[b]Sự tích con sư tử[/b]
Thuở xưa, có một hoàng tử mới mới lên ngôi hoàng đế. Ngay lập tức chàng muốn đi học phép thuật để củng cố đất nước. Chàng đi tìm một ông thầy bùa chú rất nổi tiếng về phép thuật để học.
Hoàng hậu rất buồn vì ý định của hoàng đế vì nàng sợ sự chia ly, vả lại trên đường đi có rất nhiều nguy hiểm, khó khăn. Nhưng chàng đã quyết và một ngày kia lên đường cùng với bốn người tuỳ tùng.
Đường đi rất khó khăn, vì phải qua những sa mạc rộng lớn và đi vào những vùng rừng sâu đầy thú dữ... nhưng vì họ quá khao khát phép thuật, quyền hành sau này, cho nên những khó khăn chẳng cản được họ.
Ba tháng cực khổ, đói và khát, hoàng đế và bạn hữu chàng đến chỗ của thầy tu. Vị thầy nầy cảm động vì sự dũng cảm của họ nên chấp nhận cho họ học nghề. Nhưng ông ra một điều kiện: họ phải hứa xử trí một cách đạo đức, không bao giờ giết sinh vật nào cả. Nếu tay họ chỉ một lần vấy máu thôi, thì tất cả phép thuật sẽ biến mất đi. Hoàng đế đồng ý.
Sau khi học những phép thuật, họ vui mừng, lên đường trở về cung điện. Nhưng đi một tháng sau, họ lạc trong một khu rừng dày đặc. Họ không nhận ra những đường xưa nữa, và thấy tất cả vật xung quanh họ đều lạ lùng. Lúc đó, hoàng hôn giăng bủa và đêm khuya bỗng nhiên ôm trùm cả phong cảnh rừng tối om. Những vòm lá ngàn cây che mịt mù cả trời đen thui, không cho thấy những ngôi sao nào để mà nhắm hướng. Xung quanh họ bắt đầu vang lên hàng trăm thứ tiếng của thú rừng.
Hoàng đế và các bạn hữu chàng bắt đầu sợ và bàn với nhau dùng phép thuật để biến thành một con thú vật rất mạnh bạo, to lớn, dữ tợn, có thể tự bảo vệ, và làm khiếp sợ những con thú khác. Vì thế, hoàng đế bắt đầu biến thành đầu một con vật, bờm tóc, như vương miện... Ông đại tướng làm theo ngay và biến thành thân người của con động vật ấy... bốn người tùy tùng kia thì biến thành bốn chân... còn lại ông thầy địa, do dự một lúc, rồi biến thành cái đuôi. Con vật ấy có dáng đi hùng dũng như một vị vua nên các con thú rất sợ và không tấn công nó.
Hoàng đế và mấy bạn bè ở như vậy suốt cả đêm dài. Nhưng lúc gần sáng, thì có một con nai non đi qua gần đó. Con sư tử rất đói vì cả ngày chưa ăn, bỗng chìa cánh tay ra, bắt con nai bằng vuốt nhọn, và hai tay giữ mạnh, cắn cổ nai và xé thịt ăn ngon lành...
Mõm nó còn đỏ máu lúc mặt trời dần dần thức dậy. Nó muốn biến lại thành người để tiếp tục đi về cung điện. Nhưng đột nhiên nó nhớ lại là nó đã dùng phép thuật để giết một con thú vật rồi. Lúc đó nó mới biết là nó sẽ không bao giờ trở thành người lại được nữa, và luôn luôn phải sống làm kiếp con sư tử...
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 16 năm trước
[b]Sự tích hoa chua me đất[/b]
Ngày nào cũng phải ăn một thứ cỏ ba lá và gặm nhấm mãi vỏ cây hồ đào, Thỏ Côxôi chán ngấy lên rồi. Nó bèn mò vào vườn bắp cải mới trồng của một bác nông dân. Nhiều bắp cải non đã bị thỏ xơi gọn. Bỗng bác nông dân xuất hiện. Bác khoát tay nói:
- Côxôi ơi, - bác nông dân bảo con thỏ đã ăn no bụng và lúc này đang chùi mép - Ta và mi chưa có giao kèo gì với nhau cả. Ta trồng bắp cải đâu phải cho mi. Nếu như mi cứ ăn mãi như vậy thì ta sẽ trắng tay, mùa thu lấy gì mà làm dưa?
- Làm dưa ư? - Thỏ ngạc nhiên - Cải bắp cũng làm dưa được sao? Hẳn là phải ngon lắm nhỉ?
- Bây giờ chưa phải thời kỳ làm dưa. Tốt nhất mi đừng có đụng tới vườn rau của ta nữa, mùa đông tới, mi hãy lại đây, ta sẽ cho ăn dưa bắp cải.
Thỏ hứa là sẽ không phá vườn rau. Mùa hè, nói chung nó ít phải lo lắng, vì cỏ ba lá ngoài đồng rất sẵn, còn cỏ trên các cánh đồng cũng không hiếm. Nghĩ vậy, thỏ vẫy vẫy cái đuôi ngắn tũn một cách sung sướng.
Thế rồi mùa đông tới, thỏ tìm gặp lại bác nông dân để xin bắp cải muối dưa và đã được bác chiêu đãi một bữa luý tuý. Từ đó thành lệ, ngày nào thỏ cũng được ăn dưa bắp cải. Nhưng mới tới lễ Giáng sinh, toàn bộ số bắp cải muối trong thùng đã hết nhẵn, thế là mùa đông chưa qua, mà thức ăn trong nhà đã chẳng còn gì.
Thấm thoắt đã sang mùa xuân. Bác nông dân bảo thỏ:
- Thỏ ơi, ruộng nhà anh rộng hơn ruộng nhà tôi, vậy nên trồng bắp cải đi.
- Nhưng tôi không có cải giống - Thỏ buồn rầu đáp.
- Đến Riga mà mua. Mùa xuân nào tôi chẳng mua giống ở đó.
Bác nông dân tìm cách thoát khỏi thỏ. Thỏ kiếm đâu ra tiền để mua vé tàu? Nhưng chú thỏ này của chúng ta không đến nỗi ngốc nghếch, mặc dù đôi tai của nói ngắn hơn so với đôi tai của đồng loại. Nó hăm hở đứng ở nhà ga để chờ tàu và nó thấy bất kỳ ai đến nhà ga cũng đều bỏ tiền ra mua vé.
- Các bác định làm gì với những chiếc vé này? - Nó hỏi.
- Chúng tôi đến Riga - mọi người đáp.
- Thế lên tàu không có vé, được chứ? - Thỏ hồi hộp
- Không thể được
Thật chả ra sao! đành phải quay về thôi, không cần đến Riga, không cần mua bắp cải giống nữa. Nó ngồi xuống bên đường và lau nước mắt. Bỗng có tiếng thét kinh hoàng vang trên đầu nó: "Chó săn đấy!" Thỏ thấy lạnh toát ở chỗ đuôi, toan trốn chạy, song nó lại đứng ngây ra ở bên cột đèn. Và cũng thật lạ thay. Không phải là chó săn mà là những ngôi nhà nhỏ di động trên các bánh xe tiến về phía nhà ga, còn mọi người thì vội vã leo lên đó.
"Họ đến Riga đấy!" - Thỏ ngạc nhiên nghĩ.
- Chúc lên đường may mắn! - Thỏ hét to khi tàu chuyển bánh.
"Gượm đã, mà vì sao ta lại không đến chơi Rừng Thú nhỉ?" - Thỏ nghĩ và nhảy luôn lên xe hoả, ngồi nghiêm chỉnh như Thượng đế. "Ê, ta muốn đến tận Riga cơ, đời thỏ của ta không còn gì hơn thế".
Và thế là thở cảm thấy vô cùng thú vị khi được ngồi trên tàu hoả, quên luôn cả ý định xuống chơi Rừng Thú. Còn đoàn tàu thì cứ từ từ tiến về phía nhà ga.
Tới nhà ga, Thỏ vội vã tìm quầy bán cây giống.
- Anh bạn trẻ cần gì? - Người bán hàng hỏi một cách lịch sự.
- Tôi cần cây bắp cải giống - Thỏ nhỏ nhẹ đáp.
- ở đây nhiều thứ cải giống lắm. Tôi có thể giới thiệu để anh mua cải bắp, súp lơ, cà rốt. Anh bạn trẻ muốn cà rốt nhé? Mùa hè có thể ăn lá, mùa đông thì gặm lõi bắp cải được đấy.
- Chị không có bắp cải giống nào khác nữa à? - Thỏ dè dặt hỏi.
- Không - Người bán hàng khoát tay.
- Tôi cần bắp cải muối dưa - Thỏ không giấu diếm nữa.
- Anh cần bắp cải muối dưa ư? - người bán hàng thốt lên với một giọng dễ nghe - Thứ đó chúng tôi vẫn thường cho không. - Vừa nói chị ta vừa lục trong túi giấy số bắp cải còn sót đưa cho thỏ và dặn thêm - Đưa về trồng, đợi đến Lễ Giáng sinh sẽ có dưa chua ăn.
Thỏ hí hửng trở về nhà. Nó đem trồng bắp cải ngay trên khu đất đồi ẩm ướt rồi tự ngồi canh gác để muông thú khỏi đến phá phách. Vợ thỏ cùng với lũ con suốt từ sáng đến tối ra sức tưới tắm cho bắp cải. Khi một cây cải ba lá bắt đầu cuốn, thỏ liền nhổ lên:
- Sói sẽ xé xác ta, nếu đây không phải là bắp cải muối dưa thật sự - Thỏ vừa nói vừa thong thả nhấm chiếc lá nhỏ xíu.
Giờ thì cả nhà thỏ không rời mắt khỏi vườn bắp cải, suốt mùa hè chúng được mặc sức thưởng thức cải muối dưa và luôn tấm tắc khen ngon.
Thỏ ta rất dương dương tự đắc. Nó mời từng người một tới nhà ăn cải bắp muối dưa và luôn mồm kể chuyện nó đã đến Riga mà không mua vé như thế nào.
Từ đó, cây bắp cải của thỏ được mang cái tên là Hoa Chua Me Đất còn những hành khách đi tàu không chịu mua vé, ấy là họ hàng nhà Thỏ.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 16 năm trước
[b]Sự tích hoa Nhài
[/b]
Từ thuở xa xa, tất cả các loài hoa đều có màu trắng. Nhưng một ngày kia có một hoạ sỹ đã đến khu vườn mang theo một hộp to đựng các loại mực màu và một nắm bút lông. Chàng nói với các loài hoa và các khóm hoa:
- Tất cả hãy lại gần ta và nói cho ta biết ai thích màu gì.
Lập tức các đám hoa và cây cối trong vườn bèn đứng vào chỗ theo hàng lần lượt, bởi vì loài nào cũng muốn chọn cho mình thứ màu rực rỡ nhất. Chỉ có Nhài là đứng gần hoạ sỹ hơn cả. Nó nói rằng, nó muốn hoa của nó phải có màu vàng vàng như màu của tóc của thần Mặt Trời mà nó hằng yêu mến.
- Mi dám cả gan len lên trước nữ hoàng Hoa Hồng? - hoạ sỹ đẩy Nhài sang một bên.
- Tôi không hề len lách, tôi từng đứng ở đây nhiều năm rồi, - Nhài tức giận đáp lại.
- Nhưng mi cần phải hiểu rằng, ai là ngời có quyền được đứng lên hàng đầu - Hoạ sỹ giải thích - Mi phải chịu hình phạt đứng cuối và muốn gì thì phải xin ta.
- Ngài nhầm rồi, thưa ngài, tôi sẽ không cầu xin ai hết - Nhài trả lời và vẫn đứng yên tại chỗ cũ.
Họa sỹ trò chuyện rất lâu với các chị Hoa Hồng. Các bà hoàng kiêu hãnh này không chọn cho mình được một thứ màu nào cả! Họ muốn cả màu đỏ thắm, màu vàng, màu hồng rồi màu da cam. Họ chỉ chê màu xanh lá thôi, bởi đó là thứ màu quá xuềnh xoàng, quê kiểng. Ðể màu xanh lá không khỏi uổng phí, hoạ sỹ bèn đem quét lên hoa Lu Ly và hoa Xa Cúc, mặc dù hai loài hoa này rất mê màu đỏ thắm. Nhưng hoạ sỹ cứ khăng khăng rằng, với các anh chị nhà quê này thì màu xanh lá là hợp hơn cả.
Hoa Anh Túc mỉm cười thật nhã nhặn với hoạ sỹ và hoạ sỹ đã phóng tay phết màu thật dày lên người nó. Hoa Cẩm Chướng thì hết lời phỉnh nịnh hoạ sỹ và nó đã được đền bù một cách xứng đáng. Hoạ sỹ lưu lại ở khu vườn mấy hôm liền, và chàng đã ban phát cho các loài hoa đủ loại màu sắc khác nhau.
Hoa Ngu Bàng lá rộng thì lại tỏ ra rất mực khiêm tốn. Khi được hỏi thích loại màu gì, nó chỉ đáp cụt lủn: "Màu gì cũng được!". Hoạ sỹ bèn bôi màu xám cho nó rồi hỏi nó có hài lòng không, nó chỉ nói: "Tôi biết, tất cả các màu mực có sắc rực rỡ, chàng đã gần cạn. Nếu ai cũng thích rực rỡ như nữ hoàng Hoa Hồng thì không còn ai nhận ra được vẻ đẹp riêng của từng loài hoa nữa!"
Những nàng Păngxê bé xíu vây quanh hoạ sỹ và chào mời rất lịch thiệp. Ðối với hoạ sỹ, chúng chẳng khác những đứa em gái bé bỏng, và chàng đã dùng sắc màu biến chúng thành những bông hoa nho nhỏ vui nhộn.
Hoa Tử Ðinh Hương lại muốn trả ơn hoạ sỹ theo cách riêng của nó, nếu chàng không tiếc màu cho nó:
- Về mùa Xuân, chàng có thể bẻ cành của tôi và đem tặng người yêu của mình được đấy. - Tử Ðinh Hương nói - Cành của tôi càng được bẻ nhiều thì tôi càng khoe sắc lộng lẫy.
- Mi nói năng bất nhã lắm, vậy mi phải mang màu trắng, - hoạ sỹ giận dỗi gạt Tử Ðinh Hương sang một bên. Nhưng rất may là nó đã được các chị gái của mình ban tặng cho những thứ màu tuyệt vời.
Hoa Bồ Công Anh dâng lên hoạ sỹ một cốc Xmêtana (váng sữa).
Hoa Nhài chỉ biết tròn mắt nhìn hoạ sỹ chuyển giao cơ man nào là màu vàng, loại màu mà Nhài vốn yêu thích, cho Bồ Công Anh.
Trong lúc mải mê với màu vàng, hoạ sỹ bỗng sực nhớ tới Nhài, loại hoa đầu tiên mà chàng đã gặp.
- Thế nào cô bạn? - Hoạ sỹ nhếch mép cười với Nhài - Thứ màu này còn ít lắm, nhưng nếu mi tỏ ra biết điều, ta sẽ cho tất.
- Ta không cần cầu xin. - Nhài đáp.
- Vậy là sao? - Thái độ bướng bỉnh của Nhài khiến hoạ sỹ bực mình - Thôi được, nếu mi không dám nêu yêu cầu của mình thì mi hãy phục xuống đất, cho dù phải chịu còng lưng.
- Tôi thích õng ẹo chứ không muốn còng lưng! - Nhài kiêu hãnh đáp lại.
Hoạ sỹ vì quá tức giận đã trút tất cả màu vàng còn lại vào mặt Nhài và hét:
- Mi là cái thá gì mà không chịu cầu xin và hạ mình! Vậy vĩnh viễn với mi sẽ chỉ là màu trắng!
Vì thế Hoa Nhài mảnh dẻ vẫn mang những cánh trắng muốt mà chúng ta vẫn thấy ngày nay.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 16 năm trước
[b]Cô gái vàng
[/b]
Ngày xưa có một nguời thợ rèn nghèo, không có nổi một túp liều để ở. Vo con anh thường xuyên đói rét. Một hôm quá quẫn trí người thợ rèn đem mấy đồng tìên cuối cùng ra mua một đoạn dây thừng, định chấm dứt cuộc đời của mình.
Nguời thợ rèn vào rừng, tìm một cành cây to và treo sợi dây thừng lên. Trứơc khi cho đầu vào chiếc thòng lọng, bỗng nhiên anh ta thấy ở dưới đất hiện lên một người đàn bà da đen. Bà ta nói với người thợ rèn:
- Anh chàng thợ rèn ơi! Hãy dừng tay lại!
Người thợ rèn giật mình, buông dây thừng. Ngay lúc đó, người đàn bà da đen biến mất. Người thợ rèn không biết bà ta đi đâu, bèn cho đầu vào thòng lọng; liền đó người đàn bà da đen xuất hiện và lấy ngón tay đe doạ người thợ rèn:
- Ta đã nói với anh rồi, anh chàng thợ rèn tội nghiệp ạ! Anh phải sống chứ!
Nghe vậy, người thợ rèn tháo dây thừng quấn lại và quay về nhà. Trên đường về, anh ta tự nghĩ thầm là hiện nay ở nhà chỉ có đói khát đang chờ đợi anh. Tốt nhất là treo cổ chết còn hơn là phải chết đói! Bởi thế, người thợ rèn lại quay vào khu rừng tìm một cành cây to và ném sợ dây thừng lên, rồi buộc một chiếc thòng lọng.
Vừa lúc ấy, ở dưới đất lại xúât hiện người đàn bà da đen. Lần này, bà ta nghiêm khắc nói:
- Tại sao anh không nghe lời ta, hỡi anh chàng thợ rèn?
Người thợ rèn buồn rầu trả lời:
- Bà là ai mà tôi phải vâng lời bà? Gia đình tôi sắp chết cả rồi!
- Không phải chết đói cả đâu mà sợ! Tôi sắp sửa cho anh nhìêu tiền, nếu như anh muốn. Nhưng anh phải trả lại ta một cái gì trong nhà của anh mà anh chưa biết.
Quả thật, người đàn bà da đen đưa cho anh chàng thợ rèn một túi tiền. Túi quá nặng, khiến anh không thể nào vác đi một cách dễ dàng được. Anh vui vẻ cám ơn người đàn bà da đen rồi vội vã mang túi tiền về nhà.
Thấy người thợ rèn bước đi, người đàn bà dặn với:
- Anh thợ rèn ơi, đừng quên lời hứa đấy. Cái gì ở trong nhà mà anh chưa biết là thuộc về ta đấy nhé!
Người thợ rèn về đến nhà. Anh hồi hộp mở cái túi ra, thấy có rất nhìêu tìên vàng. Anh mừng rỡ không sao kể xiết.
- Cái túi tiền này đủ làm chúng ta sống hạnh phúc! Vợ người thợ rèn trông tiền vàng kêu lên và vui vẻ chỉ cho chồng thấy một đứa bé gái có mái tóc bằng vàng nằm trên tay: Đó là đứa con gái nhỏ của họ vừa mới ra đời. Trông thấy đứa bé, người thợ rèn buồn rầu, vì anh biết người đàn bà mong muốn điêu gì rồi.
Thấm thoát, đứa bé đã lên bảy tuổi và có tên là cô gái vàng. Một hôm, người dàn bà da đen đi chiếc xe ngựa cũng màu đen, đến nhà người thợ rèn.
- Ta đến đón con gái anh đây! – Bà ta vừa nói với người thợ rèn và lôi tay cô gái vàng lên xe ngựa. Mặc cho cha mẹ và chị gái các cô gái vàng khóc lóc, van xin, người đàn bà da đen vẫn không động lòng thương xót. Bà ta lấy roi đánh ngựa và chiếc xe đen chuyển bánh.
Người đàn bà da đen đưa cô gái vàng đi mãi, đi mãi. Họ đến một khu rừng rậm rạp và dừng lại trứơc một toà lâu đài màu đen đồ sộ. Bà ta nói với cô gái vàng:
- Trong lâu đài có một trăm căn phòng. Con chỉ được phép vào chín mươi chín căn phòng, trừ căn phòng cuối cùng, nếu con vào căn phòng thứ một trăm, con sẽ bị trừng phạt khủng khiếp. Bảy năm nữa ta sẽ quay lại đây kiểm tra sự trung thực của con.
Nói xong, người đàn bà da đen đi thẳng.
Cô gái vàng sống một mình trong lâu đài không đến nỗi khổ sở. Cô có đầy đủ thức ăn và chín mươi chín căn phòng. Cô không bước vào căn phòng thứ một trăm. Bảy năm đã trôi qua và cô không hề gặp tai nạn gì.
Một hôm, người đàn bà da đen đến và hỏi cô gái vàng:
- Con có vào thử căn phòng thứ một trăm không?
Cô gái vàng trả lời:
- Không ạ!
- Con ngoan lắm. Con đã biết nghe lời khuyên của ta. Bảy năm nữa, ta sẽ quay lại đây. Nếu con giữ được lời hứa, thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nếu con bước vào căn phòng thứ một trăm thì con sẽ phải chịu những hình phạt khủng khiếp hơn cả cái chết đấy!
Người đàn bà da đen nói xong liền đánh xe đi và bảy năm sau mới quay lại lâu đài. Bảy năm lần thứ hai trôi đi rất nhanh. Ngày cuối cùng của kỳ hạn, người đàn bà da đen sẽ quay lại, cô gái vàng rất sung sướng vì cô đã vâng lời bà ta. Cô tin rằng, cô sẽ được bà ta trọng thưởng. Bỗng nhiên, cô gái vàng nghe thấy tiếng nhạc du dương.
- Ai chơi nhạc hay vậy?
Cô gái ngạc nhiên kêu lên. Cọ đi về phía tiếng nhạc và đến cửa căn phòng thứ một trăm, trong phòng vọng ra tiếng nhạc quyến rũ. Cô gái vàng như mất hồn, thẫn thờ mở cửa căn phòng và bỗng nhiên giật mình, đứng sững lại ở ngưỡng cửa. Trong phòng có mười hai người đàn ông da đen đang ngồi quanh bàn và người đàn ông da đen thứ mười ba đứng phía sau cánh cửa.
- Con bé kia! Con bé kia! Mày đã làm cái gì thế? Ai cho mày vào căn phòng này? – Gã đàn ông da đen thứ mười ba quát lên.
Cô gái vàng khiếp đảm, đứng nép vào cánh cửa và sợ hãi hỏi lại:
- Trời ơi, cháu phải làm gì bây giờ?
Gã dđµn ông da đen thứ mười ba gào lên:
- Mày không được nói với bất kỳ ai về chuyện chúng ta ở đây! Nếu mày không giữ mồm, giữ miệng thì mày sẽ phải chịu những hình phạt cực kỳ khủng khiếp! Thôi cút đi! Cút đi! Mày chỉ có câm lặng mới chuộc lại tội lỗi này của mày!
Cô gái vàng kinh hoàng đóng cửa lại. Ngay lúc đó, cô nghe tiếng xe ngựa ngoài sân. Người đàn bà da đen bước vào. Bà ta như đã đoán được chuyện gì, liền hỏi cô gái:
- Con đã nhìn thấy gì ở trong căn phòng thứ một trăm?
Cô gái vàng im lặng lắc đầu.
- Được rồi, nếu mày không muốn nói thì từ nay trở đi, mày sẽ trở thành một kẻ câm. Mày chỉ được phép nói với ta mà thôi!
Người đàn bà da đen đùng đùng nổi giận và đuổi cô gái vàng ra khỏi lâu đài.
Cô gái vàng ra đi mà chẳng biết mình đi đâu. Cô cứ bước đi hoài, cho đến bãi cỏ xanh. Cô ngồi xuống, nức nở khóc và thiếp đi vì mỏi mệt. Lúc ấy, nhà vua trẻ đang đi săn gần bãi cỏ. Ngài trông thấy cô gái vàng xinh đẹp đang ngủ. Nhà vua đem lòng yêu cô gái. Mặc cho cô gái bị câm, nhà vua cứ đưa về lâu đài của mình và phong nàng làm hoàng hậu.
Cô gái vàng sống hạnh phúc trong lâu đài nhà vua. Chưa đến một năm sau, cô sinh được một cậu con trai xinh đẹp, có mái tóc vàng và ngôi sao cũng bằng vàng trên trán. Cả lâu đài đều vui mừng vì có hoàng tử xinh đẹp. Ngay đêm ấy, người đàn bà da đen lần đến giường hoàng hậu và đe doạ:
- Nếu mày không thú nhận là mày đã vào căn phòng thứ một trăm, thì ta sẽ giết chết đứa bé này!
Nghe người đàn bà da đen nói vậy, cô gái vàng hoảng sợ. Nhưng cô chỉ im lặng lắc đầu, vì cô còn nhớ rõ lo đe doạ của gã đàn ông thứ mười ba trong căn phòng thứ một trăm.
Người đàn bà da đen liền mang đứa bé ra bãi cỏ giết đi, bà ta lấy máu của đứa trẻ, bôi lên miệng cô gái vàng, rồi mang xác đứa bé biến mất. Sáng hôm sau, cả lâu đài hoảng sợ vì không tìm thấy hoàng tử nhỏ ở đâu. Mọi người thấy máu dính trên miệng hoàng hậu. "Có lẽ bà ta đã ăn thịt con chăng?", những người hầu cận thì thầm nhận xét với nhau và chẳng có ai to gan nói lên những mối nghe ngờ đó. Nhà vua cũng chẳng thanh minh gì đựơc.
Năm sau, hoàng hậu sinh hạ một cô con gái có mái tóc vàng va có ngôi sao trên trán. Cả lâu đài vui mừng, nhưng ngay sau đó,ai cũng lo mất công chúa nhỏ. Nhà vua sai lính gác cẩn mật phòng hoàng hậu. Nhưng đều phí công. Đêm ấy, người đàn bà da đen lại xuát hiện. Bà ta doạ nạt hoàng hậu:
- Nếu mày không là mày đã vào căn phòng thứ một trăm, thì tao sẽ giết con bé này!
Hoàng hậu dàn dụa nước mắt và lắc đầu. Người đàn bà da đen lìên mang đứa bé ra bãi cỏ giết đi, bà ta lấy máu của đứa trẻ, bôi lên miệng cô gái vàng, rồi mang xác đứa bé biến mất. Sáng hôm sau, cả lâu đài khiếp sợ. Tin đồn hoàng hậu ăn thịt con đến tai nhà vua. Nhà vua đùng đùng nổi giận và ra lệnh trị tội cô gái vàng. Nhà vua sai người đốt cháy cô gái ngoài thành phố. Cô gái vàng chỉ biết khóc. Cô bị câm nên không nói được nỗi oan ức của mình. Chẳng có ai thương hại hoàng hậu, dù hoàng hậu khóc lóc.
Tên đao phủ dẫn cô gái ra chỗ hành quyết, thì người đàn bà da đen xúât hiện. Bà ta nói với cô gái:
- Hãy thú nhận là đã vào căn phòng thứ một trăm, nếu mày còn chối thì mày phải chịu tội chết!
Cô gái vàng vẫn trơ trơ như đá, cô chỉ lắc đầu để trả lời người đàn bà da đen.
Tên đao phủ trói cô gái vào cột và chất củi đốt. Khi ngọn lửa bùng cháy dưới chân cô gái vàng, thì người đàn bà da đen bỗng nhiên quát to:
- Dập tắt lửa đi! Dập tắt lửa đi!
Nghe thấy tiếng quát, mọi người kinh ngạc. Tên đao phủ dập tắt ngọn lửa và cởi trói cho cô gái vàng. Người đàn bà da đen mang hai đứa trẻ có mái tóc vàng và có ngôi sao bằng vàng trên trán ra. Bà trao hai đứa trẻ cho cô gái vàng và nói:
- Ta nguyên là một vị tiên nữ. Vì ta đã phạm tội, nên thượng đế đày xuống trần. Ta phải tìm ra một cô gái biết im lặng trong nhiều năm, dù cô ta có bị giết, vẫn không nói một lời. Ta đã tìm ra được con. Con xứng đáng là người cùng ta trải qua nhiều thử thách dưới trần gian. Hai đứa con của con vẫn còn sống. Hôm nay ta trao lại cho con. Đó là hạnh phúc của con và cả của ta nữa, vì con đã biết im lặng. Con đã giải thoát cho các con của con và cho ta.
Nói xong người đàn bà da đen đánh xe đi thẳng.
Nhà vua kinh ngạc, không dám tin vào mắt mình. Cô gái vàng vội kể lại cho nhà vua nghe câu chuyện. Nghe xong, nhà vua cho mời hai vợ chồng người thợ rèn và các anh, các chị cô gái vàng về lâu đài. Từ đó, họ chung sống với nhau đến trọn đời.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 16 năm trước
[b]Sự tích con trăn nhả nọc[/b]
Ngày xửa ngày xưa, có đôi vợ chồng mới cưới. Một hôm, anh chồng dẫn vợ về thăm nhà bố mẹ. Đường xa, họ phải qua những cánh rừng rộng. Ở một quãng đường rừng hai người vừa đi qua có một con Trăn trườn ra liếm vào các vết chân của hai người trên đất. Thế là hai vợ chồng vừa về đến nhà bố mẹ thì lăn ra chết. Bố mẹ anh em họ hàng đều thương xót khóc than làm tang lễ.
Con Trăn biết được uy lực gớm ghê của nọc độc mình nên rất hợm hĩnh. Nó hỏi con quạ:
- Này anh quạ, tôi nghe như trong làng có tiếng người kêu lao xao. Họ kêu gì vậy anh?
Quạ biết Trăn có tính huênh hoang, bây giờ lại làm bộ không biết sự việc đó chính mình gây ra. Nó bảo trăn:
- À, họ cười vui đấy anh Trăn! Chẳng là xưa nay người ta vốn sợ nọc độc của anh, anh chỉ liếm theo vết chân trên đất mà làm chết người được. Vậy mà vừa qua anh đã liếm vết chân của hai vợ chồng người ấy, nhưng người ta chẳng làm sao! Đấy, vì thế người ta đang cười vui với nhau.
Trăn nghe quạ nói mà buồn nản và tự giận dỗi trong lòng. Nó nghĩ:
- Hừ, nếu bây giờ nọc của ta không linh nghiệm như trước nữa, thì còn giữ nó làm gì? Phải nhả nó ra thôi, nhả hết!
Và một bữa nọ, Trăn đã nhả hết độc của mình. Các con vật như Rắn, Rết, Bò cạp, Kiến đen, Tò vò, Ong bò vẽ… biết Trăn đã nhả nọc, chúng đua nhau đến hút lấy nọc độc của Trăn để làm sức mạnh cho mình. Một số con đến sớm hút đựơc nhiều nọc, số đến chậm đựơc ít, chậm nữa thì không kịp hútđựơc gì. Những con vật hút được nhiều nọc nhất là Rắn bông súng, Rắn đất, Rắn cá, Rắn chạc bò, Rắn đầu, Rắn cò, Rắn hoa bôi và Rắn bắt ngoé. Vì có quá nhiều nọc nên chúng mổ vào người cũng như không, không chết cũng không đau. Đấy là do nọc nhiều quá, nó chạy lung tung lạc khắp cả người nên loãng đi mất. Trái lại những con rắn hút được ít nọc hơn như Hổ Mang, Hổ Lửa, Hổ Trâu, Cạp nong… thì rất nguy hiểm. Chúng đã cắn vào ai thì khó chữa khỏi. Một số con vật khác như Cá Trê, cá Nọc, cá Chốt, cá Lăng, kiến Gánh, Rết, Ong… đến chậm chỉ còn chút nọc đủ bôi vào miệng, vào vòi… Quá lắm cũng chỉ có thể làm người ta đau buốt chút ít. Xui nhất chính là mấy chú cá Trâm bầu và cá Trắm đến muộn quá chẳng hút đựơc tí nọc nào, ức quá phát khóc đến sưng vù mặt mũi như ta thấy ngày nay. Cá Nheo thấy thế tức cười quá cười hoài đến nỗi rách cả miệng khiến cho miệng nó rộng như ngày nay như ta thấy, và môi thì trề ra như mỏ con vịt.
Nhưng thua thiệt nhất vẫn là anh Trăn nhà ta. Chỉ có tính huênh hoang, hợm hĩnh mà bị chú Qụa đánh lừa, Trăn ta đã nhả hết nọc thiêng! Từ đó con người cũng hết lo gặp nguy hiểm vì loài Trăn nữa, Trăn đã trở nên loài vật hiền lành.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 16 năm trước
[b]Sự tích cái yên ngựa[/b]
(Truyện cổ Trung Quốc)
Ngày xưa có một vị quan tên là Hồ Lưu rất hung ác. Năm 62 tuổi, ông ta chết. Diêm chúa lật sổ ra thấy tội trạng còn quá nặng nên bắt buộc ông ta đầu thai làm con ngựa. Ông Hồ Lưu (tức là con ngựa), lớn kên bị tên nài bạc đãi, thúc đầu gối vào hông, cỡi không cần yên. Hồ Lưu buồn bã quá, nhịn đói không ăn cỏ, ba bốn ngày sau thì chết.
Diêm chúa nổi giận:
- Thằng này trốn tội! Phải đền tôi cho đủ mới được trở về đây. Tự vận như thế là ăn gian!
Bèn cho Hồ Lưu hoá thai lần nữa, đầu thai thành con chó. Hồ Lưu tủi phận nhưng không dám tự vận như trước. Anh ta nghĩ ra một kế: "Mình cứ cắn ông chủ mình, ông chủ nổi quạu, sẽ đập mình chết". Hồ Lưu thi hành như ý định. Chủ nhà ngỡ là chó điên nên đập chết. Diêm chúa hay được, bèn sai quỷ sứ đánh vong hồn Hồ Lưu 50 hèo rồi phán:
- Mày phải đầu thai trở lại. Tội mày chưa trả hết mà mày đòi trốn hoài. Lần này, phải đầu thai trở lại làm con rắn.
Hồ Lưu liền bị nhốt trong ngục, bò tới bò lui. Sau rốt anh ta khoét hang vựơt ngục. Biết rằng tự tử hay cắn người đều là trọng tội, anh ta bèn giả bộ bò ra ngoài, nằm giữa đường mà ngủ. Tình chờ một chiếc xe ngựa chạy qua, cán rắn đứt làm đôi.
Diêm chúa phán:
- Bấy lâu nay mi cực khổ nhìêu quá rồi. Ta không nỡ hành tội nữa. Vậy thì mi đựơc phép đầu thai về dương thế để làm quan mà cai trị dân, lấy tên là Lưu Công.
Lưu Công lớn lên, học hành rất giỏi, đậu thủ khoa. Ông thường răn các người tuỳ thuộc, muốn cưỡi ngựa thì phải mang yên, mang nệm. Ý của ông là khuyên răn các người bên dưới nên tử tế đối với dân, đừng hà lạm quyền hành thúc ép mà đau khổ dân lành.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 16 năm trước
[b]Nhà họ Đường đả hổ
[/b]
(Cổ tích Trung Quốc)
Xưa kia, tỉnh An Huy có một thôn ở cạnh một hòn núi nhỏ, dân cư ở đây chừng trăm nóc nhà, nhà nhà sống về nghề nông, đốn củi; họ ăn no mặc ấm, cuộc sống kể ra cũng thảnh thơi. Chẳng dè năm nọ có một con hổ dữ xuật hiện, cứ năm ba ngày bao nhiêu người và vật phải chết dưới móng vuốt của nó. Từ đó, người đốn củi sợ lên núi, người làm ruộng sợ ra cửa, nhà nhà hoảng loạn đóng cửa ở bên trong.
Nhưng ngày rộng tháng dài, cứ ở mãi trong nhà cũng không thể được. Và nếu muốn có cuộc sống thảnh thơi như cũ thì chỉ còn cach phải giết con hổ dữ này. Nghe đồn có nhà họ Đường nổi tiếng giết hổ, thôn làng bèn đề cử mấy người đại diện đi mời thỉnh.
