Nên mang theo đồ bảo hộ nào khi đi du lịch sông nước?

Hôm qua em vừa đọc tin tức vụ chìm thuyền ở Đà Nẵng làm 3 người tử vong, trong đó có 2 trẻ nhỏ mà hoang mang quá các mẹ ạ. Chẳng là sắp tới đây em cũng cho con đi du lịch Đà Nẵng - Nha Trang, cũng phải đi tàu ra đảo. Xin hỏi các mẹ kinh nghiệm khi đi du lịch sông biển, nên mang theo những đồ bảo hộ nào để đảm bảo an toàn ạ?

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 8 năm trước

Khi đi du lịch sông nước, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng các đồ bảo hộ, lên kế hoạch cụ thể và đọc các hướng dẫn đề phòng khi rơi vào tình huống nguy hiểm. Hầu hết nạn nhân tàu chìm rơi vào trạng thái hoảng loạn và và nhiều người chết do bị giẫm đạp. Trong những tình huống cấp bách này, bạn hãy bình tĩnh mặc áo phao, chuẩn bị một số đồ thiết yếu và nhảy ra khỏi tàu, tìm cách phát tín hiệu cầu cứu.

Dưới đây là những kinh nghiệm du lịch sông nước mà vatgia.com xin gửi đến bạn:

Lựa chọn tàu

Việc lựa chọn một con tàu trước khi quyết định chuyến du lịch trên biển là điều vô cùng quan trọng. Bạn cần tìm hiểu, lựa chọn tàu có chất lượng, khả năng an toàn cao. Để tiết kiệm kiệm tối đa thời gian và tiền bạc, bạn nên tham khảo thông tin của các công ty du lịch uy tín.

Khi đã lên tàu, điều đầu tiên là quan sát vị trí của thuyền cứu hộ, áo phao cứu hộ, bộ cứu thương... Mỗi tàu lớn đều trang bị ít nhất một áo phao cho mỗi hành khách. Dù là một chuyến đi dài ngày hay chỉ là một bữa ăn trên sông nước, việc biết được vị trí của tàu thuyền cứu hộ có thể sẽ cứu được mạng bạn trong tình huống xấu.

Nếu còn bất cứ băn khoăn nào, đừng ngại trò chuyện với những thủy thủ đoàn mà bạn gặp. Mỗi người trong họ đều có những câu chuyện rất thú vị. Chắc chắn bạn sẽ có những thông tin vừa hữu ích vừa hấp dẫn để tích lũy kinh nghiệm cho riêng mình.

Chuẩn bị nước uống, đồ ăn tiện lợi khi du lịch bằng tàu thuyền. Bạn vừa có thể nhấm nháp khi du lịch trên tàu, nhưng cũng có thể cứu sống bạn nếu phải lênh đênh trên biển.

Khi tàu có dấu hiệu bị chìm

Điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh mới có thể xử lý tình huống một cách thông minh nhất. Hãy lắng nghe tín hiệu sơ tán trên hệ thống loa trên tàu hoặc các tín hiệu của tàu và tìm lối thoát hiểm gần nhất.

Hãy tuân theo hướng dẫn của nhân viên trên tàu bởi họ là người đã được huấn luyện xử lý tình huống trong những trường hợp cấp bách. Bạn chỉ nên tự mình hành động khi không có ai đưa ra hướng dẫn cụ thể. Nếu đi cùng trẻ em, nên chuẩn bị ổn thoả cho mình rồi mới trang bị cho trẻ em.

Mặc áo phao và bình tĩnh rời khỏi con tàu. Khi thời gian cho phép, hãy mang theo những vật dụng sẽ giúp bạn sinh tồn như nước sạch, đèn pin, lương khô..., đừng cố gắng thu gom tài sản. Nếu bạn có áo mưa, áo khoác, hãy mặc chúng vào. Chúng sẽ giữ ấm cho bạn và giúp bạn cầm cự lâu hơn khi lênh đênh trên sóng biển.

Hãy nhớ phải thoát khỏi con tàu, xác định hướng tàu bị chìm và luôn phải đi về hướng trên cao. Thông thường nhiều người hoảng loạn hay chen lấn, giẫm đạp lên nhau khiến bị thương. Khi bạn vẫn còn ở trong con tàu, nhớ cẩn thận những vật thể bay hoặc nổi trên đường đi của bạn.

