Có nên mua laptop Asus K501UX FI131T không?

Có nên mua laptop Asus K501UX FI131T không các bác? Tình hình là năm tới đây em sẽ học về photoshop và các CT đồ họa 2D )))

Em muốn hỏi thăm ý kiến của các bác về con K501UX này )) Em lên mạng tìm thì thấy ít đánh giá về "em" này nên cũng vân vân 
Nếu mua "em" này thì nếu em nâng cấp ram và ổ cứng có chạy được các chương trình đồ họa 3D không ạ? ))) (hỏi ngu)
Em mới đi xem máy hồi chiều này bên Xuân An 
Em chỉ mới xem bên ngoài ) Em là nữ nên thấy "em" này gọn và mỏng đủ để em vác đi học, xem thông số trên mạng thì chạy được chương trình đồ họa 2D


An Khoi
An Khoi
Trả lời 8 năm trước

K501UX tính đến thời điểm này vẫn được xem là chiếc laptop đầu tiên của Asus sở hữu màn hình độ phân giải đạt mức 4K (3.840x2.160 pixel). Sản phẩm hiện đã chính thức có mặt trên thị trường ở mức giá tham khảo 19,99 triệu đồng.

Về cấu hình, Asus K501UX trang bị màn hình LED 15,6 inch, bộ xử lý Intel Core i5-6200U xung nhịp chuẩn 2,3GHz (tăng tốc lên mức 2,8GHz), đồ họa rời GeForce 950M với 4GB dung lượng RAM đồ họa, ổ cứng 1TB (có thể nâng cấp lên SSD khi cần thiết), kết nối Wi-Fi 802.11ac, bàn phím đèn nền LED, pin 48Wh và chạy Windows 10. Máy cũng hỗ trợ 2 cổng USB 3.0, 2 cổng USB 2.0, HDMI, RJ-45 và cáp chuyển đổi từ HDMI-VGA đi kèm.

Máy tính xách tay Asus K501UX trang bị màn hình 4K.

Từ những tiếp xúc thực tế, Test Lab nhận thấy phiên bản Asus K501UX thử nghiệm lần này có vẻ bề ngoài ưa nhìn và trông khá sang nhờ thiết kế bộ cánh nhôm xước tông màu sậm. Tựa như mặt lưng màn hình, Asus cũng trang bị cho K501UX phần ốp kê tay (palm rest) bằng vật liệu nhôm mát lạnh.

Test Lab đánh giá cao thiết kế bề mặt nhôm của Asus K501UX vì ít bám dính dấu vân tay hơn trong quá trình sử dụng, nhưng ngược lại thì phần đế nhựa của máy lại rất nhạy dấu vân tay.

Mẫu Asus K501U có mặt tại Test Lab được cài đặt sẵn Windows 10 Home Single Language.

Xét về mặt tổng thể, Asus K501UX cũng theo phong cách thiết kế như các mẫu laptop Zenbook từng ghé thăm Test Lab. Máy cũng có góc xoay bản lề rộng, tiện dụng cho người dùng hơn khi phải đặt máy thấp hơn hẳn tầm quan sát của mắt. So với những sản phẩm cùng kích thước, Asus K501UX cũng tỏ ra khá ổn vì cũng khá gọn gàng và không quá nặng.

Cũng từ quá trình trải nghiệm thực tế, Test Lab nhận thấy Asus K501UX đã cho thấy thiết kế bàn phím và touchpad cơ bản không nhận được nhiều nâng cấp.

Nói một cách cụ thể hơn, touchpad tuy có mặt thoáng lớn, bề mặt cho cảm giác tương tác mượt mà nhưng cơ bản vẫn cần nhiều lực trong những cú chạm tay để chọn hoặc mở ứng dụng trên màn hình. Thêm vào đó, 2 nút chuột trái/phải cũng vẫn chưa thật êm khi vận hành.

Touchpad lớn nhưng chưa thật nhạy với các thao tác chạm, vuốt nhanh.

Riêng về bàn phím, dù có hành trình phím khá vừa tay, khoảng cách giữa các ký tự thoải mái, đèn nền LED nhiều mức độ tùy chỉnh sáng/tối linh hoạt – nhưng Test Lab vẫn chưa có được cảm giác phím êm ái và chắc chắn trong từng thao tác dù là tốc độ lướt phím không hề nhanh. Dù Asus đã khéo léo trong việc bố trí nút nguồn độc lập hoàn toàn với khu vực bàn phím, nhưng tiếc là cách mà hãng bố trí cụm phím điều hướng thực sự khiến sản phẩm mất đi một điểm về tính tiện dụng trong hạng mục nhập liệu.