Người đánh hổ quả thực đã đến, ấy là hai cha con một già một trẻ. Cụ già thì đầu bạc phơ, lưng đã còng không có vẻ chi mạnh khỏe, còn người trẻ thì ý chừng chưa đầy mười tuổi, dáng vẻ nhút nhát thẹn thò. Bấy giờ, mọi người đều chẳng tin: Người thế này sao có thể đánh hổ, hay là họ tình nguyện đến đây để cho hổ nuốt? Song cũng không có cách chi, trước hết chỉ còn biết mời họ ở lại vậy thôi.
Sáng sớm hôm sau, cụ già cần có hai người khỏe mạnh gan dạ, một là dẫn đường, hai là dụ hổ. Mọi người tiễn họ đến ven thôn, mắt nhìn theo bốn người đi về phía trước mà trong lòng ai nấy đều lo cho ông cụ và đứa trẻ.
Bốn người đi được một đỗi, đường núi bắt đầu quanh co rậm rạp. Hai người đứng lại nói với ông cụ:
- Không dối chi lão anh hùng, con hổ ấy thường hay xuất hiện ở đây, chúng tội...
Cụ già thấy họ sợ sêt bèn mỉm cười, ông chỉ một hòn đá to, nói:
- Hai anh nấp phía dưới hòn đá ấy mà đợi, chúng tôi giết hổ xong sẽ gọi các anh.
Nói đoạn cụ dẫn đứa trẻ tiến vô phía núi sâu rừng thẩm.
Cụ già rẽ qua vòng lại quan sát trên mặt đất, rồi đi tiếp . Ông ngước đầu nhìn bốn bề, nói:
- Này con, con súc sanh ấy còn đang ngủ! Con gọi nó dậy đi.
Đứa bé chạy ra mấy bước, khom người, hay tay bưng miệng nhắm về phía rừng, cất tiếng gầm như hổ kêu "ú ùm ú ùm".
Cụ già chậm rãi xăn tay áo, từ trong chiếc túi đeo lưng, ông lấy ra một chiếc búa, xem xét lại lưỡi búa, đoạn thủng thỉnh bước đi. Chính lúc ấy, một luồng gió nổi lên, lá cây sao động, từ trong rừng phóng vút ra một con mãnh hổ. Cụ già liền đứng lại, tay mặt ông giơ chiếc búa, hai mắt đâm đâm nhìn con hổ ấy. Đứa trẻ thì sớm đã lách tới sau lưng ông. Mãnh hổ thấy có người, hai chân trước nó chồm lên, gầm một tiếng lớn và liền nhắm cụ già vồ tới. Cụ già cầm lưỡi búa, hơi rạp người, cánh tay mặt khẽ đưa ra và lách nghiêng, chỉ nghe "xoẹt" một tiếng, da bụng con mãnh hổ đã rách một đường, lại "bốp" một tiếng tiếp theo, con mãnh hổ đã nằm ngay đơ phía sau lưng ông cách năm sáu bước, máu đỏ phun đầy trên mặt đất. Cụ già chậm rãi lau sạch máu lưỡi búa, nhìn lại, đoạn giắt lưỡi búa vào túi đeo sau lưng. Ông bước tới dòm con hổ và bảo đứa con:
- Này, con hãy đi kêu họ tới khiêng đem về.
Đứa trẻ chạy đến chỗ hòn đá lớn, dáo dác tìm kiếm, nhưng chẳng thấy một ai. Chính trong lúc lạ lùng ấy, chợt nghe trong lùm cỏ có tiếng xào xạc, một chiếc đầu đầy bùn sình ló ra hỏi:
- Người bạn nhỏ, sao rồi ?
Đứa bé thấy mà không nhịn cười được, nói:
- Chú, chú ra khiêng hổ về đi !
Theo đó, một chiếc đầu khác cũng ló ra, rước lời hỏi:
-Thiệt sao ?
Đứa bé học chuyện lại, hai người bạnh miệng cười toe toét và theo cậu tới chổ đả hổ. Thoạt thấy con hổ chết nằm sóng soài to gần bằng con trâu nhỏ, hai người bất giác lè lưỡi, rúm người không dám bước tới. Lại nhìn kỹ con hổ ấy, thì ra bụng nó đã bị xẻ một đường dài, bây giờ vẫn còn ra máu.
Tin đã hổ chấn động cả thôn, già trẻ đều tới xem hổ và anh hùnh đả hổ. Mọi người hết nhìn con hổ lại nhìn cụ già và đứa trẻ đả hổ, vừa cảm kích vừa ngạc nhiên lại vừa mừng, ngạc nhiên là tại sao cụ già và đứa trẻ thế này mà có thể giết chết con hổ, mừng là đã trừ được hổ dữ, từ đây có thể sống cuộc đời yên vui.
Mọi người đều cảm kích cụ già và đứa trẻ vô cùng. Trở về thôn, họ đem tặng lễ vật rất nhiều, một mặt hỏi cách giết hổ. Cụ già nhắp một hớp trà, cười mà nói rằng:
- Nhà họ Đường đả hổ đã ba đời. Ban đầu, ông nội tôi lấy vợ không lâu, một hôm ông lên núi đốn củi, rồi bị hổ tha mất, bà nội tôi khóc đến chết đi sống lại, may là lúc đó bà đang mang thai, và không lâu bà sinh ra cha tôi. Khi cha tôi vừa biết nói, bà tôi sa lệ thuật lại tai họa về hổ cho cha tôi nghe, và khuyên cha tôi nên hạ quyết tâm vì mọi người trừ hại. Cha tôi lớn lên, người khổ công nghiên cứu cách giết hổ. Người đi thăm hỏi khắp nơi, ngày đêm dụng tâm nghiên cứu, cuối cùng đã nghĩ ra pháp môn chính mà tôi hiện đang dùng.
Nói đến đây ông cụ lấy từ trong túi ra cây búa. Búa này cán dài một thước rưỡi, lưỡi hình bầu dục, sắc bén vô cùng. Cụ già giơ cánh tay phải lên, nói tiếp:
- Cha tôi trước hết luyện cách tay, sau đó luyện mắt, luyện như vậy ròng rã trên mười năm, Không môt ngày biếng trể. Thế rồi mới bắt đầu ra tay giết hổ. Liên tiếp người giết chết ba con hổ lớn ở vùng phụ cận. Sau đó người lại đến khắp vùng núi sâu, khiến cho hổ trong vùng trăm dặm không còn dám héo lánh. Từ đó tiếng tâm cha tôi nổi như cồn, và rồi nhiều địa phương phái người tới mời, nhưng cha tôi chưa hề từ chối. Lúc cha tôi sấp mất, người căn dặn chúng tôi:
- Phải truyền bản lĩnh này lại cho đời sau. Ai không biết đã hổ, không phải là con cháu họ Đường!
Câu nói này mãi mãi được truyền, cho nên nhà họ Đường chúng tôi không ai là không biết đả hổ. Nhà họ Đường nổi danh chính là như thế.
Ông cụ kể xong, đứng lên nói:
- Các người tự do chọn mười người lực lưỡng, dùng dây kéo cánh tay tôi thử xem!
Quả thực có những thanh niên hiếu kỳ chạy đi tìm một sợi dây thừng to quấn lấy cánh tay ông cụ, và nhất tề dùng sức kéo nhưng cánh tay của ông cụ chẳng hề nhúc nhích.
Cụ già lại cười:
- Các người hãy dùng một bó chà quét qua lại trước mắt tôi xem, tôi chẳng hề nháy mắt.
Những thanh niên hiếu kỳ lại cầm bó chà tre quơ trước mắt ông cụ, có điều không đụng vào da mắt, chỉ thấy ánh mắt cụ loe lóe, tròng mắt theo bó chà quét qua quét lại mà chuyển động, không hề nháy.
Lại ở nán thêm một ngày, một già một trẻ từ biệt mọi người, họ không nhận lễ vật mà trở về nhà.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 16 năm trước
[b]Truyện nàng Pha-ti-ma[/b]
Ngày xưa, có một cô gái xinh đẹp tên là Pha-ti-ma. Cô chẳng những xinh đẹp mà còn rất thông minh. Mọi người trong vùng ai ai cũng đều yêu mến Pha-ti-ma.
Một hôm, cô cùng năm người bạn gái vào rừng chơi, chẳng may bị lạc đường. Khi màn đêm buông xuống, họ phát hiện phía trước có ánh lửa, bèn rủ nhau cùng đi tới đó. Đến nơi thì thấy một mà lão đang ngồi bên đống lửa. Pha-ti-ma đến trước mặt bà ta nói:
- Bà có thể cho chúng cháu ở tạm đây một đêm không? Chúng cháu bị lạc đường.
- Ái chà, thật là tuyệt! Thượng đế đã ban thưởng chúng mày cho ta! Hãy đợi ta sửa soạn một món gì để ăn nhé!
Nhận thấy có sự khác lạ trong lời nói của bà lão, nên trong lúc bà lão đi lấy thức ăn, nàng Pha-ti-ma để ý quan sát chung quanh và liền thông báo cho các bạn phát hiện của mình:
- Các bạn, bà ta là mụ yêu tinh đấy, hãy đi khỏi đây mau lên trước khi bà ta trở ra và bắt hết cả bọn chúng ta ăn thịt.
Cô và năm người bạn vừa tính đứng lên thì bà lão đã quay trở ra cùng một chiếc bánh thơm phức. Đặt chiếc bánh trước mặt các cô gái và nói:
- Chắc các cháu cũng đói lắm rồi. Bánh đây, các cháu đi, bánh thơm ngon lắm đấy!
Cả nhóm đưa mắt nhìn Pha-ti-ma.
- Kìa, các cháu sau lại không ăn bánh nhỉ? - Bà lão lại nói.
- Chúng cháu muốn được rửa tay trước rồi mới ăn ạ! - Pha-ti-ma nói, - chúng cháu được phép ra sông lấy nước chứ ạ?
- Không được! Chúng mày ra sông để trốn đi à! - Bà lão hét lên.
Pha-ti-ma lại nói:
- Vậy bà hãy dùng dây trói chúng cháu lại, chúng cháu sẽ không trốn được, và bà hãy ra sông lấy nước giùm chúng cháu đi.
Nghe thấy có lý, thế là mụ phù thuỷ mang dây ra trói các cô gái lại, nói:
- Ta chỉ cần giật chiếc dây này là biết ngay chúng mày còn hay đã trốn đi!
Nói xong mụ đi ra sông lấy nước. Bà ta vừa đi vừa kéo sợi dây, tự đắc:
- Ha ha, vẫn còn đó.
Đi được một lát, mụ phù thuỷ lại kéo dây, nói:
- Ha ha! Lũ chúng nó vẫn còn đó.
Thế nhưng, Pha-ti-ma đã cởi trói cho các bạn và buộc sợi dây lên một thân cây, sau đó cùng các bạn chạy ngay vào rừng. Khi mụ yêu tinh từ sông về, thấy các cô gái đều đã trốn sach liền hét lên ầm ĩ và tức giận chạy đuổi theo. Các cô gái vẫn không hay biết và tiếp tục chạy về phía trước, còn mụ yêu tinh truy đuổi phía sau.
Họ chạy được một đoạn thì gặp một dòng sông và con cá sấu hung dữ chắn ngang.
Pha-ti-ma đến gần sát mé sông và nói với con cá sấu:
- Bạn sấu thân mến ơi, bạn hãy cõng giúp chúng ta từng người qua sông có được không?
Cá sấu nói:
- Ta có thể đưa các người qua sông, nhưng các bạn cho ta cái gì nào?
Pha-ti-ma nói:
- Nhóm chúng tôi có cả thảy sáu người. Chỉ cần bạn cõng lần lượt năm người qua sông thì còn người thứ sáu sẽ thuộc về bạn.
Nghe nói thế, sấu ta lấy làm vừa ý. Liền đồng ý cõng lần lượt các cô gái qua sông, cứ được một người lại nói:
- Một rồi nhé!
Cứ vậy, sau khi cõng đến cô thứ năm qua sông. Chuẩn bị cõng đến người thứ sáu thì sấu nói:
- Ha ha, bây giờ đến lượt ta ăn thịt mày đây!
Mụ yêu tinh vẫn đang bám riết các cô gái. Khi mụ chạy đến bờ sông, không thấy bóng các cô gái, biết rằng bọn họ đã qua được bên kia bờ sông liền bò ngay lên lưng con cá sấu đang nằm chờ đấy, cá sấu cõng ngay mụ ta ra giữa sông, nói:
- Ha ha, đây là đứa thứ sáu hả!
Nói đoạn, cá sấu lặn xuống nước và ngoạm ngay mụ phù thuỷ. Lát sau sấu rên rỉ:
- Thịt con bé này khó gặm quá, toàn xương là xương, sao ta lại không chọn đứa khác mà chén nhỉ?
Còn về sáu cô gái kia thì đã an toàn trở về làng. Nguyên nhân sáu người qua được đến bờ bên kia là khi cá sấu đang mãi để ý đếm năm cô gái cõng lần lượt trên lưng thì nàng Pha-ti-ma đã âm thầm bám theo đuôi cá sấu cùng bơi sang bờ với cô gái thứ năm từ lâu.
Truyện cổ Châu Phi
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 16 năm trước
[b]Hoa phụng tiên[/b]
Niềm vui duy nhất trong đời của bà thợ cày Mađara là cô con gái Rôta. Rôta quả là một cô gái hiếm thấy - nước da rám nắng, hay lam hay làm, tính tình xởi lởi. Mới sáng ra nàng đã gặt được gần nửa cánh đồng lúa, chiều đến, trên đường trở về, nàng luôn miệng ca hát.
Việc luôn chân luôn tay, vậy mà cô gái cứ như bông hoa bừng nở, có dễ kiếm khắp làng cũng không có bông hoa nào sánh được với nàng. Chính người làm vườn của trang trại cũng rất thích được ngắm nghía rừng hoa của Rôta đang độ khoe sắc. Mặc dù tên điền chủ đã mang về nhà đủ loại hạt giống và cây non, nhưng loại hoa như của Rôta thì y lại không có. Vậy nàng đã kiếm đâu ra? Rôta vừa mỉm cười vừa đáp:
- Bầy chim non đã mang hạt giống từ miền xa lạ về cho tôi đấy. Tôi không nói dối ngài đâu.
Về mùa Xuân, khi đàn chim én bay đến sớm, hy vọng tìm nơi ấm áp trú ngụ, Rôta thường bắt chúng nhốt vào lồng, đưa vào trong nhà nuôi dưỡng, chăm bẵm và khi mùa lạnh qua đi, nàng lại thả chúng về trời. Bầy chim thơ dại muốn đền đáp ơn huệ của nàng Rôta tốt bụng, song nàng chỉ mỉm cười, nói:
- Ta cần thật nhiều loại giống hoa của các miền xa lạ. Chim hãy mang về cho ta!
Bầy chim đã giữ lời hứa. Rôta lấy làm sung sướng được chia sẻ với chị em vì sự phong lưu của mình. Người thì nàng cung cấp hạt giống, kẻ thì nàng cho cây non. Nàng càng tỏ ra hào hiệp với mọi người bao nhiêu, hoa trong vườn nhà nàng càng đơm hương, khoe sắc rực rỡ bấy nhiêu. Duy chỉ có Kexta, người đàn bà ở bên cạnh là nàng không bao giờ cho một hạt giống nào, mặc dù bà ta có hỏi xin.
- Con ngặt nghèo với láng giềng gần như thế để làm gì? - Mẹ phàn nàn với Rôta, nhưng nàng lại đáp, giọng dứt khoát:
- Con sẽ không cho mụ rắn độc này dù chỉ là một bông hoa nhỏ.
Kexta không phải là rắn độc mà là chủ nuôi rắn. Ai cũng biết mụ ta thường nuôi đến bảy con rắn độc trong nhà và lần lượt cho chúng bú sữa của mình.
Một hôm, sau khi đã bú no, con rắn đầu tiên nói nhỏ vào tai mụ :
- Vì sao hoa của nhà Rôta lúc nào cũng bừng nở, còn hoa nhà bà thì không?
Kexta nổi cơn tam bành, dẫm nát hết vườn hoa của Rôta, thậm chí cả hàng rào cao bao quanh khu vườn mụ cũng phá đi.
Con rắn thứ hai ỉ eo :
- Nếu bà có nhiều hoa đẹp, bà có thể đem ra chợ bán, bà sẽ thu được cơ man nào là tiền!
"Ôi, tiền! Tiền! Ta sẽ tích góp được nhiều tiền!" Kexta như một kẻ điên khùng. Lúc ấy có một người lạ mặt đói rách ghé vào sân nhà mụ xin ăn, con rắn thứ ba xúi:
- Chớ có phung phí tiền của nhà mình, dù cho hắn chết ngay tại đây!
Người lạ mặt liền bỏ sang nhà khác xin ăn. Thế rồi con rắn thứ năm lại phun phì phì vào tai mụ những lời đường mật:
- Mẹ bà đã còng lưng vì bà rồi, vậy bà làm việc để làm gì? Tốt nhất là bà nên nằm khệnh với chiếc chăn bông, gối nhung kia mà nghỉ cho khoẻ.
Kexta nằm ườn ra giường. Con rắn thứ sáu lại khích bác bà:
- Láng giềng ở đây rất tốt bụng với nhau. Bà thử xúi họ cãi nhau xem sao.
Thế là Kexta vùng dậy, chạy ngay sang nhà ở Babenca vốn nhẹ dạ và hay ba toác, ruột để ngoài da.
- Này, Babenca, ta đã bắt quả tang chồng mi hay trèo qua cửa sổ sang nhà con Rôta đó.
Mới nghe nói thế, cái lưỡi của Babenca đã liến láu tứ bên. Ả xộc ngay sang nhà kẻ tình địch. Nhưng con rắn thứ bảy mới là đáng gờm nhất. Nó luôn luôn rủ rỉ bên tai Kexta:
- Phải bằng mọi cách quấy rối cuộc sống của con người. Làm sao cho cả ngày lẫn đêm họ không thể sống yên.
