm ca, nhằm đảm bảo an ninh tốt nhất cho Đại lễ. Mặt khác, khu vực đền Ngọc Sơn là điểm khá nhạy cảm với lượng người tập trung rất đông nên phường bố trí ở đây nhiều chiến sĩ, cùng phối hợp với Ban Quản lý khu di tích đảm bảo công tác an ninh trật tự.

Trong những buổi diễn ra Đại lễ hầu như không có lộn xộn diễn ra tại khu vực này. Nhưng những ngày từ mùng 8/10 - 10/10, lượng người đổ về khu vực hồ Hoàn Kiếm và các khu vực xung quanh lên đến hàng triệu người. Đặc biệt trong đêm mùng 9/10, nhiều người đã nằm la liệt ven hồ để đón xem lễ duyệt binh diễn ra vào sáng ngày mùng 10/10. Lượng người quá đông phần nào cũng gây hạn chế cho các lực lượng tuần tra, canh gác, các chiến sĩ không thể chen chân trước dòng người chật như nêm ở ven hồ. Ban lãnh đạo Công an phường luôn cập nhất báo cáo của các chiến sĩ theo dõi khu vực, tuy nhiên hoàn toàn không có hiện tượng này".

Hành vi đáng lên án

Trung tá Phạm Văn Ưng nhận định: "Theo đánh giá của cá nhân tôi, clip này có thể do kẻ xấu ngụy tạo ghép cảnh nhằm làm xấu đi hình ảnh về Đại lễ thiêng liêng của Thủ đô anh hùng. Nếu có thêm thông tin về clip này, CA phường sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền điều tra làm rõ vụ việc”.

Ảnh minh họa

Hình ảnh trong clip "cô gái tắm tiên bên Hồ Hoàn Kiếm"

Tiến sĩ Trịnh Hoà Bình, Viện Xã hội học bình luận: "Lâu nay giới trẻ có những hành vi quá trớn như tung ảnh sex, clip nóng lên mạng... nhằm gây sự chú ý với cộng đồng. Bản thân những người đó cũng chỉ nghĩ rằng hành động của mình sẽ thu hút sự chú ý của mọi người, mình sẽ trở lên nổi tiếng và được nhiều người nhắc đến mà không hề nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra sau này. Hành động đó vô hình chung đi ngược lại văn hoá, thuần phong mỹ tục của dân tộc, làm xấu đi hình ảnh của giới trẻ trong mắt mọi người. Xét dưới góc độ xã hội học, sự táo bạo đó có bị quy kết là hành vi lệch chuẩn hay không còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác nữa nhưng có thể xem đó là một hành động lệch lạc. Vì dù sao việc đó cũng diễn ra ở nơi công cộng, thậm chí là địa điểm có nhiều ý nghĩa văn hóa, gắn với thời điểm trang trọng của Đại lễ nghìn năm".

Tiến sĩ Trịnh Hoà Bình nói thêm: Khi họ có những hành vi quá khác người như vậy thực chất là phản ánh sự phủ định xã hội được biểu hiện ở những cá nhân quá khích. Ý thức cá nhân xã hội cũng thể hiện sự méo mó nhất định. Thổi đến tận cùng "cái cá nhân" sẽ làm lu mờ "cái xã hội". Đây là sự lệch lạc với những giá trị khế ước mà cả xã hội đang theo đuổi. Hành động này bất chấp giá trị, chuẩn mực chung để nổi tiếng mà không bằng lao động, sáng tạo một cách thực thụ, điều đó thể hiện sự phủ định xã hội, nhấn mạnh quá mức cái tôi - một cái tôi lệch lạc.