"THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ" và "THƯƠNG MẠI TRuYỀN THỐNG" ?

[b]Các Bác thấy mua sắm trên mạng hiện nay thế nào ? Nếu DN muốn cắt giảm các chi phí trong kinh doanh truyền thống để làm TMĐT thì sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì nhỉ ??? [/b][:(][:(]
Trả lời 16 năm trước
Nếu một trong những công đoạn của giao dịch thương mại như tìm kiếm đối tác, thoả thuận hợp đồng, trao đổi hàng hóa và dịch vụ, thanh toán, được thực hiện bằng công cụ điện tử thì giao dịch thương mại đó có thể được coi là thương mại điện tử. Bạn gửi fax cho các khách hàng tiềm năng để chào hàng, bạn thoả thuận chi tiết hợp đồng qua e-mail, chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng, tất cả những việc đó đều thuộc phạm trù của thương mại điện tử với ý nghĩa tổng quát của nó. Internet và thương mại điện tử. Nhưng chỉ sau khi Internet ra đời và được phổ biến rộng rãi thì thương mại điện tử mới thực sự có bước nhảy vọt. Khái niệm thương mại điện tử hiện nay hàm ý thương mại Internet nhiều hơn. Theo thống kê của IDC và OECD, với Internet, thương mại điện tử đã đạt mức tăng trưởng từ 50 tỷ USD vào năm 1998, lên đến 111 tỷ năm 1999 và dự tính sẽ đạt mức 1000 tỷ USD vào những năm 2003-2005. Qua hệ thống Internet với hàng trăm triệu máy tính trên khắp các châu lục, các doanh nhân ngày này đã thực sự có một công cụ đặc biệt hữu hiệu để giao dịch. Ta hãy xem Internet có thể giúp họ những gì: Tìm kiếm đối tác, sản phẩm, dịch vụ. Ngày nay, chúng ta có thể tìm đối tác một cách dễ dàng hơn thông qua các công cụ tìm kiếm trên Internet, đặc biệt là đối tác tại các nước phát triển, nơi có tỷ lệ phổ cập Internet rất cao. Bạn chỉ cần vào một trong những công cụ tìm kiếm như www.google.com, www.yahoo.com , gõ vào vài từ khoá liên quan đến vấn đề cần tìm, chỉ vài giây sau bạn đã có một danh sách khá dài. Sau vài giờ phân loại, sàng lọc thông tin, bạn đã có thể có trong tay một danh sách các đối tác tiềm năng. Để xem thông tin chi tiết về một đối tác cũng như sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp, bạn có thể vào trực tiếp các website của họ. So với cách làm truyền thống là qua các danh bạ điện thoại, các catalog, phương pháp mới này có rất nhiều ưu điểm: nhanh hơn, chính xác hơn, tiết kiệm hơn. Nói một cách khác, hiệu quả hơn nhiều. Nếu bạn muốn tìm kiếm một loại sản phẩm, dịch vụ nào đó cho doanh nghiệp mình, cũng qua Internet, trong nháy mắt bạn đã có danh sách các nhà sản xuất. Bảng so sánh tham số của các sản phẩm cùng loại cũng có thể tìm được khá dễ dàng trên Internet. "Vạn sự khởi đầu nan", nhưng với Internet , công đoạn đầu tiên trong giao dịch thương mại của bạn là tìm kiếm đối tác, cả mua và bán, sẽ bớt nan giải đi rất nhiều với một thị trường không biên giới. Chúng ta hãy đi tiếp vào công đoạn sau. Thoả thuận hợp đồng Một trong những điểm quan trọng nhất trong công đoạn thoả thuận hợp đồng là xác định giá. Với Internet, việc xác định giá cho một sản phẩm và dịch vụ cụ thể nào đó khá dễ dàng và nhanh chóng. Bạn có thể gửi thư hỏi giá, thư báo giá đến các đối tác, bạn cũng có thể đưa giá sản phẩm, dịch vụ của mình trên website để tất cả những ai quan tâm có thể xem được. Bạn cũng có thể trao đổi, đàm phán trực tiếp với đối tác ở nước ngoài, cũng như trong nước qua Internet mà không tốn tiền điện thoại đường dài. Internet có các công cụ hữu hiệu để làm những việc này, đó là website, e-mail, các công cụ để hội đàm như ICQ, MS Messenger, AIM vv. Thanh toán Thanh toán là một trong những vấn đề gây nhiều bàn cãi và khó hiểu nhất trong thương mại điện tử. Nếu không kể đến những hợp đồng lớn giữa các công ty, vẫn được thực hiện theo các phương thức truyền thống như trong giao dịch ngoại thương thông qua tín dụng thư hoặc điện chuyển tiền, trong các giao dịch nhỏ, việc thanh toán có thể được thực hiện qua thẻ tín dụng như Master Card, Visa Card, American Express. Khách hàng chỉ cần nhập một số thông tin về thẻ tín dụng của mình, toàn bộ các công việc còn lại sẽ được các ngân hàng thực hiện. Rất tiện lợi, nhưng…. cái "nhưng" đó chúng tôi sẽ trình bày trong phần "có an toàn không" dưới đây. Vận chuyển hàng hoá, dịch vụ Tất nhiên bạn không thể truyền bộ quần áo hay món đồ thủ công mỹ nghệ qua mạng nhưng thông tin thì thoải mái. Chúng ta không quên rằng thông tin cũng là hàng hoá. Vậy thì các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến thông tin như dịch thuật, tư vấn, đào tạo, các dịch vụ báo chí, truyền thông đều có thể được vận chuyển một cách dễ dàng qua Internet. Rất nhanh và rất tiết kiệm. Đối với các hàng hoá phải chuyển theo các kênh truyền thống như đường biển, đường hàng không, vv. Internet vẫn là một trợ thủ đắc lực khi giúp chúng ta theo dõi được tình trạng cũng như vị trí của hàng hoá trên đường vận chuyển. Các công ty vận tải biển, các công ty phát chuyển nhanh thường cung cấp các dịch vụ này cho khách hàng của mình như một công cụ marketing hiệu quả. Ưu điểm hay nhược điểm Và bạn nên nhớ, tất cả các ưu điểm đã nêu sẽ trở thành nhược điểm đối với bạn khi đối thủ cạnh tranh khai thác được nó, còn bạn thì khoanh tay đứng nhìn. B2B và B2C - bán buôn và bán lẻ. Đây cũng là hai khái niệm rất mốt trên các phương tiện thông tin đại chúng khi nói về thương mại điện tử. B2B là Business-to-Business, ta có thể hiểu theo nghĩa là bán buôn. Các website phục vụ bán buôn qua mạng chiếm tỷ lệ 61% ở châu Au và 43% ở Mỹ. Hình thức giao dịch này phục vụ chủ yếu giai đoạn tìm kiếm và giới thiệu sản phẩm và dịch vụ giữa các công ty với nhau, việc thanh toán cũng như vận chuyển hàng hoá, dịch vụ thường không khác nhiều so với giao dịch truyền thống. Với B2C (Business to Consumer - bán lẻ) thì khác hẳn, bạn sẽ phải lo đến việc thanh toán trực tuyến hoặc vận chuyển hàng hoá một cách nhanh chóng và an toàn nhất. Giới thiệu hàng hoá cho khách hàng cũng không đơn giản chút nào, đặc biệt là đối với các loại hàng hoá "khó tính" như quần áo, đồ trang sức. Mô hình B2C đã phát triển rất mạnh và cũng đã kịp đi xuống rất nhanh trong những năm vừa qua. Điều đó nói lên sự đánh giá không chính xác về tiềm năng của loại hình kinh doanh này cũng như rất nhiều vấn đề tồn đọng khác đã làm cản trở con đường phát triển của việc bán lẻ qua mạng. Có an toàn không? An toàn là