Mẹo chọn nấm tươi ngon?

Các mẹ ơi, chẳng là ông xã nhà em rất thích ăn các món nấm. Em muốn mua nhưng sợ mua phải nấm ngâm hóa chất độc hại.

Các mẹ chỉ giúp em cách để mua được nấm tươi ngon, không bơm hóa chất với ạ. Và cách sơ chế, nấu như nào cho ngon với ạ. Em cảm ơn các mẹ.

Tống Minh Tùng
Tống Minh Tùng
Trả lời 8 năm trước

Nấm là thực phẩm tự nhiên, cung cấp nhiều protein, lipid, đường và khoáng chất có lợi cho cơ thể. Mỗi loại mang một hương vị khác nhau. Đặc biệt, thực phẩm này rất tốt cho người già, phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, để chọn mua nấm tươi đúng cách thì không phải chị em nào cũng biết. Dưới đây là những cách chọn mua nấm tươi và bảo quản, chế biến nấm thơm ngon, an toàn mà bạn có thể lưu lại để sử dụng:

1. Mẹo chọn mua nấm:

- Đối với nấm tươi: bạn mua loại có màu sắc tươi, mùi thơm hấp dẫn. Tránh chọn nấm bị dập nát, có mùi ôi. Vết cắt rỉ ra chất trắng sữa là dấu hiệu của nấm độc.

- Đối với nấm có phần mũ to: Nên chọn loại nấm có cánh to mình dày, bóp nhẹ thấy cứng tay.

- Với nấm khô: Chọn loại chắc, không đứt gãy, không có vết mốc màu trắng.

2. Cách chế biến:

- Trước khi chế biến để nấm được thơm ngon sau khi cạo sạch nấm xong bỏ ngay vào thau nước có pha muối loãng, ngâm khoảng 15 phút rồi xả sạch, nấm sẽ thơm và hết nhớt.

- Nấm là loại rất nhanh chín nên cho nấm vào khi thức ăn đã gần chín, như vậy nấm sẽ giữ được độ giòn và độ bóng.

3. Mẹo bảo quản nấm

- Muốn bảo quản nấm tốt, sau khi mua về, bạn nhặt sạch. Sau đó, bạn chần chúng trong nước sôi khoảng một hai phút rồi rửa lại bằng nước lạnh. Bạn cho nấm vào chậu, đổ nước vừa ngập rồi đặt trong ngăn mát tủ lạnh. Cách này giúp bảo quản nấm tươi khoảng ba bốn ngày.

- Đối với loại nấm khô: Ta nên để ở nơi thoáng mát, không cho vào túi nylon, buộc kín.

Trịnh Bảo Nam
Trịnh Bảo Nam
Trả lời 8 năm trước

Để chọn mua nấm an toàn, không chất bảo quản trên thị trường thì khi chọn mua nấm, bạn nên chọn loại nấm có màu sắc tươi, có mùi thơm đặc trưng. Nấm tươi có một lớp tơ mỏng như giấy trên nấm. Không chọn những cây nấm bị dập nát, có mùi ôi. Vết cắt rỉ ra chất trắng sữa rất có thể là dấu hiệu của nấm độc. Tránh những cây nấm có vết thâm hoặc bị nhăn trên chóp, không nên chọn nấm bị nhớt. Để mua được nấm sạch, trồng an toàn, không bị ngộ độc, chị em cần chọn địa chỉ tin cậy, có uy tín để mua.

Cách nhận biết nấm độc

Nhìn bằng mắt. Thông thường các loại nấm độc bao giờ trông cũng nhiều màu sắc hơn, có đốm nổi lên, trên mũ nấm có những hạt nổi hay vằn màu đỏ hay màu tạp, có rãnh, vết nứt, có vòng quanh thân… Thông thường các loại nấm độc khi ngắt sẽ có nhựa chảy ra.

Ngửi bằng mũi. Nấm độc khi hái thường có mùi cay, mùi hắc hoặc mùi đắng xộc lên. Nấm ăn được thường thơm hoặc không mùi.

Thử nghiệm biến màu. Dùng phần trắng của hành lá chà xát trên mũ nấm, nếu thân hành biến thành màu xanh nâu chứng tỏ có độc, nếu ngược lại, hành không chuyển màu chứng tỏ không có độc. Ngoài ra, sau khi nấu chín, có thể dùng đũa, thìa bạc để thử trước khi ăn.

Thử nghiệm bằng sữa bò. Cho một lượng nhỏ sữa bò tươi bên trên mũ nấm, nếu thấy hiện tượng sữa vón cục, có khả năng nấm này có độc.

- Không hái thứ nấm mình không biết chắc. Mỗi lần dùng không nên dùng nhiều loại lẫn lộn mà chỉ nấu một loại duy nhất. Ngoài việc đề phòng lẫn nấm độc, còn vì nhiều loại nấm nấu cùng sẽ gây phản ứng hóa học, không độc cũng trở thành độc.

- Khi chế biến nấm dại, cũng giống như chế biến nấm thường, biện pháp tốt nhất là nên luộc sôi trước khi xào nấu để giảm bớt độc tính.

- Khi mua nấm ở chợ, tốt nhất nên mua loại đã từng ăn, dầu vậy, cũng vẫn cần nấu chín mới ăn.

- Khi ăn nấm không nên uống rượu. Có một số loại nấm dại không độc nhưng có chứa những thành phần gây ra phản ứng hóa học với thành phần trong rượu, vì vậy gây ngộ độc.