Cần làm ngay

Nếu đi trên những con thuyền lớn, thời gian chìm khá chậm nên bạn có nhiều thời gian để chuẩn bị. Hãy bình tĩnh phân chia mỗi người tìm các thiết bị nổi, chuẩn bị bè cứu sinh, người sẽ chặn các lỗ rò nước, người chuẩn bị lương thực, nước uống có sẵn trên tàu, chuẩn bị đèn hay tín hiệu phát sáng.

Cố gắng tìm cho mình một chiếc phao bơi, ván gỗ, thùng, can nhựa. Bạn cũng nên tìm vài chiếc túi nilon lớn, nhỏ, trường hợp khẩn cấp thổi phồng chúng, túm lại với nhau thành một chiếc phao nổi và tìm thời điểm vàng để thoát thân. Chuẩn bị chu đáo cho bản thân sẽ giúp bạn tăng khả năng sống sót trong những tình huống xấu nhất.

Thả thuyền hoặc đến nơi có thuyền cứu hộ

Khi con tàu có khả năng chìm dần xuống, hãy thả thuyền cứu hộ, bỏ vào đó những đồ đạc cần thiết nhất và bình tĩnh xuống thuyền, không được chen lấn xô đẩy sẽ khiến thuyền mất thăng bằng, bị lật.

Nếu không biết đường, hãy đến chỗ bạn thấy thuyền viên và hỏi họ nơi xuồng cứu hộ đang giúp khách thoát nạn. Nếu có thể lên thuyền cứu hộ an toàn và không bị ướt, hãy giữ bình tĩnh, nghe theo hướng dẫn và chờ cứu viện. Hãy làm mọi việc để đảm bảo bạn và người thân của mình được sống sót.

Bơi thuyền cứu hộ ra xa

Khi đã xuống được thuyền cứu hộ thì ngay lập tức bạn phải bơi thuyền ra xa phía khu vực tàu bị đắm, tránh bị hút xuống dòng xoáy của nước. Nếu bạn đi tàu khách lớn, chắc chắn sẽ có tàu cứu hộ đến, vì vậy hãy quanh quẩn ở khu vực bị đắm để chờ cứu hộ.

Liên kết các bè, thuyền

Không phải lúc nào bạn cũng có thể sống sót nếu chỉ có một mình. Nếu có nhiều thuyền cứu hộ, hãy tìm cách liên kết lại với nhau bằng dây. Khi hợp lại thành một mảng lớn, sẽ có thể đối đầu với các con sóng lớn, và dễ dàng để tàu khác nhận ra. Luôn ở cùng nhau, các bạn sẽ là nguồn động viên tinh thần cho nhau trong lúc hoạn nạn.

Tránh xa vết dầu loang

Nếu phát hiện ra vết dầu loang từ con tàu bị đắm, bạn phải nhanh chóng tìm cách chèo thuyền ra xa khỏi vị trí dầu loang. Bởi những đám cháy từ các vết dầu loang này lan rất nhanh.

Hãy sử dụng lương thực tiết kiệm nhất

Bạn không biết lúc nào có thể thoát nạn được nên tốt nhất hãy tiết kiệm lương thực, để giúp bạn không bị đuối sức nhưng vẫn có thể chống chọi lại được nếu còn tiếp tục phải lênh đênh trên biển.

Phát tín hiệu cầu cứu

Hãy hứng nước mưa để uống, đừng uống nước biển hoặc nước tiểu. Nếu có vết thương, hãy cố gắng xử trí nó tốt nhất. Hãy ngồi gần nhau để giữ ấm và phân công nhau để canh chừng, cố gắng kiên định chờ đến khi tàu cứu hộ đến. Chỉ sử dụng tín hiệu khi báo hiệu cho đội cứu hộ. Nếu thấy bóng dáng của máy bay hay tàu khác thì phát tín hiệu bằng pháo sáng, khói hay bất cứ quần áo sắc màu nào hoặc âm thanh nào có thể.