khái niệm tương đối. Rủi ro trong kinh doanh có ở khắp nơi. Cửa hiệu của bạn có thể bị cháy, và thời gian để hồi phục nó phải tính bằng tháng. Nếu một cửa hàng buôn bán trên mạng có bị tấn công , bạn cũng chỉ cần đến vài giờ để phục hồi dữ liệu đã được lưu trữ. Nếu là khách hàng, bạn có thể lo bị mất số thẻ tín dụng khi điền các tham số để mua trực tuyến, điều đó có thể, nhưng các công cụ bảo mật hiện đại hầu như đã loại trừ được vấn đề này. Cùng lắm ngân hàng của bạn sẽ thu hồi lại số tiền đã bị đánh cắp khi bạn viết đơn khiếu nại. Ngược lại nhà cung cấp có thể mua bảo hiểm để phòng ngừa. Nói chung, nếu thương mại điện tử không an toàn thì đã không có những doanh số khổng lồ hàng tỷ USD một năm. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể lơi là. "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", hãy làm tất cả để thương mại điện tử trở nên an toàn chứ đừng đợi lấy bảo hiểm hoặc khiếu nại. Có lẽ điểm đầu tiên cần có để đảm bảo an toàn cho các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ trực tuyến là một đạo luật về chữ ký điện tử. Với một điều luật rõ ràng và các công cụ đảm bảo an toàn thông tin hiện đại, một giao dịch trên Internet cũng có tính pháp lý nhưng một hợp đồng bình thường. Bạn giao hàng đúng qui cách, phẩm chất và có thể yên tâm thu tiền của khách hàng. Trong trường hợp một đạo luật như vậy chưa có thì sao, chúng tôi sẽ nêu ra cách giải quyết vấn đề này ở bài sau. Khi nào thì bắt đầu. Cái chính là đừng vội vàng. Chỉ bắt đầu khi cần thiết và có đủ điều kiện. Nếu bạn thấy loại hình kinh doanh của bạn phù hợp với thương mại điện tử , hãy đưa nó lên mạng. Nếu bạn còn đắn đo, hãy tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia. Phần 2: Bắt đầu và không ngừng hoàn thiện Chúng ta rất thường nghe Website là một công cụ hữu hiệu trong thế giới thương mại điện tử. website là gì, thế nào là một website có chất lượng , và cần làm những gì để đạt được chất lượng mong muốn . Khái niệm website. Những khái niệm như cửa hàng, siêu thị, thư viện, nhà máy … quá quen thuộc với tất cả chúng ta. Nhưng đó là trong thế giới vật chất, còn trong thế giới của thông tin với hệ thống giao thông là mạng Internet,những khái niệm đó được tổng hợp chung vào trong từ "website". Chúng ta sẽ có website- cửa hàng, website-văn phòng, website- nhà riêng (hay còn gọi là trang cá nhân ) website siêu thị. Bạn có thể tiếp tục danh sách này. Địa chỉ của một website hay vị trí của cửa hàng trên Internet. Khi so sánh Internet với môi trường kinh doanh truyền thống, chúng ta có thể tự đặt câu hỏi, thế trên Internet có những khái niệm như vị trí tốt, xấu không, có nhà trung tâm, nhà ngoại ô không. Có ! và đó là điều đáng để suy nghĩ, không nhanh chân chúng ta sẽ không còn chỗ, hoặc là phải mua lại với giá rất đắt. Đó là gì vậy? Chính là địa chỉ của website. Ví dụ như www.hanoisoftware.com.vn hay www.ibm.com . Tên của website không được trùng nhau, trong khi đó tên viết tắt của các công ty thì trùng nhau quá nhiều, ví dụ như HanoiSoftware là tên viết tắt của Hanoi Software Jsc., cũng có thể là tên viết tắt của Hanoi Software Center. Cả hai