- Sau khi ăn nấm nếu thấy khó chịu, buồn nôn, choáng váng, đau bụng dữ dội, nhìn không rõ, sốt… phải lập tức đến bệnh viện. Nếu không kịp, cần có các biện pháp sơ cứu đơn giản như gây nôn, hoặc tìm những thuốc dễ thấy để rửa ruột nhằm loại bỏ những thành phần độc hại trong nấm mà cơ thể chưa kịp hấp thu, nhờ đó giảm nhẹ mức độ ngộ độc. Sau khi sơ cứu, phải đưa ngay người bệnh đi cấp cứu.

Về cách sơ chế nấm thì bạn lưu ý: - Nấm sống trong môi trường tuyệt đối sạch, thân nấm lại ở dạng xốp và sợi nên khi rửa nấm sẽ làm nước đọng lại khiến cho nấm không còn được ngọt, vì vậy không cần rửa kỹ. Tuy nhiên, một số loại nấm bắt buộc phải rửa kỹ nếu trong quá trình vận chuyển để dây bẩn vào, nhưng nên rửa dưới vòi nước dạng hơi sương chứ không rửa trực tiếp nước vào thân nấm sẽ làm hỏng thịt nấm. Chân nấm là nơi tiếp xúc với chất dinh dưỡng, tuy nhiên trong đó có một số chất vô cơ con người không nên sử dụng và hấp thu vào cơ thể vì thế khi chế biến nấm, cần cắt bỏ chân nấm.


- Khi chế biến nấm, bạn nên để ở mức nhiệt độ cao vì nếu để ở nhiệt độ thấp nấm sẽ ra nhiều nước, nát, nhũn và nhạt nhẽo, không giữ được hương vị và màu sắc ngon nhất. Bạn cũng chỉ nên cho một lượng dầu vừa phải để xào nấm thôi nhé, không cho quá nhiều vì chất béo sẽ làm cản trở quá trình hấp thu dinh dưỡng từ nấm, gây đầy bụng, không tốt cho tiêu hóa. Cần ăn nấm được nấu chín hoàn toàn, tức là khoảng 5 – 10 phút sau khi đun sôi. Sau khi ăn nấm xong không nên dùng ngay đồ uống lạnh như trà đá hoặc cà phê đá, bởi vì nấm mang tính bổ âm nên uống ngay đồ lạnh sau đó thì dễ bị lạnh bụng.

Hoàng Trùng Khánh
Hoàng Trùng Khánh
Trả lời 8 năm trước

Đây là một số mẹo nhận biết, chọn lựa nấm an toàn cho gia đình mà bạn có thể tham khảo:

Nấm hương: Hình như chiếc ô, màu nâu sậm, có thể dùng dưới dạng tươi hoặc dạng khô. Loại này được mệnh danh là vua các loài nấm vì mùi thơm đặc biệt hấp dẫn sau khi chế biến. Đồng thời, nó còn chứa nhiều đạm, vitamin C, B, tiền Vitamin D, can-xi, nhôm, sắt, ma-giê…Nấm có tác dụng điều hoà khí huyết, tăng cường hệ miễn dịch, trợ giúp tiêu hoá.

Nấm rơm: Dạng tròn dài, gồm hai màu: trắng hoặc trắng xám. Cánh nấm mỏng, xốp, giòn, có nhiều lớp. Có thể kết hợp xào, nấu nấm rơm với thịt để thay rau. Loại nấm này rất tốt cho người mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường, ung thư hoặc cách bệnh về tim mạch.

Nấm mèo (mộc nhĩ đen): Trông giống tai người, màu nâu sẫm hoặc đen, chứa nhiều protid, khoáng chất. Nó rất tốt với người cao huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não.

Nấm sò (bào ngư): Mũ màu xám, sẫm nâu hoặc nâu nhạt. Thịt nấm dày, màu trắng. Thực phẩm này thích hợp với người bị rối loạn tiêu hoá, giúp phục hồi chức năng gan.

Nấm kim châm: Màu trắng, thân dài khoảng 20cm, mũ nhỏ. Nấm kim châm chứa nhiều vitamin, axít amin. Đặc biệt, chất lysine giúp cải thiện chiều cao, trí tuệ của trẻ em.

Nấm mỡ: Mũ tròn, chân ngắn, màu trắng. Nấm có tác dụng làm giảm lượng đường, cholesterol trong máu và phòng chống ung thư.

- Nấm tươi: bạn mua loại có màu sắc tươi mới, mùi thơm hấp dẫn. Tránh chọn nấm bị dập nát, có mùi ôi. Vết cắt rỉ ra chất trắng sữa là dấu hiệu của nấm độc.

- Với nấm khô: Chọn loại chắc, không đứt gãy, không có vết mốc màu trắng. Nên mua ở những cơ sở có uy tín có địa chỉ rõ ràng.

- Nấm tươi: Nên dùng trong mười hai giờ sau khi thu hái. Muốn giữ nấm lâu, sau khi mua về, bạn nhặt sạch rác, cắt bỏ phần gốc dính đất, rơm rạ. Sau đó, bạn chần chúng trong nước sôi khoảng một hai phút rồi rửa lại bằng nước lạnh. Bạn cho nấm vào chậu, đổ nước vừa ngập rồi đặt trong ngăn mát tủ lạnh. Cách này giúp giữ thực phẩm tươi khoảng ba bốn ngày.

- Loại khô: Nên để ở nơi thoáng mát, không cho vào túi nylon, buộc kín. Khi sử dụng, bạn ngâm chúng trong nước ấm mười phút để cánh nở hết rồi rửa sạch đất cát còn bám lại, cắt bỏ chân.