Hỏi về các điểm du lịch ở Hà Tây cũ?

Tôi muốn tìm hiểu về các điểm du lịch ở Hà Tây cũ, ai biết chỉ dùm.

thanh
thanh
Trả lời 14 năm trước

Đến Hà Tây cũ bạn có thể đi:
Chùa Tây Phương:
Vị trí: Chùa Tây Phương nằm trên ngọn núi Câu Lậu, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội chừng 30km.
Đặc điểm: Chùa Tây Phương được ví như một bảo tàng tượng Phật với nhiều pho tượng cổ độc đáo, sống động, có sức, có hồn.
Chùa Tây Phương đã có từ rất sớm, khoảng thế kỷ thứ 8, nhưng còn tồn tại đến ngày nay và kết quả của sự hòa nhập Phật giáo và Nho giáo (có niên đại năm 1794). Chùa Tây Phương được xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Bước lên hơn 200 bậc xây bằng đá ong, đưa du khách tới chùa.

Ba tòa điện Phật theo hình chữ “Tam”, mỗi tòa hai tầng, tám mái với những đầu đao uốn cong, đều gắn tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng) mềm mại, uyển chuyển. Chùa có pho tượng gỗ sơn son thiếp vàng cỡ lớn, trong đó có những bức tượng nổi tiếng như Bát Bộ Kim Cương, Tuyết Sơn, tượng 18 vị La Hán… đều được xếp vào hàng tượng Phật tuyệt tác của điêu khắc cổ Việt Nam. Chùa Tây Phương được ví như một bảo tàng tượng Phật của nước nhà.

Làng Đường Lâm
Vị trí: Thuộc địa phận xã Đường Lâm, thành phố Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 45km.
Đặc điểm: Từ nhà ở đến cổng ngõ, cổng làng, giếng nước tất cả đều được xây bằng đá ong đã tạo nên một quần thể kiến trúc, một ngôi làng độc đáo đặc trưng cho làng vùng trung du Bắc Bộ.
Làng Đường Lâm là quê hương của Phùng Hưng và Ngô Quyền, hai vị anh hùng dân tộc đã có công đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc vào thế kỷ thứ 8 và thứ 10. Đây cũng là quê hương của sứ thần Giang Văn Minh, nhà ngoại giao lỗi lạc, người đã anh dũng hy sinh khi đi sứ để bảo toàn quốc thể.
Làng Đường Lâm có tới 21 đồi gò, 18 rộc sâu và có sông Tích nước xanh trong uốn lượn quanh làng. Tại đây có đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền với các chuông đồng, khánh đá, đồ gốm sứ, các bức chạm và các bia đá cổ lớn.
Tại nhà truyền thống xã Đường Lâm còn lưu giữ nhiều hiện vật quí như rìu đá, di chỉ đồ đá mới, cọc gỗ Bạch Đằng. Gần đó còn có những rộc sâu, tương truyền xưa là hồ sen, nơi Ngô Quyền thường cùng bạn bè thuở nhỏ chơi trò thủy chiến.

Núi Ba Vì
Vị trí: Thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội hơn 60km về phía tây.
Đặc điểm: Ba Vì được coi là ngọn núi tổ của nước Đại Việt. Đây là nơi ngự trị muôn đời của thần Tản Viên (tức Sơn Tinh), một trong "tứ bất tử" theo tín ngưỡng của người Việt.
Do một biến động địa chất tạo thành, núi Ba Vì chạy theo hướng bắc-nam và mọc lan ra nhiều đồi nhỏ. Các đồi núi này đều là đá lẫn phiến nham, thạch phiến, ma nham hoặc đá đen.
Ngọn núi cao nhất trong dãy núi Ba Vì là Ngọc Tản, cao 1.281m, giữa thắt cổ bồng, trên xoè tròn như cái tán, bốn mùa mây trắng bao phủ. Trên núi có đền Thượng thờ thần núi Tản Viên; lưng chừng núi có đền Trung, tương truyền là nơi thần thường ngồi chơi ngắm cảnh; dưới chân núi là đền Hạ.
Nằm trong dãy Ba Vì còn có các núi Ngọc Lĩnh, Tương Miêu, U Bò, Núi Tre, Ghẹ Đùng, Trăm Voi... Ở độ cao 400m và 600m là hai khu nghỉ mát do Pháp xây dựng từ năm 1940. Tại khu vực này, hiện nay có tới 200 biệt thự và khách sạn.
Thăm vườn quốc gia Ba Vì, du khách có thể leo lên các đỉnh núi như đỉnh Vua, đỉnh Tản Viên, đỉnh Ngọc Hoa. Từ đây có thể quan sát cả một vùng đồng bằng rộng lớn với đồng ruộng, thành phố, làng mạc, sông hồ. Sông Đà uốn lượn quanh chân núi ở phía tây, hồ Suối Hai mênh mông trải rộng ở phía đông tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình.