Hà thủ ô trắng còn có tên là hà thủ ô nam, bạch hà thủ ô, củ vú bò, dây sữa bò, dây mốc, cây sừng bò, cây đa lông... Tên khoa học Streptocaulon juventas (Lour) Merr. (Apocynum juventas Lour., Tylophora juventas Woodf). Thuộc họ Thiên lý Asclepicadaceae. a. Mô tả cây: Hà thủ ô trắng là một loại dây leo dài từ 2-5m. Thân và cành màu hơi đỏ hay nâu đỏ, có rất nhiều lông, khi già thì nhẵn dần. Lá mọc đối, hình mác dài, đầu nhọn, đáy tròn hoặc hơi hình nón cụt, có lông mịn và nhiều ở mặt dưới, mặt trên cũng có lông nhưng ngắn hơn. Phiến lá dài 4-14cm, rộng 2-9cm, cuống lá dài 5-8cm cũng có nhiều lông. Hoa màu nâu nhạt hoặc vàng tía mọc thành xim, rất nhiều lông. Quả đại tách đôi ngang ra trông như sừng bò (do đó có người gọi là cây sừng bò). Quả hình thoi, màu xám nhiều lông, dài 7-11cm, rộng 8mm. Hạt dẹt, phồng ở lưng, dài 5-7mm, rộng 2mm, có chùm lông mịn dài 2cm. Vì có nhiều lông trông như mốc cho nên có nơi còn gọi là dây mốc. Khi bấm vào thân, lá, quả non chỗ nào cũng ra thứ nhựa trắng như sữa cho nên còn gọi là cây sữa bò. b. Phân bố, thu hái và chế biến Cây hà thủ ô trắng mọc hoang ở khắp những đồi núi trọc ở nước ta. Thích hợp với những nơi đất đồi cứng như vùng Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Rễ củ dài mẫm và trắng, giữa có lõi trông như củ sắn nhưng có vị đắng. Có thể thu hoạch quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa đông hay mùa xuân. Ðào về thái mỏng phơi khô. c. Công dụng và liều dùng Các thầy thuốc Việt Nam coi vị hà thủ ô trắng có cùng công dụng với hà thủ ô đỏ, giúp kéo dài tuổi thọ, giao hợp được bền lâu, tóc bạc hóa đen. Trong các đơn thuốc, người ta vẫn thường dùng một nửa hà thủ ô đỏ, một nửa hà thủ ô trắng. Có khi để nguyên không chế biến, hoặc cũng có khi chế biến như đối với hà thủ ô đỏ. Liều và cách dùng giống như hà thủ ô đỏ. Theo tôi biết, trong kháng chiến tại các vùng dân tộc, người dân dùng củ và thân lá cây này chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt rét. Có nơi người ta sắc cây này với nước cho phụ nữ không có sữa uống để giúp ra sữa. GS. ÐỖ TẤT LỢI * CHẢY MÁU SAU QUAN HỆ TÌNH DỤC Hỏi: Tôi năm nay 35 tuổi, gần đây mỗi lần sau quan hệ tình dục thấy có ra ít máu. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách điều trị? (Nguyễn Thị Nga - Cà Mau) Trả lời: Ra máu sau quan hệ tình dục bao giờ cũng làm cho người phụ nữ lo lắng. Sự cố này có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và không nên coi thường. - Loạn sản tế bào cổ tử cung (tổn thương tiền ung thư ở lớp tế bào bề mặt cổ tử cung) là nguy cơ cần quan tâm trước tiên; Nguy cơ này tăng lên ở những phụ nữ có nhiều bạn tình, có quan hệ tình dục trước 18 tuổi, sinh con trước tuổi 16 hoặc có tiền sử bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thường điều trị bằng phương pháp cắt đông lạnh (cryosurgery) hay khoét chóp. - Nhiễm khuẩn Chlamydia là bệnh lây truyền qua đường tình dục hay do tiếp xúc với tinh dịch, dịch âm đạo hay máu. - Nhiễm lậu cầu khuẩn dễ xảy ra ở những người có hành vi tình dục không an toàn, ngày nay đã có nhiều loại thuốc để điều trị. - Viêm âm đạo hay viêm cổ tử cung, thường gặp và phải điều trị tùy theo từng nguyên nhân. - Pô-líp cổ tử cung: Là mô sùi phát triển từ lớp niêm mạc của cổ tử cung hay từ ống cổ tử cung và lòi ra ngoài; Thường có hình như ngón tay, bề mặt nhẵn, màu đỏ hay hơi tím, rất dễ xây sát và cũng dễ xoắn để lấy đi mà không gây đau. - Nhiễm ký sinh trùng roi trichomonas, là nguyên nhân gây viêm âm đạo. Mẹ bị bệnh có thể lây truyền cho con khi sinh thường theo đường âm đạo. Dù hiếm nhưng có thể lây nhiễm khi dùng nước máy, tắm ở bể bơi, ngồi trên ghế bệt nhà vệ sinh. - Nhiễm nấm âm đạo: Bình thường nấm vẫn có ở âm đạo nhưng do phát triển quá nhiều nên gây ngứa, cảm giác nóng rát, dịch xuất tiết giống như bột trắng, không có mùi nếu như không bị bội nhiễm. - Viêm màng trong tử cung hoặc viêm cơ tuyến (adenomyosis): Viêm màng trong tử cung được định nghĩa là tình trạng viêm ở lớp sâu nhất của tử cung. Viêm cơ tuyến xảy ra khi mô nội mạc phát triển ở ngay tử cung hoặc ở các cơ quan khác ngoài tử cung như buồng trứng. Cả hai thể bệnh này thường gặp khi bị lạc nội mạc tử cung. - Pô-líp tử cung: Xảy ra khi lớp nội mạc tử cung quá phát triển và lồi vào buồng tử cung. Phụ nữ bị pô-líp tử cung hay bị rong huyết (chảy máu giữa 2 kỳ kinh). Ngoài ra còn bị ra máu sau quan hệ tình dục, ra máu ít và rải rác, ra kinh nhiều, ra máu khi đã mãn kinh, ra máu khi dùng liệu pháp hormone. Nạo buồng tử cung có hướng dẫn bằng soi tử cung là cách điều trị thường được các thầy thuốc chọn lựa, vì nếu chỉ nong nạo như bình thường có thể sẽ bỏ sót pô-líp. - U xơ tử cung thường là u lành, hiếm khi diễn tiến thành ung thư. Triệu chứng u xơ rất khác nhau, có phụ nữ không thể hiện triệu chứng gì. Ðến tuổi mãn kinh, u xơ co lại và biến mất khi cơ thể không bài tiết estrogen nữa. Phụ nữ có u xơ tử cung không bao giờ nên dùng estrogen (kể cả viên thuốc tránh thai) vì estrogen tạo điều kiện cho u xơ phát triển. Hiện nay có nhiều cách điều trị u xơ tử cung, từ bóc tách nhân xơ, làm tắc mạch máu nuôi u xơ cho đến phương pháp cắt tử cung truyền thống. - Chẩn đoán nguyên nhân chảy máu sau quan hệ tình dục thường là vấn đề phải loại trừ; do đó các phụ nữ cần đến khám thầy thuốc phụ khoa khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường