Con Nan
Trả lời 15 năm trước
Ít bà mẹ biết rằng sự phát triển ấy đã bắt đầu từ trước khi mang thai…
[b]Thấp còi từ trong trứng[/b]
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày giúp đảm bảo cho hoạt động, phát triển của tất cả các tế bào trong cơ thể. Buồng trứng và tử cung của người phụ nữ cũng không ngoại lệ. Nếu cơ thể thiếu chất dinh dưỡng thì chắc chắn buồng trứng cũng sẽ kém dinh dưỡng còn niêm mạc tử cung cũng sẽ mỏng hơn bình thường. Ngay khi tinh trùng và trứng gặp nhau, phôi thai hình thành từ một tế bào và sẽ phát triển từng giây, từng phút để thành một cơ thể hoàn chỉnh.
Hơn thế nữa, phôi thai làm tổ trong niêm mạc tử cung, và lấy chất dinh dưỡng từ đây. Điều này cho thấy dinh dưỡng của người mẹ có ảnh hưởng đến bào thai ngay từ giây phút đầu tiên. Tuy nhiên, người phụ nữ chỉ biết chắc mình có thai sớm nhất là khi thai đã 5 - 6 tuần. Như vậy, bào thai sẽ có nguy cơ bị… đói cả tháng đầu tiên nếu chế độ dinh dưỡng của mẹ không đầy đủ từ nhiều tháng trước, đặc biệt khi mẹ bị thiếu năng lượng kéo dài (do quá gầy yếu, chỉ số cơ thể BMI* nhỏ hơn 18,5).
Khi bắt đầu mang thai, nhiều chị em lại có thể bị thai hành (nghén) nên nguồn dinh dưỡng cho cơ thể và thai tiếp tục thiếu thốn. Cho đến trước khi bắt đầu ăn lại được, nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai sẽ vẫn còn khá cao.
Sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng cân đối, phù hợp nhất dành cho con. Sữa mẹ còn chứa nhiều kháng thể quý giá từ mẹ giúp cơ thể con chống lại nhiều bệnh tật mà không có thức ăn thay thế nào có thể cung cấp được. Nếu sau sinh, mẹ ăn kiêng về số lượng (vì mong muốn giảm cân) hoặc chất lượng (do theo tập tục xưa) thì đều có ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng sữa, nghĩa là ảnh hưởng đến sự phát triển về sức khỏe, thể chất và trí tuệ của con một cách trực tiếp và lâu dài.
Nền tảng ban đầu của cơ thể con bị thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng như vậy thì con không thể nào phát triển hết tiềm lực dù có được thừa hưởng những bộ gen tốt và nuôi dưỡng trong những môi trường tốt sau này.
[b]Mẹ khỏe con mới khỏe[/b]
Muốn con mình phát triển toàn diện một cách tốt nhất, điều đầu tiên bà mẹ nên quan tâm là sức khỏe của bản thân mình từ trước khi lên kế hoạch mang thai. Chăm sóc sức khỏe đúng còn là biện pháp giúp bà mẹ sau khi sinh khỏe và đẹp hơn.
Tuy nhiên, đa phần chị em ít chú ý tới sức khỏe toàn diện mà chỉ đau đáu nỗi niềm làm sao giữ được thân hình thon thả như thời con gái hoặc cố công giảm cân để thật duyên dáng trong ngày cưới và cả sau ngày cưới (vì nhiều lý do trong đó có cả chuyện “trừ hao” cho lúc mang thai!)…
Nhưng nếu không bồi dưỡng để đầy đặn hơn (người gầy) hoặc thực hiện kế hoạch giảm cân (đối với người thuộc týp “thon thon hình vại”) ngay trước khi mang thai một thời gian ngắn, thậm chí mang thai trong khi đang thực hiện giảm cân không những gây bất lợi cho sự phát triển toàn diện của con mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân mình.
Do sự xuất hiện của thai trên nền tảng dinh dưỡng kém của cơ thể mẹ, nguồn sinh lực và sức đề kháng của mẹ sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt. Vì vậy, mẹ dễ nhiễm bệnh trong thời gian đầu thai kỳ, ảnh hưởng sức khỏe cho cả mẹ (vì rất khó lựa chọn thuốc điều trị cho người có thai) lẫn con (nguy cơ dị tật, kém phát triển…).
[b]Để bé cao lớn, khỏe mạnh...[/b]
Như vậy, sau khi lập gia đình để chuẩn bị cho sự ra đời của một thành viên mới, hoặc đang có kế hoạch cho lần sinh thứ hai, bà mẹ cần chú ý:
1. Cơ thể khỏe mạnh, chỉ số BMI bình thường (trong khoảng 18,5 - 23)thì có thể mang thai bất cứ lúc nào.
2. Nếu sức khỏe không tốt, hoặc có bệnh đang điều trị, hoặc mới vừa điều trị xong, hoặc cân nặng dưới 40kg, hoặc chỉ số BMI nhỏ hơn 18,5 cần khám và điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, nâng cao tổng trạng bằng chế độ dinh dưỡng giàu năng lượng, đầy đủ và cân đối để sức khỏe trở về bình thường cũng như cải thiện trọng lượng cơ thể đảm bảo BMI lớn hơn 18,5. Sau đó mới bắt đầu lên kế hoạch mang thai.
3. Nếu chỉ số BMI từ 23 trở lên: Đây là những trường hợp có chỉ định phải giảm cân nên cần tham khảo ý kiến BS. Trong những trường hợp dư cân ít (BMI nhỏ hơn 25) mà có nhu cầu sinh con sớm (lý do cá nhân, hoặc tuổi cao,…) thì cũng không nhất thiết phải giảm cân trước khi mang thai (vì không nên có thai liền ngay sau thời gian giảm cân).
Những trường hợp này cần được BS theo dõi về cân nặng trong thời gian mang thai, hướng dẫn chế độ ăn hợp lý (chứ không phải ăn kiêng để giảm cân) để thai phát triển tốt và mẹ tăng cân vừa phải.
Nhìn chung, qua thời gian mang thai và nuôi con vất vả, chị em vẫn có thể bị tăng cân đôi chút nhưng sau đó trọng lượng cơ thể sẽ giảm dần nếu biết thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nếu sau khi con đã thôi hoàn toàn sữa mẹ mà vẫn còn dư cân (tính theo chỉ số BMI), chị em có thể gặp BS để lập kế hoạch giảm cân an toàn cho mình.