Đánh giá chi tiết laptop HP G42?

tun cua di
tun cua di
Trả lời 13 năm trước

Tháng 10 năm 2010, công ty HP Việt nam vừa cho ra mắt ra dòng sản phẩm laptop HP G-series (G42 và G62) hoàn toàn mới. Được thiết kế thời trang và di động, HP G-series là sự kết hợp giữa hiệu suất, kiểu dáng và giá trị cho nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dùng. Mang nhiều đường nét hiện đại và tối giản, G-series được ví như dòng “Envy cho người nghèo”.

HP G-series là dòng laptop cơ bản mới dành cho người dùng cá nhân, mang đến sự kết hợp hài hòa về hiệu năng, kiểu dáng và giá cả. Đây là dòng máy lý tưởng dành cho những ai đang muốn tìm một công cụ hiệu quả để hoàn thành công việc hàng ngày, trong khi vẫn có thể tận hưởng trải nghiệm kết nối giải trí đa phương tiện. HP G-series là điểm xuất phát để người dùng bắt đầu đồng hành cùng với sự đổi mới của dòng laptop, gồm những dòng máy HP G-series, HP Pavilion (gồm các model dm và dv) và HP Envy series

Cấu hình & phụ kiện

  • Vi xử lý: Intel Core i5 560M (2.67GHz, 3MB L3 Cache).
  • Chipset: Mobile Intel HM55.
  • Bộ nhớ: 1x2GB DDR3 Bus 1066MHz.
  • Ổ đĩa quang: Lightscribe DVD Super Multi.
  • Ổ cứng: 500 GB SATA-II (5400 rpm).
  • Chip đồ họa: ATI Mobility Radeon HD 5470 (1024MB).
  • Màn hình: 14.0-inch gương HD-ready (1366×768) LED backlit.
  • Webcam: VGA 0.3MP.
  • Pin: Li-ion 6 cell 47Wh.
  • Hệ điều hành: Free DOS.
  • Giá tham khảo (tại Digiworld): 18.2 triệu đồng (chưa kèm VAT).
  • Phụ kiện đi kèm HP G42 khá đơn giản: một pin đi kèm, adapter sạc điện, 2 cáp nguồn với chân cắm khác nhau và túi tài liệu hướng dẫn được thiết kế khá đẹp mắt.

Kiểu dáng bên ngoài – chất lượng thiết kế

HP G-series là dòng laptop phổ thông, tuy nhiên thừa hưởng khá nhiều nét đặc trưng thiết kế của đàn anh Envy cao cấp. Bên cạnh đó là việc thay đổi các chất liệu sử dụng để giảm giá thành, tuy vậy vẫn không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng thiết kế.

Vỏ của HP G42 được làm hoàn toàn từ nhựa cứng, tỏ ra rất chắc chắn và không hề có cảm giác ọp ẹp khi cầm bằng một tay. Lớp vỏ được thiết kế với vân nổi tam giác và lớp sơn màu nâu đồng, cho cảm giác khá giống với một lớp vỏ hoàn toàn từ nhôm. Do đặc tính của lớp vỏ nhựa và các hoa văn này mà HP G42 hoàn toàn không dính dấu vân tay (nếu có cũng không thể nhìn ra). Đây là một điểm tôi đánh giá cao từ bề ngoài của chiếc laptop này. Tuy nhiên, do làm từ nhựa nên dù gì cũng nên tránh va chạm mạnh, tôi không chắc là lớp vỏ sẽ không nứt hay gãy vỡ khi rơi từ độ cao từ 1 mét trở lên.

Mặt sau của G42 chia rõ nhiều khu vực để thay thế và nâng cấp linh kiện, vệ sinh máy, như khu vực ổ cứng, khu vực RAM, CPU và Wireless card. Nói chung là không có gì đặc biệt so với các dòng laptop trước đây.

Có kích thước 34.2 (W) x 22.8 (D) x 3.65 (H), HP G42 có trọng lượng khoảng 2.2kg (đã kèm pin). Các cổng giao tiếp trên HP G42 bao gồm:

Cạnh trái: đầu cắm VGA, khe thoát nhiệt, HDMI, Ethernet, 2 x USB 2.0, 2 jack audio & microphone 3.5mm, đầu đọc thẻ nhớ, đèn báo ổ cứng.

Cạnh phải: khe khóa Kensington, cổng cắm đầu sạc nguồn, 1 cổng USB 2.0, DVD-RW.

Phía trước và phía sau của G42 không hề có bất kì kết nối hay đèn tín hiệu nào, đúng theo kiểu thiết kế tối giản mà HP đã từng áp dụng trên Envy. Tuy nhiên một điểm khá khó hiểu mà tôi không giải thích được, đó là việc dời đèn báo ổ cứng ra cạnh trái, hoàn toàn khuất khỏi tầm mắt người dùng và rất khó nhìn. Đây là một phương pháp giúp tập trung vào màn hình hơn chăng?

Màn hình – Loa

HP G42 sử dụng màn hình 14.0-inch đèn nền LED, độ phân giải 1366×768 phổ thông. Chất lượng hình ảnh trên G42 không tệ, nhưng cũng không có gì xuất sắc. Độ sáng màn hình đạt khá cao, góc mở tối đa là 120 độ, tuy không thể mở bằng một tay nhưng khớp mở khá trơn tru nhẹ nhàng. Phía trên màn hình là một webcam tích hợp với độ phân giải 0.3MP, đáp ứng nhu cầu video call.

Chất lượng âm thanh trên laptop HP xưa nay vẫn được đảm bảo với thương hiệu Altec Lansing, tuy nhiên trên G42 thì kích thước loa khá nhỏ, do đó âm lượng cũng rất hạn chế, hoàn toàn không đủ để cảm nhận âm trầm, âm cao bị vỡ tuy không rè khi mở âm lượng tối đa. Nhìn chung, loa trên G42 đủ để chống điếc, và bạn không nên chờ đợi gì vào hệ thống loa này mà hãy đầu tư thêm một chiếc headphone thật tốt.

Bàn phím – Touchpad

HP G42 sử dụng bàn phím liền, tuy không phải chicklet nhưng cũng có các rãnh nhỏ để tách biệt các phím với nhau. Cảm giác gõ trên G42 khá tốt, từ lực nảy cho đến hành trình phím, tuy nhìn bề ngoài thì không được đẹp mắt hay hấp dẫn gì cho lắm. Mặt phím nhám, tuy nhiên lại phẳng hoàn toàn, khiến tôi nhiều lúc khó phân biệt được các phím với nhau dễ dẫn đến gõ nhầm.

Kích thước touchpad trên G42 không to cũng không nhỏ, và góc trên bên trái có một khu vực có đèn LED màu đỏ, bạn chỉ cần double tap (chạm đôi) vào đấy để bật tắt touchpad. Điểm tôi không hài lòng ở touchpad này là nó sử dụng chất liệu và vân bề mặt y hệt như phần vỏ ngoài bên cạnh, đồng thời cũng không có bất kì đường gờ hay dấu hiệu nào cho phép người dùng nhận biết khu vực touchpad. Khi sử dụng trong phòng sáng thì không khó chịu lắm, nhưng tôi liên tục bị trượt tay ra ngoài touchpad do không cảm nhận được khu vực của nó trong bóng tối.

Phím touchpad cũng khá cứng và khó dùng, do độ nảy và lực phản hồi không đủ, thêm vào đó bề mặt phím hoàn toàn ngang bằng và gần giống như bề mặt touchpad, do đó cũng rất khó định vị. Nếu bạn chấp nhận được tất cả những điểm này, hay bạn có thói quen dùng chuột ngoài, thì touchpad của HP G42 cũng không có vấn đề gì khác.

Thời lượng pin – Nhiệt độ

Với CPU Core i5-560M 2.67GHz và card đồ họa ATI Mobility Radeon HD 5470, chiếc G42 tôi đang dùng có cấu hình cao nhất trong các sản phẩm được phân phối hiện tại. Pin 6 cell với dung lượng 47Wh cho thời lượng pin tạm ổn và không ngoài dự đoán: 3 tiếng lướt web và khoảng gần 2 tiếng xem phim. Khi chơi các tựa game phổ biến hiện nay với mức thiết lập trung bình, thời lượng pin giảm xuống chỉ còn hơn 1 tiếng.

Với mức cấu hình phổ thông như vậy, nhiệt độ trên G42 cũng không có gì đáng bàn. HP đã hoàn toàn khắc phục được “tiếng xấu” về nhiệt độ laptop của mình, và điều đó thể hiện rõ ở G42. Phần thềm để tay 2 bên touchpad hoàn toàn không nóng khi thực hiện các tác vụ thông thường, và máy chỉ hơi nóng đôi chút khi chơi game trong thời gian dài.

Thử nghiệm hiệu năng

Một số thử nghiệm hiệu năng của HP G42, bao gồm thử nghiệm tốc độ CPU bằng Cinebench, tốc độ tính toán tổng quát Geekbench, điểm số 3DMark 06, PCMark Vantage:

Tốc độ ổ cứng với HD Tune:

Thời gian hoàn thành một số tác vụ thực tế: Các ứng dụng thực tế là phép thử tiếp theo chúng tôi thực hiện. Với Excel, chúng tôi cho chạy file Monter Carlo, là một bảng số liệu kế toán trong một năm của một công ty. WinRAR 3.9 có nhiệm vụ nén một file tạp chí định dạng PDF thành RAR, thời gian được tính bằng đồng hồ bấm giờ. QuickTime 7.6 chuyển file video 720p Madagasca dung lượng 76MB thành file dùng cho iPhone, tương tự như WinRAR, chúng tôi dùng đồng hồ bấm giờ để đo đạc thời gian sử dụng.

Thử nghiệm benchmark với một số game phổ biến hiện nay:

Kết luận

Qua gần một tuần trải nghiệm HP G42, tôi cảm thấy khá hài lòng với những gì mà chiếc laptop này mang lại, trừ một số khuyết điểm nhỏ trong thiết kế. Hiệu năng máy không có gì để phàn nàn, tốc độ đáp ứng các ứng dụng là rất tốt ngay cả khi có nhiều chương trình đang được mở, công lớn thuộc về bộ xử lý Intel Core i5 và đồ họa Radeon HD 5470. Tuy nhiên, nếu bạn dư dả thì có thể nâng cấp thêm 1 thanh RAM 2GB DDR3 nữa để máy có thể hoạt động hiệu quả hơn với nhiều ứng dụng cùng lúc.

Bàn phím và touchpad của HP G42 vẫn còn vài khuyết điểm nhưng xét cho cùng thì nó cũng là một bộ input khá tốt trong các dòng laptop phổ thông. Thời gian sử dụng pin ở mức khá, gần 3h lướt web cho một chiếc máy 14 inch và được trang bị card đồ họa rời.

Tóm lại, với mức giá 18.271.000 VND (chưa VAT), HP G42 là một lựa chọn khá tốt dành cho người dùng phổ thông có ý định mua laptop sắp tới, đặc biệt là những ai yêu thích kiểu thiết kế tối giản và mang phong cách Envy nổi tiếng của HP.

Ưu điểm:

  • Thiết kế đẹp, sang trọng.
  • Các đặc điểm cấu tạo đều tốt so với các laptop trong cùng tầm giá.

Nhược điểm:

  • Touchpad thiết kế chưa tốt.
  • Bị một số lỗi thiết kế không đáng mắc phải (ví dụ: đèn báo ổ cứng).
  • Không có đặc điểm gì nổi trội trừ ngoại hình bên ngoài.