Chọn hướng gió để hảy xuống nước

Trường hợp bạn không còn cơ hội lên xuồng cứu hộ, hãy nhảy xuống nước. Nhưng trước hết phải nhớ tìm cho mình một chiếc phao hay bất cứ vật gì có thể làm nổi được. Bạn ôm phao thật chắc trước ngực để khi rơi xuống người phải nằm đè lên phao. Những chiếc túi nilong bạn mang được khi rời tàu cũng rất hữu hiệu trong nhiều tình huống.

Khi nhảy xuống nước, nên nhảy theo phương thẳng đứng và chọn hướng xuôi gió để nhảy. Đừng nhảy ở phía con tàu, thuyền nghiêng, đang bị chìm.

Bơi ra xa nhưng phải quanh quẩn khu vực tàu chìm để tiện cứu hộ, cố gắng tìm kiếm xung quanh thứ gì có thể tận dụng được như lương thực, nước uống….. Bạn hãy cuộn tròn lại hết mức có thể để giảm sự tiếp xúc với nước biển, giữ được nhiệt.

Giữ sức

Nếu lênh đênh trên biển, bạn phải bình tĩnh xác định được hướng đất liền, tìm cách phát ra tín hiệu cầu cứu nếu thấy phương tiện nào đi qua. Nên cố gắng bình tĩnh định hướng, quan sát các loài chim biển. Nếu gặp chim biển đang bay, hướng bay của nó sẽ là đất liền, nhất là vào các buổi chiều.

Bạn cần phải giữ sức để vật lộn với sự sống. Hãy hạn chế ăn uống và phải phân bố lương thực cho hợp lý. Nếu gặp trời mưa phải tìm cách hứng vào túi nilon mang theo trước khi xuống biển. Nước sẽ là yếu tố giúp bạn sống sót. Rong tảo ở biển là thức ăn rất tốt cho sức khỏe và có thể dễ dàng tìm thấy chúng ở biển.

Tận dụng hướng gió và sóng

Hãy chú ý tận dụng hướng gió và sóng để có thể sống sót bơi vào bờ. Tốt nhất bạn hãy bơi sau lưng và bám sát những ngọn sóng, sẽ giúp bạn đỡ tốn sức nhất.

Điều quan trọng là đừng bao giờ từ bỏ hy vọng. Hãy kiên định, những người sống sót thần kỳ trong các vụ đắm tàu thường là những người kiên định nhất.

Trịnh Bảo Nam
Trịnh Bảo Nam
Trả lời 8 năm trước

Trong những ngày hè nắng nóng, một chuyến du lịch đến những bãi biển bao la để tận hưởng những cơn gió hào phóng, nô đùa với làn sóng xanh bất tận... là tuyệt vời nhất. Nhưng để chuyến du lịch của bạn được trọn ven niềm vui thì trước khi đi bạn phải nhớ chuẩn bị một số đồ dùng giúp ích cho bạn khi tới biển. Dưới đây là những vật dụng và lời khuyên để có 1 chuyến du lịch an toàn mà vatgia.com muốn chia sẻ với bạn trước kỳ du lịch hè.


1. Chuẩn bị những vật dụng mang theo

Chuẩn bị kỹ lưỡng các vật dụng cần thiết để không lâm vào tình trạng lúng túng vì thiếu thốn. Đó cũng là một cách tiết kiệm tiền và thời gian.


- Thuốc và các dụng cụ y tế đơn giản:

Thuốc say sóng: Bạn nên uống các loại thuốc an thần chóng say sóng nôn mửa trước khi xuất phát.

Thuốc chống dị ứng: Hải sản rất dễ gây nên một số bệnh dị ứng như ngứa, mề đay,..

Các dụng cụ y tế như: bông ngoáy tai, bang cá nhân, thuốc nhỏ mắt, thuốc đau bụng tiêu chảy, những thứ thuốc đặc trị nếu bạn là người mắc bệnh kinh niên bởi đảo là một vùng cách biệt với đất liền, điều kiện vật chất khá thiếu thốn.


- Thực phẩm nhẹ và nước hoa quả đóng hộp: như bánh mì, nước uống, bánh ngọt, trái cây các loại nước trái cây… mang theo từ nhà những thứ này sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoảng không nhỏ. Kể cả trường hợp trên tàu, ghe có bán thì giá cũng rất đắt so với bình thường.


- Các đồ dùng trong bơi lặn:

Đồ bơi: Hiện nay tại các cửa hàng quần áo tắm khá phong phú về cả màu sắc lẫn mẫu mã. Bạn có thể lựa chọn theo túi tiền và sở thích.

Kính bơi, ống nút tai, ống thở đơn giản, chân nhái: vì có thể trong chương trình đoàn dự định sẽ tổ chức những chuyến đi câu hoặc lặn biển.

Khăn tắm: bạn nên mang theo khăn cho riêng mình. Hàng dệt kim Việt Nam sài cũng tốt và giá không mắc


- Những vật dụng khác:

Kem chống nắng: Là thứ không thể thiếu trong hành lý của các bạn gái. Bạn nên lựa chọn những sản phẩm có chỉ số SPF từ 30 trở lên. Bôi sẵn trên da tay, mặt, gáy để bảo vệ làn da của bạn trước cái nắng của mặt trời.

Chuẩn bị lều trại, võng và những tấm đắp mỏng: nếu nơi bạn đến là đảo ít dân hoặc chưa phát triển về du lịch.

Máy quay phim/chụp ảnh: Nếu bạn có máy ảnh hoặc máy quay phim, đừng ngại mang theo và nhớ kèm sạc pin.

Mũ rộng vành, kính mát: hai thứ không thể thiếu nếu bạn muốn giữ mái tóc đen mượt và bảo vệ đôi mắt khỏi bị chói khi ra biển.

Xăng đan: bạn không nên đi giày da, giày thể thao ra biển. Nên sắm xăng đan cho gọn nhẹ và để đôi chân được thoáng mát.


2. Lời khuyên khi đến biền:

- Khi bạn muốn xuống biển luôn phải đi cùng 1- 2 người khác, càng đông càng an toàn.

- Không xuống tắm nếu nhiệt độ dưới 18 độ C.

- Khởi động trước khi tắm nhưng không tập quá sức. Lần xuống nước đầu tiên không quá 15 phút.

- Xuống nước từ từ, không nên lao mình xuống ngay.

- Không bơi xa quá bờ 15m hoặc ở khu vực sâu quá 5m. Cách dễ dàng nhất là luôn để ý đến cờ báo giới hạn bơi mà hầu hết các vùng biển đều có.

- Không nên phơi nắng quá lâu trước khi xuống nước.

- Đừng để bụng quá đói hoặc quá no.

- Không nín thở quá lâu khi lặn.

- Đừng mang theo đồng hồ, đồ trang sức nhất là dây chuyền, đề phòng sóng làm tuột mất.


3. Chú ý, lên bờ ngay khi thấy các triệu chứng sau:

- Cơ thể ngứa ngáy, cảm thấy lạnh.

- Thấy mệt mỏi khác thường, nhức trán hoặc sau gáy.

- Bị chuột rút, rối loạn thị giác.

- Có dấu hiệu bị chướng bụng, đau khuỷu tay và đầu gối.

Hoàng Trùng Khánh
Hoàng Trùng Khánh
Trả lời 8 năm trước

Bơi ở những vùng lặng sóng thường tiềm ẩn những dòng nước xoáy - nguyên nhân chính gây chết đuối khi tắm biển. Mọi người cần hết sức lưu ý những bất thường dưới đây:

Dòng chảy xa bờ là danh từ tôi tạm dịch từ “rip” hay “rip current”. Đây là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Chúng ta biết là sóng sẽ đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển. Dòng nước biển đi từ bờ ra biển này được gọi là rip (hay rip current).


Hình ảnh trên cho chúng ta thấy một dòng chảy xa bờ. Trong thí nghiệm này, người ta rắc chất màu sát bờ biển. Người ta quan sát thấy chất màu bị kéo ra xa bờ, chứng tỏ nơi đó dòng nước đi ngược từ bờ ra biển. Chúng ta cũng thấy nơi dòng nước đi từ bờ ra biển là vùng nước lặng, hầu như không có sóng.
Dòng nước ngược này có thể ổn định không thay đổi trong suốt cả tháng hoặc cả năm, tuy nhiên chúng cũng có thể liên tục thay đổi mỗi vài giờ. Ở một số bãi biển, dòng nước ngược này không đi hướng ta biển mà chạy dọc theo bờ biển.
Vì sao chúng ta phải nhận ra dòng chảy xa bờ trước khi xuống biển? Vì chúng rất nguy hiểm.