Về màn hình, kết quả đánh giá độ sáng khung hình mà Asus K501UX đạt được thực sự tốt như mong đợi. Bề mặt màn hình 15,6 inch này cũng tỏ ra hiệu quả trong việc chống chói khi sử dụng máy dưới nhiều nguồn sáng trong môi trường thử nghiệm giả lập văn phòng làm việc thông thường. Với khung hình 15,6 inch hỗ trợ độ phân giải "ngất ngưởng" của Asus K501UX, Test Lab tại đây không bàn về độ chi tiết hình ảnh nữa vì như đã giải thích trong bài "Laptop màn hình 4K: đẹp nhưng chưa tiện" giá trị này thực sự đã vượt quá nhu cầu của mắt.

Thiết kế cụm phím số gây không ít khó khăn trong việc làm quen với bàn phím này.

Tuy nhiên, dựa trên tổng hợp những kết quả có được về màu sắc, độ tương phản và những giá trị liên quan, Test Lab thực sự chỉ có thể xếp chất lượng hình ảnh tổng thể của khung hình này vào mức khá thay vì cao hơn. Đơn giản là vì kết quả thử nghiệm cho thấy hình ảnh vẫn còn gặp ít nhiều hạn chế về độ bão hòa màu sắc và chính vì yếu tố này nên một số màu đơn sắc không thể hiện đúng như mong đợi.

Thiết nghĩ, chất lượng hiển thị của Asus K501UX thừa sức cho nhu cầu văn phòng, nhưng sẽ là một hạn chế đáng kể cho những ai có đặt nặng nhu cầu về độ chính xác của sắc màu hiển thị.

Tốc độ truy xuất dữ liệu của ổ cứng mà Asus trang bị cho K501UX khá chậm.

Xét về hiệu năng, với cấu hình phần cứng như đã đề cập từ ban đầu Asus K501UX cơ bản cũng ngang tài ngang sức với các mẫu laptop từng thử nghiệm như HP Envy 13 2015, Asus Zenbook UX303UAhay mẫu Dell Vostro 5459 vốn cũng chạy BXL Intel Skylake cùng xung nhịp. Thử nghiệm bằng các công cụ đánh giá hiệu năng cũng cho thấy điều này qua biểu đồ so sánh kết quả hiệu năng tổng thể PCMark bên dưới.

Kết quả hiệu năng tổng thể đo bằng PCMark 8 (Điểm số càng cao càng tốt).

Riêng về khoản đồ họa, Asus K501UX cơ bản mạnh hơn những tên tuổi kể trên vì sản phẩm được trợ lực từ đồ họa rời nVidia GeForce GTX 950M vốn là một đại diện của phân khúc tầm trung.

Tuy vậy, đồ họa rời mà Asus K501UX sử dụng nhìn chung cũng vẫn được xếp dưới đồ họa GTX 860 một bậc, nên cơ bản, mẫu laptop này có thể cân hầu hết tựa game của năm 2015 với thiết lập đồ họa chi tiết cao và độ phân giải ở mức Full HD, nhưng những tựa game nặng như Assassin's Creed Unity sẽ khiến máy trì trệ nếu người dùng mở hết hiệu ứng và chơi ở cùng mức độ phân giải này.

Đồ họa tích hợp trên Asus K501UX thừa sức cho giải trí với game 3D với thiết lập đồ họa cao và độ phân giải Full HD.

May mắn là xuyên suốt quá trình thử nghiệm Asus K501UX vẫn tỏ ra khá mát mẻ trong môi trường thử nghiệm có nhiệt độ trung bình ở mức 28 độ C. Kết quả thử nghiệm thời lượng pin bằng PCMark trênAsus K501UX cũng cho thấy kết quả nhìn chung cũng khá ổn so với cấu hình và đặc biệt là màn hình độ phân giải khủng của máy.

Cong Ton Thang
Cong Ton Thang
Trả lời 8 năm trước

Nhìn chung, hiệu năng của Asus K501UX tốt cho nhu cầu văn phòng, giải trí với game hoặc phim ảnh ở độ phân giải Full HD. Tuy vậy, xét trên chất lượng hiển thị và những trở ngại vốn có của laptop màn hình 4K, người dùng nên cân nhắc trước khi quyết định đầu tư hoặc chấp nhận sống chung với những ứng dụng thứ 3 chưa tương thích với độ phân giải khủng của máy.