Tin nhắn là cầu nối của thông tin, của tri thức, của cảm xúc; nhưng cũng có thể coi là cầu nối của nhiều mối họa. Ngày nay, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, thì nguy cơ các đối tượng xấu sử dụng những công nghệ mới với ý đồ đen tối cũng ngày càng cao.
Tin nhắn “hồn ma” – trò đùa vô ý thức của giới trẻ Thời gian gần đây, trên các loại báo giấy và mạng internet xuất hiện rất nhiều bài viết về “tin nhắn ma”. Trò đùa vô ý thức này đã từng xuất hiện một thời gian khá lâu trước đây, bị dập tắt và hiện giờ lại xuất hiện như một “trào lưu” mới. Hãy thử điểm qua một số tin nhắn “nổi đình đám” gần đây: "Tớ lạnh quá. Bạn cho tớ nằm chung với, hay tớ ngủ ở gầm giường, ngay dưới bạn cũng được. Tớ chết oan uổng quá...". "Tôi cổ chết. Tôi không thấy đầu mình đâu. Bạn hãy tìm giúp tôi".
"Đồng hồ đã điểm 12 giờ đêm, mình đang đứng ở cửa sổ. Bạn có thấy mình không? Mình mặc áo trắng, mặt dính máu và tóc rất dài. Hãy mở cửa cho mình vào với"...
"Đừng nhá máy cho tôi, hãy gọi lại cho tôi lúc 12h đêm. Lúc đấy tôi hiện hồn về được. Làm ơn đốt cho tôi cái quần cái áo. Ở âm phủ lạnh lắm".
Ta chết oan ức quá, nửa đêm nay ta sẽ báo mộng cho nhà ngươi biết vì sao ta chết, nhớ cúng ta mỗi ngày một chén cháo trắng, quay mặt về hướng đông mà khấn”.
Không chỉ nhận được những tin nhắn theo kiểu giả ma, hù dọa như trên, có những bạn trẻ còn nhận được các tin nhắn theo kiểu ép buộc lan truyền mang tính tâm linh. Ví dụ như: "0168.964.45... là số điện thoại của một người con gái bị tai nạn chết oan. Hiện số điện thoại này vẫn còn liên lạc được. Khi chôn cất, điện thoại và sim được chôn cùng. Nghe đồn đây là số điện thoại đã bị hồn ma của cô gái đó ám. Nếu xóa đi thì trong một ngày người mà bạn yêu quý nhất sẽ ra đi mãi mãi. Nếu gửi cho 10 người thì người yêu của bạn sẽ luôn bên bạn, 20 người thì 15 phút sau điều bạn muốn sẽ đến. Còn không gửi hạnh phúc của bạn sẽ mãi mãi là con số không". Khỏi phải nói, hậu quả của những “tin nhắn ma” này tai hại nhường nào. Với các bạn gái yếu bóng vía, nhẹ thì mất ăn mất ngủ, hoang mang, không thể tập trung vào công việc cũng như học tập; nặng thì hoảng loạn tinh thần, nói nhảm, ngất xỉu và phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Thậm chí, nặng hơn, khi người nhận tin nhắn có tiền sử về thần kinh hoặc bệnh tim, đã có trường hợp hoảng loạn đến ngất xỉu và sau đó không dám sử dụng điện thoại di động nữa!
Thậm chí, đối với những người cứng bóng vía, “tin nhắn ma” cũng gây ra không ít hậu quả khó lường. Với người tử tế, tuy không hoảng sợ nhưng những tin nhắn kiểu này cũng gây ra cảm giác khó chịu, bực mình cho người nhận. Còn với một số bạn trẻ thiếu ý thức, sau khi nhận được những tin nhắn dọa ma, lại tiếp tục đi mua các sim khuyến mại, tự soạn hay dùng ngay những tin mình đã nhận được, có nội dung rùng rợn, gửi đi hù các bạn khác, nhất là mấy bạn nữ sợ ma.
Cách “điều trị” các tin nhắn ma
Theo một khảo sát gần đây trên mạng, “nếu bị khủng bố bằng tin nhắn hù ma, bạn sẽ xử lý thế nào?”, dưới đây là các cách phản ứng của người nhận:
Cách phản ứng |
Tỷ lệ |
Co vòi, tắt điện thoại, chạy qua phòng bạn bè hoặc người thân ngủ ké |
0% |
Đáp lễ bằng một tin nhắn nhẹ nhàng: cảm ơn, trò đùa của bạn rất vui đó! |
20% |
Phá lại số đó bằng cách nhá máy |
50% |
Báo với nhà mạng rằng mình bị quấy rối tin nhắn |
20% |
Khác |
10% |
Khảo sát trên cho thấy, đa số người bị “hù ma” đều có phản ứng lại khi nhận được tin nhắn. Dưới đây là một số cách “điều trị” khá hữu hiệu dành cho các “tin nhắn ma” đã được người trong cuộc đúc kết và sử dụng:
Không đọc tin nếu số lạ gửi.