Tại sao dòng chảy xa bờ nguy hiểm?

Dòng chảy xa bờ là được xem là một trong những nguy hiểm hàng đầu trên bờ biển. Nó cũng là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp cứu nạn và chết đuối khi tắm biển. Dòng chảy xa bờ được ví như một dòng sông nhỏ sẽ cuốn tất cả những gì rơi vào nó xa khỏi bờ và đưa thẳng ra biển. Vận tốc trung bình dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 m/giây đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy xa bờ có thể lên đến 2,5 m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic! Dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng từ 1-3 mét. Tuy nhiên, có khi dòng chảy xa bờ rộng đến cả chục mét.


Dòng chảy xa bờ rất nguy hiểm vì nó kéo người biết bơi ra xa bờ làm cho người biết bơi kiệt sức hoảng loạn rồi chết đuối do kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy xa bờ.
Đối với người không biết bơi, dòng chảy xa bờ có thể kéo người đó ra chỗ sâu hơn dù người đó đang đứng ở mực nước ngang hông. Khi đó người không biết bơi sẽ hoảng loạn và có thể chết đuối.
Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên thường làm cho người ta hiểu lầm đó là nơi an toàn. Người ta sẽ di chuyển sang tắm nơi đó thay vì tắm nơi có biển báo an toàn. Khi người tắm biển bơi vào dòng chảy xa bờ đó, ngay lập tức họ sẽ có thể bị cuốn trôi ra biển.
Do đó, khi tắm biển, chúng ta cần nhớ rằng vùng nước lặng không có nghĩa là vùng nước an toàn.


Trong hình trên đây, nơi có sóng bạc đầu là nơi dòng nước đi từ biển vào gần bờ. Nếu chúng ta tắm biển nơi có sóng bạc đầu (breaking waves) thì chúng ta sẽ được sóng đánh đưa vào bờ. Tuy nhiên nếu chúng ta di chuyển vào tắm chỗ lặng sóng (giữa hai mũi tên) là chúng ta rơi vào dòng chảy xa bờ. Dòng sông nhỏ này sẽ lập tức kéo phăng chúng ta ra xa khỏi bờ và đưa thẳng chúng ta ra biển. Như vậy, vùng có sóng không phải là vùng nguy hiểm mà vùng lặng sóng mới chính là vùng nguy hiểm


Một ví dụ khác như hình trên đây. Vùng không có sóng bạc đầu chính là dòng chảy xa bờ. Vùng này rất nguy hiểm dù chúng lặng sóng. Khi chúng ta đi vào vùng này, chúng ta có thể bị bị dòng chảy xa bờ cuốn trôi ra biển.

Làm thế nào để nhận ra dòng chảy xa bờ?

Trước khi xuống biển, bạn nên dành khoảng 5-10 phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ trên bờ biển mà bạn sắp xuống tắm.
Bạn có thể nhận ra dòng chảy xa bờ nhờ những đặc điểm sau đây:
· Dòng chảy xa bờ có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn.
· Dòng chảy xa bờ có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn
· Đôi khi chúng ta có thể thấy các mảnh vỡ hay bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển

Cách thoát ra khỏi dòng chảy xa bờ

Các khảo sát cho thấy dòng chảy xa bờ không kéo người ta xuống nước. Dòng chảy xa bờ chỉ kéo người bơi ra xa bờ và thường sẽ đưa người bơi vào vùng có sóng bạc đầu (breaking waves) và sóng sẽ đưa người đó lại vào bờ. Tuy nhiên người ta thường chết đuối khi rơi vào dòng chảy xa bờ vì bản năng tự nhiên khiến người biết bơi bơi ngược dòng chảy xa bờ để vào bờ khiến người đó mau chóng kiệt sức rồi chết đuối. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn khiến người bơi không còn khả năng phán đoán chính xác.
Dòng chảy xa bờ có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào, không phải chỉ khi có sóng lớn. Khi sóng to thì vận tốc dòng chảy xa bờ cũng nhanh hơn gây nguy hiểm hơn cho người bơi. Tuy nhiên, khi đó thường ít có người xuống biển tắm vì e ngại sóng to. Vào những ngày sóng không lớn, trái lại, người ta thường chết đuối nhiều hơn vì có nhiều người xuống biển tắm. Khi thấy sóng không quá to người ta thường chủ quan và không quan tâm đến dòng chảy xa bờ.
Điều quan trọng khi bị rơi vào dòng chảy ra bờ là tuyệt đối không được cố bơi ngược dòng chảy xa bờ để vào bờ.