đều muốn có địa chỉ dễ nhớ là www.hanoisoftware.com.vn (rất may trong trường hợp của chúng tôi chỉ là hai cách giải nghĩa khác nhau cho cùng một tên viết tắt của công ty) Một địa chỉ dễ nhớ giữ vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu một website. Địa chỉ nhớ thông thường phải ngắn gọn hoặc có ý nghĩa. Nếu doanh nghiệp đã có thương hiệu khá nổi tiếng thì nên dùng ngay thương hiệu của mình. Vậy điều đầu tiên cần làm là kiểm tra tên công ty mình còn không, nếu may mắn chưa bị ai chiếm chỗ, hãy đăng ký ngay, đừng chậm trễ. Thế nào là một website có chất lượng. Bạn có thể định nghĩa theo ISO "… là sự thoả mãn yêu cầu của người dùng", không sai nhưng quá chung chung và do đó không giúp ích gì được chúng ta. Website có chất lượng là website thoả mãn được ba điều kiện sau đây: * Nội dung hấp dẫn, đầy đủ, hợp với chủ ý của việc xây dựng website * Được sắp xếp, bố cục một cách hợp lý, tạo điều kiện cho người đọc dễ định hướng trong website. * Hình thức đẹp, phù hợp với chủ đề nội dung. Để làm được như vậy có khó không? Không khó nếu bạn đã xác định được rõ mục tiêu và làm việc với đối tác là một công ty chuyên nghiệp trong thiết kế và phát triển các công cụ thương mại điện tử. Chúng ta sẽ phân tích chi tiết từng điểm: Về nội dung. Trước tiên bạn cần định rõ đối tượng của website . Có thể là các khách hàng tiềm năng, có thể là các đối tác hiện có của công ty, các nhà đầu tư nước ngoài. Họ hiểu ngôn ngữ gì, những thông tin gì làm họ quan tâm hơn cả. "Biết mình biết ta trăm trận không thua". Một điểm rất quan trọng nữa là nội dung phải được cập nhập thường xuyên. Một lỗi rất thông thường của các website tại Việt Nam là người ta làm ra nó để đưa lên mạng, sau đó thì website bị đi vào quên lãng. Một website như vậy không mang lại gì cho doanh nghiệp, thậm chí phản tác dụng. Nguyên nhân ở đâu: Thứ nhất do chúng ta chưa có ý thức cần phải cập nhật thông tin thường xuyên, thứ hai do các website được thiết kế theo công nghệ đã lạc hậu, đòi hỏi một trình độ nhất định khi muốn thay đổi nội dung. Lối thoát: hãy yêu cầu nhà thiết kế website cung cấp cho bạn một công cụ thuận tiện để có thể tự mình thay đổi nội dung thông tin, thậm chí cả bố cục và hình thức của website. Nếu họ không làm được điều này, hoặc đòi hỏi quá nhiều, bạn có thể liên lạc với toà soạn báo, chúng tôi sẵn sàng giúp bạn. Về hình thức. Có lẽ đây là điểm quan trọng nhất và khó nhất đối với doanh nghiệp, quan điểm về cái đẹp của chúng ta thường không giống nhau. Nhiều khi bạn cho là đẹp thì người khác lại coi là màu mè, bạn thấy đơn giản thì người khác cho là tầm thường. Lối thoát: hãy tin tưởng giao việc này cho các hoạ sỹ, các nhà tạo mẫu chuyên nghiệp. Nếu bạn mạnh dạn bỏ cái tôi của mình sang một bên và cung cấp đủ thông tin cần thiết về công ty, về sản phẩm và dịch vụ của mình cho các hoạ sỹ, bạn sẽ có một website đẹp và chuyên nghiệp. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản giữa website của một công ty lớn và một công ty nhỏ. Một hoạ sỹ chuyên nghiệp cũng biết cách làm sao để website của bạn vừa đẹp, đồng thời vừa có kích thước nhỏ, gọn, không để người dùng phải đợi lâu khi tải thông tin . Bố cục. Các chuyên gia về thương mại điện tử của tổ chức thương mại quốc tế ITC đã cho chúng ta một lời khuyên rất quý báu: "Hãy làm sao để người xem chỉ cần nhấn chuột không quá 3 lần để thấy thông tin cần tìm". Nếu bạn đã từng mua hàng ở các siêu thị thì rất dễ nhận thấy vấn đề này. Trong một siêu thị tốt có hệ thống chỉ đường rõ ràng , bạn biết ngay thứ bạn cần nằm ở đâu, ngoài ra bạn còn có thể "tìm kiếm nhanh" bằng cách hỏi nhân viên phục vụ. Một siêu thị kém thì khác, đi lòng vòng cả buổi nhiều khi tìm không ra. Với website cũng vậy. Nếu đạt được ba mục tiêu trên , có thể nói bạn đã xây dựng được một website có chất lượng. Tất nhiên mọi sự không chỉ dừng lại ở đó, chúng tôi sẽ đề cập đến các khía cạnh kỹ thuật cần quan tâm trong kỳ sau. Vậy làm thế nào để có một website thực sự có chất lượng và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp? Câu hỏi không đơn giản và để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy làm một phép so sánh: website-"nhà riêng", website-"cửa hàng", website- "nhà máy", website- "siêu thị" vv. Bước 1: Hãy xác định rõ chúng ta cần gì. Đó là bước đầu tiên. Bước 2: Tiếp theo là phải tìm cho được những "kiến trúc sư ", những "thợ xây" có đủ khả năng để làm theo yêu cầu của bạn , cũng như phải dự trù được cần đầu tư bao nhiêu cho "công trình xây dựng" tương lai. Bạn đã tìm được những người có khả năng thực hiện được ý tưởng của bạn và ký được hợp đồng, đó là bước thứ hai. Bước 3: Làm việc cùng nhà thiết kế, phát triển website. Hãy cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của "kiến trúc sư", thông tin càng nhiều, hình ảnh càng nhiều càng có nhiều cơ hội để tìm được những ý tưởng sáng tạo độc đáo. Bạn có thể khá vất vả trong giai đoạn này, nhưng không có cách nào khác. Bạn là người hiểu doanh nghiệp của mình rõ nhất. Bước 4: Công trình của bạn đã hoàn thành, bạn cần đưa nó lên mạng, hay còn gọi là Hosting và tiến hành quảng cáo, giới thiệu . Cũng giống như sau khi khai trương một cửa hàng vậy, không có quảng cáo , giới thiệu sẽ không có khách đến giao dịch, mua bán. Ít nhất thì bạn cũng phải đăng ký tên, địa chỉ của "cửa hàng" trong các "sổ tra cứu ", các "catalog" về sản phẩm , dịch vụ. Trong thế giới Internet người ta gọi là các công cụ tìm kiếm như Yahoo, Google, Altavista vv. Đây là một giai đoạn hết sức quan trọng và không thể bỏ qua. Nếu bạn không làm tốt điều này, toàn bộ công sức cho ba giai đoạn trước có thể nói là phí phạm. Bước 5. Những công việc trên đã xong, đến đây, có thể nói vai trò của những người "thợ xây" đã kết thúc. Website của bạn có phát triển được hay không, có giữ được khách hay không là do bạn. Nếu bạn luôn cập nhật, đổi mới thông tin , đưa ra những chiến dịch khuyến mãi, có những phương pháp tiếp thị độc đáo, website của bạn sẽ mang lại hiệu quả. Đây là giai đoạn ổn định và thú vị nhất. Bước 6. Hãy chuẩn bị cho những thay đổi trong tương lai, công nghệ thông tin phát triển rất nhanh, những gì tưởng như không thể khi bạn đang thiết kế website, một vài tháng hoặc vài năm sau đã trở thành hiện thực. Đừng quá hài lòng với những gì đã có.