Xóa tin nhắn, tắt máy.
Liên lạc tổng đài chặn gửi tin nhắn.
Coi như trò đùa trẻ con. Khi nhận được những tin nhắn hù ma, bạn nên hiểu đó chỉ là trò đùa. Nếu cần, có thể nhắn tin lại rằng: "Cảm ơn lời chúc rất dễ thương". Nếu người nhắn biết không thể dọa được mình thì sẽ chán thôi. Mượn gió bẻ măng. Một số bạn trẻ khi bị hù dọa đã quyết tâm “chơi lại” con ma bằng một cách khá độc đáo. Ngay ngày hôm sau, đưa số điện thoại của “con ma” lên mạng, thông báo bán nhà, bán đất..v...v. Vậy là chưa đầy 3 ngày số đó tự dưng "Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc" được.
Dĩ độc trị độc. Không những không hoảng sợ, mà một số người nhận “cao tay” còn hù dọa lại khiến cho “con ma” trở thành nạn nhân. Ví dụ như, với những tin nhắn "mình ở ngoài cửa sổ, ngoài hiên..." thì bạn nhắn lại "thì mình cũng đang ở kế bên bạn nè, quay lại nhìn mình đi" - với tin như "mình lạnh, mình ngủ ko được, ngủ dưới giường ban nhé..." thì nhắn lại như sau "mình cũng ko ngủ mấy năm nay rồi, mình chỉ bay lảng vảng trong wc, nhà tắm hay sân thượng người ta thôi, hay là tối nay mình bay qua cho bạn cho vui nhé...", Bảo đảm có tác dụng liền.
Ý kiến của các chuyên gia tâm lý Theo các chuyên gia tâm lý, hầu hết các tin nhắn dọa ma đều xuất phát từ những số điện thoại khuyến mại, mà chủ nhân của nó đa số là những người bạn thân quen. Những bạn trẻ này coi đó là trò tiêu khiển mà không biết hậu quả vô cùng tai hại, khiến người khác hoang mang, sợ hãi, không tập trung được vào công việc, học tập. Những tin nhắn này thường không có cơ sở gì về mặt khoa học hay tâm linh, mà chỉ là trò đùa của những người thiếu ý thức. Vì vậy, khi nhận được tin nhắn kiểu này, người nhận không có bất cứ lý do gì để sợ hãi. Với những tin nhắn theo kiểu ép buộc, như nếu xóa tin người thân của bạn sẽ bị nạn hay nếu không gửi bạn sẽ gặp chuyện xấu..., bạn cũng không cần hoang mang. Bởi nếu bạn tin điều này, và phát tán các tin nhắn kiểu đó, thì đã vô tình tiếp tay cho cái xấu, reo rắc sự sợ hãi cho những người thân quen của mình. Trong trường hợp cảm thấy bị quấy rối, bạn nên báo cho nhà cung cấp dịch vụ mạng điện thoại để họ xử lý. Tuy nhiên, theo nhiều bạn trẻ, quy trình giải quyết vấn đề này khá mất thời gian. Trước tiên, người nhận phải canh cái số điện thoại quấy phá gọi đến vài lần và phải mở điện thoại lên nghe ít nhất vài giây, sau đó lưu vài tin nhắn quấy phá, rồi mang điện thoại lên trung tâm, làm khiếu nại rồi nhà đài sẽ giải quyết bằng cách nhắn tin hoặc điện thoại cảnh cáo người quấy rối. Nếu sau nhiều lần hành động này vẫn tiếp tục thì họ sẽ cắt và hủy số điện thoại quấy rối. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là cách giải quyết triệt để. Vì nếu bị cắt số này, các “con ma” có thể mua các sim số khác để tiếp tục trò đùa vô ý thức. Cho nên, cách giải quyết tốt nhất vấn nạn “tin nhắn ma” là người nhận hãy làm lơ. Người trêu trọc khi không đạt được mục đích - thường là làm bạn hoảng sợ hay tò mò nhắn, gọi lại - sẽ tự động bỏ cuộc.