Lời khuyên của chuyên gia khi chúng ta bị rơi vào dòng chảy xa bờ:

· Bình tĩnh. Không hoảng loạn
· Không cố bơi ngược dòng chảy xa bờ
· Đối với người bơi giỏi: nếu bạn tự tin, hãy bơi song song với bờ biển, thường sẽ hướng đến chỗ vùng có sóng bạc đầu và nhờ sóng đưa bạn trở lại vào bờ
· Đối với người bơi yếu: bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm bờ biển hoặc thấy đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức và gọi trợ giúp.
· Nếu dòng chảy xa bờ yếu đi, cố gắng bơi song song với bờ biển để đến chỗ có sóng bạc đầu nhờ sóng đưa bạn vào bờ.
· Một lần nữa, bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm bờ biển hoặc thấy đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức và gọi trợ giúp.
Để giảm nguy cơ rơi vào dòng chảy xa bờ, bạn cần phải có những hiểu biết về chúng, biết cách nhận dạng và không nên bơi trong hoặc gần dòng chảy xa bờ.
Bạn nên tắm biển ở những bờ biển có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và bơi ở vùng an toàn (ở Úc là vùng giữa cờ đỏ và cờ vàng). Bạn cần quan sát các chỉ báo an toàn và nếu cần thì nên trao đổi với nhân viên cứu hộ để biết đặc điểm bờ biển mà bạn sắp xuống tắm.
Ngoài ra bạn cũng cần biết bơi và không nên bơi một mình. Nếu bạn không chắc thì không nên xuống biển tắm.


Lời kết

Trước khi tắm biển, chúng ta cần tìm hiểu đặc điểm và độ an toàn của bãi biển mà chúng ta sắp xuống tắm. Chúng ta cần dành vài phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ và không nên bơi gần những vùng đó. Khi chẳng may rơi vào dòng chảy xa bờ, chúng ta cần bình tĩnh tìm cách thoát ra khỏi dòng chảy đó bằng cách bơi song song với bờ biển hoặc bơi vuông góc với dòng chảy xa bờ để vào vùng có sóng bạc đầu để nhờ sóng đưa chúng ta vào bờ. Tuyệt đối không nên bơi ngược dòng chảy xa bờ và luôn nhớ là vùng bờ biển lặng sóng không có nghĩa là nơi đó an toàn.

Chúng ta hãy cùng nhau phổ biến kiến thức về dòng chảy xa bờ này đến mọi người để giúp chúng ta tắm biển một cách an toàn.

Lê Thảo Anh
Lê Thảo Anh
Trả lời 8 năm trước

Du lịch biển đã có thể quen thuộc với nhiều bạn nhưng không phải ai cũng có thể nhớ ra và chuẩn bị đủ mọi thứ trước khi đi du lịch. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn trước khi có một chuyến du lịch biển:


Vật dụng cần thiết khi đi biển:
-Đồ tắm (2 bộ/ 1 người)
-Giầy sandals mềm không thấm nước/xăng-đan đế mềm, không thấm nước thì càng tốt
-Kính bơi,mặt nạ - ống lặn
-Máy ảnh,Máy quay phim không thấm nước.
-Mũ rộng vành
-Kính mát
-Kem chống nắng
-Khăn tắm
-Thuốc nhỏ mắt,bông ngoáy tai
-Nút nhét tai (nếu cần khi bơi)
-Phao bơm
-Áo choàng
-Túi du lịch bằng vải bạt
-Thuốc say sóng,thuốc chống dị ứng,những dụng cụ y tế đơn giản

Nếu bạn cần chuẩn bị đồ cho trẻ em đi cùng:
-Khăn lông
-Khăn giấy ướt (hộp)
-Tã giấy
-Mền đắp,quấn (nhẹ,mềm)
-Tấm trải không thấm nước
-Ghế của bé trên xe (nếu bạn đi bằng xe riêng)
-Nôi,xe đẩy
-Túi địu bé sau lưng/trước ngực
-Nhiều quần áo ngoài/ lót ban ngày,ban đêm (để thay đổi),áo quần ấm,tất
-Dầu,phấn trẻ em
-Đồ chơi/giải trí (tùy lứa tuổi)
-Túi đựng đồ sử dụng,đựng tã giấy sử dụng…
-Phao,kính mát,mũ,kem chống nắng,chống côn trùng,đồ tắm
-Kẹp,dây buộc tóc cho con gái
-Sữa,nước trái cây đóng hộp,thức ăn trẻ em
-Hộp sữa,bình sữa,dụng cụ pha sữa,bình hâm sữa,máy khử trùng đồ dùng ăn uống của bé.
-Bình,cốc uống nước,thìa,bát
-Nước đóng chai cho bé
-Thức ăn nhẹ
-Truyện tranh
-Yếm
-Gối mềm
-Giầy & dép
-Áo khoác (dù đến nơi có khí hậu nóng,do máy điều hòa trong nhà hàng có thể rất lạnh cho bé)
-Dầu tắm,gội và đồ dùng vệ sinh cá nhân

Một vài kinh nghiệm khi đi du lịch biển:

1.Bạn không nên đi giày da, giày thể thao ra biển. Nên sắm xăng đan cho gọn nhẹ và để đôi chân được thoáng mát. Xăng-đan đi biển nên vừa đẹp,vừa mềm mại để không làm đau chân.Nên nhớ rằng bạn phải vừa đi nó trên đường,trên cát nhiều khi lại nhúng nó vào nước biển…nên một đôi xăng-đan quá gò bó sẽ cọ xát vào chân không dễ chịu chút nào.
2. Kính bơi: nếu bạn cho cháu nhỏ đi cùng, hãy sắm thêm vật này để trẻ không sợ nước vào mắt. Đôi khi cả bạn cũng cần đến nó
3. Mũ rộng vành, kính mát: hai thứ không thể thiếu nếu bạn muốn giữ mái tóc đen mượt và bảo vệ đôi mắt khỏi bị chói khi ra biển
4. Các bạn gái nên mang theo để bảo vệ làn da. Sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên mới bảo vệ được da khi bạn phơi mình trên cát.
5. Bạn nên mang theo khăn cho riêng mình.Nên mua hàng dệt kim Việt Nam.
6. Thuốc nhỏ mắt, bông ngoáy tai: cả ngày ngụp lặn ngoài biển, chắc chắn nước sẽ làm tai bạn bị ngứa và ướt tai. Hãy để chúng giúp bạn làm sạch sẽ như ban đầu
7. Nếu đi cùng trẻ nhỏ, bạn nên sắm cho bé loại phao bơi cho trẻ hoặc chiếc ghế phao để ngồi trên biển
8. Một chiếc áo choàng sẽ rất thuận tiện cho bạn khi muốn thêm một chút kín đáo cho bộ áo tắm trên đường đi từ khách sạn ra bãi biển hoặc ngược lại.
9. Một chiếc túi đủ rộng để có thể chứa tất cả những thứ bạn cần trên bãi biển là thuận tiện nhất.Chất liệu bằng vải bạt khó thấm nước,khó bẩn và rất dễ giặt khiến bạn ít phải bận tâm giữ gìn.Hình thức đơn giản tạo phong cách phóng khoáng,trẻ trung..
10. Các loại thuốc an thần chóng say sóng uống nửa giờ trước khi xuất phát, kèm với ăn nhẹ.Thuốc chống dị ứng:hải sản rất dễ gây nên một số bệnh dị ứng như ngứa, mề đay..Những dụng cụ y tế đơn giản như bông, băng, thuốc đau bụng tiêu chảy, những thứ thuốc đặc trị nếu bạn là người mắc bệnh kinh niên bởi đảo là một vùng cách biệt với đất liền, điều kiện vật chất khá thiếu thốn..