Trình bày suy nghĩ về việc thực hiện văn hóa giao thông ở học sinh hiện nay?

trinh bay suy nghi ve viec thuc hien van hoa giao thong o hoc sinh hien nay

Bui Thu Phuong
Bui Thu Phuong
Trả lời 13 năm trước

Trong ba ngày đi thực tế bằng ba phương tiện khác nhau: xe buýt, xe máy, xe đạp, tôi đã có dịp tận mắt chứng kiến những câu chuyện về giao thông đáng để chúng ta suy ngẫm.

Xe buýt

Chọn phương tiện này để đi, tôi thấy được nhiều ưu điểm: an toàn, mát mẻ, tiết kiệm. Hơn thế nữa, tôi có dịp quan sát và chứng kiến giao thông đang diễn ra trên đường phố, cũng như nét mặt, cảm xúc của những người điều khiển phương tiện đi lại.

Chiều về, đường khá đông, chiếc xe buýt đang lưu thông bỗng phải thắng gấp và mất thăng bằng: một chiếc xe tay ga do một cậu học sinh điều khiển (còn mặc đồng phục trắng), phía sau có một bạn nữ (cũng là học sinh), do chiếc xe cậu này chạy quá tốc độ và vượt lên quá nhanh khiến xe buýt không phanh kịp, ép sát vào lề và ép luôn xe của hai cô cậu. Chiếc tay ga ngã xuống. Người đi đường bắt đầu hoảng loạn.

Cũng may là hai học sinh không bị xây xát gì nhiều, chiếc xe chỉ nghiêng và cậu con trai lấy lại thăng bằng và chống chân xuống. Điều đáng nói ở đây, chính là…

Bạn nữ chửi tục rất nhiều, lôi kéo sự chú ý từ mọi người xung quanh. Sau đó cậu con trai bắt đầu chạy hết tốc độ đuổi theo chiếc xe buýt và ngáng đường, không cho tài xế chạy. Chiếc xe chặn ngay mũi xe buýt. Cậu này xuống xe, cầm nguyên cục đá to, có ý muốn phang vào chiếc xe buýt. Bác tài hơi hoảng sợ nhưng cố giữ vẻ điềm tĩnh để “thỏa thuận” với cậu học trò háo thắng này, trong khi bạn nữ vẫn tiếp tục chửi lầm bầm trong miệng. Những người xung quanh cũng ra sức can ngăn. Hành khách trên xe xanh mặt. Khi cậu con trai vùng lên để nhảy vào xe buýt thì cũng là lúc cảnh sát giao thông tới…

Chứng kiến cảnh tượng này mà tôi buồn vô cùng… Tôi không tin được hai cô cậu ấy chỉ mới là học sinh cấp 3…, ngang nhiên điều khiển xe máy phân khối lớn dù chưa đủ tuổi, lại còn có những hành động vô văn hóa như vậy.

Xe máy

Sáng sớm, tôi chạy xe chầm chậm, từ từ, cố gắng quan sát những cô cậu học sinh đang điều khiển phương tiện giao thông ra sao, thế nào, thì tình cờ gặp một cụ bà. Trông cụ khá vất vả với đống đồ nghề nào thùng, mâm, dĩa… Có vẻ như cụ sắp dọn ra bán đồ ăn sáng. Với nhiều món lỉnh kỉnh như thế, cụ nặng nề ôm, bưng, xách qua đường. Cô bạn đi cùng tôi lúc này ái ngại: “Để cụ qua đường thế này thật nguy hiểm. Ta phải giúp thôi”. Nói rồi nhỏ đến gần cụ, bằng nụ cười thân thiện và chân thành hết sức có thể, nhỏ nói: “Bà ơi… Để con giúp bà qua đường nhé… Ôm đồ nghề mà băng qua đường thế này thì che khuất tầm mắt, rất nguy hiểm”. Tôi cảm thấy hơi nhẹ nhõm và tin rằng cụ sẽ hăng hái leo lên xe để nhỏ chở sang bên kia đường. Nhưng thật bất ngờ, cụ lớn tiếng: “Không, không, không đi đâu hết! Khỏi giúp, ta tự bưng được rồi. Tránh ra!”. Giọng to to, khàn khàn của cụ thu hút sự chú ý của tất cả những người ở quán ăn trước mặt chúng tôi. Cô bạn tôi đỏ mặt, buồn rười rượi, nhưng cũng dõi theo cụ, lo sợ, mong cụ qua đường an toàn.

Tôi bỗng cảm thấy chạnh lòng. Không thể trách cụ được, khi bây giờ, quá nhiều thủ đoạn lừa lọc trên đường, hòng đánh vào niềm tin của những người nhẹ dạ. Rất nhiều kẻ xấu giả làm người tốt, thế nên người ngay cũng bị nghĩ oan.

Xe đạp

Tôi chọn cách đi xe đạp cùng một cậu bạn (để cậu ấy chở và tôi quan sát được chi tiết xung quanh, thế mới an toàn). Khi đó là vào buổi tối, xe cộ cũng thưa thớt và mọi người lưu thông chầm chậm, đều đều…

Bỗng khá nhiều chiếc xe gắn máy chạy lướt qua chúng tôi, đánh võng trên đường làm mọi người hoảng sợ. Đám này còn vượt đèn đỏ, rồ ga và hú hét. Những gương mặt non choẹt, vẻ mặt phấn khích, tỏ ra “anh hùng rơm”, đằng sau là những bạn nữ còn ở tuổi học sinh (tôi nghĩ thế), ăn mặc hở hang, trang điểm lòe loẹt, nhìn mọi người bằng cặp mắt coi thường (nhưng những cô cậu này đâu biết rằng người đi đường cũng khinh thường họ).

Khi đi ngang qua một ngôi trường trung học phổ thông (quận Gò Vấp), một nhóm thanh niên ăn mặc bảnh bao, đi xe đắt tiền, nhìn chúng tôi, cười mỉa: “Ối, xe đạp đấy à… Tội”, rồi cả bọn cười vang…

Tôi chợt nhớ đến một vài cô bạn “hotgirl” trong lớp. Một cô bạn đã từng đặt ra tiêu chí rằng: “Bạn trai của tớ không cần đẹp, chỉ cần có xe đẹp và chi đẹp là ok rồi”. Hình như giờ đây, một số bạn khá thực dụng và suy nghĩ lệch lạc. Xe đẹp, điện thoại đắt tiền để làm gì, khi mà văn hóa ứng xử trên đường phố còn không có?