Xuất hiện vào ngày 17/03/2009, chiếc laptop Adamo được Dell xếp vào dòng sản phẩm sang trọng dành cho giới thượng lưu với thiết kế bên ngoài cực kỳ ấn tượng. Theo tiếng Latin, Adamo có nghĩa là yêu (fall in love with).
Cấu hình của Dell Adamo được tối ưu cho thiết kế siêu mỏng của nó. Được trang bị bộ xử lý tiết kiệm điện Intel Core 2 Duo SU9300 (có mức TDP chỉ 10W), cùng SSD Samsung 128GB là những đặc điểm nổi bật khi nhìn vào cấu hình của chiếc Adamo chúng tôi đang cầm trong tay.
Ngoài ra, nó được trang bị 2GB RAM, màn hình gương kích thước 13.4 inch độ phân giải 1366×768, các kết nối không dây như WiFi và cả 3G (tùy chọn nâng cấp thêm). Dell Adamo không được trang bị ổ đĩa quang gắn kèm theo máy, bạn có thể sử dụng ổ đĩa quang gắn ngoài kết nối qua cổng USB để theo dõi nội dung lưu trên đĩa quang trong trường hợp cần thiết. Đây là một vài điểm về cấu hình Adamo mà bạn nên biết trước khi chúng ta bắt đầu đi vào phần chi tiết hơn.
Nội dung bài viết
Trang 1: Thiết kế tổng quan
Trang 2: Bàn phím và Touchpad | Màn hình và Loa
Trang 3: Kết quả thử nghiệm hiệu năng | Thời gian sử dụng, nhiệt độ và độ ồn
Trang 4: Kết luận
Thiết kế tổng quan
Dell không hướng tới một thế hệ “Macbook Air killer” mới, và rõ ràng là Adamo được thiết kế với những nét đặc trưng rất riêng và có phong cách khác hẳn so với Macbook Air.
Toàn bộ phần thân máy được thiết kế từ một khuôn nhôm đặc được cắt gọt bằng lade mà chúng ta vẫn thường gọi là “unibody case”. Phần thân được gia công công phu cho phép Adamo giữ được dáng vẻ mảnh mai của mình nhưng vẫn đảm bảo sự chắc chắn của một chiếc laptop cao cấp.
Về màu sắc, Dell Adamo chỉ có hai phiên bản: Onyx màu đen và Pearl màu trắng. Nếu như phiên bản Onyx có phần nhôm đen ở mặt trên được mài xước, thì phiên bản Pearl lại được trang hoàng bằng các hoa văn khá sang trọng và độc đáo. Thú thật là rất khó để xác định xem Onyx hay Pearl đẹp hơn…
Mặt dưới hoàn toàn là một phiến nhôm mỏng ốp vào thân máy để che chắn cho các linh kiện bên trong. Khả năng nâng cấp RAM hay ổ cứng với bạn gần như là không thể. Miếng che này được ngắn chặt vào máy nhờ các ngàm đặc biệt, nếu bạn tò mò muốn mở tung Adamo thì hãy tham khảo trang iFixit.com, họ có hẳn một bài viết chi tiết hướng dẫn cách tháo tung Adamo.
Dell Adamo có hình dáng vuông vức với chiều dài 13.03 inch (33.1cm), chiều rộng 9.5 inch (24.13cm), độ dày 0.65 inch (1.65cm) đồng đều từ trước ra sau máy. Tôi thích thiết kế của Dell Adamo hơn Macbook Air. Apple đã “chơi chiêu” khi thiết kế Macbook Air với phần thân được vuốt mỏng về các cạnh trước, điều này cho phép họ quảng bá Macbook Air là chiếc laptop mỏng nhất thế giới với độ dày ở điểm mỏng nhất là 0.16 inch (4mm). Thế nhưng, phần phần sau “mập mạp” hơn lại có độ dày đến 0.76 inch (1.93cm).
Nói về trọng lượng, Dell Adamo có trọng lượng chỉ tính riêng phần máy là 1.8Kg, hơi nặng hơn một chút so với các máy có kích thước màn hình 13 inch cao cấp khác.
Dell Adamo được bố trí các cổng giao tiếp như Display Port (với đầu chuyển sang DVI đi kèm), 3 cổng USB 2.0 (1 cổng là eSATA/USB combo), ngõ ra âm thanh và cổng LAN RJ45.
Hầu hết các cổng giao tiếp của Dell Adamo được dời ra phía sau gáy của máy, riêng ngõ xuất âm thanh được bố trí ở cạnh phải. Đây thực sự là một thiết kế khá thông minh khi nó cho phép máy cung cấp đầy đủ các cổng giao tiếp cơ bản, đồng thời tạo đủ không gian để bạn có thể gắn đầu cắm hoặc USB một cách thoải mái nhất.
Tuy nhiên, khi sử dụng thì việc bố trí các cổng này ở gáy lại lộ ra một khuyết điểm, đó là bạn buộc phải đứng hẳn dậy hoặc tìm cách xoay máy để có thể thao tác với các cổng giao tiếp này. Đúng là hơi bất tiện.
Bạn sẽ dễ dàng chú ý thấy các lỗ vuông được cắt tạo hình ở khu vực gần các cổng xuất tín hiệu. Đóng vai trò là điểm nhấn trong thiết kế của Adamo, các lỗ này còn đảm đương nhiệm vụ thoát hơi nóng cho máy.
Vẻ ngoài sang trọng cùng các đặc điểm trang trí độc đáo, độ mỏng ấn tượng, rất cứng cáp khiến bạn khó có thể cưỡng lại được việc phải cầm và trải nghiệm Dell Adamo ít nhất là một lần.