Và mụ Kexta đã nghĩ ra một quỷ kế. Mụ buộc con chó vào đầu một sợi dây ngắn và đặt cách con vật không xa lắm một đĩa thức ăn thơm phức. Con chó ban ngày thì sủa ông ổng, tối đến cứ rống lên thảm thiết khiến láng giềng không sao chịu nổi.
Bà chủ rắn là một con người như thế, Rôta không thể đem hoa cho mụ ta được. Còn Rôta, lẽ ra nàng đã lấy chồng, đã sinh con, đẻ cái và được hưởng một cuộc đời hạnh phúc, nếu không có đợt săn lùng phù thuỷ do đám chức sắc trong vùng dấy lên. Sự cố này như một làn sóng rất xa, bắt đầu từ xứ sở mặt trời lặn và kết thúc ở nơi mặt trời mọc. Lũ sai nha trong làng Rôta đem chiếu chỉ của quan trên về lập danh sách những người bị coi là phù thủy. Nhưng phù thủy ở đâu? Đó là câu hỏi làm lũ sai nha phải đau đầu. Chúng bèn treo giải thưởng lớn cho người nào có công phát giác phù thủy.
Lập tức, bảy con rắn độc đồng thanh mách Kexta:
- Thế là bà có dịp trả thù con Rôta nanh nọc rồi đó. Bà hãy đến gặp các quan và tâu rằng chính nó là phù thủy. Bà còn được thưởng tiền nữa đấy.
Bà chủ rắn chỉ chờ có thế. Mụ te tái chạy đến gặp các vị chức sắc và không ngớt lời vu cáo Rôta:
- Cớ sao hoa vườn nhà nó lại nở nhiều và tươi tốt như vậy? Nhờ phép tà đấy! Vì sao lũ chim lại giúp nó? Có phép tà đấy! Vì sao lúc nào nó cũng hát với hỏng?
Các vị chức sắc cả mừng vì đã tìm được phù thủy, chúng bất chấp cả lệ làng, chẳng tin bất kỳ một lời nói trung thực nào, chỉ tin lời mụ chủ rắn. Rôta bị chúng đem thiêu đốt trên giàn lửa. Sau đó chúng tâu lên triều đình rằng an ninh ở làng quê đã trở lại bình thường.
Mùa xuân tới, bầy chim từ khắp các miền xa xôi bay tới đậu trên cửa sổ nhà Rôta cùng với rất nhiều loại giống hoa. Bầy chim rất đỗi kinh ngạc khi thấy một bà lão lưng còng ra mở cửa sổ chứ không phải là Rôta.
Mađara, mẹ của Rôta, đã đem những hạt giống trồng vào một chậu hoa. Chẳng bao lâu người ta thấy có những bông hoa đỏ như lửa mọc lên.
- Những bông hoa đáng yêu của ta! Các người khác nào cặp má hồng hào của Rôta! Các ngươi sẽ là phương thuốc thần hiệu giúp ta trị vết thương nơi trái tim.
Từ đó, hễ có người nào bị nỗi cay đắng dày vò, bà mẹ Rôta lại đem giống dầu thơm đó phân phát cho họ. Chẳng bao lâu trên khắp các cửa sổ các gia đình nghèo đều nở óng ánh những bông hoa đỏ tươi - đấy chính là Hoa Phụng Tiên.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 16 năm trước
[b]Sự tích hoa hồng bạch[/b]
Câu chuyện này xảy ra vào thời mà những khu vườn còn ngập tràn cỏ dại, các loài hoa rất hiếm và chưa có hương thơm, còn hoa hồng chỉ có một màu đỏ thắm.
Ở một làng quê no, nơi một dòng sông nối liền với biển, có hai đứa trẻ chơi rất thân với nhau, cô bé có mái tóc dài đen mượt, còn tóc cậu bé màu vàng tơ. Buổi sáng tinh mơ, khi mặt trời còn chưa tròn, hai đứa trẻ đã cùng nhau vui đùa trong sóng biển hay mải mê tìm kiếm những viên đá màu xanh. Buổi chiều muộn, lúc mặt trăng đã hiện dần vành vàng nhạt màu, cả hai vẫn còn ở trong rừng hái cho nhau những chùm quả dại ngọt lịm. Tháng ngày như thế trôi qua, nhưng chưa bao giờ cậu bé được nghe giọng nói của cô bé, vì cô bị câm từ thuở nhỏ. Và thay vì kể chuyện cho cô, cậu hát cho cô nghe những bài ca cuả những dân du mục thường cưỡi ngựa qua làng, những bài ca của những người đánh cá khi cả đoàn thuyền kéo về những con cá lớn, những bài ca về câu chuyện dòng sông ... Hai đứa trẻ dần lớn lên, và rồi cậu bé đi học việc theo đoàn thuyền đánh cá, còn cô bé ở nhà với bố mẹ làm vườn. Cậu vẫn thường hát cho cô nghe, nhưng những sáng tinh mơ mặt trời hay những chiều tà mặt trăng không còn nữa.
Ngày cậu bé tròn 15 tuổi, đoàn thuyền đánh cá mở hội gia nhập cậu. Suốt một ngày sẽ vui chơi, và buổi tối các cô bé sẽ tặng cậu hoa để rồi sớm hôm sau, cậu sẽ theo đoàn thuyền ra khơi. Chiều hôm ấy, có cô bé tóc vàng con một người đánh cá đến hỏi cô phải làm gì. Và cô rủ cô bé ấy đi tìm hoa vì cô biết những khu vườn nhiều hoa đẹp nhất. Nhưng vào mùa hè nóng bỏng ấy, ánh nắng chói chang đã làm khô đi nhiều cây cối, suốt buổi chiều bọn trẻ đi rất xa mà chỉ tìm được vài bông hồng nhỏ. Khi mặt trời dần lặn, hai cô bé sợ lạc, và cô bé tóc vàng đứng lại trên con đường nhỏ đợi những bác thợ đi qua để hỏi lối về.
Còn lại một mình, cô bé tóc đen vui chạy như một cánh chim từ vườn này sang vườn khác, cô rẽ từng khóm lá, từng rặng cây để tìm chọn. Một làn gió dịu dàng, man mát bỗng đưa bước chân cô đến một vườn hoa, nơi một khóm hồng đỏ thắm như đang chờ đợi. Ôm vào ngực những nụ hồng chúm chím, cô lặng mình hôn lên những cánh hoa. Lạ kỳ làm sao, những bông hoa bỗng tỏa hương thơm ngọt ngào, dịu nhẹ. Vui sướng, cô nhắm mắt và thầm nghĩ "cám ơn trời, trời đã ban cho bạn những bông hoa này qua tôi", và nước mắt cô chảy dài trên má, khẽ rơi xuống những cánh hoa. Khi mở mắt, cô ngây người đi trước vẻ đẹp lạ lùng của những bông hoa. Nước mắt cô đã làm phai đi màu đỏ, những cánh hoa bên ngoài đã mang sắc trắng, và bên trong phơn phớt màu hồng. Những nụ hoa thẹn thùng, trong trắng như e ấp, dịu dàng trên ngực cô, trong vòng tay cô.
Khi cô quay trở lại, cô bé tóc vàng đã hỏi được đường về, và cả hai cùng chạy đến nhà cậu bé. Đến gần khu vườn nhà cậu, mái tóc của cô bay theo gió và vướng vào bụi gai, cô càng gỡ càng thêm rối. Đưa cho cô bé tóc vàng bó hồng, cô giữ lại cho mình một nụ hoa, nụ hoa bé nhỏ nhất. Đứng sau lùm cây, cô bé như nghe thấy tiếng hát của cậu bé, và bên những cành lá rì rào trong gió, cô tưởng tượng nụ cười thân thương của cậu, nụ cười của mặt trời những sáng tinh mơ và mặt trăng những khi chiều tà.
Nụ hồng của cô bé đã nở ngày hôm sau và bên cô luôn có hương thơm thoang thoảng. Rồi một sớm tinh mơ, khi mặt trời còn chưa tròn, cô bé đem cành hồng ra vườn trồng. Sáng sáng cô tưới chút nước và chăm sóc cho cây hồng bé nhỏ của mình. Mùa hè qua đi, mùa thu rồi hết mùa đông, khi mùa xuân đến, cô bé mừng vui thấy những nụ hồng đầu tiên chúm chím hé nở. Và dù cô bé không còn hôn lên những nụ hoa, dù nước mắt cô không bao giờ còn chảy trên những cánh hoa, thì kỳ diệu thay, những bông hồng mới vẫn mang hương thơm dịu ngọt và màu trắng phớt hồng.
Từ đó loài hoa hồng bạch ra đời.
Hoàng Đăng Vịnh check gia
Trả lời 16 năm trước
[b]Sự tích hoa phượng[/b]
Ngày xưa, xưa lắm, ở một vùng đất đồi kia, có một ông thầy dạy võ nổi tiếng về tài đánh kiếm. Vợ ông chết sớm, ông thương vợ, không lấy ai nữa nên ông không có con. Ông đi xin năm người con trai mồ côi ở trong vùng về làm con nuôi. Ngoài những giờ luyện võ, ông lại cho năm người đi học chữ, vì ông muốn năm người cùng giỏi võ, giỏi văn.
Tuổi năm người con xấp xỉ ngang nhau. Năm ấy, họ chỉ mới mười ba, mười bốn... Người nào học cũng khá và tài múa kiếm thì nổi tiếng khắp vùng. Ai cũng dễ nhận được họ vì ông sắm cho năm người năm bộ quần áo màu đỏ, để mặc ra đường. Thương bố nuôi nên năm người con rất biết nhường nhịn nhau và yêu quý mọi người trong làng... Năm ấy trong nước có loạn. Giặc ngoài kéo vào. Nhà cháy, người chết. Tiếng kêu khóc và lòng oán giận cứ lan dần, lớn dần. Đâu cũng đồn tên tướng giặc có sức khỏe kỳ lạ. Chỉ cần đạp nhẹ một cái cũng làm bật gốc được một thân cây to. Hắn lại sử dụng một cây thương dài và nặng, đâm chết từng xâu người một cách dễ dàng. Mọi người còn đồn thêm rằng hắn sở dĩ khỏe như vậy là vì hắn thích ăn thịt sống và đặc biệt hơn nữa là chỉ thích ăn toàn xôi gấc chứ không thích ăn cơm, mỗi lần hắn ăn hàng chục cân thịt cùng với một nong xôi gấc lớn. Người thầy dạy võ ở vùng đất đồi nọ định xin vua đi đánh giặc thì ngã ra ốm. Tay chân ông bị co quắp cả lại. Cụ lang giỏi nhất vùng đến xem bệnh và chỉ biết là ông uống phải thuốc độc. Ai cũng nghi tên tướng giặc đã ngầm cho những kẻ chân tay của hắn đi tìm giết trước những người tài giỏi trong nước. Người thầy dạy võ vừa uống thuốc, vừa ngày đêm ra sức tập luyện để tay chân mình lại cử động được như xưa. Một buổi sáng, tên tướng giặc bất thình lình phóng ngựa, dẫn quân lính của hắn kéo ập vào làng.
Hắn thấy ông thầy dạy võ đang lấy chân đạp vào một gốc cây sung to. Cây sung lúc đầu bị rung khe khẽ, rồi mỗi lúc rung một mạnh hơn. Sau đó, ông nhấc một cái cối đá to đưa lên, đưa xuống, vẻ còn mệt nhọc. Tên tướng giặc cười phá lên rồi xuống ngựa giơ chân đạp nhẹ vào thân cây sung. Thế là cây sung bị gãy ngang và ào ào đổ xuống. Hắn lại nhẹ nhàng đưa một tay tóm lấy cái cối đá ném vứt đi, như ta ném một hòn gạch con và cho rơi ùm xuống cái ao lớn gần đấy. Hắn gọi mấy tên quân đến trói chặt ông thầy dạy võ lại rồi bảo:
-Tao nghe mày muốn đi đánh tao phải không? Bây giờ thì mạng mày nằm trong tay tao rồi! Muốn sống thì hãy giết một con bò tơ, lọc năm mươi cân thịt ngon nhất, nấu một nong xôi gấc rồi mang đến chỗ ta đóng quân ở trên ngọn đồi giữa làng. Phải đội trên đầu mà đi chứ không được gánh. Đi luôn một mạch, không được dừng lại hay đặt xuống nghỉ. Đội thịt đến trước! Đội xôi đến sau!
Nói xong hắn ra lệnh cởi trói cho ông. người thầy dạy võ giận tím ruột, tím gan nhưng chẳng nói gì. Lúc ấy năm người con đang đi vắng, họ phải đi học chữ xa làng và lại sắp đến mùa thi. Không ai dám rời cái bút cái nghiên. Nhưng vừa nghe tin giặc kéo đến làng, họ lập tức đeo gươm vào người mà xin thầy cho về. Về đến nhà, nghe bố kể chuyện lại, năm người con nổi giận muốn chạy đi tìm tên tướng giặc hung ác để giết ngay. Người bố liền khuyên:
-Không được! Lúc nào quân lính của hắn cũng vây quanh, khó mà đến gần. Ngọn thương của hắn lại có thể đâm chết người từ rất xa. Các con cứ bình tĩnh, ta đã có cách khử nó! Người cha đi vay tiền mua một con bò tơ, mổ thịt rồi lọc lấy năm mươi cân thịt ngon nhất để vào một cái nia to. Ông lại đi vay ba gánh nếp trắng, đi xin ba chục quả gấc đỏ, nấu một chục nồi xôi thật dẻo. Ông đội nia thịt bò tơ đến trước. Chân ông còn đau, năm mươi cân thịt đội trên đầu không phải là nhẹ. Ông đội nia đi, mồ hôi vã ra đầy trán. Tên tướng giặc thấy ông đội thịt đến, mồm cứ nuốt nước bọt ừng ực. Hết nuốt nước bọt ừng ực, hắn lại khoái trá cười to. Còn người đội thịt thì bấm ruột chịu đựng và nghĩ thầm: "Cho mày cứ cười rồi mày sẽ biết..." Tên tướng giặc cười nhận thịt xong quát to lên và giục:
-Còn nong xôi nữa, mày về đội đến đây ngay! Người thày dạy võ lại về đội nong xôi đến. Nong xôi to và nặng hơn nia thịt nhiều. Nhưng xôi nấu ngon và nhìn đẹp quá. Ông đội nong xôi đi đến đâu, ở đó cứ thơm lừng. Mới đi được nửa đường, mồ hôi ông đã vã ra đầy mặt, đầy người. Đôi chân ông mỗi lúc một yếu, cứ run lẩy bẩy. Cái cổ cứ như muốn gãy gập lại. ông vẫn bặm môi, cắn răng và bắt đầu leo lên đồi. Tuy mệt lử nhưng đôi mắt ông sáng quắc và lòng ông rất vui. Ông tự nhủ: "Gắng lên! Chỉ cần một lúc nữa, một lúc nữa..." Tên tướng giặc ngồi trên cao theo dõi, vừa hả dạ, vừa lo lắng. Hắn nghĩ: "Thằng này không bị thuốc độc của ta thì khó mà trị được nó. Mà ngay bây giờ, hắn vẫn là một tay đáng sợ". Cái nong xôi gấc to lớn, thơm lừng vẫn lù lù tiến lên đồi. Mặt người đội xôi tái hẳn lại. Chỉ có đôi mắt. Đôi mắt vẫn sáng quắc. Nong xôi có lúc lảo đảo, ngả nghiêng, nhưng liền đó lại gượng lại, rồi nhích dần lên. Tên tướng giặc vội giật lấy thanh gươm của tên lính hầu rồi đứng phắt dậy, phóng gươm đi. Đường gươm sáng rực lên như một tia chớp, cắm vào bụng người thầy dạy võ làm ông chực gục xuống. Nhưng ông đã gượng đứng thẳng lên và đưa tay rút lưỡi gươm ra, phóng lại vào ngực kẻ thù. Tên giặc tránh được.
Bỗng từ trong nong xôi, năm người con nằm quây tròn được xôi phủ kín, đã vung kiếm nhảy ra và như năm làn chớp đâm phập cả vào ngực tên giặc ác. Tên tướng giặc không chống đỡ kịp, rú lên một tiếng rung cả ngọn đồi rồi ngã vật xuống. Thấy tướng đã chết, bọn lính giặc hoảng quá, kéo nhau chạy bán sống bán chết. Dẹp giặc xong, năm người con trai trở về ôm lấy xác người bố nuôi khóc vật vã mấy ngày liền. Cả làng cùng năm người con lo chuyện chôn cất rất chu đáo. Dân làng mỗi người một nắm đất đắp cho ngôi mộ ông thày cao lên. Thương bố nuôi, năm người con lại trồng quanh khu mộ năm gốc cây con, một giống cây có lá đẹp như thêu và có nhiều bóng mát. Hàng năm, đến ngày giỗ bố, họ lại đem áo đỏ ra mặc. Họ nhớ tiếc người thầy dạy võ đã có công giết giặc cứu dân. Đến lúc năm người lần lượt chết đi thì năm cái cây họ trồng quanh khu mộ người bố cũng lần lượt ra hoa màu đỏ thắm, đúng vào ngày giỗ người thầy dạy võ. Hoa đỏ như muốn nói với mọi người rằng: tuy chết đi, nhưng năm người con vẫn yêu thương người bố nuôi và hàng năm đến mùa giỗ bố, họ lại mặc áo đỏ để tưởng nhớ người đã khuất... Hoa có năm cánh đỏ rực và nhìn cả cây hoa nở rộ, người ta thấy giống như một mâm xôi gấc. Cái mâm xôi ngày nào người bố đã giấu năm người con trong đó và đội đi giết giặc. Đó là cây hoa Phượng ngày nay. Mỗi năm, khi mùa Hè đến, mùa thi đến, hoa Phượng lại nở đỏ đầy cây, đầy trời. Khi mùa Hè qua, trên khắp các cành cây, người ta lại thấy hiện ra những quả Phượng dài như những thanh gươm của năm người con trai ngày trước...